ĐTC Phanxicô: Y khoa không thể thể bỏ qua phẩm giá con người

Sáng thứ Sáu ngày 29/11/2024, tiếp phái đoàn phân khoa Nha khoa của Đại học Napoli ở miền nam Ý, Đức Thánh Cha nhắc lại khẩu hiệu cổ điển tiếng Latinh: Đầu tiên đừng làm hại, sau đó chăm sóc, rồi chữa lành. Ngài khuyến khích họ trau dồi một nền khoa học luôn phục vụ con người và phục vụ theo phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thông và dịu dàng.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trong năm kỷ niệm 800 năm hoàng đế Frederick II thành lập Đại học Napoli và Đại học này vẫn mang tên ông cho đến ngày nay.

Đừng gây hại

Từ khẩu hiệu trên, Đức Thánh Cha lần lượt chia sẻ. Trước hết là đừng gây hại. Ngài giải thích rằng lời nhắc nhở này trên hết nhắc rằng không gây thêm tổn hại và đau khổ cho những gì bệnh nhân đang trải qua.

Hãy chăm sóc

Hãy chăm sóc. Đức Thánh Cha nói rằng đây là “hành động tuyệt hảo theo Tin Mừng, hành động của người Samari nhân hậu”; nhưng ngài lưu ý thêm rằng hành động này phải được thực hiện theo ‘phong cách của Thiên Chúa’: gần gũi, cảm thông và dịu dàng”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng cần chăm sóc con người như là một con người trọn vẹn chứ không chỉ một bộ phận.

Chữa lành

Về việc chữa lành, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “về mặt này anh chị em có thể giống Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành mọi loại bệnh tật và thương tật cho con người”. Ngài cầu chúc cho các nha sĩ hạnh phúc với những điều tốt đẹp mà họ thực hiện cho những người đang đau khổ (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1421).

Y khoa không bỏ qua phẩm giá con người

Cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói rằng sự khôn ngoan cổ điển này ngày nay vẫn áp dụng cho một công nghệ đang phát triển nhanh chóng nhưng không bao giờ được tiến hành mà không có đạo đức y khoa. Ngài nhấn mạnh rằng “nếu y khoa bỏ qua phẩm giá con người, vốn là điều bình đẳng đối với mọi người, thì nó có nguy cơ phục tùng lợi ích của thị trường và hệ tư tưởng, thay vì cống hiến hết mình cho thiện ích của những sự sống mới sinh ra, của những cuộc đời đau khổ, của cuộc đời cơ cực. Bác sĩ hiện hữu là để chữa lành khỏi bệnh tật: luôn luôn chăm sóc! Không có sự sống nào nên bị loại bỏ”. (CSR_5240_2024)

Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News