HIỆP SỐNG TIN MỪNG, CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN A (Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20) SỬA LỖI TRONG CỘNG ĐOÀN

10.9.2017I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 18,15-20
(15) Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (18) Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. (19) Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.
2. Ý CHÍNH: NẾP SỐNG CỦA MỘT CỘNG ĐOÀN KI-TÔ HỮU.
Các thành viên trong Cộng đoàn Hội thánh phải tế nhị sửa lỗi cho nhau và cầu nguyện chung với nhau: Khi có ai sai lỗi, thì cần sửa lỗi qua 4 bước như sau: Trước hết phải gặp riêng nhắc nhở kẻ có lỗi. Nếu họ không nghe thì sẽ đưa thêm hai nhân chứng. Nếu họ vẫn cố chấp thì sẽ đem họ ra trước Cộng đoàn. Nếu họ không nghe Cộng đoàn thì sẽ kể họ như người ngoại và phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện nếu muốn được Chúa nghe thì cần cầu chung giữa Cộng đoàn, vì Chúa Giê-su hứa sẽ luôn hiện diện khi có hai ba người hiệp lời cầu xin nhân danh Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 15-16: + Người anh em: Anh em nói đây là anh em cùng một Cộng đoàn đức tin (x. Mt 23,8; 28,10). + Phạm tội: Không nhất thiết phải là tội phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng nề, công khai, gây gương mù gương xấu và làm tổn thương cho Cộng đoàn. Câu này cho thấy Hội Thánh không chỉ bao gồm những người hoàn thiện, mà còn có cả những tội nhân nữa. + Hãy đi sửa lỗi nó: Ở đây Đức Giê-su dạy phải đi sửa lỗi cho kẻ có tội do đòi hỏi của đức bác ái. Vì mỗi thành viên trong Cộng đoàn đều có trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em mình. Sự sửa lỗi này không mâu thuẫn với lời dạy về việc phải tránh xét đoán anh em và đừng đòi lấy cái rác ra khỏi mắt anh em, đang khi có cả cái xà trong mắt mình (x. Mt 7,1-5). Như vậy sửa dạy không phải là sự khiển trách hay la mắng miệt thị, mà là do tình yêu thương thúc bách. Cần tạo điều kiện để tội nhân tự nhận ra lỗi của mình và thành tâm sám hối. + Một mình anh với nó mà thôi: Đây là sửa lỗi cá nhân, nhằm tôn trọng và giữ thể diện cho kẻ có tội. Nếu cách này không hiệu quả thì mới sử dụng các cách khác. + Được món lợi là người anh em mình: Món lợi ở đây không có nghĩa là “có lời” thêm được một người bạn hay là chiến thắng được một đối thủ. Nhưng là giúp cho Hội Thánh khỏi bị mất đi một thành viên. + Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đối với những tội nhân bướng bỉnh cố chấp. Việc đem theo một hay hai người nữa là để giúp tội nhận ý thức hơn về tội của mình, như luật Mô-sê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào. Phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên, chỉ thị của Đức Giê-su nói đây không phải là nhân chứng buộc tội, nhưng là những người trợ lực có uy tín, để giúp tội nhân dễ dàng sửa lỗi.
– C 17-18: + Đi thưa Hội thánh: vì Hội thánh đã được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để xét xử, nhưng để tội nhân có dịp tỏ lòng sám hối để được tha. + Kể nó như một người ngoại: Nếu kẻ có tội cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh, thì sẽ được kể là “dân ngoại hay người thu thuế”, nghĩa là người đang lầm lạc về đức tin và luân lý. Từ nay Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp đối với họ nữa và chỉ còn biết phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. + Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: Đức Giê-su trao cho Nhóm Mười Hai cũng một thứ quyền cầm buộc và tháo cởi như đã ban cho Phê-rô trước đó (x. Mt 16,19). Nhờ đó, Hội Thánh có thể thiết lập luật lệ cho các tín hữu. Khi trao quyền cầm buộc tháo cởi cho Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su không bãi bỏ quyền của Phê-rô để ban lại cho Hội Thánh. Nhưng Người chỉ muốn các môn đệ liên kết với Phê-rô là đầu. + Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì…: Mọi phán quyết của Hội thánh về đức tin và luân lý được Công Đồng Chung bàn thảo biểu quyết và được Đấng kế vị thánh Phê-rô chính thức công bố ở trần gian, thì sẽ được ơn bất khả ngộ và được phê chuẩn ở trên trời như lời Chúa hứa.
– C 19-20: + Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì: Lời cầu nguyện riêng của mỗi người trong phòng kín là cách cầu nguyện khiêm tốn đẹp lòng Chúa (x. Mt 6,6). Nhưng lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn càng đẹp lòng Chúa hơn và dễ được chấp nhận hơn. Cầu nguyện chung là một phương thức duy trì đức ái và sự hiệp nhất của Cộng đoàn. Khi hội họp, các tín hữu cần lưu ý hai điều quan trọng: một là phải hội họp trong tình bác ái và hiệp nhất. Hai là phải nhân danh Đức Giê-su, nghĩa là nhằm xây dựng Hội thánh, làm cho Tin mừng của Chúa Giê-su ngày một lan rộng. + Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy: Đây không phải là họp nhau để ăn nhậu mang tính thế tục, nhưng nhân danh Chúa Giê-su, để được nghe lời Người dạy dỗ nhờ ơn Thánh thần soi sáng hướng dẫn. + Có Thầy ở đấy với họ: Trong thời Cựu ước, Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người qua hình cột mây đậu trên Nhà Tạm che nắng ban ngày và cột lửa chiếu sáng vào ban đêm (x. Xh 40,34-38). Người cũng hứa sẽ hiện ra nói với dân Ít-ra-en trên nắp thi ân của Hòm Bia Giao Ước (x. Lv 16,2). Đến thời Tân Ước, không những Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện mỗi khi Cộng đoàn họp nhau cầu nguyện, mà cả những khi họ họp nhau nhân danh Người. Người hiện diện để giúp họ xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau, hòa giải những bất hòa chia rẽ và duy trì sự hiệp thông giữa Cộng đoàn.
4. CÂU HỎI:
1) Phải chăng Nước Trời là Hội thánh trần gian chỉ gồm những thành phần tốt lành thánh thiện ? 2) Các tín hữu cần đối xử thế nào đối với những thành viên mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng ? 3) Cần phải sửa lỗi cho nhau qua mấy bước thế nào? 4) Tại sao ta phải đi thưa kẻ có tội với Hội Thánh ? 5) Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho những loại tội nhân nào và ra vạ nhằm mục đích gì ? 6) Phải chăng ở đây khi cũng trao cho Nhóm Mưới Hai quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 18,18), Chúa Giê-su đã gián tiếp truất quyền đã trao cho Tông đồ Phê-rô trước đó (x Mt 16,19) ? 7) Tại sao lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn lại có giá trị hơn lời cầu nguyện riêng của cá nhân trong phòng kín ? 8) Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện giữa Cộng đoàn trong những trường hợp nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI Chúa: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18,15).
2. CÂU CHUYỆN:
1) THÁI ĐỘ KHÔN NGOAN CỦA NA-THAN KHI SỬA LỖI CHO VUA ĐA-VÍT :
Ngày nọ Đức Chúa đã sai ngôn sứ Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với nhà vua: “Có hai người trong cùng một thành, một người giàu và một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như một đứa con gái của ông. Một hôm người giàu có khách đến thăm. Ông ta không bắt chiên dê hay bò của mình mà sai gia nhân đi bắt con chiên cái của người nghèo kia mang về làm thịt đãi khách”. Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với kẻ giàu có ấy và nói với ông Na-than rằng: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và vì đã không có lòng thương xót”.
Bấy giờ Na-than mới nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài ! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: “Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Ta mà làm điều dữ trái mắt Ta ? Ngươi đã dùng gươm đâm chết U-ri-gia người Khết. Vợ của y thì ngươi đã cướp lấy làm vợ ngươi. Còn chính y thì ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia người Khết làm vợ ngươi”. Đức Chúa phán thế này: “Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi thật đã đắc tội với Đức Chúa” (x 2 Sm 12,1-13).
2) TRÁCH NHIỆM SỬA LỖI CON CÁI CỦA CHA MẸ :
Có một đứa trẻ kia từ nhỏ đã có sở thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một hộp bút vẽ. Mẹ nó hỏi:
– Sao con lại có thêm một hộp bút vẽ vậy ?
Đứa con đáp:
– Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lấy được của nó đấy.
Bà mẹ vui mừng nói:
– Con của mẹ giỏi thật. Bây giờ với hai hộp bút thì con sẽ tha hồ dùng.
Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da biếu cho mẹ, mẹ nó lại khen:
– Con trai của mẹ thật hiếu thảo. Hãy cho mẹ thơm con một cái nào.
Đứa con trai ngày càng lấy trộm thêm những thứ có giá trị hơn, như người ta thường nói : “Còn bé ăn trộm con gà, lớn lên ăn trộm con bò”, bà mẹ luôn khen ngợi mỗi khi nó mang về một món đồ ăn cắp. Trong nhà thiếu thứ gì, bà mẹ cứ bảo là nó lại ăn trộm mang về khỏi tốn tiền mua.
Rồi một hôm, thằng con leo vào nhà người giàu có nhất vùng ăn cướp, và đã dùng dao đâm chết chủ nhà, bị dân làng vây bắt giải lên quan phủ xét xử. Vì là tên trộm cướp chuyên nghiệp, lại kèm thêm tội giết người nên hắn đã bị quan xử tội chết. Hôm thi hành án, tên cướp bị trói hai tay và được quân lính áp giải ra pháp trường. Mẹ hắn luôn theo sau con khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, trước khi bị chém, tên cướp yêu cầu viên quan cho hắn được nói riêng với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần ghé sát tai nghe con nói, hắn liền cắn đứt tai mẹ, khiến bà đau quá la to :
– Mày là đứa con bất hiếu, phạm tội bị chết chưa đủ hay sao mà còn muốn làm hại mẹ hả ?
Đứa con liền nói với mẹ như sau :
– Hôm nay tôi bị chết như thế này là do lỗi của bà. Lần đầu tiên tôi ăn trộm hộp bút vẽ, lẽ ra bà phải đánh tôi một trận và dạy dỗ bảo ban tôi thì tôi đâu có phạm tội mang án chết như hôm nay.
Câu chuyện trên cho thấy: Trách nhiệm của các bậc cha mẹ là phải dạy dỗ giáo dục con cái nên người tốt và hữu ích. Bổn phận của bạn bè là phải giúp người anh em mình sửa đổi lỗi lầm nếu có. Nếu người trên không chu toàn trách nhiệm bảo ban dạy dỗ người dưới là đã lỗi bổn phận và phải liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại do người dưới gây ra.
3) MỘT CÁCH SỬA LỖI TẾ NHỊ CỦA VỊ HỒNG Y :
Ðức Hồng y Roncalli, sau này là Giáo hoàng Gioan 23, một hôm được mời tham dự buổi tiếp tân ngồi bên một nữ công tước. Bà này mặc một chiếc váy cực kì ngắn. Trong suốt bữa tiệc, ngài làm như không biết đến bà. Đến cuối bữa tiệc, để giúp bà sửa lỗi, ngài cầm một trái táo trên bàn ăn và quay sang đưa cho bà. Rất hân hạnh, bà nói:
– Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Bởi đâu mà tôi lại được ngài ưu ái như thế ?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
– Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo !
4) THÁI ĐỘ BÁC ÁI PHẢI CÓ KHI SỬA LỖI ANH EM :
Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện như sau : Một hôm, khi Đức Giám mục A-MO-LA đi thăm mục vụ tại một xứ đạo miền quê, dân chúng trong làng đã thưa với ngài cáo tội của một ẩn sĩ trên núi, vì ông ta đã công khai lỗi lời khấn khiết tịnh khi sống chung nhà với một phụ nữ. Họ nói: với vị giám mục : ”Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoát tình trạng bê bối gây gương xấu của vị ẩn tu kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến gần túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ trốn trong một chiếc thùng rỗng.
Đức Giám mục là người đầu tiên đến túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó, rồi bình thản gọi dân làng vào trong lều và bảo : ”Vào đây, anh chị em hãy vào và lục soát túp lều để tìm người phụ nữ như anh chị em đã tố cáo”. Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà kia. Khi ấy, Đức Giám mục mới nói : ”Bây giờ anh chị em phải qùy xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã vô cớ nói xấu vị ẩn tu này”. Rồi khi mọi người đã kéo nhau xuống núi hết, vị giám mục đã tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào mắt ông và chậm rãi nói : ”Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.
5) THÁI ĐỘ KHÔN NGOAN CỦA MỘT CẬN THẦN KHI CAN GIÁN VUA:
Vua Cảnh Công nuớc Tề, có một con ngựa qúi, giao cho một người hầu chăn nuôi. Một hôm con ngựa tự nhiên lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là người hầu kia đã giết ngựa, liền sai quân đến bắt mang về kết án phanh thây và sai lính thi hành. Án Tử ngồi chầu, thấy thế vội ngăn lại và hỏi nhà vua :
– Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước ?
Cảnh Công ngơ ngác nói :
– Thôi hãy buông ra, đem giam hắn xuống ngục để sẽ trị tội sau.
Án Tử nói rằng :
– Tên này chưa biết rõ tại sao mình phải bị chết, nên có thể sẽ nghĩ mình bị chết oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó r trước đã, rồi hãy tống ngục cũng chưa muộn.
Vua nói :
– Phải.
Án Tử kể tội rằng : ”Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất qúi của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua. Ngươi làm chết một con ngựa mà để cho dân chúng oán giận vua, nước ngoài dòm ngó thôn tính nước ta là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa ? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục…”.
Cảnh Công nghe xong ngậm ngùi than rằng :
– Thôi, hãy tha cho nó ! Kẻo ta sẽ mang tiếng là kẻ bất nhân.
Qua câu chuyện trên ta thấy người xưa có những cách sửa lỗi khôn ngoan sâu sắc, có thể tóm lại như sau : Chân thành kính trọng người được sửa lỗi; Luôn ý thức giữ thể diện cho họ chứ không chà đạp tự ái của họ; Cần khiêm tốn nhận mình cũng có nhiều lỗi lầm để họ không bị mặc cảm; Đừng kết tội ngay mà hãy đặt câu hỏi giúp họ tự nhận ra lỗi lầm, rồi kiên nhẫn lắng nghe và khích lệ họ sửa lỗi.
3. SUY NIỆM:
Hội thánh gồm các tín hữu có đức tin và đã được thánh hóa nhờ các bí tích. Nhưng bao lâu còn ở trần gian, các tín hữu vẫn có nhiều sai lỗi giống như bao người khác. Họ có thể sai lầm và phạm phải nhiều tội lỗi, gây gương mù gương xấu và nên cớ vấp phạm cho người lương. Tuy nhiên, không phải bề trên hễ thấy người dưới sai lỗi là xử phạt ngay. Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta thái độ phải có đối với những kẻ sai lỗi trong Cộng đoàn thế nào, để vừa giữ được đức bác ái lại vừa giúp tội nhân nhận ra lỗi lầm mà sám hối.
1) CÓ CẦN PHẢI SỬA LỖI CHO THA NHÂN KHÔNG ? :
– Cần sửa lỗi cho tha nhân vì đây là một hành vi bác ái : Một số người không dám lên tiếng sửa lỗi khi thấy kẻ khác làm sai vì sợ bị cho là kẻ hay gây chuyện : “Ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng !”; Hoặc sợ bị kẻ ác trả thù. Nhưng Đức Giê-su dạy các môn đệ không được im lặng khi thấy anh chị em mình sai lỗi vì khi ấy “im lặng là đồng lõa !”, và cũng là lỗi đức bác ái như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm : “Đức Chúa phán : Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23).
– Cần sửa lỗi cho tha nhân vì là trách nhiệm của người trên: cha mẹ trong gia đình, thầy dạy ở học đường, các mục tử trong Hội Thánh có trách nhiệm dạy dỗ người dưới quyền như người xưa dạy : “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”.
– Cần sửa lỗi cho tha nhân để tránh phạm tội “thiếu sót bổn phận”gây hậu quả nghiêm trọng: Thấy một người đang đi vào đường đến đầm lầy có nguy cơ bị sụt lún mà không lên tiếng cảnh báo, thì đó chính là một tội ác. Thấy một người làm sai, có thể gây thiệt hại lớn cho bản thân, gia đình và tập thể mà không can ngăn thì cũng là tội thiếu sót bổn phận: Thấy một đứa trẻ chơi đùa với diêm quẹt gần bình ga trong bếp hay gần bình xăng xe mà không can ngăn là đã gián tiếp phạm tội ác nếu chẳng may sự cố cháy nổ xảy ra.
2) PHẢI SỬA LỖI CHO THA NHÂN THẾ NÀO ? :
Sửa lỗi cho anh em là một nghệ thuật, đòi người sửa lỗi phải khéo léo thực hiện : Cũng giống như việc giải phẫu một khối u ác tính : Nếu bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm, thao tác không đúng kỹ thuật, thì không những không chữa lành được bệnh mà có thể còn gây ra thiệt hại lớn lao hơn cho bệnh nhân. Tin Mừng hôm nay đề ra ba điều kiện ta phải có khi sửa lỗi cho anh em :
+ Một là phải sửa lỗi cách tế nhị : Tự đặt mình vào hoàn cảnh của người có lỗi, để biết khi nào nên gặp gỡ nói chuyện và nên nói cách nào để người bị sửa lỗi dễ dàng chấp nhận.
+ Hai là phải sửa lỗi cách kín đáo : Tránh để cho người ngoài biết chuyện sửa lỗi để người có lỗi không bị mất thể diện và khỏi mang mặc cảm.
+ Ba là sửa lỗi với sự kiên nhẫn: Tránh sự nóng vội và đừng đòi đạt kết quả ngay, nhưng cần biết kiên nhẫn chờ đợi để kẻ có lỗi có đủ thời gian suy nghĩ và quyết định đổi mới cuộc sống.
3) BỐN BƯỚC CẦN THEO KHI SỬA LỖI THA NHÂN :
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ bốn bước phải theo khi sửa lỗi tha nhân:
+ Một là hãy gặp gỡ riêng giữa ta và họ.
+ Hai là nếu họ không sửa lỗi thì sẽ mang theo một hoặc hai nhân chứng, không phải để làm áp lực mà để mọi việc được sáng tỏ nhờ lời của các nhân chứng. Người ta thường gọi bước này là “ba mặt một lời”.
+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe, thì sang bước thứ ba là đưa họ ra Cộng đoàn. Không phải để bị kết án, nhưng nhờ thế giá của tập thể mà kẻ có lỗi sẽ hồi tâm sửa mình (x. Mt 18,20).
+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe Cộng đoàn, thì tức là họ đã tự loại mình ra khỏi Hội thánh. Từ đây họ không còn là thành viên của Hội thánh nữa. Những tội nhân cố chấp trong sự sai lạc về đức tin sẽ bị liệt vào thành phần “dân ngoại và người thu thuế”, nghĩa là không còn thuộc về Hội thánh nữa. Từ đây Hội thánh chỉ còn biết phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa.
4) THÀNH TÂM SÁM HỐI KHI LỠ XÚC PHẠM ĐẾN THA NHÂN ?
Khi “trót dại gây tổn thương đến danh dự và xúc phạm đến tự ái của anh em, chúng ta thường e ngại khi phải công khai xin lỗi. Bấy giờ chúng ta nên thực hành theo lời trong kinh cáo mình :
– Khiêm tốn và thành tâm nhận lỗi : Đầu tiên hãy ý thức sự sai lỗi là của mình chứ không đổ lỗi cho người khác, như kinh Cáo mình : “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Hoặc kinh Ăn Năn Tội : “Mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự”.
– Rồi quyết tâm sửa chữa lỗi lầm: Điều quan trọng là chúng ta cần thành tâm khắc phục hậu quả : Nếu làm hư hỏng tài sản của ai đó, chúng ta hãy đề nghị sửa chữa hoặc thay mới cho người bị hại. Điều quan trọng của việc sám hối là : Phải quyết tâm xa lánh dịp tội nghĩa là không gặp gỡ tiếp xúc với người hay đến nơi khiến ta dễ phạm tội lại. Rồi còn phải bồi thường thiệt hại cách tương xứng như kinh Ăn Năn Tội : “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”.
4. THẢO LUẬN:
1) Bạn cảm thấy thế nào và nên làm gì khi nghe người khác nói hành hay công khai phê bình về các sai lỗi của mình ? 2) Ta nên góp ý sửa lỗi cho cấp trên thế nào để vừa đạt được hiệu quả, lại vừa tránh gây căng thẳng trong quan hệ với cấp trên về sau ? 3) Khi phát hiện có thâm lạm công quỹ trong tập thể, là nhân viên ta nên làm gì ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Dù giữa chúng con có những khác biệt, nhưng xin Chúa ban cho chúng con hiệp nhất nên một trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thật tình yêu thương nhau, biết chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, biết nâng đỡ an ủi nhau mỗi khi bị thất bại, biết động viên khen ngợi nhau trong những thành công, luôn khích lệ nhau cố gắng vươn lên, và nhất là sẵn sàng góp ý xây dựng để cùng thăng tiến. Xin cho chúng con năng học hỏi suy niệm và sống Lời Chúa, để trở nên bạn hữu nghĩa thiết của Chúa và của anh em.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM