Một linh mục ngồi trong phi trường đợi chuyến bay. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và đề cập về tôn giáo. Ông khoe rằng: “Tôi không chấp nhận điều gì tôi không hiểu, vấn đề “ba Chúa trong một Chúa” hay bất cứ điều gì tương tự, không ai có thể giảng nghĩa cho tôi, nên tôi không tin”.
Chỉ vào luồng sáng qua cửa sổ, linh mục hỏi: “Bạn có tin mặt trời không?”. Kẻ hoài nghi trả lời: “Dĩ nhiên có chứ”. Linh mục nói tiếp: “Được, ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời cách đây 150 triệu km chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng. Chúa Ba Ngôi có phần tương tự như vậy: Mặt trời Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng: ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: Từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần. Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng được không?” người hoài nghi im lặng.
Thánh Tôma đã nói: Sống trên trần gian, chúng ta chỉ biết rằng Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những gì trí khôn chúng ta có thể mường tượng ra.
Cao cả vượt trên mọi trí tuệ con người, nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện hữu, Ngài hiện diện ngay từ thửa ban đầu ngay khi Vũ trụ được tác thành: Thánh Thần bay là là trên mặt nước, Chúa Cha phán một Lời (Ngôi Lời) thì vạn vật và con người được hoàn thành… (x. St 1-2). Chính Ngài đã dựng nên vũ trụ và muôn loài, muôn vật và loài người. Thiên Chúa hằng điều hành mọi sự theo tình thương và Sự Khôn ngoan tốt lành của Chúa (x. Cn 8, 22-31). Ba Ngôi qua hình ảnh Ba Vị Thiên Thần đến viếng thăm tổ phụ Abraham và Sara (x. St 18, 1-14), Ngài đồng hành và là niềm vui sống của con người qua nụ cười thách thức cua Sara như loan báo về niềm vui được Thiên Chúa thi ân sau này qua lời hứa mà Ba Vị : Isaac sẽ ra đời.
Trong Kinh Thánh Tân ước mặc khải Ba Ngôi: sự hợp nhất của Ba Ngôi trong sứ mạng của ngôi thứ hai – Ngôi Con : Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh của chim bồ câu (x. Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 22-22 ).
Đặc biệt, Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã mặc khải: ”Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16). Sự gắn bó giữa Chúa Cha và Chúa Con luôn khắng khít “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10), gắn bó đến nỗi như Chúa Giêsu thổ lộ : ”Ta và Cha Ta là một “( Ga 10, 30 ), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chính Thánh Thần là Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con, Thánh Thần làm chứng về Ngôi Lời : « …Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26 ). Như Chúa Giêsu sau đó loan báo : “Khi nào Thần Khí sự thật đến … tất cả những gì Người đã nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết … Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13.14).
Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô về Giáo huấn Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình cứu độ và cả trong giây phút hiện tại:”Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe”(Cv 2,33).
Chúa Ba Ngôi hiện diện ở trong ta nếu như sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23). Giữ Lời Thầy, Lời Cha Thầy và chúng ta như Chúa Giêsu nhấn mạnh là Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở cùng.
Thiên Chúa là Ba ngôi vị và là duy Một Đấng Toàn Năng cách lạ lùng, luôn hằng hữu “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.” (Kh 1, 8). Công đồng Florence (1442) tuyên xưng : “Chúa Cha trọn vẹn nơi Chúa Con, trọn vẹn nơi Thánh Linh. Chúa Con trọn vẹn nơi Chúa Cha, trọn vẹn nơi Thánh Linh. Thánh Linh trọn vẹn nơi Chúa Cha, trọn vẹn nơi Chúa Con”.
Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng và làm phép rửa cho nhân loại nhân danh Chúa Ba Ngôi : « anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (Mt 28, 19-20).
Người Kitô hữu được rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa khi tạo sự hiệp nhất theo sự gắn bó với nhau trong Ba ngôi. Ngay từ thời Tiên khởi Giáo hội luôn học hỏi từ mẫu gương Ba Ngôi, sách Tông đồ Công Vụ nói rõ : « các tín hữu tiên khởi chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe các tông đồ giảng dạy và dự lễ bẻ bánh (Cv 2, 42). Gắn bó với Thiên Chúa như Đức Hồng y Henri de Lubac đã chia sẻ bằng hình ảnh: “Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương. Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là bên bờ vừa là đại dương. Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa. Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ. Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần”.
Thật thế, Chính trong Ba ngôi là nguồn chúc lành như Phaolô gửi nguồn bình an cho các cộng đoàn tín hữu và lời đó vẫn còn được chúc cho nhau trong Giáo Hội : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen” (2Cr 13, 13).
Vâng, lạy Chúa Ba Ngôi:
Dâng điệu hát, dâng cung đàn muôn thuở
Cho trọn niềm con thảo với Chúa Cha,
Với Chúa Con: tình huynh đệ mặn mà,
Và Thần Khí: lửa mến yêu tha thiết.
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn, ngày 20/05/2016