Chiều thứ Sáu, ngày 07/6/2024, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi kỷ niệm 10 năm cuộc gặp gỡ “Lời kêu gọi hoà bình ở Thánh Địa”. Ngài kêu gọi đặt Giêrusalem ở trung tâm, để nơi này trở thành nơi gặp gỡ huynh đệ giữa các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, được bảo vệ bởi một quy chế đặc biệt ở cấp độ quốc tế.
Trước sự hiện diện của một số Hồng y, Giám mục, các vị đứng đầu các cơ quan Toà Thánh, Đại sứ Israel và Palestine cạnh Toà Thánh, Rabbi Do Thái Funaro, Tổng Thư ký Trung tâm Hồi giáo Ý Redoune, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì sự hiện diện của mọi người, và nhắc lại sự kiện cách đây 10 năm – buổi cầu nguyện liên tôn với Tổng thống Nhà nước Palestine, Tổng thống Israel, cùng với Thượng phụ Đại kết Bartolomeo – để cầu xin hoà bình cho Thánh địa.
Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay, ghi nhớ sự kiện đó là điều quan trọng, đặc biệt trước những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Trong nhiều tháng nay, chúng ta đã chứng kiến sự thù địch ngày càng gia tăng và chúng ta đã tận mắt thấy nhiều người vô tội chết. Tất cả những đau khổ này, sự tàn bạo của chiến tranh, bạo lực mà nó gây ra và sự hận thù mà nó gieo rắc cho các thế hệ tương lai sẽ phải thuyết phục chúng ta rằng ‘mọi cuộc chiến đều khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và nhân loại, là sự đầu hàng đáng xấu hổ, là cuộc tháo chạy trước các thế lực gian ác’” (Thông điệp Fratelli tutti, 261).
Vì lý do này, theo Đức Thánh Cha, thay vì ảo tưởng cho rằng chiến tranh có thể giải quyết vấn đề và đưa đến hòa bình, chúng ta phải phê bình và cảnh giác đối với ý thức hệ đang thống trị, theo đó “xung đột, bạo lực và đổ vỡ là một phần hoạt động bình thường của xã hội” (Fratelli tutti, 236). Hơn nữa, cần có sự cam kết đổi mới để xây dựng một thế giới hòa bình. Không ngừng ước mơ và xây dựng những mối quan hệ hòa bình.
Đề cập trực tiếp đến Giêrusalem, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải đặt Giêrusalem ở trung tâm, để nơi này trở thành nơi gặp gỡ huynh đệ giữa các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, được bảo vệ bởi một quy chế đặc biệt ở cấp độ quốc tế”.
Và ngài nói thêm: “Chúng ta ở đây để cầu xin hòa bình. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban hoà bình như một ân ban thương xót của Người. Thực vậy, hòa bình không chỉ được thực hiện trên những thỏa thuận trên giấy tờ hoặc trên bàn đàm phán về con người và chính trị. Nó nảy sinh từ những con tim được biến đổi, nó nảy sinh khi mỗi người chúng ta được chạm tới tình yêu Thiên Chúa, tình yêu làm tan biến tính ích kỷ, phá bỏ những thành kiến và mang lại cho chúng ta hương vị và niềm vui của tình bạn, tình huynh đệ và liên đới. Sẽ không có hòa bình nếu trước tiên chúng ta không để chính Thiên Chúa tước vũ khí của trái tim chúng ta, làm cho nó trở nên hiếu khách, từ bi và nhân hậu”.
Đức Thánh Cha mời gọi tất cả một lần nữa cùng cầu nguyện, để cây ôliu được trồng cách đây 10 năm tiếp tục lớn lên. Trong 10 năm qua, cây hoà bình đã được chăm sóc nên phát triển tươi tốt, vì thế chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa để hoà bình có thể nảy mầm trong tâm hồn mỗi người, mỗi dân tộc và quốc gia, và được che chở bởi những cơn gió chiến tranh và được tưới bởi những người dấn thân sống tình huynh đệ. Ngài khích lệ mọi người không ngừng mơ về hoà bình, điều mang lại niềm vui bất ngờ khi cảm thấy mình là một phần của một gia đình nhân loại duy nhất, cầu nguyện để các nguyên thủ quốc gia và các bên xung đột có thể tìm ra con đường dẫn tới hoà hợp và hiệp nhất.
Kết thúc buổi kỷ niệm, Đức Thánh Cha, đại sứ Palestine, đại sứ Israel cạnh Toà Thánh, Rabbi Do Thái Funaro, Tổng Thư ký Trung tâm Hồi giáo Ý Redoune, cùng tưới cây oliu được trồng cách đây 10 năm.
Nguồn : Vatican News