Ngày 17/01, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2024, kêu gọi các quốc gia, các công ty, tổ chức kinh tế chú trọng đến chiều kích đạo đức luân lý trong tiến trình phát triển kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 đang diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ cho tới ngày 19/01, với số tham dự viên là 2.800 người. Tập trung vào chủ đề “Khôi phục niềm tin”, các nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu các công ty, tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đang thảo luận về kinh tế, khí hậu, chiến tranh và công nghệ.
Trong sứ điệp gửi đến Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được Đức Hồng Y Peter Turkson đọc, Đức Thánh Cha bày tỏ lo ngại vì sự kiện diễn ra trong bầu khí bất ổn quốc tế, vì thế ngài hy vọng các cuộc thảo luận sẽ hướng đến nhu cầu cấp bách trong việc thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tình huynh đệ và hoà giải các nhóm, cộng đồng và quốc gia, để giải quyết những thách đố trước mắt.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hoà bình mà các dân tộc trên thế giới đang khao khát không gì khác hơn là hoa trái của công bình (Is 32,17). Và hoà bình này không chỉ đơn giản là việc đặt sang một bên các công cụ chiến tranh, nhưng đòi hỏi phải giải quyết những bất công vốn là nguyên nhân sâu xa của xung đột.
Theo ngài, một trong số những vấn đề quan trọng nhất là nạn đói, vẫn tiếp tục hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới. Hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên tiếp tục làm giàu cho một số ít người trong khi khiến toàn bộ người dân, những người được hưởng lợi tự nhiên từ các tài nguyên này, rơi vào tình trạng cơ cực và nghèo đói. Bên cạnh đó là nạn bóc lột tràn lan người lao động, họ bị buộc phải làm việc với mức lương thấp và bị tước đoạt những triển vọng thực sự để phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Về tiến trình toàn cầu hoá, Đức Thánh Cha nhận xét cho tới nay chúng ta nhận ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia và các dân tộc trên thế giới có một chiều kích luân lý nền tảng. Vì thế trong các cuộc thảo luận kinh tế, văn hoá, chính trị và tôn giáo phải làm sao cho điều này được cảm nhận để định hình tương lai cộng đồng quốc tế. Thực vậy, trong một thế giới ngày càng bị đe doạ bởi bạo lực, xâm lược và phân mảnh, điều cần thiết là các quốc gia và công ty phải tham gia vào việc thúc đẩy các mô hình toàn cầu hoá có tầm nhìn xa và đúng đắn về mặt đạo đức luân lý. Các công ty phải được hướng dẫn không chỉ bằng cách theo đuổi lợi nhuận công bằng nhưng còn bởi các tiêu chuẩn đạo đức. Hơn nữa, sự phát triển đích thực phải mang tính toàn cầu, được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia và ở mọi nơi trên thế giới, nếu không nó sẽ thoái lui ngay cả trong những lĩnh vực cho đến nay được đánh dấu bởi sự tiến bộ liên tục.
Đức Thánh Cha kết luận “hy vọng các tham dự viên của Diễn đàn năm nay sẽ lưu tâm đến trách nhiệm đạo đức mà mỗi người chúng ta phải có trong cuộc chiến chống nghèo đói, đạt được sự phát triển toàn diện cho tất cả anh chị em của chúng ta và việc tìm kiếm một sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc. Đây là thách đố lớn mà thời điểm hiện tại đặt ra trước mắt chúng ta. Và nếu trong quá trình theo đuổi những mục tiêu này “thời đại của chúng ta dường như đang có dấu hiệu thoái trào nhất định”, thì vẫn đúng rằng “mỗi thế hệ mới phải tiếp tục những nỗ lực và thành tựu của các thế hệ tiền nhân, đồng thời đặt mục tiêu cao hơn nữa”. … Điều thiện hảo, cùng với tình yêu thương, công lý và tình liên đới, không thể đạt được một lần cho mãi mãi; chúng phải được thực hiện mỗi ngày” (Tông huấn Laudate Deum, 34).
Nguồn : Vatican News