Chúa Nhật 1/8, rất đông tín hữu và khách hành hương đã hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô từ sớm để cùng đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lúc 12 giờ trưa. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: trong số rất nhiều cám dỗ, có một cám dỗ mà chúng ta thường gặp, có thể gọi là “cám dỗ thần tượng”. Đó là cám dỗ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để nhờ vả và xin giải quyết các vấn đề. Nhưng trước hết, Chúa muốn sống mối tương quan tình yêu với chúng ta.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Phần mở đầu của Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay (x. Ga 6, 24-35) cho chúng ta thấy một số con thuyền tiến về Ca-phác-na-um: đám đông đang đi tìm Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nghĩ rằng đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, Tin Mừng dạy chúng ta rằng tìm kiếm Chúa thôi chưa đủ, chúng ta còn phải tự hỏi: tại sao chúng ta tìm kiếm Người. Thật vậy, Chúa Giê-su khẳng định: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng bởi vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26). Thật vậy, người ta đã chứng kiến sự kỳ diệu của việc hoá bánh ra nhiều, nhưng không hiểu được ý nghĩa của cử chỉ đó: họ đã dừng lại ở phép lạ bên ngoài và dừng lại ở chiếc bánh vật chất: họ chỉ ở đó, không đi xa hơn đến ý nghĩa của điều này.
Vì vậy, đây là một câu hỏi đầu tiên mà tất cả chúng ta có thể tự hỏi: tại sao chúng ta tìm kiếm Chúa? Tại sao tôi tìm kiếm Chúa? Đâu là lý do cho đức tin của tôi, cho đức tin của chúng ta? Chúng ta cần phải phân biệt điều này, bởi vì trong số rất nhiều cám dỗ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, trong số rất nhiều cám dỗ, có một cám dỗ mà chúng ta có thể gọi là cám dỗ thần tượng. Đó là điều thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để sử dụng và tiêu dùng, để giải quyết các vấn đề, để nhờ vả Người về những gì chúng ta không thể tự mình có được, vì mối lợi. Nhưng với cách này, đức tin vẫn còn hời hợt và đức tin vẫn là chạy theo dấu lạ: chúng ta tìm kiếm Chúa để nuôi sống mình và sau đó chúng ta quên Người khi chúng ta no đủ. Ở trung tâm của đức tin non nớt này, không có Chúa, chỉ có những nhu cầu của chúng ta. Tôi nghĩ đến sở thích của chúng ta, nhiều thứ … Chúng ta trình bày những nhu cầu của mình với Chúa là đúng, nhưng trên hết Chúa, Đấng hành động vượt xa sự mong đợi của chúng ta, mong muốn sống với chúng ta bằng một mối quan hệ yêu thương. Và tình yêu đích thực là vị tha, là hoàn toàn nhưng không, miễn phí: người ta không yêu để nhận lại một mối lợi!
Một câu hỏi thứ hai có thể giúp ích cho chúng ta, câu hỏi mà đám đông hỏi Chúa Giê-su: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn” (c. 28). Điều này giống như, được Chúa Giêsu gợi mở, họ hỏi: “Làm sao chúng tôi có thể thanh lọc việc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng tôi? Làm thế nào để chuyển từ một đức tin tìm dấu lạ, vốn chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, sang một đức tin đẹp lòng Chúa?”. Và Chúa Giêsu đã chỉ đường: Người trả lời rằng việc Chúa muốn các ông làm là đón nhận Đấng mà Chúa Cha đã sai đến, tức là đón tiếp chính Người, Giêsu, chứ không phải là làm thêm các thực hành tôn giáo hay tuân giữ các giới luật đặc biệt; là chào đón Chúa Giêsu, đón nhận Người vào cuộc sống chúng ta, là sống một câu chuyện tình yêu với Chúa Giêsu. Chính Người sẽ thanh luyện đức tin của chúng ta. Một mình chúng ta không thể. Nhưng Chúa mong muốn có một mối tương quan yêu thương với chúng ta: yêu mến Người trước những điều chúng ta lãnh nhận và làm. Có một mối tương quan với Người, vượt lên trên luận lý lợi ích và toan tính.
Điều này đúng trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng nó cũng đúng trong các mối quan hệ giữa con người và xã hội chúng ta: khi chúng ta chỉ lo tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu của mình, chúng ta có nguy cơ sử dụng con người và khai thác các hoàn cảnh cho mục đích của mình. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe người nào đó nói: “Họ sử dụng người ta rồi họ quên”. Sử dụng người khác vì lợi ích cá nhân: Thật là tồi tệ. Và một xã hội tập trung vào lợi ích thay vì con người là một xã hội không tạo ra sự sống. Lời mời gọi của Tin Mừng là thế này: thay vì chỉ quan tâm đến bánh vật chất nuôi sống chúng ta, chúng ta chào đón Chúa Giêsu như bánh hằng sống và bắt đầu từ tình bạn với Người, chúng ta học cách yêu thương nhau. Miễn phí và không tính toán. Yêu một cách tự do, không tính toán, không lợi dụng người khác, với tính nhưng không, với lòng quảng đại và cao cả.
Chúng ta cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ, đấng đã sống một câu chuyện tình yêu đẹp nhất với Thiên Chúa, ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta mở lòng gặp gỡ Con của Mẹ.
Văn Yên, SJ – Vatican News
Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08/kinh-truyen-tin-can-tu-hoi-tai-sao-tim-kiem-chua.html