Đức Thánh Cha cử hành Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2021

Sáng Chúa nhật 28/3/2021 tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Phụng vụ Lễ Lá khơi dậy trong chúng ta một sự ngạc nhiên: từ niềm vui hân hoan chào đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem đến nỗi đau chứng kiến Người bị kết án tử và bị đóng đinh. Thái độ nội tâm này sẽ đồng hành với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Vì vậy, chúng ta hãy đi vào sự ngạc nhiên này”.

Do đại dịch virus corona, đây là lần thứ hai Thánh lễ được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, bên trong đền thờ, nghĩa là bàn thờ phía sau bàn thờ tuyên xưng đức tin và với sự tham dự của khoảng hơn 100 người.

Sống thái độ ngạc nhiên trong Tuần Thánh

Bắt đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: “Mỗi năm Phụng vụ Lễ Lá khơi dậy trong chúng ta một sự ngạc nhiên: Chúng ta đi từ niềm vui hân hoan chào đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem đến nỗi đau chứng kiến Người bị kết án tử và bị đóng đinh. Thái độ nội tâm này sẽ đồng hành với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Vì vậy, chúng ta hãy đi vào sự ngạc nhiên này”.

Đức Thánh Cha chỉ ra những điều Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên: Dân chúng chào đón Chúa cách long trọng, nhưng Chúa vào thành Giêrusalem trên một lừa con khiêm tốn. Tại Lễ Vượt Qua, dân Chúa đang mong đợi một người giải phóng quyền thế, nhưng Chúa Giêsu đến để hoàn thành Lễ Vượt Qua bằng sự tự hiến của Người. Dân Người mong đợi để ăn mừng chiến thắng trước người La Mã bằng gươm, nhưng Chúa Giêsu đến cử hành chiến thắng của Thiên Chúa bằng thập giá.

Hãy để Chúa làm chúng ta ngạc nhiên

“Điều gì đã xảy ra với dân chúng, vì chỉ trong ít ngày, từ việc tung hô Chúa Giêsu đến việc la hét ‘đóng đinh Người’? Điều gì đã xảy ra?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và ngài trả lời: “Những người đó đã theo một hình ảnh của Đấng Mêsia hơn là chính Đấng Mêsia. Họ đi theo một hình ảnh, chứ không đi theo Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ chưa sẵn sàng để cho mình được Người làm cho ngạc nhiên. Ngạc nhiên khác với ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể mang tính thế gian, bởi vì nó theo thị hiếu và kỳ vọng của chính mình; ngược lại, sự ngạc nhiên mở ra với người khác, với sự mới lạ của người khác”.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng ngày nay cũng có nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì Người nói hay, Người yêu thương và tha thứ, mẫu gương của Chúa đã thay đổi lịch sử… Họ ngưỡng mộ Người, nhưng cuộc đời của họ không thay đổi. Bởi vì ngưỡng mộ Chúa Giêsu thôi thì chưa đủ. Cần phải đi theo Chúa trên con đường của Người, để cho Người chất vấn, thử thách: đi từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc.

Điều Chúa làm chúng ta ngạc nhiên: Chúa trút bỏ vinh quang, hạ mình

Đi vào hành trình Vượt Qua của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha tiếp tục đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời: “Điều gì gây ngạc nhiên nhất về Chúa và cuộc Vượt Qua của Người? Đó là việc Người đến vinh quang bằng con đường nhục nhã. Người chiến thắng bằng cách chấp nhận đau đớn và cái chết, điều mà chúng ta, những người trong khi tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thành công thường sẽ né tránh. Trái lại, Chúa Giêsu – như Thánh Phaolô nói với chúng ta – ‘đã hoàn toàn trút bỏ, […] đã hạ mình’ (Pl 2,7,8). Đây là điều thật đáng ngạc nhiên: khi thấy Đấng Toàn Năng đã hạ mình xuống chẳng còn gì cả. Khi thấy Người, Ngôi Lời biết mọi sự, dạy chúng ta trong thinh lặng từ trên thập giá. Nhìn vua của các vua lên ngôi trên thập giá. Nhìn thấy Chúa vũ trụ bị tước mọi thứ và đăng quang bằng mão gai thay vì vinh quang. Thấy Đấng Nhân Lành, bị sỉ nhục và bị đánh đập. Tại sao lại là tất cả sự sỉ nhục này? Tại sao, lạy Chúa, Chúa muốn chịu đựng tất cả những điều này? Và câu hỏi này làm cho chúng ta ngạc nhiên”.

“Chúa đã làm điều đó cho chúng ta, nhằm chạm vào tận sâu thẳm thực tại con người chúng ta, trải qua tất cả sự hiện hữu của chúng ta, tất cả những điều xấu xa của chúng ta. Chúa đã làm tất cả những điều đó để đến gần chúng ta và không để chúng ta cô đơn trong đau khổ và cái chết. Chúa đã làm điều đó để phục hồi và cứu chúng ta. Chúa Giêsu được giương cao trên thập giá để xuống vực thẳm đau khổ của chúng ta. Người trải qua những nỗi đớn đau nhất của chúng ta: thất bại, bị mọi người từ chối, bị những người yêu thương phản bội và thậm chí bị Thiên Chúa bỏ rơi. Bằng cách trải nghiệm trong thân xác những mâu thuẫn đau đớn nhất của chúng ta, Người cứu chuộc, biến đổi những đau khổ của chúng ta. Tình yêu của Người đến gần sự yếu đuối của chúng ta, chạm đến chính những điều mà chúng ta xấu hổ nhất. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết chúng ta không đơn độc: Thiên Chúa ở với chúng ta trong mọi vết thương, mọi nỗi sợ hãi: sự xấu xa và tội lỗi không phải là tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa chiến thắng, nhưng bàn tay chiến thắng phải đi qua gỗ Thánh giá. Vì vậy bàn tay và Thánh Giá không thể tách rời nhau”.

Xin ân sủng ngạc nhiên

Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu xin ân sủng được ngạc nhiên. Nếu không có sự ngạc nhiên, đời sống Kitô hữu trở nên ảm đạm. Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho niềm vui được gặp Chúa Giêsu nếu mỗi ngày chúng ta không để cho mình ngạc nhiên trước tình yêu đáng kinh ngạc của Người, tình yêu đã tha thứ cho chúng ta và giúp chúng ta bắt đầu lại? Nếu đức tin mất đi sự kinh ngạc, nó sẽ bị điếc: nó không còn cảm nhận được sự kỳ diệu của Ân sủng, không còn cảm nhận được hương vị của Bánh sự sống và Lời, không còn cảm nhận được vẻ đẹp của anh chị em và quà tặng của thụ tạo. Và người mất đức tin không có một cuộc sống nào khác ngoài việc trốn tránh trong việc giữ luật theo hình thức, trong thái độ giáo sĩ trị và tất cả những gì Chúa Giêsu lên án trong chương 23 Tin Mừng Mathêu”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thánh giá để nhận được ơn ngạc nhiên. Thánh Phanxicô Assisi, khi nhìn lên Thánh giá, đã kinh ngạc vì các anh em của ngài không khóc. Và chúng ta, liệu chúng ta có thể xúc động trước tình yêu của Chúa không? Tại sao chúng ta không còn biết kinh ngạc trước Người? Có lẽ vì đức tin của chúng ta đã bị thói quen làm hao mòn. Có lẽ vì chúng ta vẫn khép mình trong những nuối tiếc và để cho mình bị tê liệt trong những bất mãn. Có lẽ vì chúng ta đã mất niềm tin vào mọi sự và thậm chí tin rằng mình bất xứng. Nhưng đằng sau những điều “có thể” này, có một thực tế là chúng ta không mở lòng đón nhận hồng ân Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta ân sủng ngạc nhiên.

Chúng ta hãy bắt đầu lại từ sự ngạc nhiên. Chúng ta hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và thưa với Người: “Lạy Chúa, Chúa yêu con biết bao! Đối với Chúa, con thật quý giá!”. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu làm cho chúng ta ngạc nhiên để chúng ta có thể sống lại, bởi vì sự vĩ đại của cuộc sống không nằm ở những gì chúng ta có và việc khẳng định chính mình, nhưng ở việc khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương. Và trong vẻ đẹp của tình thương. Trong Đấng chịu đóng đinh, chúng ta thấy Thiên Chúa chịu sỉ nhục, Đấng Toàn Năng bị loại bỏ. Và với ân sủng ngạc nhiên, chúng ta hiểu rằng bằng cách đón tiếp những người bị từ chối, bằng cách đến gần những người bị cuộc sống sỉ nhục, chúng ta yêu mến Chúa Giêsu: vì Người ở đó, nơi những người bé nhỏ, trong những người bị từ chối.

Viên đại đội trưởng, mẫu gương của sự ngạc nhiên

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, ngay sau cái chết của Chúa Giêsu, một biểu tượng đẹp nhất của sự ngạc nhiên. Đó là cảnh viên đại đội trưởng, “thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa! ”(Mc 15,39). Ông đã thấy Chúa Giêsu chết như thế nào? Ông thấy Chúa chết vì yêu. Người đau khổ, kiệt sức, nhưng vẫn không ngừng yêu thương. Đó là điều làm chúng ta ngạc nhiên trước Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy cái chết bằng tình yêu. Trong tình yêu nhưng không và lạ lùng này, viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo, đã tìm được Thiên Chúa. Người thực sự là Con Thiên Chúa! Câu nói của ông đóng dấu cuộc Khổ nạn. Trong Tin Mừng, nhiều người trước ông, ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì những phép lạ và những việc kỳ diệu của Người, đã nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa, nhưng chính Đức Kitô đã làm họ im lặng, vì họ chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ Người theo thái độ của thế gian. Giờ đây, điều này không còn nữa, dưới chân Thánh giá người ta không thể hiểu sai: Thiên Chúa tỏ mình và trị vì chỉ khi Người từ bỏ vũ khí quyền lực.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi: “Ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm cho tâm trí và trái tim của chúng ta ngạc nhiên. Hãy để điều ngạc nhiên này lan tỏa trong chúng ta, chúng ta hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và chúng ta cũng hãy thưa: Lạy Chúa, Ngài thực sự là Con Thiên Chúa”.

Ngọc Yến – Vatican News

Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/dtc-le-la-khai-mac-tuan-thanh.html