Gần tới ngày 20 tháng 11, những học trò cũ của tôi đã đến thăm tôi và trong lúc hàn huyên, các bạn hỏi tôi: Thưa Thầy, trong cuộc đời còn là học sinh thì thầy có ấn tượng gì nhất về những thầy cô ngày xưa đã dạy thầy? Tôi chẳng cần suy tư gì nhiều, bởi vì những gì ấn tượng về những thầy cô ngày trước dạy tôi, hiện tại vẫn luôn nằm ngay trong con tim và trí óc của tôi. Tôi cũng chia sẻ với các bạn ấy rằng: Nếu nói là mang ơn thì tôi mang ơn tất cả những thầy cô đã dạy tôi từ mẫu giáo cho đến hết đại học, bởi vì chính tất cả các thầy đã nỗ lực truyền đạt cho chúng tôi, không những chỉ là kiến thức, mà còn hơn thế nữa, chính các thầy cô ấy đã sống với những điều các ngài đã dậy cho chúng tôi. Nhưng để mà hình thành một nhân cách cho tôi, thì ngoài cha mẹ là người thầy đầu tiên đã uốn nắn giáo dục tôi ngay từ khi tượng thai trong bụng mẹ cho đến khi tới tuổi đến trường, thì ấn tượng nhất là những người thầy đã dậy dỗ tôi trong những năm tháng đầu tiên của đời học trò. Ngày nay, tôi đã thành đạt và có được một phong cách sống, cũng chính là do những ảnh hưởng của quý thầy ngày xưa đó luôn tồn tại trong cuộc sống của tôi. Tôi vẫn nhớ từng người thầy đã dạy tôi từ Mẫu giáo đến lớp Năm. Ngày thành đạt sau những năm tháng miệt mài học tập, tôi trở về nơi tôi đã sống và học tập khi còn bé, ghé thăm lại người thầy còn lại duy nhất của đời học trò cấp một của tôi, đó là thầy dậy tôi học năm lớp Bốn. Tôi đã hãnh diện kể về những gì tôi đạt được trong việc hoc tập cũng như trong cuộc sống.
Thầy giáo già của tôi run run bộc bạch với tôi những lời rất chân thành: Con bây giờ đã nên người, đã giúp ích cho xã hội, cho con người và cho Tổ quốc, đó chính là món quà tặng quý nhất của con dành cho thầy. Cả cuộc đời dạy học thì hạnh phúc nhất chính là khi nhìn thấy chúng con thành đạt và có một nhân cách sống. Thầy rất mãn nguyện và giờ đây thầy thấy thật bình an để đi sang thế giới bên kia gặp lại các thầy ngày xưa…Điều ấy cũng chính là điều mà ngày nay tôi cũng uớc ao nơi các em… (Hiệp hội Học sinh Hà Nội-Amsterdam)
Lời của Thầy Giáo già mong cho các học trò của mình, gợi cho chúng ta niềm mong ước của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình: tình thần yêu thương và sự phục vụ anh em. Thầy mong các môn sinh khi đảm đương trách nhiệm với quyền bính hay sống tinh thần phục vụ.
Các Tiến Sĩ Luật, các Biệt phái thời Chúa Giêsu là các bậc lãnh đạo dân : Nhà thông luật Do thái giáo có nhiệm vụ chú giải Luật Môisê để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Pharisiêu là một tầng lớp tri thức đạo đức bao gồm những người chủ trương sống đạo nhặt nhiệm, nhất là trong việc thi hành luật đạo. Là những vị vong có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đạo đức, thế nhưng họ đã chỉ chú trọng đến hư danh, đến chiếc ghế danh dự trong cộng đoàn như Tin Mừng Đức Giêsu đã chỉ cho thấy (x. Mt 23, 3-6). Ðức Giêsu chỉ trích và vạch trần cách dậy đạo và sống đạo hình thức, chỉ mong danh dự của người Biệt Phái và Kinh sư. Đối chiếu với sự ham hư danh nơi các người trách nhiệm Do Thái, Ngài dạy các môn đệ Tinh thần phục vụ yêu thương: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23, 11). Vâng, Người làm lớn được ngồi trên ghế danh dự quyền bính nhưng không vì danh vọng mà vì chính tinh thần phục vụ.
Từ xa xưa trong xã hội phong kiến, chiếc ghế tượng trưng cho uy quyền của các bậc vương đế, người ta gọi đó là ngai vua, long sàn…Trong cuộc sống, chúng ta thường nhắc về một « chiếc ghế » như là biểu tượng của sự thành đạt, và niềm hãnh diện như là sự thành công của con người trong đời. Chiếc ghế đó có thể là chiếc ghế lãnh đạo trong xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chiếc ghế biểu trưng cho sự quyền bính trong cơ cấu Giáo Hội ví dụ ngai tòa Giám Mục, ngai tòa Phêrô của Đức Giáo Hoàng… Nhưng quyền bính đó là để phục vụ, vì thế Đức Thánh Cha luôn nhận mình: “tôi tớ của các tôi tớ” bằng sự phục vụ dấn thân của Ngài.
Vâng, ngồi trên chiếc ghế lãnh đạo, đủ công quyền hay giáo quyền phải mang tư cách của người vì dân vì nước, như « Con Người đến để phục vụ chứ không để được phục vụ » (Mt 20, 28). Chút hư danh quyền thế từ chiếc ghế dùng để phục vụ trong tinh thần trách nhiệm công quyền…
Trong xã hội hôm nay, người ta làm mọi cách để dược ngồi trên ghế công quyền, thay vì được tín nhiệm với trách nhiệm mang tinh thần phục vụ lo cho dân, cho nước cho anh em, thì ngược lại, chiếc ghế ấy làm hãnh diện cho họ, là nơi thu vét cho gia đình cho bản thân. Cho nên người ta chỉ lo giữ và ôm chọn « chiếc ghế ». Khi nắm ghế họ thể hiện quyền bính, đè bẹp mọi tiếng nói đối thoại…Hơn nữa, các thủ đoạn bịt miệng, vu cáo, chụp mũ anh em vì những mưu đồ của quyền bính xảy ra như « chuyện thường ngày ở huyện »…Vâng, một cách nào đó, danh dự, quyền bính phục vụ cho lợi ích cá nhân trong xã hội, Giáo Hội hôm nay giống như các Biệt Phái Kinh Sư chỉ luôn tìm kiếm hư danh được bổng lộc. Còn hơn các Biệt Phái Kinh Sư xa xưa, con người hôm nay thủ đoạn còn dùng tiếng nói của quyền bính để mưu đồ cá nhân trên cuộc sống của anh em đồng loại. Hơn lúc nào hết quê hương chúng ta cần những con người mang tinh thần phục vụ và dấn thân. Trong lòng của Giáo Hội chúng ta mong các Đấng Bậc, nhưng vì mang trách nhiệm là cha mẹ, làm thầy dạy mang tinh thần: “Con người đến để phục vụ”.
Chúng ta cảm thấy « sốc » khi nghe Chúa Giêsu xưng hô “Cha” chỉ dành cho Thiên Chúa và danh “Thầy” nên chỉ được dành cho Đức Kitô. Theo Giáo Lý Công Giáo: « Thiên Chúa với danh hiệu CHA, ngôn từ đức tin chính yếu đề cập đến hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đệ nhất của muôn vật và quyền bính siêu việt. Ðồng thời Ngài cũng tốt lành, ân cần yêu thương mọi con cái » (GLCG số 239). Ngay Hội Thánh sơ khai, đã có các đấng bậc làm cha, Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, đã gọi các người mình dẫn dắt là con (x. 1Cr 4, 14-17; Gl 4, 19). Gọi các bậc lãnh đạo trong Giáo Hội là cha, chúng ta ý thức rằng các Ngài được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa. Trong Hội Thánh, mọi người dù có chức vụ hay cac chức vị khác nhau, tất cả anh em đều là anh em với nhau, con một Cha.
Trong Hội Thánh cũng có những thầy dạy (x. Cv 13, 1; 1Cr 12, 28), và những vị lãnh đạo (x. Cv 15, 22; Rm 12, 8). Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu, gọi thầy nơi các bậc dạy dỗ trong dân Thiên Chúa là Thầy vì các ngài tham dự vào nhiệm vụ Thầy dạy của Đức Kitô. Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ, như anh em với họ (x. Ga 15,14; Mt 12,49-50), và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (x. Mt 20, 28), Ngài là mẫu gương phục vụ tuyệt vời và mời gọi người mang tinh thần công vụ « người làm lớn » phải phục vụ.
Thật thế, dù công quyền hay giáo quyền, mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.
Chúng ta cũng đối chiếu bản thân mình với tinh thần Đức Kitô: mời gọi tất cả những ai mang trong mình trọng trách công vụ, trách nhiệm thầy dạy. Chúng ta tự cảnh tỉnh, tự vấn: mang trong mình nhiệm vụ vì danh dự đến từ chiếc ghế, hay từ tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu nhấn mạnh : « người làm lớn phải phục vụ” (Mt 23, 11).
Xin tinh thần phục vụ đến từ Chúa Kitô thanh tẩy tâm trí tôi và bạn, tâm trí của các nhà lãnh đạo, các bậc thầy dạy dỗ trong dân… để xã hội và đất nước được xây dựng trên tinh thần phục vụ trong trách nhiệm, liêm chính như vị thầy già đã ngỏ lời dạy với học trò của mình: « Con bây giờ đã nên người, đã giúp ích cho xã hội, cho con người và cho Tổ quốc, đó chính là món quà tặng quý nhất của con dành cho thầy ».
Không đứng trên danh dự, cũng chẳng phải vì mục đích bổng lộc từ chiếc ghế cho bản thân, nhưng ở thực hiện tinh thần trách nhiệm, phục vụ cho giang sơn đất nước. Cho nên tôi và bạn luôn tự nhủ:
“Khả năng nhận trách nhiệm là thước đo của con người” (Roy L. Smith).
Và
“ luôn đặt trách nhiệm của mình cao hơn những gì người khác mong đợi” (Henry Ward Beecher).
Lm. Vinh Sơn SCJ