Chúa Nhật VIII Thường Niên A, Đừng Lo Lắng (Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34)

26.02.2017Một giáo sư thực vật học, tay cầm một hạt giống nhỏ mầu nâu và nói với cả lớp rằng:
– Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm Hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và tôi có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.
Một học sinh đứng lên hỏi:
– Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?
Giáo sư trả lời:
– Đây mới là sự khác biệt: Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc mầu nhiệm mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.
Hạt giống của Tạo Hóa luôn chứa đựng sự sống. Con người với sự tài giỏi của khoa học hiện đại, có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc làm ra những người máy robot, nhưng không thể tạo ra được sự sống. Quyền sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa thôi… Chúng ta hãy phó thác cho Ngài và sống trong an bình thư thái.
Lo âu đó là sự thương tình của con người, đặc biệt là trước những sự việc quan trọng, trách nhiệm nặng nề và lao công vất vả trong cuộc sống để mưu sinh. Theo những nghiên cứu tâm lý học và y khoa, lo lắng quá sẽ làm mất trí nhớ và làm cho chúng ta thường cáu gắt. Hơn nữa, lo lắng thái quá sẽ có ảnh hưởng không tốt cho cơ thể nhất là trái tim. Cơ thể sẽ tiết ra một số hóa chất làm mạch máu co hẹp, tim đập mau, tăng huyết áp, tiêu hóa rối loạn, ngủ khó khăn cũng như làm cho tính tình thay đổi… Đi xa hơn nữa khi “lo lắng” theo đuổi của cải, tiền tài danh vọng sẽ như Chúa Giêsu nói: “Nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời Chúa không sinh hoa kết quả” (Mt 13,22). Một khi say mê tìm kiếm của cải vật chất như cứu cánh, chúng ta sẽ trở nên nô lệ của chúng, dẫn đến hậu quả tai hại như Thánh Phaolo khẳng định: “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Chính vì thế, chúng ta hiểu tại sao trước đó Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Cho nên Chúa Ngài đã kết án: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” (Lc 6,24), và Ngài kêu gọi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất: vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19). Phải từ bỏ sự lo lắng về vật chất theo lời mới gọi: “Hãy đi bán tài sản của mình” (Mt 19,21), trở nên người thoát khỏi sự ràng buộc của cải thế gian. Chúa Giêsu muốn con người sống trong bình an hạnh phúc, Ngài muốn con người “Đừng lo lắng”.
Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Ngài đưa ra hình ảnh chim không lo gieo trồng và làm lụng vất vả vẫn được nuôi sống, hoa đồng nội không dệt may vẫn được mặc sắc màu đẹp tươi, tất cả được đặt dưới sự quan phòng của Tạo Hóa. Hình ảnh quá ấn tượng, tuyệt vời diễn ra chung quanh mỗi ngày mà ta chưa nghiệm ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cho vạn vật của vũ trụ. Hình ảnh cũng dễ làm chúng ta hiểu sai ý của Đức Kitô: Đừng làm gì cả, sống vô tư như anh chàng ngồi dưới gốc cây chờ sung rụng. Thật thế, Đức Giêsu không bao giờ nói rằng không nên làm việc. Ngài cũng không bao giờ khuyến khích con người lười biếng, vô tư ỷ vào lòng bố thí của bá tánh khi đi ăn xin, vô nghề nghiệp.
Thiên Chúa luôn khuyến khích con người lao công, vì chính Ngài đã truyền cho con người ngay từ thưở tạo dựng vũ trụ: “Hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng” (St 1,28). Đức Giêsu khẳng định của ăn có được là do lao công khi phán: “Vì thợ đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10). Ngài lên án nghiêm khắc người đã không cố gắng làm việc để sinh lợi nén bạc mà người đó đã nhận (x. Mt 25,14-30): “Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài”. Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng người nào không làm việc thì không có quyền ăn (x. 2 Tx 3,10).
Lo lắng làm việc là trách nhiệm của con người với Thiên Chúa với anh em với vũ trụ vạn vật nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh:“Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, gợi lên ý nghĩa tâm tình Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cầu nguyện Nước Chúa và danh Cha trước hiển trị trên Trời và dưới đất rồi mới đến cơm bánh nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” cũng có nghĩa là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa theo yêu cầu và luật lệ của Nước Ngài. Cho nên, việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính, là sự dấn thân như Bài Giảng Bát Phuc đã trình bày (x. Mt 5,1-12).
Tuy nhiên sự nỗ lực của con người không chỉ là sự cố gắng của bản thân mà cùng đồng hành với Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến Tận Thế như lời hứa của Ngài (x. Mt 28,20), Đấng tỏ ra với con người qua lời Ngôn sứ Isaia: “Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15). Nhưng con người quên sự đồng hành của Đấng luôn hiện diện và chăm sóc. Xa xưa trong sa mạc, dân Chúa đã quên sự săn sóc của Ngài khi quá lo lắng về thức ăn, nước uống… nên họ đã khổ đủ thứ (x. Ds 11,12,13 và 14), trong khi Giavê Thiên Chúa chỉ đòi hỏi một điều: tín trung với Ngài. Ngài sẽ bao bọc nâng đỡ và dẫn dắt dân Chúa đi về miền đất hứa. Trong cuộc sống ngày nay, con người lo lắng vật chất danh vọng mà quên đi sự có mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống.
Chúa Giêsu dạy: “Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc…” ( Mt 6,25 ). Tin mừng Matthêu dùng 6 lần động từ “lo lắng” cùng với lời khuyên nhủ: “đừng lo” để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” như Chúa Giêsu đã khẳng định (x. Mt 6,8.32). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em ( x. 1Pr 5, 7 ).
Thánh vịnh có câu :
“Hãy tín thác phận mình cho Chúa
Tín nhiệm Ngài, Ngai sẽ làm cho”
(Tv 118).
Chúng ta trong cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: lo lắng và ám ảnh một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai. Lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không biết nương tựa vào đâu, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân ; lo lắng về việc cơm gạo áo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên.Vì thế, sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Giữa biển đời ngập tràn lo âu, chúng ta chuyên chăm làm việc nhưng chúng ta cũng sống theo lời Chúa dạy “đừng lo lắng” và nhớ tâm tình của Thánh Augustinô chia sẻ: “Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài”.
Thật thế, như Thánh Vịnh nói:
“Chỉ nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui”
(Tv 61,2a).

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 26/02/2017.