Với cuộc viếng thăm Marseille từ ngày 22 đến 23/9 để bế mạc “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải”, Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên trở lại Marseille sau 5 thế kỷ. Trước đó có hai Giáo hoàng đã để lại dấu ấn trong lịch sử Marseille, Đức Giáo Hoàng Urbano V và Đức Giáo Hoàng Clemente VII, cả hai đều có sự liên kết với tu viện Saint-Victor ở Marseille. Vị thứ ba, Đức Giáo Hoàng Gregorio XI, Giáo hoàng cuối cùng người Pháp, đã ở lại thành phố này 12 ngày trước khi lên đường đến Roma.
Đức Giáo Hoàng Urbano V, viện phụ người Marseille
Đức Giáo Hoàng Urbano V là viện phụ của đan viện Saint-Victor danh tiếng ở Marseille trong thời trung cổ hưng thịnh. Viện phụ ở Marseille được bầu Giáo hoàng vào ngày 28/9/1362, khi đang đi thi hành sứ vụ ngoại giao ở Napoli. Ngay lập tức vị Giáo hoàng tương lai trở về Marseille và đến Avignon bắt đầu thi hành sứ vụ Phêrô vào ngày 06/11/1362.
Đức viện phụ trở thành người kế vị thứ 200 của Thánh Phêrô và là người thứ 6 kể từ khi thánh đô của Công giáo chuyển đến Avignon. Đức Giáo Hoàng Urbano V là người mong muốn đưa ngai toà giáo hoàng từ bờ sông Rhône trở lại bờ sông Tiber. Một thành công ngắn ngủi. Sau cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh làm xáo trộn Roma, Đức Giáo Hoàng Urbano V buộc phải quay trở lại Provence, nơi ngài qua đời ở Avignon vào năm 1370. Hài cốt của ngài được chuyển đến đan viện Saint-Victor ở Marseille, nhưng ngôi mộ đã biến mất trước Cách mạng Pháp. Hiện nay một bản sao của hình Đức Giáo Hoàng Urbano V được bảo tồn và tôn kính ở đan viện Saint-Victor.
Người kế vị ngai toà Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gregorio XI (từ năm 1370 đến 1378), ở lại cảng Phocaean mười hai ngày trước khi lên đường đến Roma. Tại đây, ngài cố gắng duy trì sự hiện diện của các Giáo hoàng.
Nước Pháp thời Phục hưng, Florence và Marseille
Cuối cùng, viện phụ của Saint-Victor ở Marseille từ năm 1517 đến 1523, Florentine Jules de Medici, trở thành Đức Giáo Hoàng Clementê VII vào năm 1523. Năm thứ mười triều Giáo hoàng, nhằm duy trì mối quan hệ với chế độ quân chủ Pháp, Đức Giáo Hoàng Clementê VII đến Marseille bằng đường biển để cử hành lễ cưới của vị vua tương lai Henry II với Catherine de Medici, cháu gái của ngài. Đó là ngày 28/10/1533, và cũng là năm cuối cùng Giáo Hoàng hiện diện tại Marseille.
Lời kêu gọi Marseille của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, nhiều linh mục và giám mục đã đến Marseille và sau này trở thành Giáo hoàng. Điều này liên quan đến Đức Piô IX tương lai năm 1823, Đức Lêô XIII năm 1843, Đức Biển Đức XV năm 1913, Đức Piô XI năm 1893, Đức Gioan XXIII năm 1905 và Đức cha Montini, tức Đức Phaolô VI tương lai, năm 1934.
Vào năm 1947, Đức Gioan Phaolô II, khi đó còn là một linh mục trẻ được truyền cảm hứng từ Phái đoàn Công nhân, được thành lập bởi cha Jacques Loew – cha sở Đa Minh ở các quận phía bắc Marseille, đã đến dâng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Notre-Dame de la Garde. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Pháp bảy lần, nhưng không đi qua Marseille. Đức Biển Đức XVI đã thực hiện chuyến tông du bốn ngày tới Pháp cách đây 15 năm, vào tháng 9/2008, tại Paris và Lộ Đức, và không đến Marseille.
Đức Thánh Cha Phanxicô, Strasbourg và Marseille
Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đang thực hiện chuyến tông du thứ hai tới một thành phố của Pháp, ở Marseille, nhưng chưa từng thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước nào đến Pháp. Vào ngày 25/11/2014, Đức Giáo Hoàng người Argentina đã dành 4 giờ ở Strasbourg, dành riêng cho Nghị viện Âu châu và Hội đồng Âu châu. Và rồi, trên chuyến bay trở lại Roma, được hỏi về việc ngài không đến đất nước này, Đức Thánh Cha trả lời ngài có ý định đến một thành phố khác của Pháp, nơi chưa có Giáo hoàng nào đến để thăm những cư dân ở đó.
Vào ngày 6/8, trong cuộc họp báo trở về từ Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Giám mục Roma cho biết ngài ưa thích các nước nhỏ hơn là “các nước lớn” như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, những nước mà ngài “để đi sau”. “Đó là một chính sách”, Đức Thánh Cha khẳng định và đảm bảo rằng ngài “không có gì chống lại” họ.
Nguồn : Vatican News