I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 14, 22-33
(22) Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên. (27) Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. (28) Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. (29) Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. (30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. (31) Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”. (32) Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU BÀY TỎ THIÊN TÍNH CỦA NGƯỜI:
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14,13-21), Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và thuyền các môn đệ thì đã ra khơi và gặp khó khăn vì ngược gió. Khoảng 3 giờ sáng, Người đã đi trên mặt biển mà đến với thuyền các ông. Người đã trấn an khi các môn đệ sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Người cũng cho phép Phê-rô được đi trên mặt nước và lập tức cứu ông khỏi bị chìm và đưa ông lên thuyền bình an khi ông biết cậy trông kêu cầu Người. Chứng kiến phép lạ này, các môn đệ đã tin người là Con Thiên Chúa.
3. CHÚ THÍCH:
– C 22-24: + Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền: Sau phép lạ hóa bánh, dân chúng phấn khởi đoi tôn Đức Giê-su lên làm Vua Thiên Sai trần thế và các môn đệ cũng phấn khích không kém. Đức Giê-su đã giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia để tránh cho các ông ảo tưởng về sứ mệnh của Người (x. Ga 6,14-15). + Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện: Đức Giê-su thường dành thời gian yên tĩnh ban đêm để cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 6,12), nhất là trước khi phải giải quyết những việc trọng đại (x. Mt 26,36; Lc 9,27). + Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình: Ở một mình là không có người khác bên cạnh, trừ một mình Chúa Cha hằng ở với người (x. Ga 8,29). + Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm: Bờ hồ đây là Biển hồ Giê-nê-sa-rét hay cũng gọi là Ti-bê-ri-a hoặc Ga-li-lê (x. Ga 6,1). Biển Hồ này có hình bầu dục dài 21 km, rộng 12 km, mực nước thấp hơn Địa Trung hải 208 mét. Vì quá lớn, nên Biển Hồ thường có sóng to gió lớn (x. Mt 8,23). + bị sóng đánh vì ngược gió: Bấy giờ thuyền các môn đệ đã ra giữa biển và đang bị sóng đánh chập chờn không tiến xa được vì ngược gió. Con thuyền tượng trưng cho Hội thánh ở trần gian phải đương đầu với nhiều trở lực.
– C 25-27: + Khoảng canh tư: Vào thời Đức Giê-su, dân Do Thái cũng theo người Rô-ma, chia ngày thành 12 giờ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và chia đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Canh tư tức là vào khoảng từ 3 đến 6 giờ sáng. + Người đi trên mặt biển: Cựu Ước nhiều lần nói tới Thiên Chúa đi trên biển (x. G 9,8; Tv 77,20). Người đã từng tỏ uy quyền trên sự hỗn mang khi tạo dựng trời đất, và khống chế Biển Đỏ để giải thoát dân Người. Ở đây Đức Giê-su muốn ám chỉ Thiên Chúa có quyền trên sức mạnh của biển khơi. + Các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên: Các môn đệ thấy bóng Đức Giê-su đi trên mặt nước đến gần thuyền thì sợ hãi la lên vì tưởng mình thấy ma. + “Cứ yên tâm, đừng sợ !”: Đức Giê-su đã trấn an các ông. + Chính Thầy đây: Trong Cựu Ước Thiên Chúa hay tự xưng với các tổ phụ Do Thái: “Chính là Ta”, “Ta là Gia-vê”, “Ta là Đấng Hiện Hữu” (x. St 46,3 ; Xh 3,14). Ở đây, khi xưng mình: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su ngầm mạc khải Người là Thiên Chúa.
– C 28-31: + “Nếu quả là Ngài”: Phê-rô vẫn còn nghi ngờ không biết có phải Thầy hay không. + “Thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Câu này cho thấy Phê-rô là một người tính khí bốc đồng thiếu chín chắn vì “Mau nói mau lỗi!”. + “Cứ đến !”: Phê-rô được chia sẻ quyền năng siêu nhiên là đi trên mặt nước giống như Thầy. Tuy nhiên ông làm được là nhờ đặt trọn niềm tin và Đức Giê-su. + Thấy có gió thổi thì ông đâm sợ: Đức Giê-su có lần đã ban quyền chiến thắng sự dữ cho Phê-rô (x. Mt 16,18b), nhưng ông có nhận được quyền năng ấy hay không tuỳ vào lòng tin mạnh hay yếu. Bao lâu Phê-rô tập trung vào Đức Giê-su, thì ông còn khống chế được sức mạnh của biển cả. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi, thì ông sợ hãi và bị chìm xuống. + “Thưa Ngài, xin cứu con với”: Câu này tương tự như lời các Tông đồ cầu cứu khi thuyền các ông sắp bị gió bão nhấn chìm (x. Mt 8,25). Trong Thánh Vịnh cũng có nhiều lời cầu nguyện của dân Do thái xin Chúa giúp họ vượt qua sức mạnh của nước biển đe dọa (Tv 69,15-16; 144,7). + Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông: Trước lời cầu xin thiết tha của Phê-rô, Đức Giê-su đã mau mắn đáp lại bằng việc đưa tay nắm lấy ông. + “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”: Lời Người vừa trách yêu đức tin yếu kém của ông, lại vừa khích lệ ông hãy kiên vững đức tin vào Người.
– C 32-33: + Gió lặng ngay: Sự hiện diện của Đức Giê-su đủ đánh tan cơn sóng gió và đem lại bình yên cho con thuyền của các môn đệ. + Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !: Lời tuyên xưng này mới chỉ nhìn nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, đồng nghĩa với Đấng Cứu thế. Tuy nhiên, Tin Mừng Mát-thêu lại muốn mượn lời tuyên xưng này để trình bày đức tin của Hội thánh thời sơ khai: “Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha !”.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia ngay ? 2) Đức Giê-su lên núi làm gì ? 3) Bạn biết gì về Biển hồ được đề cập trong Tin Mừng hôm nay ? 4) Tại sao con thuyền các môn đệ bị chập chờn không tiến xa được ? 5) Canh tư tức là mấy giờ sáng ? 6) Ý nghĩa của việc Đức Giê-su đi trên mặt biển là gì ? 7) Thái độ của các Tông đồ ra sao khi thấy có bóng người đi trên mặt biển đến gần và Đức Giê-su đã làm gì để trấn an các ông ? 8) Qua câu nói: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su đã ngầm mạc khải Người là ai ? 9) Khi xin được đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy, Phê-rô đã biểu lộ tính khí thế nào ? 10) Tại sao Phê-rô đang đi trên mặt biển lại bị chìm đắm và ông làm gì để được Chúa cứu giúp ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. Phê-rô thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14,30).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HÃY LUÔN NGƯỚC MẮT NHÌN LÊN TRỜI CAO:
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống. Thấy thế, một thủy thủ già la to lên với cậu :”Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phê-rô trong bài Tin mừng. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình mà nhìn xuống mặt biển giông tố, giống như ông Phê-rô đã rời mắt khỏi Thầy Giê-su mà nhìn xuống mặt biển trong cơn giông tố.
2) SỨC MẠNH CỦA ƠN CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI NGƯỜI TÍN HỮU:
Hôm ấy, tại công trường thành phố lớn kia, dân chúng tụ họp đông đảo để xem cuộc đấu giá một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ, mặt đàn bị méo mó và trầy trụa. Người bán đấu giá thầm nghĩ là chẳng bõ công để tiêu phí nhiều thì giờ về cây đàn violon, tức là cây đàn vĩ cầm cũ kỹ này. Vừa giơ cây đàn vĩ cầm cũ lên ông vừa nói:
– Tôi phải ra giá cho người bạn thân yêu của tôi bao nhiêu đây?
Ông ta lớn tiếng hơn:
-Ai sẽ bắt đầu ra giá giùm tôi? Một đôla, một đôla thôi. Ai sẽ trả hai đôla nào? Hai đôla, ba đôla. Ai sẽ trả ba đôla? Ba đôla lần thứ nhất, ba đôla lần thứ hai… Tiếp tục vẫn chỉ được ba đô mà thôi.
Kế đó, từ cái phòng ở phía sau, một người đàn ông có bộ tóc bạc tiến tới và cầm cây đàn vĩ cầm lên tay. Sau khi phủi bụi bám đầy trên cây đàn và so lại những sợi dây đàn, ông chơi một giai điệu thanh trong và ngọt ngào. Tiếng đàn ngưng lại và người bán đấu giá lên tiếng với giọng nói nhẹ nhàng, trầm trầm:
– Tôi sẽ ra giá cho cây đàn cũ kia bao nhiêu đây?
Vừa nói ông vừa giơ cây đàn vĩ cầm lên cao:
Một ngàn đô, một ngàn đô. Ai sẽ trả hai? Hai ngàn đô. Ai sẽ trả ba? Ba ngàn đô lần thứ nhất, ba ngàn đô lần thứ hai.
Rồi nhất quyết ông nói:
– Thôi !
Đám đông hò reo, nhưng cũng giữa đám đông có mấy người la lên,
– Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì đã thay đổi giá trị cây đàn vĩ cầm cũ kỹ kia?
Người bán đấu giá đáp:
– Đó là ngón đàn của người bậc thầy.
Thật vậy, họ đã không nhận ra rằng trong đám đông cuộc bán đấu giá ấy có một ông già là tay chơi đàn vĩ cầm rất lão luyện. Cây đàn vĩ cầm vẫn là cây đàn cũ kỹ không thay đổi, nhưng chính năng khiếu của đôi tay người nhạc công bậc thầy đã làm phát sinh những âm thanh tuyệt vời và làm cho cây đàn có giá trị hơn trước cả ngàn lần.
Mỗi tín hữu được ví như cây đàn vĩ cầm trong câu chuyện trên. Chúng ta sẽ chẳng làm được gì phụng sự Nước Chúa nếu chỉ cậy vào sức riêng mình. Nhưng nếu chúng ta biết dựa vào ơn Chúa bằng việc kết hiệp mật thiết với Chúa thì chúng ta sẽ làm được những việc vượt quá sức của chúng ta như lời Chúa dạy: “Vì không có Thầy, anh em không làm được gì”.
3) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI CỦA LỜI CẦU NGUYỆN:
Khi linh mục Gio-an Ma-ri-a Via-ney vừa tới làng Ars nhỏ bé, một vài người đã mỉa mai nói với ngài rằng: “Ở đây chắc ông sẽ chẳng có việc gì để làm đâu.” Cha đã trả lời: “Như vậy là đã có mọi chuyện để làm rồi đó.” Và ngài đã làm gì?
Thức dậy từ 2 giờ sáng. Ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong ngôi thánh đường tối tăm trong nhiều giờ. Tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà Tạm. Nhờ sự chuyên cần cầu nguyện của thánh nhân, Chúa Giê-su và Ðức Mẹ Ðồng Trinh đã dần dần lôi kéo các tâm hồn đền với giáo xứ nghèo nàn khô đạo này, và ngôi nhà thờ nhỏ bé đã dần trở nên chật chội không đủ chỗ để chứa đám đông. Nơi tòa giải tội của cha sở chen chúc những hàng dài hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 đến 18 giờ một ngày.
Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ tư lâu không dùng đến, một nhà Tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực, giờ đây, bộ mặt sinh hoạt của giáo xứ cũng như tâm hồn của các tín hữu đã hoàn toàn thay đổi nên tốt hơn.
Nguyên nhân nào đưa đến sự thay đổi xứ Ars, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được sự biến đổi kỳ diệu như thế như thánh Phao-lô dạy: “Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1 Cr 1,28).
Mỗi chúng ta hãy năng đọc Lời Chúa và cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng, đồng thời mỗi ngày lần chuỗi Mân Côi… thì chúng ta cũng sẽ làm được những việc lớn lao phụng sự Chúa và đưa được nhiều người về làm con Chúa như LM Vianney.
4) LỜI CẦU NGUYỆN ĐEM LẠI BÌNH AN CHO TÂM HỒN
KÉT MIU-LƠ ( Keith Miller) tác giả cuốn sách tựa đề “Hương rượu mới” (The taste of new Wine), đã thuật lại một biến cố xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời của ông như sau:
Vào một đêm nọ, trên đường về nhà, Két bị một chiếc xe từ sau tông làm anh té nằm bất tỉnh bên lề đường suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, chờ xe cứu thương đến mang đi. Khi tỉnh dậy và ý thức tình trạng của mình, anh bắt đầu cầu nguyện với Chúa. Sau khi cầu nguyện xong, tự nhiên anh cảm thấy tâm hồn mình được bình an lạ lùng. Két viết: “Tôi nghĩ thật đáng xấu hổ biết bao khi mà mãi đến bây giờ tôi mới khám phá ra giá trị của lời cầu nguyện. Từ khi ấy, dù đang phải đối diện với cái chết, nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào. Tôi có cảm giác Chúa luôn hiện diện bên tôi và sẵn sàng ra tay cứu giúp tôi”. Sau đó, Két đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống và mau chóng bình phục. Anh trở lại đại học và được bầu làm chủ tịch lớp sinh viên năm thứ hai. Nhưng về sau, bị các hoạt động xã hội lôi cuốn, anh đã thôi không đến nhà thờ nữa và lại tiếp tục lún sâu vào các đam mê tội lỗi như trước.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh lập gia đình và làm việc cho một hãng xăng dầu ở tiểu bang Tếch-sớt (Texas). Nhưng cuộc sống gia đình và công việc đã không suông sẻ như anh mong ước. Một hôm Két chơi bài và đã bị thua một số tiền lớn. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm bấy lâu giờ đây bị thua hết sạch! Anh bị vợ nặng lời mạt sát và đòi ra tòa ly hôn. Anh buồn chán đánh xe chạy vọt đi mà không biết phải đi về đâu. Sau khi chạy được một lúc, anh tấp xe vào bên lề đường, tắt máy rồi ngồi đó im lặng hút thuốc. Trước đây mỗi lần gặp phải điều gì buồn phiền, anh chỉ cần đi về nhà uống vài ly rượu mạnh rồi nằm vật ra giường ngủ một giấc đến sáng hôm sau là hết. Thế nhưng bây giờ sự thể lại không đơn giản như thế. Anh đã bị dồn đến bờ vực bị phá sản chỉ vì một phút lỡ lầm! Anh nhìn lên trời và la to lên rằng: “Nếu Chúa muốn gì nữa thì xin hãy lấy tất cả đi. Con thực sự muốn như vậy đó!” Ngay lúc ấy, đột nhiên anh cảm thấy tâm hồn được bình an, một cảm giác mà cách đây mười mấy năm anh đã từng trải qua khi bị thương nằm bất tỉnh bên đường. Ngay lúc đó, anh đã hạ quyết tâm phải thay đổi cuộc sống. Dù không có những tia sấm chớp trên trời, cũng chẳng có tiếng nói mầu nhiệm nào của Thiên Chúa, nhưng Két cũng nhận biết rõ điều Chúa muốn anh thực hiện. Người không cần tiền bạc, thời giờ hay sức lực của anh. Người chỉ cần anh dâng cho Người quyết tâm đổi mới ấy, thì Người sẽ lại ban sự bình an cho anh. Có thể nói: Két đã thực sự tái sinh một lần nữa để trở nên một người mới hoàn toàn thuộc về Chúa.
3. SUY NIỆM:
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào mình. Khi chúng ta cảm thấy tâm hồn bất an, chính là lúc chúng ta đã bỏ không nhìn lên Chúa. Khi bị chìm sâu trong các đam mê tội lỗi, là lúc chúng ta hoài nghi tình thương của Chúa và bỏ làm việc đạo đức. Chúng ta hãy noi gương thánh Phê-rô kêu cầu Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, xin cứu con với!”. Chắc chắn Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy chúng ta và sẽ ban sự bình an cho chúng ta.
1) “CỨ YÊN TÂM, CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”:
Khi để chúng ta gặp phải những tai ương, bệnh tật và đau khổ là Chúa muốn huấn luyện đức tin của chúng ta. Đức Giê-su luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta và sẵn sàng giúp chúng ta chiến thắng ma quỷ và sự dữ. Nếu thực sự tin vào Người thì chúng ta sẽ không sợ hãi khi gặp bất cứ thử thách nào, nhưng luôn vững tin “Chúa sẽ rút từ sự dữ ra sự lành” để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
2) “THƯA NGÀI, XIN CỨU CON VỚI”:
Tin tưởng và luôn nhìn vào Chúa, ông Phê-rô đã có thể đi trên biển cả giống như thầy mình. Nhưng khi gió mạnh ào đến làm lung lạc đức tin, thì ông bắt đầu bị chìm xuống. Ông vội kêu lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Bàn tay Đức Giê-su đã kịp thời đưa ra nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền bình an, kèm theo lời trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin như vậy! Sao lại hoài nghi?”
3) LUÔN TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA:
Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng đã bị Chúa bỏ rơi khi Người để chúng ta liên tiếp gặp phải các tai nạn rủi ro như người ta thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhưng thực ra đó lại là cách Chúa dùng để huấn luyện đức tin cho chúng ta. Người muốn thử thách đức tin của chúng ta như: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức!”. Nếu gặp những tai ương hoạn nạn mà chúng ta lo lắng sợ hãi, bỏ cầu nguyện dự lễ và chạy theo bói toán, bùa ngải… thì đức tin nơi ta đã chết. Nhưng nếu chúng ta vẫn trung thành với Chúa, vẫn luôn chu toàn các việc đạo đức và càng năng xin Chúa ban ơn soi sáng để biết phải làm gì và làm như thế nào, vẫn luôn tín thác vào Chúa quan phòng… thì mới chứng tỏ đức tin của chúng ta mạnh mẽ và đẹp lòng Chúa.
4) CẦU NGUYỆN TRONG MỌI LÚC MỌI NƠI:
Đức Tin mạnh biểu lộ qua việc năng cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường hay chữa mình: Tôi bận quá không có thời giờ rảnh để “vào sa mạc” mà cầu nguyện. Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên cạnh và ở trong lòng ta. Chỉ cần thành tâm và có một chút cố gắng là ta có thể tạo ra khung cảnh sa mạc cho bản thân mình.
Chẳng hạn: Mỗi ngày chúng ta có biết bao giờ rãnh rỗi để đi chơi, uống một ly cà phê, tán gẫu với chúng bạn hay ngồi hàng giờ trước vô tuyến truyền hình… tại sao ta lại không bớt ra một vài phút để vào sa mạc tâm hồn mà cầu nguyện với Chúa. Mỗi ngày có rất nhiều cơ hội gặp Chúa, mà vì lười biếng, vì thiếu đức tin mà chúng ta đã không cầu nguyện và bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ Chúa như: Những lúc cửa hàng vắng khách, khi xe tạm dừng chờ đèn xanh… Khi bị kẹt xe hay khi bất ngờ bị cúp điện không thể tiếp tục làm việc bình thường. Thay vì cảm thấy bực bội khó chịu, chúng ta hãy ý thức Chúa đang ở trong ta và hãy tâm sự với Người về những việc mình đang làm, về những điều đang lo lắng đối phó.
4. THẢO LUẬN:
1) Mỗi người chúng ta cần học nơi thánh Phê-rô điều gì về sự cầu nguyện ? 2) Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa vào lúc nào ? 3) Khi gặp thất bại hay rủi ro trái ý, ta cần làm gì để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa như tông đồ Phê-rô ?
5. CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa muốn con phải luôn vững tin vào Chúa mỗi khi gặp thử thách gian nan. Ngày nay vẫn có những cơn sóng gió làm chúng con bị hoài nghi và suy giảm lòng tin vào Chúa, khiến chúng con ngày một chìm sâu trong các đam mê tội lỗi. Mỗi khi con sắp bị chìm đắm, xin Chúa hãy động viên con như đã động viên các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay: “Cứ yên tâm. Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Xin hãy nắm chặt tay con khi con sắp quỵ ngã, xin hãy nâng đỡ đức tin yếu hèn của con, giúp con đứng vững trước bao sóng gió cuộc đời. Nhất là xin cho con biết luôn ngước nhìn lên Chúa, là nguồn hy vọng và là sự trông cậy độc nhất của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM