Lời Chúa Mỗi Ngày: Chủ Nhật 11 Thường Niên, Năm C

cntn11Chủ Nhật 11 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: 2 Sam 12:7-10, 13; Gal 2:16-19, 21; Lk 7:36-50.
1/ Bài đọc I: 7 Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. 8 Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.
9 Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. 10 Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi.
13 Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.”

2/ Bài đọc II: 16 Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.
17 Nhưng nếu khi tìm cách nên công chính trong Đức Ki-tô mà chúng ta vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi, thì chẳng hoá ra Đức Ki-tô là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế!
18 Thật vậy, nếu tôi xây lại những gì tôi đã phá, thì tôi tỏ ra mình là kẻ phạm pháp.
19 Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. 21 Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.
3/ Phúc Âm: 36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! ”
40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! ” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.” 44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.
45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
________________________________________
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhu cầu cần xét mình để nhận ra tội và đừng kết án tha nhân.
Trong cuộc đời, con người thường nghĩ các quyết định của mình là đúng, cho tới giây phút nào đó, Thiên Chúa gởi người đến soi sáng và vạch ra những sai lầm của mình. Trong những giây phút được soi sáng như thế, con người phải khiêm nhường nhìn nhận khuyết điểm thì mới nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Nếu không, giây phút hồng ân đó qua đi và con người sẽ ôm hận suốt đời.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những trường hợp được Thiên Chúa soi sáng. Trong bài đọc I, tiên tri Nathan sửa lỗi vua David rất khéo, bằng cách kể cho nhà vua nghe một câu truyện bất công. Thoạt nghe, vua David nổi xung buộc tội anh nhà giàu giết chiên hàng xóm; nhưng Nathan tuyên án vua David: anh nhà giàu đó chính là nhà vua! Lúc đó vua David mới nhận ra lỗi mình mà kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc II, trước biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus, Phaolô vẫn nghĩ con người có thể được cứu độ bằng việc giữ trọn vẹn Lề Luật; nhưng sau biến cố được soi sáng đó, Phaolô phải khiêm nhường nhìn nhận: không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Vì thế, mọi người phải tin vào Đức Kitô mới được hưởng ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng kể một câu truyện và đòi người kinh sư phải trả lời; sau đó Chúa mới vạch trần sự khinh thường đón khách và sự kết án người khác của anh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC
1/ Bài đọc I: Tiên tri Nathan giúp cho vua David xét mình.
Để hiểu rõ trình thuật hôm nay, độc giả cần đọc lại những chương trước; nhất là câu truyện tiên tri Nathan kể về hai người hàng xóm trước đoạn này (2 Sam 12:1-6).
1.1/ Nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã làm cho nhà vua:
Sau khi Nathan kể chuyện, vua David bừng bừng nổi giận kết tội anh nhà giàu và ra hình phạt cho anh. Nhưng Nathan nói với vua David: “Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saul. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Israel và Judah. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.”
1.2/ Nhận ra tội lỗi nhà vua đã xúc phạm đến Thiên Chúa:
Vua David biết Nathan ám chỉ mình chính là người giàu có trong chuyện, và những gì xảy ra trong quá khứ David tưởng không ai biết giờ được Nathan thuật lại từng chi tiết.
(1) Tội giết người không vũ khí của David: Nathan tiếp tục: “Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Uriah, người Hittite; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammonites mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Uriah, người Hittite, làm vợ ngươi.” David không trực tiếp dùng gươm đâm, nhưng âm mưu gởi Uriah ra chỗ mặt trận gay cấn nhất mà không cho quân cứu viện để Uriah phải tử trận vào tay quân thù. Mục đích là để David lấy được bà Batsheba, vợ của Uriah.
(2) Vua David ăn năn thống hối: Bấy giờ vua David nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Ông Nathan nói với vua David: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.” Kể từ đó, bao nhiêu điều khốn khổ đã xảy ra trong nhà David; nhưng nhà vua không dám than phiền Thiên Chúa vì đã biết tội mình.
2/ Bài đọc II: Không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.
2.1/ Xét mình theo tương quan với Lề Luật:
Trình thuật của Thư Galat hôm nay là trọng tâm đạo lý của Thư. Để hiểu tại sao Phaolô có thể kết luận: “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Giêsu Kitô, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.” Chúng ta phải trở lại biến cố đã xảy ra cho Phaolô trên đường đi Damascus. Lúc đó, Phaolô còn là một “kinh sư thủ cựu” đang trên đường đi bắt bớ các tín hữu theo Đức Kitô tại Damascus; vì Phaolô nghĩ họ là những người chống lại Lề Luật tốt lành của cha ông để lại. Nhưng một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống làm ông ngã ngựa và bị mù. Sau đó, Đức Kitô Phục Sinh thân hành hiện đến với Phaolô và chứng minh cho ông Ngài vẫn sống.
Sau đó, Ngài mở mắt cả phần xác lẫn phần hồn cho Phaolô để ông hiểu: Lề Luật tốt lành, nhưng không một ai có thể giữ tất cả Lề Luật. Theo Lời Chúa phán với Moses, chỉ cần vi phạm một Luật thôi, con người cũng phải mang án tử. Vì vậy, không ai trở nên công chính nhờ việc giữ Luật, vì mọi người đều phạm tội. Hậu quả của tội là mọi người đều phải chết.
2.2/ Tại sao Đức Kitô phải đến?
Vì không ai có thể nên công chính và được cứu độ, nên Đức Kitô phải đến và lãnh hình phạt thay cho con người. Khi con người được xóa tội, con người được nên công chính với Thiên Chúa. Khi đã nên công chính, con người không phải chết nữa.
Vì thế, Phaolô xác tín: “Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích.”
3/ Phúc Âm: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Tại sao ông Pharisee Simon mời Chúa dùng bữa ăn? Chắc hẳn là không như một khách quí, vì ông đã không chu toàn nhiệm vụ hiếu khách. Chắc hẳn cũng không tìm cách hại Chúa như các kinh sư khác vì ông gọi Chúa bằng danh xưng Rabbi (Thầy). Nhưng có lẽ ông là người ở giữa muốn được phổ thông và cũng muốn được nghe Chúa dạy.
Người phụ nữ phải là khán giả của Chúa. Chị đã được nghe và cải hóa bởi những lời giảng dạy nên bày tỏ lòng ăn năn và tình yêu với Chúa. Sự kiện chị ấy xõa tóc trước công chúng bị coi là hành động không thể chấp nhận của một phụ nữ đứng đắn; nhưng chị không quan tâm vì chị sống thực lòng mình. Chị biết chị là người tội lỗi và nghĩ mọi người chung quanh biết điều đó, nên chẳng cần phải che đậy gì nữa.
Phong tục của người Do-thái: Khi khách đến thăm, chủ nhà sẽ đặt một tay trên vai khách và hôn khách, sau đó sẽ lấy nước rửa chân cho khách, sau cùng sẽ nhỏ trên đầu khách vài giọt dầu thơm. Ông kinh sư này đã không làm bất cứ thủ tục nào theo truyền thống cho Chúa Giêsu cả.
Không những thế, ông còn xét đoán cả Chúa và người phụ nữ: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”
3.1/ Chúa Giêsu mời ông Pharisee xét mình.
Giống như trình thuật Nathan-David trong bài đọc I, Chúa Giêsu cũng kể một câu truyện cho ông kinh sư. Thoạt nghe, ông kinh sư thấy chẳng có gì liên quan đến mình cả.
(1) Qua ví dụ hai con nợ: Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”
(2) Qua trường hợp cụ thể: Quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”
3.2/ Chúa Giêsu tha tội cho người phụ nữ.
Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Niềm tin của người phụ nữ biểu lộ qua tình thương chị dành cho Chúa Giêsu. Chúa không khen tội của người phụ nữ; nhưng Chúa tuyên dương hành động thống hối của chị. Chị biết mình có tội, và tội rất nhiều; nhưng chị tin vào lòng thương xót của Chúa Giêsu sẽ tha mọi tội cho chị. Vì chị có tội nhiều, nên chị biết ơn nhiều khi được tha nhiều. Và chị tìm thấy sự bình an.
Còn ông Pharisee, chúng ta không thấy trình thuật nói về phản ứng của ông, một lời xin lỗi Chúa cũng không thấy đề cập đến. Thực ra, mọi người đều có tội. Khi một người không cảm thấy có tội là do bởi xét mình chưa kỹ thôi. Điều nguy hiểm cho những người tự cho mình là công chính là họ không cần đến Chúa và tình thương tha thứ của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần phải thường xuyên xét mình để nhận ra tội lỗi và khẩn cầu ơn tha thứ của Chúa. Người không năng xét mình sẽ không nhận ra các tội để chừa.
– Sau khi đã hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta phải rộng lòng tha nhứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.
– Chúng ta cần phải tránh xa việc xét đoán tha nhân. Hãy để việc đó cho Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần biết một điều: đã là người ai cũng có những giây phút yếu lòng cả.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP