Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 24/04, Chúa Nhật II Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha chia sẻ về hai nhân vật của bài Tin Mừng hôm nay. Đó là ông Tôma và Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, ngày cuối của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta về lần hiện ra thứ nhất và thứ hai của Chúa Phục Sinh với các môn đệ. Chúa Giêsu đến vào ngày Phục Sinh, trong khi các Tông đồ đang đóng cửa trong Nhà Tiệc Ly vì sợ hãi, nhưng vì ông Tôma, một trong Nhóm Mười Hai, không có mặt, nên tám ngày sau Người lại trở lại (x. Ga 20,19-29). Hãy tập trung vào hai nhân vật chính, Tôma và Chúa Giêsu, trước hết là nhìn vào người môn đệ và sau đó là Thầy Giêsu. Một cuộc đối thoại đẹp giữa hai nhân vật này.
Trước hết là tông đồ Tôma. Ông đại diện cho tất cả chúng ta, những người không có mặt trong Nhà Tiệc Ly khi Chúa hiện ra, và chúng ta không có những dấu hiệu thể lý hay lần hiện ra nào khác từ Người. Giống như ông Tôma, đôi khi chúng ta cũng tranh cãi: Làm thế nào để có thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Người đồng hành với chúng ta và Người là Chúa của cuộc sống chúng ta dẫu không thấy hay chạm vào Người? Làm thế nào mà người ta có thể tin vào điều này? Tại sao Chúa Giêsu không cho chúng ta một số dấu hiệu rõ ràng hơn về sự hiện diện và tình yêu của Người? Một vài dấu hiệu nào đấy giúp tôi có thể tin tưởng hơn… Ở đây, chúng ta cũng giống như ông Tôma, cũng với những hoài nghi đấy, với những lý luận đấy.
Nhưng chúng ta không cần xấu hổ về điều này. Thực ra, khi kể cho chúng ta câu chuyện về Tôma, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo. Chúa Giêsu không tìm những Kitô hữu hoàn hảo. Tôi nói với anh chị em rằng: tôi sợ khi tôi thấy một Kitô hữu nào đó, hay một hội đoàn Kitô hữu nào đó, họ tin mình hoàn hảo. Chúa Giêsu không tìm những Kitô hữu hoàn hảo; Chúa Giêsu không tìm kiếm những Kitô hữu vốn là những người không bao giờ nghi ngờ và luôn khoe khoang một đức tin chắc chắn. Khi một Kitô hữu như vậy, thì có một điều gì không ổn. Không, cuộc phiêu lưu của đức tin, như đối với Tôma, được tạo nên từ ánh sáng và mờ tối. Nếu không, đó sẽ là đức tin nào? Nó cho thấy những phút giây an ủi, hăng hái và nhiệt tình, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, hoang mang, nghi ngờ và tăm tối. Tin Mừng cho chúng ta thấy sự “khủng hoảng” của ông Tôma để nói với chúng ta rằng chúng ta đừng sợ những khủng hoảng về đời sống và đức tin. Những khủng hoảng đó không phải là tội lỗi, nhưng chúng là cuộc hành trình, chúng ta không cần phải sợ hãi chúng. Nhiều khi, chúng khiến chúng ta phải khiêm tốn, bởi vì chúng tước bỏ ý tưởng của chúng ta về việc trở nên yên vị, tốt hơn những người khác. Những cơn khủng hoảng giúp chúng ta nhận ra mình đang cần: chúng ta cần Chúa và do đó, chúng cần trở lại với Chúa, chạm vào vết thương của Người, để cảm nghiệm lại tình yêu của Người như lần đầu tiên. Anh chị em thân mến, một đức tin không hoàn hảo nhưng khiêm tốn thì tốt hơn. Nó luôn luôn quay trở lại với Chúa Giêsu. Một đức tin mạnh mẽ nhưng tự phụ khiến chúng ta tự hào và kiêu ngạo. Thật khốn, khốn cho điều này!
Và trước sự vắng mặt và theo hành trình của Tôma, và cũng thường là của chúng ta, Chúa Giêsu có thái độ như thế nào? Phúc Âm hai lần nói rằng Người “đã đến” (x. Ga 20,19.26). Lần đầu tiên, rồi lần thứ hai, tám ngày sau. Chúa Giêsu không bỏ cuộc, không mệt mỏi với chúng ta, Người không sợ những khủng hoảng và yếu đuối của chúng ta. Người luôn luôn trở lại: khi cánh cửa đóng lại, Người trở lại; khi chúng ta nghi ngờ, Người trở lại. Giống như ông Tôma, khi chúng ta muốn gặp Người và chạm vào Người, Người sẽ trở lại. Chúa Giêsu luôn trở lại, luôn gõ cửa chúng ta và Người không trở lại với những dấu hiệu mạnh mẽ khiến chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé và bất xứng, cũng như hổ thẹn, mà bằng những vết thương của Người, Người trở lại để cho chúng ta thấy những vết thương của Người, những dấu chỉ của tình yêu đã ôm lấy sự yếu đuối của chúng ta.
Anh chị em thân mến, nhất là khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi hay những lúc khủng hoảng, Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, mong muốn trở lại ở với chúng ta. Người chỉ đợi chúng ta tìm kiếm Người, để cầu khẩn Người, thậm chí, giống như ông Tôma, chúng ta phản đối qua việc trút cho Người những đòi hỏi của chúng ta và sự không tin tưởng của chúng ta. Người trở lại. Tại sao thế? Bởi vì Người kiên nhẫn và nhân từ. Người đến để mở toang căn phòng của nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của chúng ta, bởi vì Người luôn muốn cho chúng ta một cơ hội khác. Chúa Giêsu là Đấng trao những cơ hội khác : Đấng luôn trao những cơ hôi khác. Chúng ta hãy nghĩ đến lần cuối cùng, chúng ta hãy nghĩ một chút thôi, mà ở đó, trong một thời điểm khó khăn hoặc một giai đoạn khủng hoảng, chúng ta tự khép mình, tự rào mình trong những vấn đề của mình và để Chúa Giêsu ra khỏi nhà. Và chúng ta hãy tự hứa với mình, lần sau, trong khó khăn, chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu và trở về với Người, với sự tha thứ của Người, Người luôn luôn tha thứ, luôn luôn, chúng ta hãy trở về với những vết thương đã chữa lành cho chúng ta. Do đó, chúng ta cũng sẽ có khả năng thương cảm, đến gần vết thương của người khác mà không cứng nhắc và không thành kiến.
Xin Đức Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót, tôi rất thích nghĩ đến Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào ngày thứ Hai, là ngày sau Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên hành trình đức tin và tình yêu.
***
Sau khi kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha gửi lời chúc Phục Sinh đến các Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Chính Thống. Chúa Kitô đã sống lại, đã thực sự sống lại! Xin Người đổ đầy niềm hy vọng cho những trái tim đang mong chờ. Đã sau hai tháng trôi qua kể từ khi chiến tranh nổ ra, thay vì dừng lại thì lại ngày càng leo thang. Thật đáng buồn là trong những ngày lễ thiêng liêng và trọng thể đối với tất cả các Kitô hữu, thì tiếng gầm thét của vũ khí hủy diệt lại lấn át tiếng chuông ngân Phục Sinh. Thật đáng buồn! Tôi xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho hòa bình và can đảm nói rằng, hòa bình là có thể. Xin các nhà lãnh đạo hãy lắng nghe tiếng nói của người dân, những người muốn hòa bình.
Sau đó, ngài cũng nhắc đến cuộc hành hương của các tín hữu tại Cameroon xin ơn hòa bình cho đất nước. Ngài cũng chào các khác hành hương và các tín hữu có mặt tại quảng trường.
Sau cùng, ngài chúc mọi người một Chúa Nhật bình an và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-04/kinh-lay-nu-vuong-thien-dang-24-04.html