Trong bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu tại đền thờ Thánh Phêrô, đi từ cái nhìn của Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô trong cuộc Thương Khó, chữa lành tâm hồn đau khổ vì chối Chúa và khiến thánh nhân ăn năn hoán cải, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục có lòng ăn năn thống hối, khóc thương cho chính tội lỗi của mình, không giả hình và xét đoán người tội lỗi, nhưng khóc thương cho tội lỗi của họ và cầu nguyện cho họ. Ngài cũng cảm ơn các linh mục đã mang lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân.
Sáng thứ Năm ngày 28/3/2024, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 40 Hồng y, 40 Giám mục và gần 2.000 linh mục đang hiện diện tại Roma.
Trong bài giảng, đi từ cái nhìn của Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô trong cuộc Thương Khó, chữa lành tâm hồn đau khổ vì chối Chúa và khiến thánh nhân ăn năn hoán cải, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục có lòng ăn năn thống hối, khóc thương cho chính tội lỗi của mình và cho tội lỗi của người khác.
Cái nhìn “không thấy Chúa” và cái nhìn “thấy Chúa”
Trước hết Đức Thánh Cha lưu ý về cái nhìn “không thấy Chúa” của người Do Thái trong hội đường, khi họ đều chăm chú nhìn Người (4,20) nhưng lòng họ không chấp nhận những lời của Người. Vì vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội của cuộc đời. Cũng thế, Phêrô, bởi vì không tin lời Chúa Giêsu nói rằng ông sẽ chối Người ba lần, nên trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, ông đã “không thấy” Người và đã chối Người.
Nhưng khi “Chúa quay lại nhìn” Phêrô, thì ông nhớ lại lời Chúa đã nói với ông. “Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62). Đức Thánh Cha nhận xét: “Đôi mắt ông đẫm lệ, tuôn trào từ trái tim bị tổn thương; những giọt lệ đó giải thoát ông khỏi những xác tín và biện minh sai lầm. Tiếng khóc cay đắng đó đã thay đổi cuộc đời ông”. Theo Đức Thánh Cha, chính qua những giọt nước mắt xấu hổ và ăn năn, Thánh Phêrô đã thực sự nhận biết Chúa, để cho cái nhìn của Chúa Giêsu hoàn toàn chiếu rọi tâm hồn. Từ chỗ chối Chúa, Phêrô đi đến khẳng định: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự” (Ga 21,17).
Ăn năn thống hối
Và Đức Thánh Cha nói với các linh mục: “Anh em linh mục thân mến, việc chữa lành tâm hồn của Thánh Phêrô, việc chữa lành vị Tông đồ, việc chữa lành vị Mục tử xảy ra khi, bị thương tích và thống hối, chúng ta để cho mình được Chúa Giêsu tha thứ. Sự chữa lành đó diễn ra giữa những giọt nước mắt, tiếng khóc cay đắng và nỗi đau dẫn đến tình yêu được đổi mới”. Đức Thánh Cha cho biết đó là lý do ngài muốn chia sẻ với các linh mục, vào Thứ Năm Tuần Thánh của Năm Cầu Nguyện này, suy tư về một khía cạnh cốt yếu của đời sống thiêng liêng, đó là sự ăn năn thống hối.
Một vết chích vào tâm hồn khiến nó khóc vì sám hối
Đức Thánh Cha giải thích: “Sự thống hối là ‘vết chích vào tâm hồn, một vết đâm làm nó bị thương, khiến những giọt nước mắt sám hối chảy ra”. “Ăn năn thống hối không phải cảm giác tội lỗi đánh gục bạn, không phải sự đắn đo làm bạn tê liệt, mà là một vết chích có ích đốt cháy bên trong và chữa lành trái tim”. “Khóc thương chính mình không có nghĩa là cảm thấy có lỗi với bản thân” như khi chúng ta thất vọng hoặc lo lắng về những kỳ vọng không thành của mình, hay khi chìm đắm trong thú vui trong những điều sai trái để rồi mình cảm thấy tiếc nuối. Thánh Phaolô nói rằng đây là nỗi buồn theo nghĩa thế gian.
Ngước mắt nhìn lên Thánh Giá
“Khóc cho chính mình”, theo nghĩa của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói, “là nghiêm túc ăn năn vì đã làm Chúa buồn vì tội lỗi; nhìn nhận rằng tôi luôn nợ Chúa và không bao giờ có công trạng; thú nhận rằng tôi đã lạc lối trên đường nên thánh, không giữ được niềm tin vào tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì tôi. Đó là nhìn vào tâm hồn và phàn nàn về sự vô ơn và tính thiếu kiên nhẫn của tôi; buồn bã suy tư về sự dối trá và giả hình của tôi; là đi sâu vào thói đạo đức giả của tôi. Để rồi, từ đó, ngước mắt nhìn lên Thánh Giá và để mình rung động trước tình yêu của Người, Đấng luôn tha thứ và nâng đỡ, không bao giờ làm cho kỳ vọng của những ai tin tưởng vào Người phải thất vọng”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự thống hối đòi hỏi nỗ lực nhưng mang lại an bình; nó không gây ra thống khổ, nhưng giải thoát tâm hồn khỏi những gánh nặng.
Tâm hồn thống hối muốn yêu thương các tội nhân
Từ đó Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục tự hỏi “khi xét mình và cầu nguyện, chúng ta có bao nhiêu sự ăn năn và nước mắt. Chúng ta hãy tự hỏi liệu năm tháng trôi qua, nước mắt có tăng lên hay không”. Ngài nhận xét rằng trong đời sống thiêng liêng, những người đạt đến việc cầu nguyện đơn giản và gần Chúa hơn, thì ngày càng ít quy về chính mình và ngày càng gắn bó với Chúa Kitô hơn, và trở nên nghèo khó trong tinh thần. Từ đó họ cảm thấy gần gũi hơn với người nghèo… Và vì thế, những người có tâm hồn thống hối càng ngày cảm thấy mình là anh em của tất cả tội nhân trên thế giới, không có vẻ bề trên hay phán xét khắt khe, nhưng với ước muốn yêu thương và đền tội”.
Thống hối vì tội lỗi của tha nhân
Một đặc tính khác của sự thống hối được Đức Thánh Cha chia sẻ, đó là tình liên đới. Một tâm hồn hiền dịu theo tinh thần các Mối Phúc Thật sẽ tự nhiên có khuynh hướng ăn năn thống hối vì người khác: “thay vì trở nên tức giận và phẫn nộ trước tội lỗi của anh em, người này lại than khóc vì tội lỗi của họ”. Đức Thánh Cha nói: “Chúa tìm kiếm, đặc biệt nơi những người thánh hiến cho Người, những người than khóc vì tội lỗi của Giáo Hội và thế giới, trở thành khí cụ chuyển cầu cho tất cả mọi người”.
Chúa không đòi các mục tử phán xét tội nhân
Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Chúa không đòi các mục tử của Người những lời phán xét khinh thường đối với những người không tin, nhưng yêu thương và rơi nước mắt đối với những người ở xa Giáo hội”. Do đó, “chúng ta cần tránh sự khắc nghiệt và khiển trách, sự ích kỷ và tham vọng, sự cứng nhắc và bất mãn, để tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa… Chúng ta hãy tôn thờ, chuyển cầu và thống hối cho người khác: chúng ta sẽ để Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Và chúng ta đừng sợ hãi: Người sẽ làm chúng ta ngạc nhiên!”.
Cầu nguyện để được ơn thống hối
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh một điều cốt yếu: sự thống hối không hẳn là kết quả của việc thực hành của chúng ta, nhưng đó là một ân sủng và như vậy phải được cầu xin trong cầu nguyện. Đức Thánh Cha chia sẻ hai lời khuyên để gia tăng sự thống hối. “Đầu tiên là không nhìn cuộc sống và ơn gọi từ góc độ hiệu quả và tức thời, chỉ liên quan đến ngày hôm nay cũng như những khẩn cấp và mong đợi của nó, mà là với toàn bộ quá khứ và tương lai”. Cụ thể là nhớ đến lòng thành tín của Thiên Chúa, nhớ đến sự tha thứ của Người trong quá khứ; nghĩ về mục tiêu vĩnh cửu mà chúng ta được kêu gọi hướng tới, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống của chúng ta.
Không cầu nguyện như bổn phận hay điều bắt buộc
Lời khuyên thứ hai Đức Thánh Cha chia sẻ là khám phá lại sự cần thiết phải vun trồng việc cầu nguyện, không như điều bắt buộc hay bổn phận, nhưng tự do, thanh thản và kéo dài. Chúng ta hãy trở lại với việc chầu Thánh Thể và cầu nguyện bằng trái tim. Hãy cảm nhận được sự cao cả của Thiên Chúa trong sự hèn mọn của chúng ta như những kẻ tội lỗi, để nhìn vào nội tâm mình và để cái nhìn của Người xuyên thấu tâm hồn chúng ta.
Cảm ơn các linh mục
Trước khi kết thúc bài giảng Đức Thánh Cha đã cảm ơn các linh mục “vì tấm lòng rộng mở và vâng phục của anh em, vì tất cả công việc khó khăn và những giọt nước mắt của anh em. Cảm ơn anh em, vì anh em đã mang phép lạ của lòng thương xót của Chúa đến với các anh chị em của chúng ta trên thế giới ngày nay. Xin Chúa an ủi anh em, củng cố anh em và ân thưởng cho anh em.”
Sau bài giảng, các linh mục đã lặp lại lời hứa linh mục đã tuyên thệ trong ngày lãnh nhận thánh chức.
Trong Nghi thức làm phép dầu tiếp sau đó, Đức Thánh Cha đã làm phép và thánh hiến ba loại dầu: Dầu Bệnh nhân, được dùng cho Bí tích Xức dầu bệnh nhân; Dầu Dự tòng, được xức cho người dự tòng trong Bí tích Rửa tội; và Dầu Thánh, được dùng trong Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền chức thánh và tấn phong Giám mục.
Sau Nghi thức làm phép dầu, Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News