Đức Thánh Cha giải thích người có tinh thần nghèo khó ý thức về sự nghèo khó của mình và dựa vào Thiên Chúa. Họ ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của mình, chấp nhận những sai lỗi và xin tha thứ. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu chấp nhận sự nghèo khó trong bản thể của mình để có sự tự do đích thực và dâng hiến cuộc sống để phục vụ tha nhân với tình yêu thương.
Trong buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 7000 tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI vào sáng thứ Tư 05/02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta học hỏi mối Phúc đầu tiên trong các Mối Phúc được trình bày trong Tin Mừng thánh Mátthêu. Chúa Giêsu bắt đầu công bố con đường hạnh phúc của Ngài bằng một lời tuyên bố nghịch lý: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (5,3). Một con đường tuyệt vời, và một mục tiêu hạnh phúc kỳ lạ, đó là sự nghèo khó.
Chúng ta phải tự hỏi: “người nghèo” trong câu nói này có nghĩa là gì? Nếu thánh Mátthêu chỉ sử dụng từ này thôi, thì đơn giản là nó chỉ có ý nghĩa kinh tế, nghĩa là nó nói đến những người có ít hoặc không có phương tiện sinh sống và cần sự giúp đỡ của người khác.
Cảm nhận sự nghèo khó trong bản thể của mình
Nhưng Tin Mừng thánh Mátthêu, khác với Tin Mừng thánh Luca, nói về “những người nghèo khó về tinh thần”. Điều đó có nghĩa là gì? Tinh thần, theo Kinh Thánh, là hơi thở của sự sống mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Adam; đó là chiều kích thẳm sâu nhất của chúng ta, chiều kích thiêng liêng, nhờ đó chúng ta trở thành con người, một yếu tố sâu sắc của bản thể chúng ta. Từ đó, “người nghèo về tinh thần” là những người nghèo và những người, tự trong sâu thẳm của bản thể, họ cảm nhận mình nghèo, mình là những người khất thực. Chúa Giêsu tuyên bố họ may mắn, vì Nước Trời thuộc về họ.
Không chấp nhận sự nghèo khó giới hạn thì không thể sống hạnh phúc
Đã bao lần chúng ta nghe nói ngược lại! Cần phải là một thứ gì đó trong cuộc sống, cần phải trở thành một người nào đó … Cần phải có danh tiếng … Từ điều này nảy sinh sự cô đơn và bất hạnh: nếu tôi phải là “một ai đó”, tôi sẽ cạnh tranh với những người khác và sống trong nỗi lo lắng ám ảnh bởi cái tôi của tôi. Nếu tôi không chấp nhận mình nghèo khó, tôi ghét mọi thứ khiến tôi nhớ đến sự mong manh của mình. Bởi vì sự mong manh này ngăn cản tôi trở thành một người quan trọng, một người giàu có – không chỉ về tiền bạc mà cả về danh tiếng, về mọi thứ.
Tất cả mọi người, tự xem xét lòng mình, đều biết rõ rằng, dù cố gắng đến đâu, mình vẫn hoàn toàn không hoàn thiện và dễ bị tổn thương. Không có cách trang điểm nào có thể che dấu sự dễ tổn thương này. Mỗi người chúng ta đều dễ bị tổn thương từ nội tâm. Nhưng chúng ta không thể sống tốt nếu chúng ta từ chối nhìn nhận giới hạn của mình! Chúng ta sống không hạnh phúc vì chúng ta không chấp nhận những giới hạn và chúng cứ còn đó. Những người kiêu ngạo không yêu cầu được giúp đỡ, không thể yêu cầu giúp đỡ bởi vì họ phải tỏ ra mình có khả năng tự lo tốt cho mình. Bao nhiêu người trong họ cần sự giúp đỡ nhưng sự kiêu ngạo ngăn họ cầu xin giúp đỡ. Và thật khó khăn để thừa nhận một sai lầm và yêu cầu sự tha thứ!
3 từ khóa hạnh phúc cho hôn nhân
Khi các đôi tân hôn hỏi tôi làm sao để hôn nhân của họ được hạnh phúc, tôi khuyên họ: “Có 3 từ kỳ diệu: xin phép, cảm ơn và xin lỗi”. Đó là những từ xuất phát từ sự khó nghèo. Đừng xâm phạm: xin phép. Bạn có thấy tốt khi làm điều này không? Đối thoại trong gia đình, chồng vợ trao đổi với nhau. “A, anh đã làm điều này cho em! Cảm ơn anh! Em cần nó”. Và rồi chúng ta luôn sai lỗi, chúng ta vấp ngã, hãy nói “xin lỗi”. Và đôi khi các đôi vợ chồng mới cưới nói với tôi: “Điều thứ ba là khó nhất”, xin lỗi, xin tha thứ. Bởi vì lòng kiêu ngạo không để chúng ta làm điều đó. Chúng ta không thể xin lỗi, chúng ta luôn có lý. Đó không phải là nghèo khó. Ngược lại, Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ; thật không may là chính chúng ta lại mệt mỏi cầu xin sự tha thứ (xem Angelus ngày 17 tháng 3 năm 2013). Mệt mỏi cầu xin tha thứ là một căn bệnh tồi tệ.
Tại sao khó xin tha thứ? Bởi vì nó làm cho hình ảnh đạo đức giả của chúng ta bị hạ thấp. Tuy nhiên, sống mà cố gắng che giấu những thiếu sót của chính mình thì thật mệt mỏi và đau khổ. Chúa Giêsu Kitô nói với chúng ta: nghèo khó là cơ hội cho ân sủng; và chỉ cho chúng ta cách thoát khỏi sự mệt mỏi này. Chúng ta được trao quyền nghèo khó về tinh thần, vì đây là con đường của Nước Thiên Chúa.
Tình trạng của con người: nghèo trong tinh thần
Nhưng có một điều cơ bản cần nhắc lại: chúng ta không cần biến đổi bản thân để trở nên nghèo khó về tinh thần, bởi vì chúng ta đã như vậy! Chúng ta là những người nghèo, hay nói rõ hơn, chúng ta là những người nghèo, trong tinh thần! Chúng ta cần tất cả mọi thứ. Tất cả chúng ta đều nghèo về tinh thần, những người khất thực. Đó là tình trạng của con người.
Tấm khăn liệm thì không có túi
Vương quốc của Thiên Chúa thuộc về người có tinh thần nghèo khó. Có những người có vương quốc của thế giới này: họ có của cải và tiện nghi. Nhưng đó là vương quốc sẽ có hồi kết thúc. Quyền lực của con người, ngay cả những đế quốc vĩ đại nhất, sẽ qua đi và biến mất. Nhưng nhiều lần chúng ta thấy trên báo chí những chính phủ mạnh mẽ, quyền lực, chính phủ đó …sụp đổ: hôm qua nó còn, hôm nay nó mất. Sự giàu có của thế gian này qua đi, cả tiền bạc cũng thế. Những người cao niên dạy chúng ta rằng tấm khăn liệm thì không có túi. Đúng như vậy. Tôi không bao giờ thấy chiếc xe tải chở đồ di chuyển nhà theo sau đoàn xe tang: người ta không mang theo được thứ gì. Sự giàu có này nằm lại ở đây.
Người cai trị là người yêu quý điều tốt đẹp
Nước Chúa thuộc về những người có tinh thần nghèo khó. Có những người có vương quốc tại thế gian này: họ có của cải và tiện nghi. Nhưng chúng ta biết rằng những thứ này rồi sẽ hết. Người thực sự trị vì là người biết yêu quý những điều tốt đẹp: người này có sức mạnh thiêng liêng! Họ biết yêu quý điều thiện ích thật sự hơn chính bản thân họ.
Sức mạnh của Chúa Giêsu
Chúa Kitô đã thể hiện sự mạnh mẽ của Ngài thế nào? Bởi vì Ngài đã có thể làm những điều mà các vị vua của trần gian không làm: mang lại sự sống con người. Đây là sức mạnh thực sự. Sức mạnh của tình huynh đệ, của lòng bác ái, của tình yêu, của sự khiêm nhường. Chúa Kitô đã làm điều này.
Sự tự do của trái tim
Trong việc này có sự tự do thực sự. Ai có sức mạnh của khiêm hạ, của phục vụ, của tình huynh đệ thì tự do. Phục vụ cho sự tự do này là sự nghèo khó được các Mối Phúc ca ngợi.
Bởi vì có một sự nghèo khó mà chúng ta phải chấp nhận, đó là sự nghèo nàn của bản thể chúng ta và một sự nghèo khó mà chúng ta phải tìm kiếm, một sự nghèo khó cụ thể, từ những của cải của thế giới này, để được tự do và có thể yêu thương. Hãy luôn tìm kiếm sự tự do của trái tim, nó có nguồn gốc từ sự nghèo khó của chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican
Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-02/dtc-phanxico-moi-phuc-ngheo-kho.html