Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên là ba người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest trong chương trình Everest Việt Nam 2008, Tinh thần Việt hòa cùng thế giới. Đoàn leo có 10 người, gồm 5 người Sherpa hỗ trợ, 3 người Việt Nam, 1 người Thái, 1 người Mỹ. Ngày 18/5/2008, chúng tôi từ trại chính lên trại 1, rồi tiếp tục qua trại 2, 3, 4. Ngày 22/5, chúng tôi chạm đỉnh Everest. Trước khi bắt đầu hành trình, đã phải luyện tập rất gắt gao. Tuy không quy định chính xác bắt buộc, nhưng đây là một nguyên tắc phải có. Bình thường, mỗi người mất khoảng 3 năm tập luyện để có sức khỏe, thể lực, kiến thức leo núi, đặc biệt là thích nghi độ cao và nhiệt độ âm. Như hơn 7 tháng tập luyện leo một số đỉnh như Fansipan cao 3.143m (ViệtNam), Kinabalu 4.095m (Malaysia), Kilimanjaro, nóc nhà châu Phi cao 5.895 m, Island Peak cao 6.160m (Nepal). Island Peak có thời tiết và địa hình gần tương tự, nếu không leo thành công thì khó nghĩ tới Everest cao 8.848m.
Tình trạng khắc nghiệt là cái lạnh -30 độ C, leo núi trong điều kiện gió mạnh, mưa tuyết, băng qua những dốc núi tuyết dựng đứng lên đến 70, 80 độ, khi oxy chỉ còn 27% trong không khí.
Trong thời gian dài tập luyện, họ đã được trang bị rất kỹ về tâm lý, khả năng và về phản ứng thích nghi trong môi trường tập thể, tình đồng đội. Vì vậy, trên hành trình, tâm lý mọi người khá vững vàng, không nghĩ đến cái chết, chỉ tập trung cho việc hỗ trợ đồng đội và phải chiến thắng.
Thực sự đã có những khoảnh khắc nguy hiểm tưởng như sắp chết: điều kiện ăn uống không phù hợp, khí hậu khắc nghiệt, lượng oxy xuống quá thấp, cơ thể kiệt sức triền miên, không ngủ được trong nhiều ngày nên đầu nóng lên. Những lúc đó, suy nghĩ không còn tỉnh táo nữa. Nhưng tất cả cũng qua.
Do lượng oxy thấp, lúc nào nhịp tim cũng làm việc rất nhanh, đập hơn 142 nhịp/phút, vừa để cung cấp oxy, vừa sưởi ấm cơ thể (vì thiếu oxy và lạnh nữa nên rất khó ngủ). Những trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng chống lạnh được khí lạnh bên ngoài, nhưng do mình hít thở bằng khí trời nên luồng không khí lạnh đi thẳng vào lồng ngực, làm lạnh từ trong ra. Không phải lúc nào cũng có thể dùng bình oxy, chỉ có những đoạn cuối cùng như từ trại 4 lên đỉnh, hay ở thềm Hillary. Hầu hết các vận động viên leo núi đều phải tập tự hít thở.
Người Nepal cung cấp lương thực mang theo. Đoàn Việt Nam chủ yếu ăn lương khô. Mỗi người phải tự mang những thứ đó, vì trên hành trình, nếu quá mệt, phải nghỉ ngơi nên cần đồ sử dụng ngay. Ngoài ra trong balo còn có lương thực, nước uống, trường hợp lạc vẫn có thể cầm cự được vài ngày. Tất cả những thứ này không thể nhờ người khác mang giúp, vì hoàn toàn có thể lạc nhau…(Hải An, Người Việt kể gian truân trên đường chinh phục đỉnh Everest)
Ba chàng thanh niên Việt Nam đã vượt bao khó khăn, nguy hiểm, thách đố, chinh phục đỉnh Everest. Ngày xưa, mười một môn đệ cũng không quản bao cơ cực, gian lao, vất vả, lên núi hạnh ngộ với Đức Giêsu Phục Sinh. Người để lại di ngôn trước khi về Trời. Tóm tắt lại là tiên quyết dám bỏ mình theo Chúa, chịu khổ giá, sống theo đúng theo ba trạng thái thiên hoà, địa hoà và nhân hoà.
Thiên hoà
“Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến.” Vâng lệnh truyền, vâng theo trái tim nhiệt thành, không sợ hãi, không sợ cường quyền, không sợ đòn vọt, tù đầy, chết chóc, bỏ lại đàng sau tất cả những gì níu kéo chân, như tình cảm, quyền lợi, vật chất, sang giàu, chức danh. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 6, 34)
Nghe và thực hành Lời Chúa mời gọi là thiên hoà, là chấp nhận, đồng thuận, hợp ý với Nước Trời, với Đức Giêsu Kitô đã răn dạy, hướng dẫn, khuyên nhủ, không một chút do dự, hay lo lắng đối phó thế gian. Dẫu thế, người môn đệ luôn phải chiến đấu với cám dỗ, như lời thánh Phaolô công khai bày tỏ: ”Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7, 18-19)
Địa hoà
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.” Nếu sống theo thiên hoà, thì đương nhiên phải có nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa, Tin Mừng, đến mọi người, đó chính là địa hoà. Đem chân lý hoà vào muôn dân, dẫn tha nhân về Nước Chúa.
Địa hoà là sống an vui với tha nhân, dù chịu chống đối, bất bình, bắt bớ, đau khổ, tra tấn và chịu chết vì Lời Chúa, vì chân lý, sự thật. “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15, 18-19)
Nhân hoà
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Lời an ủi, bảo đảm và chứng thực cho những ai theo Chúa Giêsu, làm môn đệ chân chính của Người. Trạng thái nhân hoà là sống giao hoà, hoà hợp, hoà bình với Thiên Chúa
Được Chúa Ở Cùng chính là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho tất cả những ai là Kitô hữu, như Vua Đavít đã hân hoan chúc tụng: “Chúa là mục tử, chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trong đồng có xanh tươi, Người cho tôi năm nghỉ.Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên nẻo ngay đường chính vì danh dự Người.” (Tv 23, 1-3)
“Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới. “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, và Ngài ban cho Hội Thánh lễ Hiện Xuống mới.” (Đường Hy Vọng, số 296)
Xin Chúa luôn ở với chúng con, để chúng con có thể sống và đem Tin Mừng đến mọi người, qua chính chứng tá của chúng con.
Khấn xin Mẹ luôn cầu bầu cho chúng con trở nên những tông đồ nhiệt thành và trung thành của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
AM. Trần Bình An