Tiếp phái đoàn của Giải thưởng Báo chí Quốc tế mang tên Biagio Agnes, Đức Thánh Cha nói rằng các nhà báo phải ủng hộ đối thoại chứ không phải đưa tin giả hay tệ hơn là “tuyên bố hiếu chiến”, nhưng dùng những từ đúng đắn để “xóa bỏ bóng tối của một thế giới khép kín và chia rẽ.”
Trong bài diễn văn soạn sẵn trao cho những người hiện diện trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở các nhà báo về vai trò quan trọng của họ trong việc thông tin và giáo dục các thế hệ tương lai một cách có trách nhiệm và đạo đức. Đặc biệt ngài nói rằng “chỉ cùng nhau họ mới có thể vẽ ra một chân trời hy vọng.” Ngài nói, “đây là công việc hàng ngày của nhà báo, được kêu gọi ‘đi mòn đế giày’ hoặc đi trên những con phố ‘kỹ thuật số’ để luôn lắng nghe những người họ gặp gỡ.”
Ba “yếu tố” của hoạt động báo chí “tốt”
Một lần nữa Đức Thánh Cha phác họa ba “yếu tố” của hoạt động báo chí “tốt”, những thứ có lẽ ngày càng ít được sử dụng, nhưng vẫn có nhiều điều để dạy: sổ tay, cây bút và cái nhìn.
Sổ tay
Về “sổ tay”, Đức Thánh Cha nói, việc ghi lại một sự kiện luôn liên quan đến rất nhiều hoạt động nội tâm. Người ta ghi lại nó vì người ta là nhân chứng trực tiếp hoặc vì một nguồn mà người ta cho là đáng tin cậy, báo cáo nó, mở ra cơ hội để xác minh thêm. Do đó, “sổ tay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc lắng nghe, nhưng trên hết là để bản thân cảm nhận bởi những gì xảy ra.” Ngài nhấn mạnh, nhà báo “không bao giờ là một kế toán viên của lịch sử, mà là một người đã quyết định trải nghiệm những tác động của lịch sử bằng sự tham gia, với lòng trắc ẩn.”
Cây bút
Trong khi cây bút ngày càng ít được sử dụng và được thay thế bằng những phương tiện tiên tiến hơn, theo Đức Thánh Cha, cây bút vẫn “giúp xử lý suy nghĩ, kết nối đầu và tay, nuôi dưỡng ký ức và liên kết ký ức với hiện tại.” “Cầm cây bút trong tay sau khi kiểm tra chi tiết, sàng lọc các giả thuyết, tái tạo và xác định từng bước một. Trong hành động thêu dệt này, trí tuệ và lương tâm hành động cùng nhau, chạm vào các hợp âm cuộc sống của một người.”
“Ngòi bút vì thế gợi lại ‘hành động sáng tạo’ của các nhà báo và những người làm công tác truyền thông, một hành động đòi hỏi họ phải đoàn kết tìm kiếm sự thật với sự ngay thẳng và tôn trọng con người, đặc biệt là tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, giống như Biagio Agnes đã làm.”
Cái nhìn
Đức Thánh Cha nói tiếp, cuốn sổ và cây bút “chỉ là phụ kiện” nếu “thiếu cái nhìn vào thực tế. Cần một cái nhìn thực sự, không chỉ là cái nhìn ảo.” Ngài mời các nhà báo suy nghĩ về hiện tượng đáng buồn của tin tức giả mạo, luận điệu hiếu chiến hoặc bất cứ điều gì thao túng sự thật.” Và ngài nhắc nhở cần có một cái nhìn cẩn thận về những gì đang xảy ra để giải giáp ngôn ngữ và thúc đẩy đối thoại.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích những người hiện diện tiếp tục cam kết thúc đẩy các sáng kiến văn hóa “để hỗ trợ việc phổ biến thông tin chính xác, giáo dục và đào tạo các thế hệ trẻ.” (CSR_2483_2023)
Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News