Ở Roma có ngôi thánh đường nhỏ gần Porta San Sebastiano, gần via Ardeatina thuộc Appian Way, Ngôi thánh đường đó mang tên Quo Vadis Domine trong tiếng Latinh có nghĩa là “Thưa thầy, thầy đi đâu?” gần hang toại đạo Catacombs. Vào tháng 1/2003, khi còn là một chủng sinh về Roma họp của Hội dòng, tôi có đến viếng thăm Hang toại đạo và ngôi thánh đường này. Theo truyền thống của Giáo hội, nhà thờ này là nơi thánh Phêrô gặp lại Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Quo Vadis Domine”.
Vào thời Giáo hội thời Hội Thánh sơ khai, các hoàng đế Rôma đã bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: các tín hữu Chúa Kitô, người bị chém đầu, kẻ bị đóng đinh thập giá, nhiều người bị ném vào chuồng thú dữ cho chúng ăn thịt, bị buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc nơi hý trường Colisê. Ngày nay vẫn còn Hý trường lịch sử 2000 năm này và Giáo Hội có ngày 30 tháng 6 kính nhớ các tín hữu tử đạo tiên khởi Giáo đoàn Roma… Lúc đó Phêrô là thủ lãnh của Hội Thánh, bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế theo lời thỉnh cầu của anh chị em tín hữu, Phêrô có ý định tạm lẩn tránh ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng một đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appian, đó là Phêrô đang trên đường chốn khỏi Roma. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông đứng khựng lại! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt, rồi quá đỗi mừng vui vì chính là Thầy Giêsu, Phêrô chay đến ôm chầm lấy Người và hỏi: “THƯA THẦY, THẦY ĐI ĐÂU?”… Đáp lai câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói: “Phêrô, vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để bị đóng đinh thêm một lần nữa!” Nói xong, Chúa Giêsu biến mất… Phêrô hiểu ý Thầy: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, kẻ ấy không xứng đáng làm môn đệ Thầy” (x. Mt 9, 23-26. Lc 14, 27), bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Rồi sau đó thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy Chí Thánh Giêsu, không phải đường lên núi sọ ở Giêrusalem mà là đường dẫn đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican…
Cùng với biểu lộ niềm tin vào Chúa Kitô mà Phêrô tuyên tín cùng với Con đường thập giá mà ngài can đảm bước đi gợi cho chúng ta nhớ đến Tin Mừng (Lc 9, 18-24): Tông đồ Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Thầy,Chúa Giêsu mặc khải con đường thập giá, Ngài mời gọi các môn đệ nếu tin và theo thầy thì cùng tiến bước cùng Thầy trên con đường niềm tin,con đường không rộng thênh thang. Nhưng là con đường mang thập giá theo chân Thầy chí thánh.
Chúng ta quay lại với bối cảnh Tin mừng của Luca để khám phá niềm tin và đường thập giá: Trong khi Dân chúng luôn nghĩ Ngài là Êlia vị ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước. Vị ngôn sứ luôn trung tín với Lời Chúa và làm bao nhiêu điều vĩ đại cho Dân, hay cho Ngài là Gioan vị ngôn sứ khiến họ khơi dậy niềm hy vọng vào một Đấng Cứu Độ đang được mong chờ, hay “một ngôn sứ thời xưa đã sống lại” (Ga 9,19) . Như thế quần chúng đánh giá Đức Giêsu là một con người vĩ đại như một ngôn sứ, một “người phát ngôn”, người đến từ Thiên Chúa.
Từ niềm tin của quần chúng tự phát khi nghe và chứng kiến các lời và việc làm của Ngài, Chúa Giêsu dẫn đưa các ông đến xác tín hơn của người môn đệ đi theo thầy: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 20a) Ông Phê-rô đại diện nhóm mười hai thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 19, 20b).
“Kitô” trong tiếng Hi lạp và “ Mesiah” có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu tuyển chọn, được Thiên Chúa sai đến với Dân. Đó là Đấng mà toàn thể dân Do Thái luôn mong đợi. Đấng đến để khởi đầu một thời kỳ mới. Người sẽ trở thành vị Chúa Tể thống trị khắp địa cầu.
Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Ghi nhận tâm tình xác tín trên của Tông đồ Phêrô, Thánh sử Luca muốn nhấn mạnh nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô. Ngài thuộc về Thiên Chúa, và là con của Thiên Chúa (x. Lc 1, 32-33), Ngài được tuyển chọn (x. Lc 23, 35), xức dầu làm vua (x. Lc 23, 2; 1Sm 9,15-16; 10, 1; 24, 7; 2, :9) và được sai đến với dân, đặc biệt là những người nghèo và khốn khổ, bị lọai bỏ (x. Lc 1,16.78; 2, 38). Trong Tin Mừng của Luca, tước hiệu “Đấng Kitô” gắn liền với sự cứu độ. Đấng Kitô chính là Đấng Cứu độ (Lc 2, 11). Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian(x. Lc 7, 16; 1, 47). Ngài là Đấng Kitô cuối cùng Thiên Chúa sai đến với dân Người, để ban ơn cứu độ viên mãn. Với tước hiệu Kitô, Phêrô đã xác tín Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ, mà là Đấng hơn một ngôn sứ nữa, Đấng thuộc về Thiên Chúa, hiện thân của Thiên Chúa được sai đến, cứu độ nhân loại về với Thiên Chúa.
Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Chúa truyền lệnh phải giữ im lặng vì đó là ý muốn của Chúa Cha, cho đến đúng ngày giờ, chính Ngài trong ánh sáng phục sinh đã giải thích lại cho hai môn đệ Emmaus hiểu vai trò cứu độ của Đấng “Mesiah” (x. Lc 24, 26.46). Phêrô đã tuân giữ lời Thầy truyền và sau này khi bắt đầu sứ mạng của Giáo Hội được Thần Khí thúc đẩy theo lệnh Thầy (x. Ga 6, 4-5), trong diễn từ vào lễ Ngũ tuần tông đồ Phêrôcông bố tước hiệu “Mesiah” của Đấng Phục sinh (Cv 2,31.36.38).
Loan báo cuộc Thương Khó trong sứ mạng “Mesiah”, Chúa Giêsu hé mở cho các môn đệ biết con đường thập giá mà Đấng Kitô phải đi. Hành trình của Ngài là làm theo ý của Thiên Chúa Cha (Lc 22, 42). Ai theo Ngài tức là người mang tư cách môn đệ phải từ bỏ chính mình và vác thánh giá. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ tuyên xưng về Ngài: tin Đức Kitô đến, thì người môn đệ cũng bước tiến đi con đường thập giá của Ngài. Sự tiến bước trên đường thập giá không là một sự tiến dễ dàng, như trong thực tế: Phêrô đã từng chối bỏ Thầy (x. Lc 22, 54-62), cũng đã từng hoang mang muốn chạy trốn khỏi Rôma: trách nhiệm Giám mục – tức là chối bỏ thập giá.Vị Tông đồ xác định lại niềm tin đã tuyên xưng và con đường thập giá mà mình phải đi, nên ông đã quay trở lại Rôma tiếp tục sứ mạng thập giá mục tử…
Xin cho chúng ta những Kitô hữu – tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô bằng đời sống cụ thể, được mời gọi vác thập giá theo sau Đấng Kitô vác thập giá, đi trên con đường Ngài đã đi. Thân phận Kitô hữu gắn liền với thân phận Thầy mình: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài” (2Tm2,11).
Tuyên xưng danh thánh mỗi ngày
Bước Đường thập gía trọn đường tình yêu.
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 18/06/2016