Sáng thứ Sáu ngày 5/6/2024, gặp gỡ các tu sĩ Phanxicô của tu viện La Verna và tỉnh dòng Toscana trong bối cảnh kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô được nhận các dấu thánh, Đức Thánh Cha nói rằng dấu thánh nhắc nhớ tầm quan trọng của việc trở nên đồng dạng với Chúa Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh. Ngài mời gọi họ mang đến cho cộng đoàn, cho Giáo hội và thế giới tình yêu vô biên của Chúa chịu chết trên Thánh Giá vì chúng ta.
800 năm trước, vào ngày 14/9/1224, hai năm trước khi qua đời, tại tu viện La Verna, Thánh Phanxicô đã được nhận các dấu thánh.
Dấu thánh – dấu chỉ sự đồng dạng với Chúa Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng các dấu thánh nhắc nhở mọi người về nỗi đau mà Chúa Giêsu phải chịu trên thân xác Người vì tình yêu và ơn cứu độ của chúng ta; nhưng chúng cũng là dấu chỉ chiến thắng của Phục Sinh: chính qua những vết thương mà lòng thương xót của Đấng chịu đóng đinh Phục Sinh chảy đến với chúng ta. Và ngài mời gọi các tu sĩ Phanxicô suy tư về ý nghĩa của các dấu thánh.
Dấu thánh trong đời sống người Kitô hữu,
Trước hết, về ý nghĩa của những dấu thánh trong đời sống người Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói rằng nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu thuộc về Thân Mình Chúa Kitô là Giáo hội, được mời gọi cách đặc biệt hướng đến những người ‘bị ghi dấu’ mà mình gặp gỡ: những người bị ‘ghi dấu’ bởi cuộc sống, những người mang những vết sẹo của đau khổ và những bất công phải gánh chịu hoặc những lỗi lầm đã phạm.
Theo Đức Thánh Cha, Thánh Phanxicô đã làm những điều này hàng ngày, từ cuộc gặp gỡ với người cùi, khi quên mình trong việc dâng hiến và phục vụ, thậm chí đi xa hơn, … can đảm và khiêm nhường cởi mở trước những con đường mới, vâng nghe theo Chúa và vâng phục các anh em.
Dấu thánh trong đời sống tu sĩ Phanxicô
Suy tư về dấu thánh trong đời sống tu sĩ Phanxicô, Đức Thánh Cha nói rằng các dấu thánh, đối với Thánh Phanxicô, tượng trưng cho dấu ấn của điều thiết yếu. Điều này cũng mời gọi các tu sĩ Phanxicô quay trở lại với những điều thiết yếu trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống: trong các khóa đào tạo, trong các hoạt động tông đồ và trong sự hiện diện của anh em giữa mọi người; trở thành những người mang ơn tha thứ đã được tha thứ, những người mang ơn chữa lành đã được chữa lành, hạnh phúc và đơn sơ trong tình huynh đệ; với sức mạnh của tình yêu tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng trong cuộc gặp gỡ cá nhân của anh em với Người, để được đổi mới mỗi ngày với lòng nhiệt thành thánh thiện đốt cháy con tim”.
Đức Thánh Cha cầu chúc sự kết hiệp mật thiết với Chúa giúp cho họ trở nên khiêm tốn và hiệp nhất hơn, vui tươi hơn, yêu mến thập giá và quan tâm đến người nghèo, trở nên những chứng nhân của hòa bình và những ngôn sứ của niềm hy vọng trong thời đại khó nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời kinh cầu nguyện cùng Thánh Phanxicô.
Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News