I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Mt 16,21-27
(21) Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (23) Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (24) Rồi Đức Giê-su nói với môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? (27) Vì con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.
2. Ý CHÍNH: TIÊN BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ NHẤT
Sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, Đức Giê-su bắt đầu cho các môn đệ biết Người sắp vâng thánh ý Chúa Cha để đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang”. Phê-rô lên tiếng khuyên can, nhưng ông đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách. Rồi Người tiếp tục đề ra điều kiện để đi theo làm môn đệ của Người là: bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Thiên Chúa, là phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. Ngoài ra, không còn đường nào khác đưa người ta lên trời.
3. CHÚ THÍCH:
– C 21: + Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ…: Đức Giê-su mặc khải việc Người sắp trải qua cuộc khổ nạn thập giá để vào vinh quang phục sinh tại núi thánh Xi-on của Thiên Chúa là thành Giê-ru-sa-lem, như Thánh kinh đã tiên báo (x. Tv 2,6). Việc loan báo 3 lần về cuộc thương khó nhằm đánh dấu từng chặng đường tiến về Giê-ru-sa-lem, và cũng để chuẩn bị cho môn đệ khỏi ngỡ ngàng khi sự việc xảy ra.
– C 22-23: + Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !: Theo Phê-rô nghĩ thì sao Thầy phải chịu thua trước kẻ thù, để chúng bắt bớ giết hại cách nhục nhã rồi mới chiến thắng bằng cuộc phục sinh vinh quang ? Tại sao Thầy không lập tức dùng sức mạnh để chiến thắng kẻ thù ? + Xa tan, lui lại đàng sau Thầy !: Xa-tan theo nguyên nghĩa là “Tên cám dỗ” hay “Kẻ cản trở”. Lời can ngăn của Phê-rô nói đây gợi lại cơn cám dỗ của Xa-tan với nguyên tổ A-đam E-và xưa (x. St 3,4-5). Cũng là cơn cám dỗ ma quỷ đã làm trong hoang địa với Đức Giê-su và đã bị Người xua đuổi: “Xa-tan kia, xéo đi !” (Mt 4,10). Ở đây Đức Giê-su chỉ buộc Phê-rô lui lại vị trí môn đệ, nghĩa là phải chấp nhận đi theo sau Thầy (x. Mt 16,24; Ga 21,22b). + Anh cản lối Thầy: hoặc “anh làm cớ cho Thầy vấp phạm”. Cớ vấp phạm hay là một cái bẫy (x. Tv 124,7), một hòn đá cản đường khiến người ta bị vấp ngã (x. Is 8,14-15; Rm 9,32-33). Vì suy nghĩ theo tình cảm tự nhiên và vì yêu mến Thầy, Phê-rô đã vô tình cản lối khi yêu cầu Người đừng theo con đường cứu độ đã được Chúa Cha định liệu là “Phải qua đau khổ để vào trong vinh quang” (x. Lc 24,26). Trước đó, Phê-rô vừa được khen là có phúc vì đã tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng giờ đây ông lại bị thầy quở trách là tên cám dỗ, và là viên đá gây sự vấp ngã cho Thầy ! + Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người: tương tự như lời tuyên sấm của Ngôn sứ I-sai-a: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).
– C 24-25: + Ai muốn theo Thầy: Ai nói đây tức là người tự nguyện trở thành môn đệ của Đức Giê-su, sẵn sàng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời với Người. Câu này cho thấy Đức Giê-su luôn tôn trọng tự do của con người. + Từ bỏ chính mình: Điều kiện để làm môn đệ Đức Giê-su là phải loại bỏ những trở ngại bên ngoài như tình thân gia đình và sự cản trở bên trong như các thói hư tội lỗi và cách suy nghĩ theo tính xác thịt của mình. + Vác thập giá mình mà theo: Cuối cùng còn phải chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng, chịu đựng những vất vả tai ương bách hại do thế gian và các thế lực thù địch với Thiên Chúa gây ra. + Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất: Lời tuyên bố có tính nghịch lý theo kiểu Do thái, dựa trên lòng tin vào một đời sống mới vĩnh hằng sau khi chết. Ai muốn cứu mạng sống thể xác bằng cách bỏ đạo để khỏi bị giết hại thì sẽ bị mất cả sự sống thiêng liêng ở đời sau. + Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy: Người khôn là người biết chọn cách sống đời tạm này như thế nào, để sau khi chết được sống lại và được sống vĩnh hằng. Đức Giê-su đưa ra một con đường đưa tới sự sống đời đời là phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh thiệt thòi, sẵn sàng bị mất mạng sống ở đời này. Ngoài ra, không còn con đường nào khác để được ơn cứu độ.
– C 26-27: + Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ?: Câu này lặp lại tư tưởng của câu trên. + Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người: Giá trị của cuộc sống thực sự chỉ tỏ hiện trong cuộc chung thẩm vào ngày tận thế. + Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm: Sự thưởng phạt công minh là động cơ khiến người ta sẵn sàng chấp nhận đi con đường hẹp là bỏ mình mà vác thập giá đi theo Chúa ngay ở đời này. Đức Giê-su quả quyết chính Người sẽ ngự đến vào ngày tận thế để làm thẩm phán xét xử mọi người tùy theo các việc bác ái họ đã làm hay bỏ qua không làm khi còn sống.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Đức Giê-su phải cho các môn đệ biết về các biến cố Người sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem là phải chịu khổ nạn thập giá rồi mới vào vinh quang Phục Sinh ? Người tiên báo ba lần nhằm mục đích gì ? 2) Tại sao Phê-rô lại can trách Thầy và đã bị Thầy quở mắng thế nào ? Tại sao ? 3) Bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày cụ thể là bỏ những gì và làm những gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
2. CÂU CHUYỆN:
1) AI CŨNG ĐƯỢC TRAO CÂY THÁNH GIÁ HỢP VỚI KHẢ NĂNG CỦA MÌNH :
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó : có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo :
– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để lại đó và hãy lựa một cây thánh gía nặng vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng tại nghĩa địa và bắt đầu chọn một cây khác nhẹ hơn. Nhưng ông tìm mãi mà không tìm được cây như ý: cây thì quá dài, cây lại quá ngắn, cây thì nhẹ nhưng lại bị sù sì khó vác, cây thì tuy trơn tru nhưng lại quá nặng… Sau cùng ông nói với thiên thần :
– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác nó và đừng than van gì nữa.
2) SỨC MẠNH TINH THẦN CỦA CÂY THÁNH GIÁ :
Một người đàn bà đạo đức kia bị bệnh ung thư ngực rất đau đớn nhưng lại không dám mổ khối u vì sợ phải chịu đau đớn. Đến khi khối u phát triển nhanh thì bà mới chịu đi mổ, hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ thêm được một thời gian nữa. Bà có một cậu con trai tuổi thanh niên. Anh này trái với bà mẹ: khô khan việc đạo, đã bỏ dự lễ nhà thờ từ lâu. Hôm ấy, trước khi vào phòng mổ, bà yêu cầu bác sĩ cho phép con trai bà được chứng kiến cảnh bà chịu giải phẫu và yêu cầu này đã được chấp thuận. Thời đó, vì chưa có thuốc tê, nên bệnh nhân phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp mỗi lần bị mổ xẻ. Nhưng bà mẹ này đã can đảm cắn răng chịu đựng cơn đau. Đến khi con dao mổ đụng đến giây thần kinh thì bà mới oằn người lên và kêu to rằng: “Chúa ơi con đau quá, xin thương cứu con !”. Trườc cảnh mẹ bị đau đớn như vậy, anh con trai liền thốt ra lời phàn nàn xúc phạm đến Chúa. Nghe vậy, bà mẹ liền nghiêm nét mặt nói với con rằng: “Con hãy câm miệng lại ngay ! Con có biết là con đang làm cho mẹ phải chịu đau đớn nhiều hơn mấy ông bác sĩ này hay không ? Vì con đã sỉ nhục chính Đấng đã ban sức mạnh và luôn động viên an ủi mẹ”. Nói rồi, bà mở bàn tay ra cho con thấy một cây thánh giá nhỏ mà bà đã luôn nắm chặt từ đầu ca mổ đến giờ. Cây thánh giá đó chính là thứ thuốc gây mê đã làm dịu đi cơn đau đớn khủng khiếp mà bà đang phải chịu đựng.
Sau mấy tháng quằn quại trong đau đớn, bà mẹ đạo đức ấy đã an nghỉ trong Chúa. Trước lúc lâm chung, bà đã trao cây thánh giá nhỏ cho anh con trai và dặn rằng: “Con ơi ! Hãy giữ lấy cây thánh giá này. Đó là vật đã giúp mẹ chịu đựng được biết bao gian khổ trong đời mẹ. Hy vọng rằng nhờ cây thánh giá này, con cũng sẽ tìm thấy niềm an ủi và cậy trông mỗi khi gặp gian nan thử thách sau này”. Anh con trai rất xúc động trước đức tin và tình thương của mẹ dành cho mình. Từ ngày đó anh đã luôn đeo cây thánh giá trên cổ, để nhắc nhở anh về người mẹ thân yêu. Từ đây cây thánh giá đã trở thành vật hộ mệnh, giúp anh can đảm vượt qua các cơn sóng gió trong cuộc đời, giống như người mẹ thân yêu của anh.
3) THÁNH GIÁ NẶNG NHẸ LÀ DO SUY NGHĨ CHỦ QUAN CỦA MÌNH:
Một hôm, Chúa Giê-su dẫn hai người trong số các môn đệ đến đầu đường, trao cho mỗi người một cây thập giá giống nhau và bảo:
– Mỗi người chúng con vác thập giá của mình đi đến cuối đường trước mặt kia. Thầy đợi các con ở đó.
Hai môn đệ vâng lời, vác thập giá mình đi. Người thứ nhất vác đi cách dễ dàng, chân nhanh bước, dường như thập giá không cản trở hay gây phiền hà gì cho anh cả. Chẳng bao lâu sau anh đã đến cuối đường, gặp Chúa đợi ở đó. Và Thầy trò vui mừng hớn hở.
Còn người thứ hai vác đi nặng nề, dường như anh vác không nổi, kéo lê thập giá đến chỗ Chúa Giê su chỉ định, và bị kiệt sức. Vừa thấy Chúa, anh đã phàn nàn than trách:
– Chúa thật bất công! Chúa đã trao cho con cây thập giá quá nặng, còn trao cho anh kia cây thập giá nhẹ nhàng, nên anh ta đã dễ dàng vác nó đến với Chúa trước con.
Chúa buồn rầu đáp:
– Con ơi! Thầy không đối xử bất công với con đâu. Cả hai thập giá đều giống nhau và nặng bằng nhau, không cây nào nặng hơn cây nào. Sở dĩ con cảm thấy nó quá nặng, vì con đã không chấp nhận nó. Suốt trên đường đi, con luôn than phiền cho rằng nó quá nặng. Rồi càng than trách thì thập giá lại càng trở nên nặng hơn cho con. Sở dĩ bạn con đã vác thập giá đến với Thầy trước con, vì tâm hồn nó tràn đầy yêu thương. Tình yêu làm cho thập giá dù có nặng đến đâu cũng trở nên nhẹ nhàng.
Vui lòng vác thập giá thì thập giá sẽ nên nhẹ. Trái lại, càng kéo lê thập giá thì thập giá sẽ lại càng nên nặng hơn.
4) GIÁ TRỊ THANH LUYỆN CỦA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ :
Người ta kể câu chuyện ngụ ngôn như sau : trong một khu rừng có một con hổ lớn dữ tợn. Lũ khỉ ghét con hổ này lắm. Một ngày kia, chẳng may, con hổ bị sa xuống hố do người thợ săn đào sẵn. Không kiếm ra cách nào thoát thân, con hổ chỉ còn biết ngồi chờ thần chết đến.
Lũ khỉ đi qua thấy thế mừng lắm, chúng chế diễu và thay nhau lấy đá, lấy đất và bẻ các cành cây ném xuống đầu con hổ cho bõ ghét. Con hổ chỉ biết ngồi chịu trận. Thấy thế, lũ khỉ thích chí lại càng ném hăng hơn. Nhưng không ngờ, chính những hòn đá, cành cây vứt xuống nhiều, làm cho cái hố dần đầy lên, đến nỗi cuối cùng con hổ đã có thể nhảy được ra ngoài hố.
Qua đó cho thấy : Đau khổ cũng có giá trị tích cực. Đau khổ làm người ta trưởng thành về đức tin hơn, giúp họ thanh luyện mình khỏi những đam mê tội lỗi. Người ta nên thánh nhờ chấp nhận đau khổ. Đây cũng là phương thế Đức Giê-su dùng để ban ơn cứu độ khi chọn con đường « Qua đau khổ vào trong vinh quang » theo thánh ý Chúa Cha, như Người đã cầu nguyện : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha » (Mt 26.39).
3. SUY NIỆM :
1) ĐỨC GIÊ-SU CHẤP NHẬN ĐI CON ĐƯỜNG “QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG VINH QUANG”:
Theo Tin Mừng Mát-thêu, khi Đức Giê-su hé mở con đường cứu thế của Người : “Con Người sắp phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21), thì Phê-rô, môn đệ mới được khen có phúc vì đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, đã lên tiếng can Người rằng : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !”. Ông đã bị Đức Giê-su quỏ mắng: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 16,22-23). Đức Giê-su đã phản ứng quyết liệt trước tư tưởng sai trái của Phê-rô bằng việc xua đuổi ông như đã từng xua đuổi ma quỷ khi chúng cám dỗ Người. Sau này Phê-rô đã dần dần hiểu được thánh ý Thiên Chúa, và đã chấp nhận đi con đường thập giá để cùng chết với Chúa và cùng sống lại với Người.
2) HAI ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊ-SU :
Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Qua đó, ta thấy điều kiện để đi theo làm môn đệ Chúa là phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người. Người không ép buộc, nhưng mời gọi. Người cũng không bảo chúng ta tìm kiếm thập giá nào khác, nhưng là vui lòng vác chính cây thập giá đời mình. Mỗi người đều phải vác thập giá mình mà theo làm môn đệ của Chúa. Vậy để trở thành môn đệ Chúa Giê-su chúng ta phải làm gì?
– MỘT LÀ TỪ BỎ CHÍNH MÌNH : Đức thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11.03.1970 đã nói: ”Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và ít được thiện cảm nhất là sự từ bỏ. Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mà chấp nhận thánh ý Chúa. Muốn từ bỏ mình đòi người ta phải bỏ đi ý riêng để vâng theo ý của Chúa”.
– HAI LÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ ĐI THEO CHÚA : Thập giá của mình phải vác đi theo Chúa Giê-su, chính là những tai nạn rủi ro, những điều phiền toái trong cuộc sống như: bệnh tật, các sự khó do tai nạn gặp phải, những thất bại thua lỗ trong công việc làm ăn, những người thân trái tính khó nết đang sống chung trong một mái nhà … Nếu chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những sự khó chịu và trái ý cực lòng này, thì chúng ta mới trở thành môn đệ của Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Người.
3) CÁI KẾT BI THẢM CỦA KẺ KHÔNG CHẤP NHẬN THẬP GIÁ:
Một văn sĩ Công giáo người Anh tên là Gilbert Chesterten, đã thuật lại câu chuyện bi thảm về một kẻ thù ghét thập giá như sau :
“Tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, đối nghịch với niềm vui và cuộc sống.
Ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy cây thập giá trên tháp và liệng xuống dưới.
Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành sự điên loạn. Vào một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy cây thập giá. Rồi trước mặt và sau lung ông, nơi nào cũng đều có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm gậy đánh đổ tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn ra hình thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, người đàn ông đã phải dùng đến ngọn lửa, mới mau tiêu diệt được rừng cây thập giá kia. Rồi ngọn lửa bốc lên đã làm thiêu rụi cả căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương nằm chết bên cạnh dòng sông gần nhà ông”.
Cuối cùng nhà văn đã kết luận như sau: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gẫy thập giá, thì chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới mà trong đó bạn đang sống này”.
4) CHẤP NHẬN THẬP GIÁ ĐỂ SỐNG TIN YÊU PHÓ THÁC VÀO CHÚA:
Thánh Gióp thời xưa đã nêu gương kiên vững niềm tin vào Đức Chúa khi sẵn sàng chấp nhận chịu ma quỷ thử thách: Ông lần lượt bị lấy mất mọi sự: từ của cải, đoàn vật đến con cái và ngay bản thân cũng bị cùi… Cuối cùng ông đã được Chúa thương ban lại tất cả. Các thánh tử đạo cũng sẵn sàng từ bỏ mọi vinh hoa, giàu sang… chấp nhận mọi cực hình kể cả cái chết, để làm chứng cho Chúa, nên các ngài đã được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời đời, như lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
TRONG THỰC HÀNH: Nếu bạn mơ ước lên đại học, nhưng lại thi rớt, thì cũng đừng nản lòng. Hãy chấp nhận vác thập giá thất bại đó để theo Đức Giê-su. Vì qua thất bại đó, bạn tin rằng Chúa sẽ dẫn bạn đến một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Một người cao niên mơ ước làm giàu và có một gia đình hạnh phúc, nhưng lại luôn gặp thất bại, thì cũng đừng nản lòng. Vì Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Thiên Chúa là Cha yêu thương, chỉ muốn ban những điều tốt lành cho con cái, như lời Chúa Giê-su: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời. Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,13).
4. THẢO LUẬN:
1) Thập giá chúng ta phải vác đi hôm nay là những gì ? 2) Gặp một người bị thất bại đang đau khổ và chán sống, bạn sẽ an ủi động viên họ thế nào?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con thấy Chúa luôn bình tĩnh chấp nhận đau khổ thập giá, sẵn sàng nhận phần thua thiệt để ban ơn cứu độ loài người chúng con. Nhìn lại mình, chúng con thật xấu hổ khi chỉ biết nghĩ đến mình và bịt tai nhắm mắt trước những bất hạnh của tha nhân chung quanh. Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết “bỏ mình” theo lời Chúa dạy: bỏ đi những lo toan ích kỷ, để phục vụ Chúa trong mọi người. Xin cho chúng con biết can đảm vượt qua những đau khổ do bệnh tật tai nạn, và sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM