I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 11,2-11
(2) Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (4) Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (6) Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (7) Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? (8) Thế thì anh em xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra làm gì ? Để xem một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến”. (11) Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng nhằm giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đề cao Tân Ước trổi vượt hơn Cựu Ước. Khi Gio-an trong tù nghe biết hoạt động của Đức Giê-su, liền sai môn đệ đến gặp Người để tìm hiểu rõ hơn về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời bằng các công việc Người đang thực hiện ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a về Đấng Thiên Sai. Người cũng khen ngợi các đức tính của Gio-an và xác nhận vai trò tiền sứ của ông.
3. CHÚ THÍCH:
– C 2-6: + Gio-an lúc ấy đang ngồi tù…: Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê bắt giam về tội dám ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê vợ của ông hoàng Phi-líp-phê làm vợ của mình (x. Mt 14,3). + Liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?: Gio-an rất vui khi nghe môn đồ thuật lại những việc Đức Giê-su làm (x. Ga 3,28-30). Ông đã được chứng kiến cuộc thần hiện cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su khi ông làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, đang khi các môn đệ của ông lại tỏ thái độ ganh tị khi thấy Đức Giê-su thành công hơn thày mình (x. Ga 3,26). Giờ đây Gio-an sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Đức Giê-su không hành xử công thẳng như Đấng Mê-si-a thẩm phán, mà ông đã rao giảng cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). + Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Khi các môn đệ của Gio-an tới thì gặp lúc Đức Giê-su đang chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an về sứ mệnh Thiên Sai của Người khi cho thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm các sấm ngôn về Đấng Thiên Sai (x. Is 26,19). + Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi: Đức Giê-su cũng cảnh báo: Cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục.
– C 7-9: + Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về Gio-an rằng: Đức Giê-su đã hết lời khen ngợi Gio-an để đánh tan hiểu lầm của dân chúng cho rằng ông đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi để mặc ông cho vua Hê-rô-đê bắt bớ. + Anh em ra xem gì ở hoang địa…: Gio-an cao trọng vì đức tính can đảm bất khuất, không chịu luồn cúi trước bạo lực. + Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ?: Gio-an không sống giàu sang buông thả nhưng có nếp sống đơn giản khổ hạnh. + Để xem một vị Ngôn sứ chăng…: Gio-an chính là một Ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến.
– C 10-11: + Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Đây là lời tuyên sấm của Ngôn sứ Ma-la-khi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (x Ml 3,1) đã được ứng nghiệm nơi Gio-an là vị tiền hô có sứ mệnh đi trước để dọn đường cho Đức Giê-su. + Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Gio-an tuy là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ông vẫn không thể sánh được với Đức Giê-su trong thời Tân Ước.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt giam vào tù ? 2) Gio-an có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai hay không ? Tại sao ? 3) Lý do nào khiến ông phải sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về vai trò Thiên Sai của Người ? 4) Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ Người là Đấng Thiên Sai ? 5) Đức Giê-su khen ngợi Gio-an về những điều gì ? 6) Sứ vụ của Gio-an đã được Ngôn sứ nào tiên báo ? 7) Tại sao nói Gio-an cao trọng nhất mà vẫn thua người nhỏ nhất trong Nước Trời?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,10).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÀM TIỀN SỨ BẰNG GƯƠNG SÁNG TIN YÊU PHÓ THÁC:
Có một cô bé mới chỉ bốn tuổi mà đã có thể yêu cầu được ba của em làm dấu đọc kinh trước bữa ăn. Trưa hôm đó, khi đang chơi đồ hàng ngoài sân, thì cô chị ra kêu vào nhà ăn cơm. Ngồi vào bàn, em nhìn ba và khẽ nói:
– Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.
Lúc đó người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.
Câu chuyện thứ hai: Một bác sĩ giải phẫu đã được ơn trở lại tin yêu Chúa nhờ gương sáng của một bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi. Em bị đau bụng dữ dội được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi siêu âm và chụp X quang ổ bụng, bác sĩ khẳng định em bị khối u trong dạ dày cần được phẫu thuật. Về sau bác sĩ giải phẫu đã kể lại câu chuyện mổ cho em như sau:
“Hôm đó, em bé được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê, tôi nói với em rằng:
– Bác sĩ sắp sửa giúp con khỏi bệnh. Nhưng trước hết con cần phải qua một giấc ngủ nhé”. Nghe nói sắp đi ngủ, em bé được mẹ dạy thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ đã nói:
– Vậy xin bác sĩ cho con cầu nguyện trước khi đi ngủ.
Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Nhìn thấy cảnh em cầu nguyện, vị bác sĩ và mấy y tá đều cảm động rưng rưng nước mắt. Vị bác sĩ kể tiếp: Sau đó, tôi tự nhiên cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên đã đi xưng tội sau 20 năm, và từ đó mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện”.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng được trao sứ vụ làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con” (Mc 1,2). Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để làm tiền sứ cho Chúa, giúp tha nhân tin yêu Chúa bằng một lối sống tin yêu phó thác như em bé trong câu chuyện trên.
2) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CHIA SẺ:
Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối với gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người chẳng may xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người vội lên ngồi trên xe buýt và thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ và thấy cậu bé đang vất vả đi mò tìm từng trái táo lượm lại. Thì ra cậu bé bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo liền hỏi với theo “Ông có phải là Chúa Giê-su không ?”
Quả thật, theo một nghĩa nào đó, ông thương gia kia chính là Chúa Giê-su hiện thân. Ngày nay Hội Thánh cũng rất cần có những Chúa Giê-su như thế.
3) LÀM TIỀN SỨ BẰNG THÁI ĐỘ KHIÊM TỐN HÒA ĐỒNG VỚI THA NHÂN:
Vào một buổi chiều, sau ngày lên ngôi vị Giáo Chủ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 ra khu vườn của điện Va-ti-can đi bách bộ để tìm thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngài thấy một người đang làm vườn, bên mình bác ta có đeo một chai rượu. Vị Giáo chủ khả ái tiến lại gần hỏi chuyện và không chút ngần ngại, ngài đã ngồi xuống đất uống rượu chung với bác ta. Vì chưa biết mặt vị tân Giáo chủ, nên trước vẻ xuề xòa của ngài, bác làm vườn nghĩ ngài cũng chỉ là một viên chức cao cấp trong giáo triều, nên bác hết lời ca ngợi vị tân Giáo chủ dựa theo dư luận mà bác đã nghe biết về ngài. Sau khi đã uống cạn bình rượu với bác làm vườn, trước khi từ giã, Đức Gio-an 23 mới hỏi rằng: “Này bác, bác chưa bao giờ thấy mặt vị Giáo chủ phải không ?” Bác ta trả lời:
“Thưa chưa ạ”. Bấy giờ Đức Gio-an 23 mới ôn tồn nói: “Thế là hôm nay bác đã thấy rõ rồi nhé. Giáo chủ mới chính là người đã ngồi uống rượu với bác từ nãy đến giờ đó !”.
Thái độ khiêm tốn hòa đồng, sẵn sàng ngồi xuống đất nói chuyện và chia sẻ một ly rượu tầm thường với người giúp việc cho thấy: sự thánh thiện không hệ tại phải làm việc lớn lao, nhưng qua thái độ khiêm hạ đến với mọi người, sẵn sàng sống chan hòa yêu thương với những người đang sống bên cạnh mình.
4) LÀM TIỀN SỨ BẰNG MỘT ĐỜI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC:
Tể tướng lưng gù là một câu chuyện huyền thoại về một vị tể tướng có thể hình dị dạng với cái lưng bị gù, nhưng lại rất anh minh trong công việc trị nước.
Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh: Lưu Dung là con của một thầy giáo, sở học và thú đánh cờ đều giỏi như nhau. Tiểu thư Hà là con gái của vị tể tướng trong triều vừa xinh đẹp, vừa là cao thủ cờ tướng, được rất nhiều người yêu mến, trong đó có cả nhà vua. Tiểu thư lá ngọc cành vàng ấy tuyên bố chỉ lấy làm chồng người nào vô địch trong cuộc tỉ thí cờ do cô tổ chức. Đúng lúc Lưu Dung về kinh đi thi trạng nguyên và chàng đã lấy được người đẹp. Sau đó lại thi đỗ trạng nguyên rồi còn được làm tể tướng triều đình.
Tuy hình thù dị dạng nhưng tể tướng họ Lưu là một người coi trọng công bằng và chính nghĩa. Ông đã lật tẩy nhiều thói hư tật xấu của bọn tham quan, hương lý. Ông trở thành đại ân nhân của lớp dân đen bị quan lại hà hiếp đàn áp bóc lột. Tuy là tể tướng đầy quyền uy, nhưng ông lại chọn lối ứng xử khôn khéo mưu lược hơn là dùng vũ lực, nên rất được dân chúng tin yêu.
5) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG SIÊU THOÁT TIỀN BẠC VẬT CHẤT:
Thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si khi còn là một thanh niên đã đến viếng thăm thủ đô Rô-ma nước Ý, quì gối cầu nguyện trước mộ thánh Phê-rô. Để tỏ lòng biết ơn đối với thánh cả, Phan-xi-cô đã bỏ vài đồng tiền kẽm vào thùng công đức. Nhưng khi vừa bước ra tới đường lộ, Phan-xi-cô gặp một người ăn xin nghèo khó. Với tâm trạng hưng phấn, Phan-xi-cô đã yêu cầu người ăn xin đổi chiếc áo choàng cũ rách của anh ta lấy chiếc áo choàng đắt tiền quý giá của mình. Người ăn xin rất sung sướng, và còn sướng hơn nữa khi ông ta phát hiện ra những đồng tiền cắc còn sót lại trong túi áo mới đổi được. Rồi sau đó, Phan-xi-cô cũng tập làm nghề ăn xin: Anh ngồi ở góc đường, mở miệng xin những người qua lại bên đường giúp đỡ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nghèo khó ấy, Phan-xi-cô lại cảm nghiệm thấy trong lòng một niềm vui khôn tả. Chính nguồn vui ấy đã gợi hứng cho Phan-xi-cô sau này thiết lập một trong những dòng tu lớn nhất của Hội Thánh Công Giáo là dòng “Anh em hèn mọn”.
Mùa đông năm 1206, Phan-xi-cô Át-si-si, đã công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa Cha trên trời. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ. Hai năm tiếp đó, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Át-si-si.
Lối sống siêu thoát của Phan-xi-cô đã thu hút được nhiều người đi theo: trước tiên là 12 “người đền tội” và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định, sống theo Luật Dòng Anh em Hèn mọn. Phan-xi-cô đã cử các tu sĩ thừa sai đi khắp nơi để loan báo một Đức Ki-tô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, hầu mang lại sự hòa giải và bình an cho mọi người như lời cầu trong “kinh Hòa Bình”. Căn tính của phong trào Phan sinh là sống siêu thoát noi gương Chúa Giê-su theo luật dòng được Hội Thánh chấp nhận, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.
6) LÀM TIỀN SỨ BẰNG VIỆC GIỚI THIỆU CHÚA CHO THA NHÂN:
Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông nhiều dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi người.”
3. SUY NIỆM:
1) THẦY CÓ ĐÚNG LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN KHÔNG?
– Dù bị Hê-rô-đê bắt giam vào tù, nhưng Gio-an vẫn được các môn đệ cho biết về các hoạt động của Đức Giê-su. Khi thấy Người không hành xử cách công thẳng là trừng phạt tội nhân (x. Mt 3,10-12), ông bị hoang mang, nên sai môn đệ đến gặp Người và nêu thắc mắc về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su không trả lời trực tiếp, mà yêu cầu các môn đệ Gio-an trở về thuật những việc Người làm: “Cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi lành sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng”.
– Với câu trả lời ấy, Chúa Giê-su nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sai-a về Đấng Cứu Thế, (Is 35,5-6a) và thanh luyện cái nhìn của ông về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: Người không phải là ông Vua oai phong từ trời ngự xuống, mà chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người. Người không phải là vị Vua sống trong cung điện nguy nga, nhưng như một người lao động nghèo hèn. Người không phải là Quan tòa oai nghiêm trừng phạt tội nhân, mà là một lương y hiền hòa, đến để chữa lành những thương tích, an ủi những kẻ ưu sầu, nâng đỡ những người yếu đuối, tha thứ những tội nhân. Người không đến trong chiến thắng vinh quang, mà âm thầm như một người bạn thân thiết của mọi người. Người không đến như một người quý tộc cao xa, nhưng sẵn sàng sống hòa đồng với mọi kẻ khó nghèo, những người thu thuế và tội lỗi bị xã hội khinh thường loại bỏ…
– Ngoài ra, Đức Giê-su còn muốn Gio-an đổi mới cái nhìn về Đấng Thiên Sai, để tránh khỏi vấp ngã (x. Mt 11,6), như Phê-rô đã từng bị vấp ngã khi khuyên Đức Giê-su đừng đi theo con đường đau khổ thập giá như ý Chúa Cha (x. Mt 16,22-23).
2) “ANH EM RA XEM GÌ TRONG HOANG ĐỊA ?” :
Đức Giê-su ba lần đặt câu hỏi này với thính giả về vai trò của ông Gio-an Tẩy Giả.
– Ông được Người khen là một người dũng cảm cương nghị chứ không luồn cúi hèn hạ như lau sậy phất phơ trước gió (x. Mt 11,7).
Ông sống đơn sơ khổ hạnh chứ không ham gấm vóc lụa là trong đền vua (x. Mt 11,8).
– Ông không những là một ngôn sứ, mà còn hơn thế nữa, vì có sứ mệnh làm tiền sứ, đi trước dọn đường giúp người đời đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mt 11,10).
Sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su ở sông Gio-đan và được chứng kiến cuộc thần hiện xảy ra, Gio-an đã tin Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Người là “Con Chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ và khuyến khích họ bỏ ông để theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,36-37). Gio-an đã khiêm tốn thừa nhận vai trò thấp kém của mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Lc 3,16) và khẳng định sự lệ thuộc của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”. Cuối cùng ông còn khiêm tốn tuyên bố như sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).
3) “KẺ NHỎ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO TRỌNG HƠN ÔNG”:
Gio-an đã được Đức Giê-su khen là người cao trọng nhất trong con cái loài người: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Vậy Đức Giê-su muốn dạy gì khi nói: “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” ?
– Đức Giê-su đến thiết lập Nước Trời ban ơn cứu độ, mà Gioan có sứ mạng đi trước dọn đường cho Người. Nước Trời là một gia đình của Thiên Chúa, trong đó chỉ có một Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Giê-su là Thầy và là người chỉ đạo, còn hết mọi người đều là anh em với nhau (x. Mt 23,8-10). Đây là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người có bổn phận yêu thương nhau và nhờ đó họ sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc. Hiện nay, trên thế giới vẫn có nhiều tiêu cực, đau khổ là do người ta thiếu tình thương với nhau. Đức Giê-su có sứ mạng đem đến cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên tình yêu thương. Từ nay tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ là lề luật như lời thánh Phao-lô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28).
– Sống khiêm nhường như Gio-an: Sự khiêm nhường chính là điều cần thực hiện trong mùa Vọng này, bởi vì chỉ những người khiêm nhường mới gặp được Chúa như lời Người phán: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người phận nhỏ”. Kinh nghiệm cho thấy: Một người yếu đức tin mà có lòng kiêu căng tự mãn sẽ khó quay về với Chúa, hơn một kẻ dù mê đắm xác thịt mà có lòng tin vào Chúa. Bởi vì người sa ngã nếu có đức tin sẽ sớm nhận ra thân phận yếu hèn của mình để quay về giao hòa với Chúa. Ngày kia, một du khách đang đứng chiêm ngắm bức tượng Chúa chịu nạn thời danh của THOR-WALD-SEN. Nhưng ông ta nhìn ngắm hồi lâu mà chẳng khám phá ra một vẻ đẹp nào như lời đồn đại. Bỗng ông ta nghe thấy có tiếng người thì thầm bên tai: “Phải quì xuống ông mới có thể nhìn thấy khuôn mặt từ ái của Chúa”. Ông ta làm theo và bấy giờ ông đã khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của bức tượng. Về phần chúng ta trong những ngày này, nếu biết khiêm hạ quì xuống trước nhan Chúa, thì chúng ta mới có thể gặp được lòng thương xót của Người.
4) CHU TOÀN SỨ MỆNH TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG VUI TƯƠI, KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ:
– Mùa Vọng là thời gian các tín hữu chúng ta mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến trong khiêm hạ khó nghèo và âm thầm không ai hay biết. Trong khi người đời mong Chúa đến ban ơn cứu độ bằng con đường rộng rãi, thì Chúa lại chọn đi con đường thánh giá chật hẹp leo dốc và ít người dám đi. Ngày nay để nhận được ơn cứu độ là được vào Nước Trời, đòi người tín hữu phải tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Mt 7,21-23). Đức Giê-su cũng dạy: đến ngày phán xét, chỉ những ai phục vụ Người hiện thân trong những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi mới được vào Thiên Đàng (x. Mt 25,34-36).
– Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm các việc đạo đức và bác ái chia sẻ với lòng mến Chúa. Muốn biết việc cầu nguyện dâng lễ của mình có đẹp lòng Chúa không, thì cần phải nhìn vào hiệu quả: Nếu việc cầu nguyện dâng lễ làm cho tâm hồn chúng ta được bình an, thêm niềm vui và phấn khởi hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân hơn… là dấu chúng ta đã làm các việc đạo đức theo thánh ý Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa cho thấy Ngài “chán ngán những buổi cầu nguyện, những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch vì thiếu tình yêu” (x. Is 1,11-17). Ấy thế mà rất nhiều Ki-tô hữu hiện nay vẫn đang cầu nguyện dâng lễ theo luật nhưng lại thiếu lòng yêu mến như thế, hoặc đang làm các việc bác ái để tìm tiếng khen hay chỉ mong được thưởng công sau này (x. Mt 6,1-6). Vậy trong những ngày Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta cần thực hành các việc đạo đức với tâm tình nào để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến?
– Trong Mục Vụ Gia đình, các bậc làm cha mẹ được mời gọi sống vui tươi trong bổn phận vợ chồng với nhau và cha mẹ đối với con cái. Nhiều gia đình ngày nay đã trở nên buồn bã thiếu sinh lực. Để có thể tìm lại niềm vui cho gia đình, các bậc cha mẹ cần sống vui tươi, và làm cho niềm vui lan tỏa trong gia đình mình. Hãy vui vì chúng ta được làm con Thiên Chúa, hãy đem Chúa vào trong đời sống của gia đình mình nhờ các giờ kinh gia đình, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn… Các bạn trẻ đừng tìm vui trong men rượu, đừng giải sầu trong bài bạc, trong các quán hát ka-ra-ô-kê hay những quán cà-phê đèn mờ để tìm hưởng lạc thú bất chính… vì những thứ đó chỉ đem đến bệnh tật, gia đình bất hòa và ly tán, chứ không mang lại niềm vui và bình an thực sự. Hãy tìm kiếm niềm vui thực sự nơi Đức Giê-su, bằng cách gặp Ngài qua việc học Lời Chúa và cầu nguyện để được Ngài lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta.
– Nhưng quan trọng hơn cả: Chúng ta chỉ có thể vui mừng và được bình an khi tâm hồn chúng ta sạch tội, không bị đam mê dục vọng bủa vây, không bị lương tâm dày vò, nhờ sám hối và đến với bí tích giải tội, năng dự lễ để rước Chúa vào lòng. Dù bên ngoài chúng ta có gặp phải các điều trái ý cực lòng, nhưng chúng ta vẫn có được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Bấy giờ chúng ta mới có thể sống hòa thuận với tha nhân với lòng tin yêu Chúa, thay vì thái độ xung đột, giận hờn mang lại bất hạnh.
4. THẢO LUẬN: Noi gương Đức Giê-su cứu thế bằng con đường khiêm tốn yêu thương và phục vụ (x. Mt 11,5), bạn sẽ làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su trước mặt người lương ?
5. NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa Chúa đã dùng hành động cứu nhân độ thế để làm chứng về sứ mệnh Thiên Sai. Xin cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng việc hăng say phục vụ những người bệnh tật đau khổ, đồng thời luôn xét đoán ý tốt, nói tốt và phục vụ tha nhân vô vụ lợi. Nhờ đó chúng con chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM