Một trường hợp cụ thể được nêu như chứng nhân của lòng thương xót Chúa, đó là ông Da-kêu. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm ông thay đổi cuộc đời. Không tự ti mình là người thu thuế, bị mọi người xa lánh ghê tởm; chẳng mặc cảm mình vóc dáng thấp lùn trông khó coi, ông mạnh dạn trèo lên cây sung tìm cách gặp Chúa.
Cách đây vài tuần, cơn lũ lụt lịch sử đã để lại những hậu quả nghiêm trọng nơi các tỉnh miền Trung. Người dân nơi đây vốn quanh năm nghèo khó, nay lại thêm phần khốn đốn, cơ hàn. Những hậu quả nghiêm trọng còn kéo dài, phải nhiều thời gian mới khắc phục. Có dịp tham gia phái đoàn cứu trợ miền Trung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi được chứng kiến rất nhiều chuyến xe chở hàng đến những vùng thiệt hại do thiên tai. Thế mới thấy, người Việt mình đậm đà tình nghĩa. Có nhiều nhóm thiện nguyện không mang một danh nghĩa cơ quan đoàn thể nào. Họ chỉ nhân danh tình người, đến với đồng bào trong cơn hoạn nạn. Tại huyện Hương Khê, chúng tôi chứng kiến những nhóm thiện nguyện dừng xe chở hành cứu trợ ở đầu xóm, thông báo cho bà con, rồi trực tiếp phát quà cho họ, sau đó họ tiếp tục lên đường. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thật cảm phục những tấm lòng hảo tâm và những nghĩa cử nhân hậu.
Năm Thánh Lòng Thương Xót đang dần dần khép lại. Tuy vậy, nếu không còn những buổi cử hành long trọng trong khuôn khổ của Năm Thánh, thì việc thực thi lòng thương xót vẫn luôn là lời mời gọi được gửi đến mỗi người tín hữu chúng ta, vì lòng thương xót là cốt lõi của Ki-tô giáo, là trọng tâm của Tin Mừng. Lòng thương xót cũng làm cho chứng từ của Giáo Hội trở nên khả tín đối với con người của thời đại hôm nay. Trước những hậu quả nghiêm trọng của thiên tai (hoặc nhân tai), người Việt chúng ta, không phân biệt lương hay giáo, đã thể hiện tình liên đới sâu đậm. Đối với các tín hữu Công giáo, giúp đỡ tha nhân cũng là dịp để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, họ còn nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện nơi những người đau khổ bần hàn.
Ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa, đó cũng là nội dung của Lời Chúa hôm nay. Tác giả sách Khôn Ngoan đã suy tư về thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi cao cả của Thiên Chúa (Bài I). Trước nhan Chúa, mọi người đều là tội nhân và rất cần đến sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ lòng thương xót của Chúa mà con người có thể tồn tại. Ngài kiên nhẫn thứ tha mọi lầm lỗi, làm ngơ trước tội ác của họ. Ngài không bỏ rơi những ai thành tâm đến với Ngài để bày tỏ lòng sám hối và cậy trông.
Một trường hợp cụ thể được nêu như chứng nhân của lòng thương xót Chúa, đó là ông Da-kêu. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm ông thay đổi cuộc đời. Không tự ti mình là người thu thuế, bị mọi người xa lánh ghê tởm; chẳng mặc cảm mình vóc dáng thấp lùn trông khó coi, ông mạnh dạn trèo lên cây sung tìm cách gặp Chúa. Từ một người thu thuế hay gian lận tham lam, ông trở thành người quảng đại, sửa lỗi bằng cách sẽ đền bù cho người bị thiệt: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu đã giúp ông vượt lên mọi thành kiến xã hội, lấy lại tự tin và niềm hy vọng.
Ông Da-kêu đại diện cho vô vàn vô số những người nam nữ già trẻ trong mọi thời đại đang tìm kiếm Chúa. Họ tìm kiếm Chúa như hoa hướng dương tìm về mặt trời, như suối tìm về nguồn và như chim tìm về tổ. Con người không ngừng tìm kiếm Chúa mặc dầu họ chưa biết rõ về Ngài. Có thể hình ảnh hay quan niệm về Thiên Chúa của họ còn mờ nhạt, mông lung, nhưng họ chắc một điều, Ngài là Chủ muôn loài. Ban đầu ông chỉ ước ao “nhìn thấy Chúa đi ngang qua”. Không những ông chỉ nhìn thấy Chúa, mà Chúa chủ động đến nhà ông. Việc Chúa đến thăm nhà giúp ông xua tan mọi mặc cảm về nghề nghiệp cũng như thân phận của mình. Những gì ông thưa với Chúa cho thấy một sự đổi đời tận gốc rễ. Ông Da-kêu, một người thu thuế đã thực sự trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một người con đích thực của Abraham, người công chính.
Khởi đi từ nhân vật ông Da-kêu, mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình để nhận ra lòng thương xót vô bờ của Chúa, để rồi, đến lượt mình, chúng ta trở nên những chứng nhân của lòng thương xót. Chúa đã thương chúng ta, như Chúa đã thương ông Da-kêu, có lẽ nào chúng ta không giãi bày tình thương của Ngài nơi cuộc đời chúng ta và qua những nghĩa cử đối với anh chị em mình?
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên