HIỆP SỐNG TIN MỪNG, LỄ ĐÊM GIÁNG SINH A.B.C, LỄ RẠNG ĐÔNG, LỄ BAN NGÀY

mcgsHIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH A.B.C
Is 9,1-6 ; Tt 2,11-14 ; Lc 2,1-14
SỨ ĐIỆP YÊU THƯƠNG CỦA MẦU NHIỆM GIÁNG SINH
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 2,1-14
(c 1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (c 2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (c 3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (c 4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (c 5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (c 6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. (c 7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (c 8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đoàn vật. (c 9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (c 10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: (c 11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (c 12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.(c 13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (c 14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng Lu-ca mô tả hoàn cảnh và thời gian của Con Thiên Chúa giáng trần: Tuy được sinh ra trong cảnh nghèo hèn… nhưng Người lại là Thiên Chúa quyền năng. Người đời đã hất hủi xua đuổi Đấng Cứu Thế trong khi các thiên thần lại vui mừng hát ca. Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót đã đến trong thân phận nghèo hèn để đồng cảm với người nghèo và mời gọi mọi người hãy yêu thương nhau, thể hiện qua việc quảng đại chia sẻ cơm áo và niềm vui cho nhau.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1 : + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
– C 2 : + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bê-lem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
– C 5 : + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
– C 7 : + Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Lu-ca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Mô-sê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ: Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
– C 11 : + Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
– C 14 : + Bình an dưới thế”: Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6 ; Mk 5,4).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?
ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào? :
+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-an và “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-an rước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết, nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa (Lc 2,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MÓN QUÀ GIÁNG SINH QUÍ NHẤT
Người ta tìm thấy trên bàn làm việc của một ông giám đốc xí nghiệp vừa từ trần một bức thư với nội dung như sau: “Thưa ông giám đốc, chiều nay tôi và cả gia đình tôi mới nhận được một tin vui là ông giám đốc đã nhận tôi vào làm công nhân trong nhà máy của ông. Tôi coi tin này là một món quà to lớn trong mùa Giáng Sinh năm nay. Vì từ hôm nay, vợ con tôi lại có cơm ăn áo mặc hàng ngày và có tiền để trang trải các khoản chi phí mà chúng tôi đang thiếu hụt. Tôi xin chân thành cám ơn ông giám đốc”. Bên dưới bức thư này có mấy dòng chữ của ông giám đốc mới qua đời phê vào bức thư như sau: “Bức thư này quả là một món quà tinh thần quí giá nhất mà tôi đã nhận được trong lễ Giáng Sinh năm nay. Tôi chắc sẽ không bao giờ quên được niềm vui lớn lao mà món quà này đã mang lại cho tôi”.
2) MỘT LỄ GIÁNG SINH ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN 23:
Theo một thông lệ từ lâu trong Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đều bị hạn chế đi lại trong bốn bức tường rào của điện Va-ti-can và không được tự do ra ngoài. Đây là điều Đức Gio-an 23 khi mới được bầu làm Giáo Hoàng cảm thấy vô lý. Cuối cùng ngài đã quyết định phá bỏ thông lệ ấy. Ngài chia sẻ: “Vào ngày Lễ Giáng Sinh năm đầu tiên làm Giáo Hoàng, tôi muốn đến thăm các trẻ em đau yếu đang được điều trị tại bệnh viện Chúa Giê-su Hài Đồng ở thủ đô Rô-ma. Nếu lễ Giáng Sinh là lễ của các trẻ em thì tại sao môt vị Giáo Hoàng lại không đến thăm các em? ”. Thế là vị Giáo Hoàng được mệnh danh là người cha hiền từ, đã quyết định ra ngoài Va-ti-can để đến gặp gỡ các em bệnh nhi tại bệnh viện dành riêng cho các em. Vừa thấy bóng ngài, các em đã réo gọi ngài bằng tên Gio-an như một người bạn thân. Ngài đã gặp gỡ chuyện trò thân mật với các em. Ngài ngồi bên cạnh một em bé bị thương nặng thể hiện lòng nhân từ thương xót của Chúa Giê-su. Sau này Ngài đã coi Lễ Giáng Sinh năm đó là ngày đẹp nhất trong đời giáo hoàng của ngài và cũng là ngày vui vẻ hạnh phúc nhất đối với các em nhi đồng.
3. THẢO LUẬN:
Đấng Cứu Thế đến thiết lập một Nước Trời bình an, hy vọng, vui tươi và hạnh phúc. Trong Mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta cần làm gì cụ thể để tích cực cho Nước Trời ấy mau đến ngay tại gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng ta?
4. SUY NIỆM:
1) Giáng Sinh là lễ của tình thương: Thiên Chúa là Tình yêu đã sai Con Một xuống thế cứu chuộc làm người là Đức Giê-su. Người là Lời sáng tạo quyền năng nhưng đã hóa nên một trẻ thơ yếu đuối, sinh bởi một trinh nữ, nên giống như chúng ta mọi đàng ngọai trừ không có tội. Khi giáng sinh, Người đã hóa nên một trẻ thơ để mời gọi mọi người yêu thương trẻ nhỏ, nâng đỡ người nghèo hèn. Đến ngày tận thế, Đức Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ tái lâm để phán xét chung mọi người: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
2) Giáng Sinh là Tin Mừng trọng đại cho tòan dân: Trong bài Tin Mừng hôm nay sứ thần đã báo tin vui cho các mục đồng ở ngọai ô Bê-lem : “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người.: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2, 10-12). Trong Mùa Giáng Sinh này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để chia sẻ tin mừng cho tha nhân bên cạnh ?
3) Giáng Sinh với việc thực hiện bài ca thiên thần: Lời ca khen hát mừng của các sứ thần trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” vẫn luôn vang lên trong dịp Giáng Sinh và cần phải được tiếp tục vang lên trong tâm hồn của các tín hữu, biến thành lời ca chúc bình an với ước mong cho mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đều đem bình an hạnh phúc cho tha nhân. Chúng ta hãy noi gương các mục đồng ở Bê-lem cùng nhau đến thăm viếng giúp đỡ những trẻ Giê-su khó nghèo tại các trại mồ côi, an ủi những ai đang bị giam cầm và những tâm hồn đau khổ bị đối xử bất công giữa lòng xã hội. Đêm nay, dưới gầm cầu, bên hàng hiên của những ngôi nhà cũng vẫn còn đó những trẻ Giê-su đang nằm co ro vì lạnh, vì đói và vì không có nhà để đi về…
4) Giáng Sinh – lễ của niềm vui chia sẻ: Vào dịp lễ Giáng Sinh, người ta thường thể hiện tình cảm quí mến đối với bạn bè và những người thân quen, bằng việc gửi đi những cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Theo phong tục của những nước phương tây, buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh, cha mẹ thường thay ông già No-en tặng quà cho con cái của mình, người lãnh đạo tặng quà cho các nhân viên thuộc cấp, chủ nhà tặng quà cho các người giúp việc… còn chúng ta thì sao? Trong mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ tặng gì cho những người thân quen, những người đã giúp đỡ chúng ta suốt năm qua, nhất là những người đáng thương như các cụ già neo đơn, các bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang, các người mù lòa khuyết tật và những người đang lang thang đầu đường xó chợ…?
5. NGUYỆN CẦU:
– Lạy Chúa Giê-su. Trong đêm Giáng Sinh, Hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã lâm vào hoàn cảnh cùng cực tại thành Be-lem, khi Đức Ma-ri-a phải sinh con trong một chuồng chiên nghèo hèn, giữa cảnh trời đồng lạnh giá. Tin Mừng đã ghi lại như sau: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Ôi! Thật trớ trêu: “Ngôi Lời Thiên Chúa ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,5.10-11).
– LẠY CHÚA. Hôm nay Giáng Sinh lại về. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người quên ngủ, vui vẻ liên hoan… Kìa, hai người lữ hành Be-lem đã từng lỡ bước đêm xưa vẫn đang còn lỡ bước đêm nay, vì các chủ quán trọ năm xưa vẫn đang còn đó! Giàu: chủ đón rước vào nghỉ trong khách sạn. Nghèo: hãy theo gót Giu-se Ma-ri-a ra vỉa hè công viên hoặc tại những nơi đầu đường xó chợ! Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn thấy hài nhi Cứu Thế đang hiện thân nơi những kẻ nghèo hèn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị, những trẻ em đang sống lang thang hè phố, những cụ già cô độc không con cái chăm sóc… để chúng con biết thể hiện tình thương đối với họ bằng những việc làm cụ thể như: thăm viếng và chia sẻ tình người, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó, chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ đích thực của Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ GIÁNG SINH ABC
RẠNG ĐÔNG (Lc 2,15-20)
ĐI TÌM CHÚA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG ƠN CỨU ĐỘ
I. HỌC LỜI CHÚA
1) TIN MỪNG: (Lc 2,15-20)
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (c. 15). Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (c. 16). Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này (c. 17). Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên (c. 18). Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (c. 19). Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ (c. 20).
2) Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Nội dung ghi lại thái độ của các mục đồng sau khi được sứ thần hiện đến loan báo tin vui về sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Họ đã tích cực đáp trả bằng cách vội vã rủ nhau lên đường đi sang thành Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra mà Chúa mới cho biết. Theo lời sứ thần hướng dẫn, họ đã sớm tìm thấy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đứng bên. Rồi họ thuật lại mọi sự từ khi được sứ thần loan báo tới việc tìm thấy Hài Nhi, đúng với những điều họ đã nghe biết. Cuối cùng họ vui vẻ về nhà, vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã ban Đấng Cứu Thế cho loài người.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1) LỜI CHÚA: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).
2) CÂU CHUYỆN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Vào thời trung cổ, ở nước Nga, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) hoàng tử có một tình thương rất đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Hầu như ngày nào hoàng tử cũng dành ra buổi chiều để đi đến các xóm nghèo và ân cần thăm hỏi giúp đỡ những ai gặp cảnh khó khăn cơ cực. Tuy vậy, hoàng tử rất ngạc nhiên khi thấy dân chúng tỏ vẻ thờ ơ khi thấy chàng xuất hiện. Một hôm hoàng tử đến gặp một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan để xin chỉ giáo phương cách chinh phục tình cảm của dân chúng.
Một thời gian khá lâu sau đó người ta không thấy hoàng tử xuất hiện đi thăm người nghèo. Nhưng rồi một ngày kia, dân chúng lại thấy một người tuổi trung niên đến thăm khu xóm nghèo. Khác với hoàng tử trước kia ăn mặc sang trọng, còn người này mặc áo quần màu trắng đơn sơ giống như một thầy thuốc. Ông ta thuê một căn nhà bình thường để ở. Rồi hàng ngày từ sáng sớm đã ra khỏi nhà, tay xách một chiếc cặp đựng các dụng cụ y tế và thuốc men. Ông ta đến thăm các gia đình có người đau nặng để khám bệnh và phát thuốc miễn phí chữa bệnh. Ông thầy thuốc này có tài chữa bệnh, nên rất nhiều bệnh nhân bị những chứng nan y nhưng chỉ được ông chữa vài lần là khỏi hẳn. Không bao lâu, ông ta đã chinh phục được cảm tình quí mến của mọi người lớn bé trong vùng. Đây là điều mà trước đó hoàng tử A-lếch-xít không sao đạt được. Ông thầy thuốc kia đã dần dần được nhiều người tín nhiệm. Mỗi khi thấy ông là mọi người bu lại chung quanh nhờ cậy. Hôm thì ông dàn hòa được hai người đang tranh cãi ẩu đả nhau. Hôm khác ông lại hòa giải được đôi vợ chồng giận ghét muốn lìa bỏ nhau. Ông cũng hòa mình chơi chung và khuyên dạy các trẻ em ngỗ nghịch dần dần trở nên ngoan ngoãn dễ dạy và học hành tấn tới.
Thật ra người thầy thuốc đó không ai khác hơn chính là hoàng tử A-lếch-xít. Sau khi gặp vị ẩn sĩ, và nghe lời khuyên của vị này, hoàng tử dành thời giờ đi học nghề thuốc với một thầy thuốc tài giỏi khoảng mười năm. Sau khi thành tài, hoàng tử đã rời bỏ cung điện, đến sống hòa mình giữa xóm lao động nghèo khó, trở thành một người như họ và tận tình yêu thương phục vụ họ. Chính tình thương kèm theo sự khiêm hạ và hy sinh của hoàng tử, đã đem lại kết quả tốt đẹp: Hoàng tử đã chinh phục được tình cảm yêu mến kính trọng của thần dân, đặc biệt là những người nghèo khổ bất hạnh.
3) SUY NIỆM:
– Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện chính là hình ảnh của Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su. Người đã yêu thương nhân loại chúng ta và đã từ trời cao xuống thế làm một người phàm. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời lao động vất vả tại làng Na-da-rét như bao người khác. Người đã trở thành EM-MA-NU-EN nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Quả thật: “Con Thiên Chúa đã trở nên con loài người, để làm cho con loài người trở nên Con Thiên Chúa”.
– Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se quì gối thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên để thở hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh. Việc dựng các hang đá như trên đã có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó đang là bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó, việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia ngày càng phổ biến và trở thành tập tục chung của cả thế giới.
– Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng, và biểu lộ tình yêu bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ, lập ra các phép bí tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, rồi sống lại để ban lại sự sống cho chúng ta. Người đã mở ra con đường lên trời cho chúng ta. Đó là con đường yêu thương, quên mình và phục vụ. Đó là chấp nhận “Qua đau khổ tử nạn vào vinh quang phục sinh”. Người mời gọi chúng ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Người. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ được sống lại với Người, và sau này sẽ cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên đàng với Người.
4) THẢO LUẬN: Trong những ngày này chúng ta sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và những người chưa nhận biết Chúa?
5) LỜI NGUYỆN
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa mang ơn cứu độ xuống cho trần gian. Nhưng loài người chúng con chỉ đón nhận được ơn cứu độ của Chúa nếu chúng con biết đi tìm kiếm Chúa. Chúa luôn phát ra tín hiệu để mời gọi và không ngừng chờ mong chúng con đáp trả. Xin cho chúng con biết noi gương các mục đồng: rủ nhau đi sang Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế mà họ mới được sứ thần báo tin mới sinh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ GIÁNG SINH ABC
BAN NGÀY (Ga 1,1-18)
ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN CHIẾU SOI CHO MỌI NGƯỜI TRONG TRẦN THẾ

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 1, 1-18
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian,và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng lễ Ban Ngày mừng Chúa Giáng Sinh chính là Lời tựa của sách Tin Mừng theo thánh Gio-an (1,1-18). Nội dung bài Tin Mừng gồm hai điều như sau:
Một là trình bày Đức Giê-su chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Sự Sống và là Ánh Sáng chiếu soi cho trần gian (1,1-13).
Hai là Người đến để ban ân sủng cứu độ và mặc khải sự thật về Thiên Chúa cho nhân loại (1,14.16-18).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”. (Ga 1,14).
2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:
1) GIÁNG SINH LÀ LỄ HỘI VUI MỪNG CHUNG CỦA TOÀN THỂ NHÂN LOẠI:
– Hai em học sinh nói chuyện với nhau, một em hỏi bạn: “Bạn có biết lễ gì mà hầu hết mọi người trên thế giới đều biết và chia sẻ niềm vui cho nhau không?”
Người bạn kia ấp úng trả lời: “Đó là lễ mừng Chúa Giáng Sinh của đạo Công giáo đấy”.
– Niềm tự hào của em bé đó cũng có thể là niềm tự hào của mọi tín hữu chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một lễ hội chung của mọi người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi, nhất là đối với các tín hữu chúng ta, là có mấy ai trong chúng ta đã hiểu và sống đúng ý nghĩa của mầu nhiệm lễ Giáng Sinh hay không?
2) GIÁNG SINH MỜI GỌI CHIA SẺ TÌNH NGƯỜI:
– Hôm ấy, vào đêm vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em tàn tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của phụ huynh và ân nhân.
Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nagiaret, với sắc lệnh của Hoàng đế Xê-sa-rê Au-gút-tô. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a vào quán trọ, bị chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh Chúa Giáng Sinh trong hang lừa máng cỏ.
Ban giám đốc và các phụ huynh khá lo âu, sợ các em diễn xuất vụng về. Nhưng màn đầu diễn ra tốt đẹp. Qua màn hai, người ta thấy Giu-se và Ma-ri-a đến gõ cửa các quán trọ. Nhìn thấy ông Giu-se áo quần nghèo khó, còn Ma-ri-a lại đang bụng mang dạ chửa, các chủ quán đã giơ tay xua đuổi lia lịa với lời từ chối: “Không có chỗ, không có chỗ ! “ Hai vợ chồng lên tiếng năn nỉ vì trời đêm giá lạnh. Chủ quán tỏ vẻ lưỡng lự, những rồi sau đó chỉ vào hàng chữ trên quán: “Không còn chỗ”. Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra. Nhưng khi thay vì nói: “quán đã hết chỗ” theo kịch bản, thì em đóng vai chủ quán đã nghẹn ngào không nói nên lời. Em đưa tay ra giật tấm bảng có ghi hàng chữ “Không còn chỗ” xuống, và nói trong nước mắt: “Con xin nhường phòng con cho hai người !”.
Trước cảnh xảy ra bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ vẻ lúng túng và cho ngưng vở diễn vì đã ra ngoài kịch bản. Nhưng hầu như toàn thể khán giả hiện diện đều cảm xúc ra mặt, trước vẻ hồn nhiên trong sáng của em bé diễn viên tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay về ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của tình thương chia sẻ.
– Có lẽ nhiều người chúng ta, cách nầy hay cách khác, cũng đã có lần đóng vai chủ quán năm xưa khi chúng ta xua đuổi những kẻ nghèo hèn đến nhà ăn xin. Có lẽ nhiều lần chúng ta cũng đã treo tấm bảng: “Không còn chỗ” của chủ quán năm xưa qua thái độ giả điếc làm ngơ, trước những nhu cầu của tha nhân. Ước gì khi nghe câu Lời Chúa: “Bà Ma-ri-a đã bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, chúng ta quyết tâm sẽ không bao giờ xua đuổi Chúa ra khỏi lòng chúng ta, ra khỏi gia đình chúng ta.
3) GIÁNG SINH ĐÒI CẢM THÔNG “VUI VỚI NGƯỜI VUI, KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC”:
– Trong một gian hàng bán quà Giáng Sinh, một cậu bé 5 tuổi đang cầm trên tay một con búp bê rất xinh. Người bán hàng nói với cậu rằng: “Chắc cháu không đủ tiền mua con búp bê đắt tiền này đâu ?”. Nhưng cậu bé vẫn tiếp tục cầm con búp bê xinh đẹp trên tay.
Bấy giờ một người đàn ông bước đến gần hỏi xem cậu bé mua con búp bê làm gì ? Cậu đáp: “Đây là con búp bê mà em gái cháu rất thích. Nó luôn tin rằng năm nay thế nào ông già No-en cũng sẽ mang đến tặng nó một búp bê xinh đẹp trong đêm Giáng Sinh”. Khi được hỏi em gái đang ở đâu, cậu bé trả lời: “Em cháu mới được về với Chúa rồi và mẹ cháu cũng sắp sửa đi theo em gái cháu”. Cháu yêu mẹ nhiều lắm và ước mong mẹ đừng đi, nhưng bố cháu bảo rằng mẹ cháu bệnh nặng sắp phải theo em cháu rồi”.
Lựa lúc cậu bé không để ý, người đàn ông cho tay vào túi quần lôi ra một ít tiền lẻ. Ông nói với cậu: “Cháu đã có bao nhiêu tiền rồi ? Để ta giúp cháu đếm lại lần nữa xem sao nhé”. Sau khi đếm xong số tiền trong đó có thêm số tiền người đàn ông kín đáo cho vào, cậu bé vui vẻ nói: “Cảm ơn Chúa đã cho cháu có đủ tiền mua búp bê rồi. Cháu đã cầu xin Chúa cho cháu để dành đủ tiền mua búp bê tặng em gái dịp lễ Giáng Sinh và Chúa đã nhậm lời”.
Người đàn ông chợt nhớ lại bản tin ông đã đọc trên tờ báo vào chiều hôm trước: “Một chiếc xe tải đi quá tốc độ đâm vào xe hơi cùng chiều, làm một bé gái thiệt mạng và mẹ em cũng bị chấn thương sọ não khó lòng qua khỏi”. Hôm sau, báo lại đưa tin, người phụ nữ trẻ trong tai nạn hôm trước đã chết. Chiều hôm đó, người đàn ông theo địa chỉ trên báo đã đến nhà thăm. Ông ta thấy hai quan tài với di ảnh của hai mẹ con mới qua đời. Đứa con trai đứng gần quan tài chính là cậu bé ông mới gặp chiều hôm trước. Ông cũng thấy một con búp bê xinh xắn nằm trên quan tài của cô bé gái.
– Khi biết đón nhận Hài Nhi Giê-su vào lòng, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với tha nhân để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ, giống như người đàn ông trong câu chuyện trên. Chúng ta sẽ sẵn sàng trao tặng người khác một nụ cười, một cái bắt tay thân ái, một cử chỉ thân thiện,… chúng ta sẽ dễ dàng giúp đỡ người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn với hết khả năng Chúa ban. Trong mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta sẽ làm gì để thi hành sứ điệp của Chúa là viếng thăm chia sẻ tình người như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).
4) GIÁNG SINH NGÀY LỄ CỦA HÒA BÌNH:
– Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích: “Anh em hãy lắng nghe đi!”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính hai bên vui vẻ đi dạo chung quanh khu vực đang có chiến tranh, nhưng người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện gia tăng thêm, thì người ta tổ chức một trận bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin hai bên hòa hoãn này đã lan tới tai các vị tướng trên cao, và họ đã ban những mệnh lệnh gay gắt phải cấp thời chấm dứt mọi chuyện. Các sĩ quan đã dồn binh lính trở lại xuống hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến giữa hai bên lại tiếp tục như trước.
Chúa đến đem bình an cho nhân loại như lời các thiên thần đã ca hát trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
– Mỗi người chúng ta tuy không thể làm được những việc xây dựng hòa bình trên bình diện quốc tế, nhưng chúng ta vẫn có thể ăn ở thuận hòa với những người chung quanh như kinh Tám Mối Phúc: “Phúc cho ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Vậy trong Mùa Giáng Sinh năm nay mỗi chúng ta có thể làm gì để làm hòa với những người đang có ác cảm với chúng ta thể hiện qua hành động nói hành nói xấu và gây thiệt hại cho chúng ta ?
3. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA. xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng cho đi một nụ cười thân ái, một lời động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến vói những người bất bạnh để chia sẻ tình thương cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh không dừng lại ở việc trao tặng của cải vật chất bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối kết trở thành vòng tay lớn, xây dựng thế giới chúng con đang sống ngày một an bình thịnh vượng và đầy tràn niềm vui của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM