ĐTC gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Trong buổi gặp gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Iraq, đi từ thực trạng của Iraq, Đức Thánh Cha khẳng định: Tòa Thánh không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo; Giáo hội Công giáo Iraq mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình.

Sau cuộc hội kiến riêng với tổng thống Barham Salih và gia đình, lúc gần bốn giờ chiều, Đức Thánh Cha tiến sang phòng khánh tiết để gặp gỡ khoảng 150 nhân vật, gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của Iraq.

Tổng thống Iraq chào mừng ĐTC

Trước hết, tổng thống Iraq thay mặt những người hiện diện có bài chào mừng Đức Thánh Cha. Ông Salih nói: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi rất vui vì sự hiện diện của ngài ở đây với chúng tôi, tại Iraq, đất nước Lưỡng Hà, vùng đất của các ngôn sứ và các tôn giáo của trời cao. Chào mừng Đức Thánh Cha đã đến với Baghad, quê hương của hòa bình”.

Tiếp đến, tổng thống nói đến vai trò quan trọng của Đức Thánh Cha trong việc kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội và giải quyết nghèo đói, cũng như những nỗ lực ủa Đức Thánh Cha trong việc khẳng định đối thoại, sự chung sống và tình huynh đệ nhân loại là điều thiết yếu. Theo tống thống, điều này tạo thành một thông điệp đầy cảm hứng cho mọi người, để sống có trách nhiệm đối với đời sống nhân loại.

Trong bài diễn văn chào mừng, ông Salih cũng nói đến tâm tình của người dân Iraq. Theo ông, dân tộc Iraq tự hào vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại đất nước này. Mặc dù những khó khăn do đại dịch, an ninh Đức Thánh Cha vẫn nhất quyết thực hiện chuyến viếng thăm. Điều này làm tăng giá trị của chuyến tông du lên gấp đôi.

Trong diễn văn đáp từ bài chào mừng của tổng thống, đầu tiên Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì chuyến tông du đến Iraq, một cuộc viếng thăm đã được mong đợi từ lâu. Ngài cám ơn tổng thống Iraq, ông Salih, các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo. Ngài nói: “Tôi đến đây như một người hành hương để khích lệ chứng tá đức tin, niềm hy vọng và bác ái của các tín hữu giữa lòng xã hội Iraq”. Ngài cũng không quên chào thăm các thành viên các Giáo hội Kitô khác, các tín đồ Hồi giáo và đại diện các truyền thống tôn giáo khác.

Hoàn cảnh chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nói về hoàn cảnh của chuyến tông du: “Cuộc viếng thăm của tôi diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của nhiều người, mà còn cả đến kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi những nỗ lực chung của mỗi người để thực hiện nhiều bước cần thiết, trong đó có cả việc phân phối vắc xin công bằng cho mọi người. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng này là một lời kêu gọi chúng ta ‘suy nghĩ lại lối sống và ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta’. Nghĩa là việc thoát ra khỏi giai đoạn thử thách này phải làm cho chúng ta trở nên tốt hơn trước đây, để cùng xây dựng tương lai dựa trên những gì đem lại sự hiệp nhất hơn là những gì gây chia rẽ giữa chúng ta”.

Từ hoàn cảnh chung của thế giới Đức Thánh Cha đề cập đến hoàn cảnh cụ thể của Iraq. Ngài nhận xét rằng, trong những thập kỷ qua, Iraq đã phải hứng chịu những thảm họa của chiến tranh, khủng bố và xung đột bè phái, thường dựa trên khuynh hướng cực đoan, không chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc và tôn giáo, các ý tưởng và văn hóa khác. Tất cả những điều này đã mang đến sự hủy diệt, nhiều cái chết, những đống đố nát. Và không chỉ thiệt hại vật chất, thảm họa còn gây những vết thương sâu sắc trong tâm hồn mỗi người, cần thời gian dài để được chữa lành.

Theo Đức Thánh Cha, phải xem sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc, vốn là điểm đặc trưng của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ, là nguồn lực quý giá cần được kín múc, chứ không phải là một trở ngại cần phải loại bỏ. Iraq được kêu gọi cho mọi người, đặc biệt Trung Đông thấy rằng sự khác biệt, thay vì làm phát sinh xung đột, phải được hợp tác hài hòa trong đời sống dân sự.

Vai trò của Tòa Thánh tại Iraq

Từ những thực trạng này, Đức Thánh Cha nói đến vai trò của Tòa Thánh đối với Iraq. Ngài nói: “Chung sống huynh đệ cần phải đối thoại kiên nhẫn và chân thành, được công lý và pháp luật bảo vệ. Nhiệm vụ này không dễ dàng: nó đòi hỏi nỗ lực và dấn thân của các bên để vượt qua sự cạnh tranh và xung đột, đồng thời khi nói chuyện với nhau, phải khởi đi từ căn tính sâu sắc của chúng ta, là những người con của một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Trên nền tảng nguyên tắc này, Tòa Thánh ở Iraq, cũng như ở các nơi khác, không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện theo hướng này và tôi muốn hiệp chung tiếng nói của tôi với mọi người nam nữ thiện chí để tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội, trong đó các thành viên sống tình liên đới với nhau. Tình liên đới giúp chúng ta xem người khác là người thân cận, bạn đồng hành. Đó là một nhân đức giúp chúng ta thực hiện những cử chỉ chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ đến những người, do bạo lực, bách hại và khủng bố, đã mất gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và tài sản. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai, trong khi thất nghiệp và nghèo đói gia tăng vẫn đang đấu tranh hàng ngày, tìm an ninh và phương tiện để tiến lên phía trước. Biết mình phải chịu trách nhiệm về những yếu đuối của người khác phải truyền cảm hứng cho chúng ta, nỗ lực tạo ra những cơ hội cụ thể cả trên bình diện kinh tế và trong lĩnh vực giáo dục, cũng như chăm sóc thụ tạo, ngôi nhà chung của chúng ta. Sau khủng hoảng, tái xây dựng vẫn chưa đủ, chúng ta phải làm sao để mọi người có cuộc sống xứng nhân phẩm. Người ta không thoát ra từ một cuộc khủng hoảng giống như trước: chỉ có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn”.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ

Từ điểm nay, Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao, thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ này. Theo Đức Thánh Cha, cần phải giải quyết dứt điểm tệ nạn tham nhũng, lạm quyền và bất hợp pháp, nhưng vẫn chưa đủ. Đồng thời, cần xây dựng công lý, tăng cường tính trung thực, minh bạch và củng cố các thể chế chịu trách nhiệm về việc này. Bằng cách này, sự ổn định có thể phát triển và một chính sách lành mạnh có thể phát triển, có khả năng mang đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ – rất nhiều ở đất nước này – hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Như một người hành hương

Đức Thánh Cha bày tỏ tâm tình của ngài khi đến Iraq: “Tôi đến đây như một hối nhân cầu xin sự tha thứ từ Trời cao và từ các anh chị em, những người đã phải chịu đựng rất nhiều sự hủy hoại và tàn ác. Nhân danh Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, tôi đến đây như một người hành hương của hòa bình”.

Về điểm này, Đức Thánh Cha kêu gọi những người có trách nhiệm hãy ngưng sử dụng vũ khí, chấm dứt hành động vì lợi ích của thiểu số, của thành phần bên ngoài đất nước, những người không quan tâm đến người dân địa phương. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta hãy lên tiếng cho những người xây dựng hòa bình, cho những người bé nhỏ, người nghèo, những người muốn sống, làm việc và cầu nguyện trong bình an. Bạo lực, bè phái, bất khoang dung đã đủ! Hãy dành không gian cho tất cả công dân, những người muốn cùng nhau xây dựng đất nước này. Trong những năm gần đây, Iraq đã cố gắng đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Theo nghĩa này, điều cần thiết là đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo và đảm bảo các quyền cơ bản của người dân”.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

Hướng đến cộng đồng quốc tế, Đức Thánh Cha cho rằng, hòa bình ở vùng đất này và toàn Trung Đông cần phải có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Ngài cám ơn các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Iraq để tái thiết và hỗ trợ những người tị nạn, những người phải di cư nội địa và những người đang gặp khó khăn khi trở về nhà. Về điểm này, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến các tổ chức có nhiều người Công giáo là thành viên. Theo ngài, trong nhiều năm, các tín hữu Công giáo đã tận tâm hỗ trợ các cộng đoàn dân sự. Việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của rất nhiều anh chị em là một hành động bác ái và công bằng, và góp phần vào hòa bình lâu dài.

Vai trò của Giáo hội Công giáo tại Iraq

Vấn đề cuối cùng được Đức Thánh Cha nói đến đó là vai trò của Giáo hội Công giáo tại quốc gia Iraq. Ngài nói: “Giáo hội Công giáo Iraq mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình. Sự hiện diện lâu đời của các Kitô hữu ở vùng đất này và đóng góp của họ cho đời sống quốc gia tạo thành một di sản phong phú. Các Kitô hữu muốn có thể tiếp tục phục vụ tất cả mọi người. Khi các Kitô hữu tham gia vào đời sống công cộng, và có được mọi quyền, tự do và trách nhiệm như các công dân khác, sẽ chứng tỏ rằng sự đa nguyên tôn giáo, dân tộc và văn hóa có thể đóng góp vào sự thịnh vượng và hài hòa của quốc gia”.

Sau cuộc gặp gỡ chính quyền, vào lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ chính toà Công giáo Siri ‘Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc’ ở Baghdad, để gặp gỡ khoảng 100 người, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh và giáo lý viên.

Ngọc Yến – Vatican News

Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/dtc-gap-chinh-quye-dai-dien-xa-hoi-ngoai-giao-doan.html