CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C (10/02/2019) ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI CỦA THIÊN CHÚA [Is 6,1-2a.3-8; 1 Cr 15, 1-11; Lc 5, 1-11]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, cùng với việc sai Con Một Người xuống trần gian, Thiên Chúa còn dành cho con người một vai trò quan trọng là làm cộng sự viên của Người vì Thiên Chúa không muốn hoạt động một mình.
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ, trong đó có I-sai-a.
Thời Tân Ước, Thiên Chúa dùng các Tông Đồ và các môn đệ Chúa Giê-su, trong đó có Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê, Phao-lô và nhiều vị khác.
Còn thời nay, Thiên Chúa dùng những con người thời nay và ở địa phương nào Thiên Chúa dùng những con người của địa phương ấy.
Những Bài Thánh Kinh hôm nay cho ta thấy Thiên Chúa gọi và chờ đợi gì ở I-sai-a, Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê, Phao-lô, đám đông người Do-thái và các tín hữu Cô-rin-tô. Họ là những con người đã gặp gỡ Thiên Chúa và nghe lời rao giảng về Người. Họ đã đáp lại tiếng gọi và sự chờ đợi của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô.
Thiên Chúa cũng gọi và chờ đợi ở mỗi tín hữu chúng ta lời đáp trả tương tự. Vậy chúng ta sẽ nói gì? làm gì?

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 6, 1-2a.3-8): “Này tôi đây, xin hãy sai tôi.”
Năm vua O-zi-as băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”. Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.
Lúc bấy giờ tôi mới nói: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 15, 1 -11): “Chúa hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ”.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 15, 3-8. 11:
Anh em thân mến, tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi, dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 5,1-11): “Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.”
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giê-su để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giê-nê-sa-rét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-mon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Si-mon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Si-mon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Si-mon sụp lạy dưới chân Chúa Giê-su và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Gia-cô-bê và Gio-an, con ông Giê-bê-đê, bạn đồng nghiệp với ông Si-mon cũng thế. Nhưng Chúa Giê-su phán bảo ông Si-mon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

III. KHÁM PHÁ DUNG MẠO CỦA THIÊN CHÚA VÀ SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Dung mạo Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Is 6,1-2a.3-8) là đoạn văn mô tả một thị kiến mà ngôn sứ I-sai-a được Thiên Chúa cho thấy về Thiên Chúa. Nhờ đó mà có được hai kết quả tốt lành sau đây: Thứ nhất là I-sai-a ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả khôn lường, còn ông chỉ là một tạo vật thấp hèn, vô cùng bất xứng với sứ mạng ngôn sứ mà Thiên Chúa muốn giao cho ông. Thứ hai là ông được chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng đáp lại lời mời và sự chờ đợi của Thiên Chúa. Lời I-sai-a: “Dạ, con đây, xin sai con đi” là kết quả kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi I-sai-a.
Trong đoạn Is 6,1-2a.3-8 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng cao trọng và thánh thiện vô cùng, ngự trên ngai tòa uy nghi, chung quanh có các thiên thần đứng chầu và hát ca chúc tụng. Đồng thời chúng ta thấy Thiên Chúa rất gần gũi với con người, quan tâm đến việc giúp đỡ dân Ít-ra-en sống theo Lề Luật của Thiên Chúa nên mới tìm người để sai đến với họ. Lời “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” cho chúng ta thấy điều đó. Một đặc điểm nữa của Thiên Chúa là Người rất tôn trọng sự tự do và tự nguyện của I-sai-a. Thiên Chúa không ép mà chờ ông tự nguyện đáp lại lời mời và sự chờ đợi của Thiên Chúa.

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 15, 1 -11) là trích đoạn của thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô, trong đó có hai ý. Ý thứ nhất là nội dung niềm tin Ki-tô giáo mà các Tông đồ, trong đó có Phao-lô, hằng rao giảng và các tín hữu đã đón nhận. Nội dung đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, đã chịu chết để cứu chuộc loài người, đã phục sinh và hiện ra với các Tông đồ và nhiều người, phù hợp với lời Thánh Kinh đã chép về Người. Ý thứ hai là ơn gọi làm Tông đồ và thái độ khiêm tốn của Phao-lô, vì ngài ý thức việc sai trái đã làm trước khi được Chúa hiện ra và biến đổi ngài nên người phục vụ Tin Mừng giữa dân ngoại.
Trong đoạn 1 Cr 15,1-11 trên, chúng ta khám phá ra nhiều điều: (a) Thiên Chúa là Đấng đã ra tay cứu vớt loài người trong việc sai Con Một đến trần gian; (b) Chúa Giê-su đã cứu chuộc loài người bằng con đường thập giá; (c) Thiên Chúa rộng lượng vô cùng nên chẳng những không chấp tội Phao-lô mà còn dùng ông vào việc rao giảng Ơn Cứu Độ cho cả người Do-thái lẫn dân ngoại.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 5, 1-11) là đoạn của Phúc âm Lu-ca kể lại hai việc mà Chúa Giê-su đã làm ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét. Việc thứ nhất là Chúa Giê-su giảng dậy cho đám đông. Việc thứ hai là Người làm phép lạ cho các Tông đồ được mẻ cá phi thường và mời các ông bỏ nghề bắt cá để đi chinh phục người ta. Kết quả là các ông đã “đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.”
Nhờ đoạn Phúc Âm Lc 5, 1-11 này chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su sống gần gũi và quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh. Đám đông dân chúng khao khát Lời Chúa và ánh sáng soi đường, thì Chúa ân cần giảng dậy họ. Các Tông đồ đang thất vọng về một đêm lao động không kết quả thì Chúa giúp họ có được mẻ lưới đầy thuyền. Các Tông đồ đi theo Chúa nhưng chưa biết nhiều về Người thì Chúa cho các ông chứng kiến một sự kiện lạ lùng ngoài khả năng tự nhiên của con người, để các ông vững tin trong quyết định đi theo Người. Chúa Giê-su quả là một nhà sư phạm, một nhà giáo tuyệt vời, vừa có lòng vừa có tâm lý.

3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Thiên Chúa mời và chờ đợi I-sai-a tư nguyện làm ngôn sứ (bài đọc 1). Thiên Chúa mời và chờ đợi các tín hữu Cô-rin-tô tin vào Chúa Giê-su qua lời rao giảng của các Tông đồ (bài đọc 2). Chúa Giê-su mời và chờ đợi đám đông và các môn đệ đầu tiên nghe và tin vào Lời Người (bài Phúc Âm).
Vậy sứ điệp của Lời Chúa hôm nay rất đơn giản và dễ hiểu. Đó là: hãy tin và đi theo Chúa tức hãy đáp lại lời mời và sự chờ đợi của Chúa.
Những lời mời và sự chờ đợi của Chúa ở hai mức độ khác nhau: (a) tin vào Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế và trở thành Ki-tô hữu, như các Tông Đồ và Hội Thánh hằng rao giảng và mời gọi. (b) đáp lại lời mời và sự chờ đợi của Chúa để trở thành ‘ngôn sứ’ của Chúa như I-sai-a hay ‘tông đồ’ của Chúa như Phê-rô, An-rê, Gio-an, Gia-cô-bê và Phao-lô….

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng Chí Thánh đã tỏ mình ra với I-sai-a; để mời gọi ông làm ngôn sứ của Người; Sống với Chúa Giê-su là Đấng đã kêu gọi và thuyết phục các Tông Đồ bằng mẻ cá phi thường để các ông bỏ hết mà đi theo Người; Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện và hành động với Chúa Cha và Chúa Con trong mọi diễn tiến của lịch sử cứu độ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp mà Chúa gửi cho tôi hôm nay, tôi phải kiểm điểm xem tôi được Chúa mời và chờ đợi gì? và tôi đã đáp lại Người như thế nào?
* Nếu Thiên Chúa mời và chờ đợi tôi làm Ki-tô hữu, thì tôi đã đáp lại Người đầy đủ chưa? Tôi là Ki-tô hữu loại nào: loại xác tín tích cực hay loại thờ ơ thụ động?
* Nếu Thiên Chúa mời và chờ đợi tôi làm ngôn sứ hay tông đồ, thì tôi đã đáp lại Người đầy đủ chưa? Tôi là ngôn sứ và tông đồ loại nào: loại sống chết vì sứ vụ hay loại thi hành sứ vụ như viên công chức?

V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Dạ, con đây, xin sai con đi.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để các ngài mau mắn đáp lại lời mời của Thiên Chúa như ngôn sứ I-sai-a và từ bỏ tất cả để theo Chúa như Si-mon Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 «Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh tại Việt Nam trong Năm Mục Vụ Gia Đình này, để mọi thành phần Dân Chúa dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng một cách dũng cảm, không sợ sệt và chùn bước trước những khó khăn, bách hại từ những kẻ ghen ghét Đạo Thánh Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các tông đồ, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân, để họ biết cách thu phục nhân tâm của những người chung quanh bằng lòng chân thật và đời sống bác ái yêu thương!
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 «Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta để ai nấy chấp nhận từ bỏ những gì cản trở việc đi theo Chúa Giê-su và thực thi những điều Chúa đã dậy trong Phúc Âm!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Sài-gòn ngày 03 tháng 02 năm 2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.