Vào lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 30/9/2023, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y mới. Đây là công nghị phong Hồng y lần thứ 9 trong hơn 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô lãnh đạo Giáo hội.
21 tân Hồng y
Tên của 21 vị được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y lần thứ 9 này đã được ngài công bố trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 9/7/2023. Các tân Hồng y đến từ 8 quốc gia, trong đó có 3 vị người Ý, 3 vị người Argentina, 2 vị người Pháp, 2 vị người Tây Ban Nha, và các vị còn lại đến từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nam Phi, Colombia, Ba Lan, Nam Sudan, Tanzania, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Bồ Đào Nha và Venezuela.
Trong số 21 tân Hồng y có 18 vị dưới 80 tuổi có quyền bầu Giáo hoàng và 3 vị trên 80 tuổi không còn quyền bầu Giáo hoàng.
Đứng đầu danh sách là các vị đứng đầu các cơ quan Giáo triều Roma. Đầu tiên là Đức tân Hồng y Robert Francis PREVOST, O.S.A., Tổng Trưởng Bộ Giám Mục. Kế tiếp là Đức tân Hồng y Claudio GUGEROTTI, Tổng Trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương; Đức tân Hồng y Víctor Manuel FERNÁNDEZ, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cả 3 vị này đều mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng trong thời gian gần đây.
Có 2 tân Hồng y đang là Sứ thần Tòa Thánh; đó là Đức tân Hồng y Emil Paul TSCHERRIG, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ý; và Đức tân Hồng y Christophe Louis Yves Georges PIERRE, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.
Đặc biệt, 1 tân Hồng y là Cha Ángel FERNÁNDEZ ARTIME, Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng. Cũng thêm một điều đặc biệt nữa là Cha ARTIME sẽ được tấn phong Giám mục sau khi được thăng Hồng y. Thông thường, nếu các vị được thăng làm Hồng y chưa phải là Giám mục thì sẽ được tấn phong Giám mục, nếu các ngài muốn, trước khi được thăng làm Hồng y.
Có 20 tân Hồng y hiện diện trong Công nghị, còn Đức tân Hồng y Luis Pascual Dri, 96 tuổi, dòng Capuchino, người Argentina, không đến tham dự vì cao tuổi.
Công nghị phong Hồng y
Vì Công nghị phong Hồng y diễn ra trong thời gian gần ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 nên có nhiều Hồng y, Giám mục và linh mục cũng hiện diện trong nghi lễ.
Công nghị phong Hồng y được tiến hành dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.
Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, Đức Hồng y Claudio Gugerotti, người Ý, Tổng Trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, đã đại diện các tân Hồng y chào mừng và cảm ơn Đức Thánh cha.
Trong bài huấn dụ dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ (xem 2,1-11), trình thuật về Lễ Ngũ tuần, ngày khai sinh của Giáo Hội, Đức Thánh Cha mời gọi tái khám phá sứ ngạc nhiên và biết ơn vì đã được loan báo Tin Mừng. Đồng thời Đức Thánh Cha cũng mời gọi Hồng y đoàn, như một dàn nhạc giao hưởng, đa dạng nhưng phải góp phần vào kế hoạch chung, biết lắng nghe nhau.
Ngạc nhiên và biết ơn vì được đón nhận Tin Mừng
Trước hết, từ hình ảnh những người Do Thái ngạc nhiên vì sự hiện diện trong Nhà Tiệc Ly của những người “đến từ mọi quốc gia dưới gầm trời”, Đức Thánh Cha mời gọi “hãy nghĩ lại với lòng biết ơn về hồng ân được Phúc Âm hóa và được được nhận ân sủng của Tin Mừng từ các dân tộc”, mỗi dân tộc vào thời đại của họ, đã nhận được Kerygma, lời loan báo mầu nhiệm cứu độ, và khi đón nhận lời loan báo này, họ đã được rửa tội trong Chúa Thánh Thần và đã trở thành một phần của Giáo hội. Mẹ Giáo hội, nói bằng mọi ngôn ngữ, là Duy nhất và là Công Giáo.”
Được đón nhận Tin Mừng bằng chính ngôn ngữ của mình
Đức Thánh Cha nói rằng điều này rất quan trọng và không nên quên. Bởi vì ở đó, “trong lịch sử dân tộc chúng ta, Chúa Thánh Thần đã thực hiện kỳ công truyền đạt mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Và mầu nhiệm này đến với chúng ta “bằng ngôn ngữ của chúng ta”, trên môi miệng và cử chỉ của ông bà cha mẹ chúng ta, của các giáo lý viên, các linh mục, các tu sĩ… Mỗi người chúng ta có thể nhớ những giọng nói và khuôn mặt cụ thể. Đức tin được truyền đạt “bằng phương ngữ” bởi các người mẹ và người bà.
Chúng ta là những người rao giảng Tin Mừng trong mức độ chúng ta luôn giữ trong lòng sự ngạc nhiên và biết ơn vì đã được truyền giảng Tin Mừng, ngay cả được Phúc âm hóa, bởi vì trên thực tế, đó là một món quà
Hiệp nhất hài hòa
Sau đó, Đức Thánh Cha mời gọi các Hồng y hiệp nhất và hài hòa trong đa dạng như trong dàn nhạc giao hưởng. Mọi nhạc sĩ và đặc biệt người điều khiển, phải lắng nghe nhau. Ngài đề nghị các Hồng y tin tưởng và phó thác vào Chúa Thánh Thần, vị thầy nội tâm và thầy của việc hiệp hành, Người tạo nên sự đa dạng và thống nhất, Người chính là sự hòa hợp.
Nghi thức phong Hồng y
Sau bài huấn dụ của Đức Thánh cha là nghi thức phong Hồng y, bắt đầu với việc Đức Thánh cha xướng danh các tân Hồng y cùng với đẳng linh mục hay phó tế được chỉ định cho các vị. Tiếp đến, các tân Hồng y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh cha và các đấng kế vị ngài.
Sau đó từng Hồng y lần lượt tiến đến quỳ trước mặt Đức Thánh cha và ngài đội mũ đỏ Hồng y và trao nhẫn cho các vị. Cuối cùng, Đức Thánh cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng y và chỉ định tước hiệu thánh đường của các tân Hồng y.
Với 21 tân Hồng y vừa được phong, từ ngày 30/9 Hồng y đoàn sẽ có 242 Hồng y, trong đó có 137 Hồng y cử tri, là những vị dưới 80 tuổi và có quyền bầu Giáo hoàng.
Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News