Niềm vui của cộng đoàn Giáo Hội và của mỗi người tín hữu không dừng lại khi Mùa Phục sinh kết thúc, nhưng còn được tiếp tục và dàn trải trong suốt cuộc đời. Trước khi về trời, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy trở nên những nhân chứng của niềm vui thiêng liêng thánh thiện ấy.
Trong Mùa Phục sinh, lời cầu nguyện của Giáo Hội trong Phụng vụ luôn diễn tả niềm vui. Đó là niềm vui tái sinh, làm cho người tín hữu trở nên con người mới trong Chúa Giêsu Phục sinh. Đó cũng là niềm vui vì có Chúa Phục sinh đang hiện diện, là nguồn mạch sức sống, ân sủng và bình an. Niềm vui của cộng đoàn Giáo Hội và của mỗi người tín hữu không dừng lại khi Mùa Phục sinh kết thúc, nhưng còn được tiếp tục và dàn trải trong suốt cuộc đời. Trước khi về trời, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy trở nên những nhân chứng của niềm vui thiêng liêng thánh thiện ấy.
Trình thuật về việc Chúa Giêsu lên trời trong sách Công vụ Tông đồ được đề nghị cho cả ba năm A,B,C. Bởi lẽ đây là biến cố để lại nơi các môn đệ dấu ấn quan trọng. Đó là lần cuối cùng các ông được gặp gỡ Chúa ở trần gian. Cuộc tiễn đưa này, vừa lưu luyến bịn rịn, vừa vui mừng và hy vọng. Các ông đã được chuẩn bị trước cho cuộc chia tay này bằng các lời giáo huấn của Chúa. Các ông cũng được Chúa hứa sẽ ban Thần Chân lý, Đấng bảo trợ để soi sáng và hướng dẫn các ông. Về phần các ông, Chúa trao phó sứ mạng quan trọng và rõ ràng: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Khởi đi từ Giêrusalem, là thành thánh và là thủ đô của Do Thái giáo, lời chứng về Đấng Phục sinh đi đến với Samari là một dân tộc có nhiều thù nghịch với người Do Thái, rồi từ đó đến với mọi mọi nơi trên thế giới. Hai mươi thế kỷ đã qua, khởi đi từ nhóm mười một người dân chài người Galilêa, ánh sáng Tin Mừng đã được tỏa lan đến mọi nền văn hóa trên khắp địa cầu, đến với mọi quốc gia, mặc dù còn những thù nghịch, nghi kỵ hay mặc cảm thành kiến.
Tác giả sách Công vụ Tông đồ còn kể lại, sau khi dặn dò các môn đệ, Chúa Giêsu “được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người”. “Đám mây” mà tác giả nói tới ở đây là biểu tượng vinh quang của Thiên Chúa. Đây cũng là hình ảnh nói lên sức mạnh và quyền năng của Đấng Tối cao. Đức Giêsu lên trời là tiến vào vinh quang vĩnh cửu của Chúa Cha. Người kết thúc cuộc đời trần thế khi hoàn thành sứ mạng cứu thế. Chúa Giêsu về trời mang theo nhân tính của Người, và cùng với nhân tính ấy, cả nhân loại hy vọng cũng sẽ được về trời với Người. Nói cách khác, qua biến cố Đức Giêsu về trời, chúng ta là những con người cũng hy vọng sẽ được về trời vinh quang với Chúa, vì Chúa mang trong mình bản tính nhân loại giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Bài Tin Mừng Thánh Mátthêu tiếp tục diễn tả lệnh truyền của Chúa cho các môn đệ: “Anh Em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đây cũng là một cách diễn tả khác của lệnh truyền hãy trở nên chứng nhân của Chúa giữa trần gian. Việc phát triển cộng đoàn tín hữu khởi đi từ những chứng nhân khả tín của mỗi cá nhân, nhờ đó nhiều người nhận ra giáo huấn của Chúa và gia nhập Giáo Hội của Người.
“Hỡi các người Galilê, sao còn đứng đó nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Chúng ta không cử hành lễ Thăng Thiên như sự ly biệt buồn bã u sầu. Trái lại, chúng ta mừng lễ này với niềm vui vì tin rằng Đấng Phục sinh đang tiếp tục hiện diện thiêng liêng và vô hình giữa cuộc sống của chúng ta. Giáo Hội diễn tả niềm vui ấy qua Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên: “Người lên trời, không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước”.
Như các tông đồ đã xuống núi sau khi chứng kiến Chúa Giêsu lên trời, mỗi tín hữu chúng ta cũng đi vào lòng cuộc đời để làm chứng cho Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu không còn hiện diện thể lý như trước đây, thì nay Người hiện diện nơi cuộc sống thấm đượm niềm vui của người tín hữu. Vì thế, họ được mang danh Kitô hữu. Nhờ được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu có can đảm và nghị lực để trở thành những chứng nhân cho Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương con người và để cứu chuộc trần gian. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy xác tín điều đó. Vị Tông đồ dân ngoại đã cầu xin cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng chúng ta đã nhận được, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú chúng ta được chia sẻ và đâu là quyền lực vô biên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy (Bài đọc II). Khi xác tín những điều trên, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui mừng hân hoan.
Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là kết thúc, nhưng là khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường của chứng nhân. Mỗi chúng ta hãy lên đường, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa, như Người đang mời gọi chúng ta.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên