HIỆP SỐNG TIN MỪNG, CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN B, (Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51-58) ĐÓN NHẬN THÁNH THỂ ĐỂ ĐƯỢC NÊN GIỐNG CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6,51-58
(51) Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được?” (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.
2. Ý CHÍNH: Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều, tại hội đường thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã giảng về Bánh Hằng Sống là bí tích Thánh Thể. Nội dung bài giảng được tóm lược như sau: Ai ăn Thịt và uống Máu Người, tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập, thì ở đời này sẽ được kết hiệp mật thiết với Người, được tham phần vào sự sống thần linh của Người, và đến ngày tận thế sẽ được sống lại để hưởng hạnh phúc muôn đời với Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 51: + Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống…: Đức Giê-su tự xưng là tấm Bánh với hai đặc tính thần linh là “hằng sống” và “từ trời xuống”. + Bánh Tôi sẽ ban tặng: Sẽ ban là chưa ban ngay lúc này, nhưng sẽ ban khi lập bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly sau này (x. Mt 26,26-28). + Chính là Thịt Tôi đây: Thịt (Sarx) trong ngôn ngữ Hy Lạp ám chỉ con người toàn diện gồm cả xác lẫn hồn. Thịt ở đây cũng chính là Thịt (Sarx) trong câu: “Ngôi Lời đã hóa thành “nhục thể” – hay là “Thịt” (Sarx) hoặc “người phàm” (Sarx) – và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Ở đây, “Bánh” được liên kết với “Thịt” và với “Sự Sống”, là hai đặc tính của bí tích Thánh Thể. + Cho thế gian được sống: Thịt của Đức Giê-su tức là bánh Thánh Thể, là lương thực thần linh, sẽ đem lại hiệu quả là ban sự sống cho người lãnh nhận.
– C 52-53: + Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được?: Dân chúng Do Thái nghe Đức Giê-su giảng và đã hiểu đúng ý của Người. Đó là Người cho người ta ăn chính Thịt của Người. Họ thắc mắc và phản đối Đức Giê-su vì nghĩ rằng Người đã hóa điên khùng nên mới nói như vậy. + Thật, Tôi bảo thật các ông: Trước sự thắc mắc về việc cho người ta ăn Thịt của mình, Đức Giê-su đã không làm dịu kiểu nói này lại và cũng không cải chính để tránh cho họ hiểu sai ý mình, nhưng Người lại tiếp tục xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình: Đây là cách diễn tả khác nhằm nhấn mạnh sự thật này: người ta chỉ có sự sống của Chúa nơi bản thân khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tức là ăn Thịt và uống Máu của Người.
– C 54-56: + Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết: Kẻ lãnh nhận Thịt Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ được tham phần vào sự sống đời đời và được Đức Giê-su cho sống lại vào ngày tận thế. + Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống: Trong bốn câu liền (c. 53.54.55.56), Tin Mừng Gio-an dùng cặp từ: Thịt (Sarx) và Máu (Haima) để chỉ con người toàn diện của Đức Giê-su. + Thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy: Hiệu quả của việc lãnh bí tích Thánh Thể là người ta được kết hiệp thân mật với Chúa Giê-su. Nghĩa là được “ở lại” trong Người, đón nhận sự sống dồi dào của Người và trở thành bạn tâm giao của Người, như thánh Phao-lô đã viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
– C 57-59: + Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy: Đức Giê-su nói đến sự sống siêu nhiên nhờ bí tích Thánh Thể. Ai ăn Bánh Thánh Thể thì sẽ được tham phần vào sự sống siêu nhiên phát xuất từ nơi Chúa Cha thông qua Chúa Giê-su. + Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời: Sự sống siêu nhiên mà Bánh Thánh Thể ban cho người lãnh nhận, khác với sự sống tự nhiên thể xác do bánh Man-na mang lại. Vì thế mà dân Ít-ra-en xưa, dù đã ăn Man-na trong sa mạc nhưng vẫn bị chết do tội đã phạm. Còn ai ăn Bánh do Chúa Giê-su ban trong bí tích Thánh Thể thì sẽ được sống đời đời, nhờ đón nhận được sự sống siêu nhiên của Người.
4. CÂU HỎI: 1) Bánh Thánh do Đức Giê-su hứa ban có hai đặc tính thần thiêng nào? 2) Bánh đó sẽ được ban khi nào và là Bánh gì? 3) Từ Thịt (Sarx) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gì? 4) Khi Đức Giê-su hứa sẽ ban Bánh Hằng Sống là Thịt của Người trong bí tích Thánh Thể, người Do Thái đã hiểu ra sao? Có hiểu đúng với ý Người muốn nói không? Tại sao? 5) Khi thấy họ phản đối, Đức Giê-su không những không thay đổi điều vừa nói hay nói nhẹ đi, mà Người càng nhấn mạnh hơn qua câu nào? 6) Ai ăn Thịt uống Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được hiệu quả nào? 7) Trong 4 câu liền (câu 53.54.55.56), Đức Giê-su dùng hai từ Thịt và Máu ám chỉ điều gì? 8) Câu nào cho thấy hiệu quả của việc ăn Thịt uống Máu Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể? Thánh Phao-lô viết về sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua câu nào? 9) Sự sống siêu nhiên nhận được do bí tích Thánh Thể là sự sống nào? 10) Sự sống siêu nhiên nhận được từ Bánh Thánh Thể thời Tân ước với sự sống tự nhiên từ Manna thời Cựu ước khác nhau thế nào?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MẸ SẴN SÀNG CHỊU CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG:
Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh quốc có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ góa chồng, mang theo một đứa con thơ còn bú sữa mẹ. Sau khi thuyền khởi hành được mấy ngày, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm đã bị gãy. Từ đó, con thuyền lênh đênh trôi trên mặt biển nhiều ngày. Lương thực trên thuyền đã dần dần cạn kiệt. Nhiều người bắt đầu bị chết đói và sau đó bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ trẻ kia cũng đã bị chết đói, trong khi đứa con nằm bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cứa đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu của mình thay cho sữa mẹ đã hết. Bà đã hy sinh chịu chết để cho đứa con của bà được sống ! Về sau đứa trẻ kia lớn lên đã trở thành một vị dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ đến công ơn trời biển của người mẹ đã hy sinh lấy máu mình để làm lương thực nuôi ông khỏi bị chết. Rồi một hôm, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình, và đề nghị quốc hội chọn một ngày trong năm để tôn vinh các bà mẹ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với mẹ của mình. Đó là nguồn gốc ngày Quốc Tế Các Bà Mẹ hiện nay.
2) CƠM BÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÓI GIÁ TRỊ NGÀN LẦN HƠN KIM CƯƠNG:
Đây là câu chuyện có thực của một nhà thám hiểm. Sau mười ngày một mình băng qua sa mạc Phi châu, một nhà thám hiểm nọ sắp kiệt sức vì bị lạc đường và đã ăn hết số lương thực mang theo. Ông ta đi theo hướng mặt trời mọc, nhưng rồi đi đến chỗ nào cũng chỉ thấy cát và cát. Cuối cùng, ông cũng đến được một ốc đảo có hồ nước và cây cỏ xanh tươi. Sau khi uống nước no nê, ông lại lại bị cơn đói hành hạ. Đột nhiên ông thấy một chiếc bị bằng da nằm lăn lóc ở gần chỗ đang ngồi. Hy vọng tìm được một chút lương thực trong chiếc bị da kia để tiếp tục lên đường, nhưng thay vì thấy lương thực ông lại chỉ thấy nhiều viên kim cương óng ánh rất đẹp. Ông cay đắng thốt lên với nỗi thất vọng: “Những viên kim cương này đâu có giá trị gì khi ta sắp chết đói?” Nói rồi ông ôm chiếc bị da chứa kim cương thiếp ngủ vào cõi chết.
Ít lâu sau, một đoàn thám hiểm cũng băng qua sa mạc, họ đã thấy một bộ xương người đang ngồi dựa vào tảng đá, hai tay ôm chặt chiếc bị da, trong có nhiều viên kim cương quý giá, nhưng lại trở thành vô ích đối với người bị đói đang cần được ăn.
3) CỬ HÀNH THÁNH LỄ TRONG NHÀ TÙ:
Đức Hồng y PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê NGUYỄN VĂN THUẬN đã viết lại những trang hồi ký trong thời gian ngài bị biệt giam trong tù. Ngài tóm gọn thành một tập sách nhỏ mang tựa đề “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ cho giáo triều Rô-ma trong dịp tĩnh tâm mùa chay thập niên 90. Ngài thú nhận, sức mạnh lớn nhất nâng đỡ ngài trong những năm tháng tù ngục là được cử hành Thánh lễ cho dù lén lút, nhưng rất cảm động và sâu lắng. Thánh lễ ngài dâng một mình trong bóng tối của nhà tù, không kèn không trống, cũng chẳng có ánh đèn hay một bông hoa trang trí nào. Áo tù ngài mặc thay cho áo lễ. Đôi bàn tay sần sùi của ngài đựng những giọt rượu nho thay cho chén thánh. Bánh lễ chứa trong hộp đựng thuốc ho. Những Thánh lễ rất âm thầm và giản đơn, không ồn ào, không một chút hoành tráng bề ngoài, chẳng có ca đoàn hay người giúp lễ.. nhưng sao chép lại gần sát với chính Thánh lễ mà Chúa Giê-su đã cử hành năm xưa trên thập giá.
4) VIỆC BÁC ÁI TỪ THIỆN BẮT NGUỒN TỪ LÒNG MẾN BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Trong một cuộc họp mặt đông đảo các Ki-tô hữu tại một nhà thờ ở Tây Đức để đón chào mẹ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA, người ta đã dâng cho mẹ một bó hoa rất đẹp. Bỡ ngỡ trước lòng quý mến và trọng kính mà người ta đã dành cho mình, mẹ Tê-rê-xa lúc đầu tỏ ra hơi lúng túng, nhưng sau đó vài phút, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa đi thẳng lên cung thánh, mẹ quỳ gối nơi bậc bàn thờ rồi đặt bó hoa trước nhà tạm. Cử chỉ này cho thấy mẹ Tê-rê-xa rất quý trọng phép Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã nhận được tình yêu và nghị lực cho cuộc sống dấn thân và phục vụ vô vị lợi của mẹ.
Qua các hoạt động bác ái, mẹ Tê-rê-xa và các nữ tu dòng của mẹ đã nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em mồ côi, đã phục vụ hàng ngàn người nghèo đói, đã chăm sóc, chữa trị hàng trăm ngàn bệnh nhân và an ủi hàng chục ngàn người hấp hối. Nhưng vượt trên tất cả những hoạt động nhằm phục vụ sự sống thể xác, mẹ Tê-rê-xa đã đặc biệt chú trọng đến một nhu cầu mà mẹ thường nhấn mạnh và cho là căn bản, nó cần thiết hơn cả cơm ăn áo mặc nữa, nhu cầu đó là muốn được chấp nhận và được yêu thương.
3. THẢO LUẬN: Mỗi người chúng ta cần làm gì để được biến đổi nên tốt hơn sau mỗi lần rước lễ?
4. SUY NIỆM:
Câu chuyện bà mẹ nuôi con bằng dòng máu của mình, là hình ảnh tuyệt hảo nói lên tình thương của Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể. Người đã tự hiến mình trở thành Bánh thiêng nuôi dưỡng và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Vậy Bánh Thánh Thể là gì?
1) Sứ mệnh của bánh:
Bánh là lương thực có thể ăn được và giúp người ta duy trì sự sống (Ga 6,51). Bánh không sống cho mình, mà luôn sống “vì và cho” con người. Chúa Giê-su tự xưng mình là Bánh, vì Người đã tự hủy bản thân, hy sinh chính mình để cho loài người chúng ta được sống. Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân cho tha nhân được sống, thì bấy giờ ta mới trở thành tấm bánh giống như Bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su.
2) Chúa Giê-su là tấm Bánh Thánh Thể để người ta ăn:
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã chủ trương chiêm ngưỡng và thờ lạy Bánh Thánh Thể hơn là hãy cầm lấy mà ăn như lệnh truyền của Chúa Giê-su. Động từ ăn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng hôm nay, như một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giê-su là: hãy siêng năng tham dự bữa tiệc Thánh Thể do Người khoản đãi, với hai của ăn cao quý trên bàn tiệc là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.
3) Chúa Giê-su cho biết ba hiệu quả của bí tích Thánh Thể như sau:
– Một là họ sẽ được sống lại trong ngày tận thế và được sống muôn đời: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55).
– Hai là sẽ phát sinh mối giây thân tình giữa Chúa và kẻ ăn tiệc Thánh Thể: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
– Ba là sẽ được sống nhờ Người: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
4) Phải ăn Bánh Thánh Thể thế nào để phát sinh công hiệu?:
Ngày nay tuy các tín hữu đã lên rước lễ nhiều hơn, nhưng phần đông lại rước lễ cách hờ hững: Quả thật, ít có vị khách quí nào lại bị chủ nhà tiếp đón lạnh nhạt như Chúa Giê-su Thánh Thể ! Do đó, dù có năng tham dự thánh lễ và lên rước lễ hằng ngày, nhưng nhiều tín hữu vẫn không gặp được Chúa Giê-su, không nhận được biến đổi giống Chúa, nên họ vẫn sống vô cảm, ích kỷ, tự mãn, lười biếng và vô trách nhiệm… như bao năm qua ! Cần đổi mới cách rước lễ để có thể gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp với Người và ngày một được ơn biến đổi nên giống Người hơn.
5) Diễn tiến một buổi cho bệnh nhân rước lễ tại gia:
Một nữ tu được cha sở nhờ mỗi sáng Chúa Nhật mang Mình Thánh Chúa đến thăm viếng và cho bệnh nhân rước lễ. Chị đã kể lại diễn tiến của một buổi cho rước lễ như sau:
– Khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, làm dấu Thánh giá và đọc một đoạn trong bài Tin Mừng Chúa nhật, rồi nói lên bài học Chúa muốn dạy qua bài Tin Mừng.
– Tiếp đến tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha như Chúa dạy.
– Rồi tôi giơ Mình Thánh lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Và cụ đáp lại: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
– Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ và cho cụ uống chút nước suối để rước hết mụn bánh thánh.
– Sau một lát thinh lặng, tôi giúp cụ dâng lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Ước gì Mình Thánh Chúa con vừa lãnh nhận, gia tăng sức khoẻ hồn xác cho con. Xin thương chữa con mau lành bệnh. Xin ban ơn nâng đỡ con và giúp con được sống mãi mãi với Chúa trên thiên đàng. Từ nay con xin hứa sẽ luôn nở nụ cười với người chung quanh, sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ trái ý gặp phải để đền tội con và cầu xin cho một tội nhân được ơn trở về với Chúa, cho một người lương quen biết được sớm nhận biết tin yêu Chúa để cũng được hưởng niềm vui ơn cứu độ với con.- Amen”.
– Cuối cùng là nói chuyện thân tình, hứa luôn cầu nguyện và hẹn gặp lại vào tuần sau.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy có sự giống nhau giữa thân phận làm Bánh của Chúa với thân phận làm người của con. Nhờ ăn Bánh Thánh Thể của Chúa, con sẽ được biến hóa nên tấm bánh thơm ngon, được bẻ ra để phục vụ tha nhân. Ước gì con dám đón Chúa vào vùng mờ tối của lòng con, để sự hiện diện của Chúa làm cho con được bừng sáng lửa tin yêu. Ước gì sau khi được đón Chúa vào lòng, con sẽ chia sẻ Tình Yêu ấy cho tha nhân, hầu sau này họ cũng được hưởng hạnh phúc đời đời với con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM