Một gia đình sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lừa thiêu rụi mái ấm của họ. Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con bé nhất. Thì ra trong lúc cậu bé chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi nên lại chạy trở lên lầu.
Lửa phừng phừng cao ngút tứ phía, đang lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi, thì bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé ló ra, nhìn xuống kêu khóc inh ỏi. Từ dưới sân, cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói: “Con nhảy xuống đây ?” Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói mù và lửa, nhưng nghe rõ tiếng cha kêu mình, liền trả lời: “Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!” Người cha trả lời giọng cương quyết: “Con cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi?”
Nghe lời cha, cậu bé leo lên thành cửa sổ, liều mình nhảy xuống. Mọi người thấy vậy thì la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu, nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn…
Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: “Sao hôm ấy cháu liều thế, lỡ rơi không trúng vòng tay của ba cháu thì sao?” Cậu hồn nhiên trả lời: “Cháu cũng không biết nữa, khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa, cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu!”.
Trong cuộc đời có những tiếng gọi, tiếng gọi huyền nhiệm thúc bách để ta bước đi, bước đi…. đi trong chốn tốt tăm mịt mù…
Ápraham sinh khoảng 1.850 năm trước Ðức Giê-su, Thiên Chúa gọi, ông cũng không hề thấy Chúa, chỉ nghe tiếng Chúa gọi, ông đã can đảm tin tưởng ra đi vào vùng đất lạ như Chúa phán dạy. Ông tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn ông đi, cho nên bước đi vào vùng đất mà mình không hề có kinh nghiệm sống, nhưng ông vẫn tin và tiến bước theo lời mời gọi của Giave. Bước trong tiếng gọi ông đã trở nên một Tổ phụ đông đảo như sao trên Trời như cát ngoài bãi biển.
Êlisê đang cày ruộng như muốn nói về một cuộc sống êm đềm sung túc ở thôn quê, Ngôn sứ Êlia đi ngang qua, vị tiên tri đã lấy áo choàng đang mặc ném lên người Êlisê đó là cử chỉ gọi và chọn Êlisê làm môn sinh, Êlisê liền chạy theo xin phép về nhà từ giã cha mẹ trước khi đi theo vị Ngôn sứ. Được thầy đồng ý, Êlisê đã về nhà bắt giết cặp bò đang dùng để làm lễ tế, rồi dùng chiếc cày làm củi đun thịt bò để đãi người thân trước khi đi theo làm môn đệ của vị Ngôn sứ (1V 19,19-21) và sau này nối nghiệp thầy trở nên ngôn sứ. Hành động đốt chiếc cày của Elisê như là một sự dứt khoát bỏ lại tất cả để theo thầy – người của Thiên Chúa… hiến lễ chiên bò lên Giavê như một quyết tâm trở nên người nói Lời Thiên Chúa người được gọi.
Có tiếng gọi ở Biển hồ Galilê, biển hồ được biết đến nhiều qua tên hồ Tibêria rộng lớn với 21 km chiều dài và 12 km chiều rộng, biển nước mênh mông hình ảnh sứ vụ khi người được gọi giông buồm ra khơi. Thật thế, Bờ hồ hướng về một chân trời rộng lớn mãi tới những miền đất dân ngoại bên kia sông Giođan. Bờ hồ được Marcô nói tới như nôi phát sinh lời mời gọi (x. Mc 2,13-14), sau lời loan báo Tin Mừng cho dân chúng (x. Mc 2,13; 3,7-12; 5,21). Loan bao Tin mừng là sứ vụ của Đấng Messiah như Ngài mượn lời Ngôn Sứ Isaia khẳng định: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”(Lc 4,18-19).
Đức Giêsu loan báo Tin Mừng và gọi 4 môn đệ đầu tiên Simon Pherô, Anrê, Gioan và Giacôbê (Mc 1,16-20): là hoạt động của Chúa Giêsu đặt nền cho một công trình xây dựng mà Giáo hội sau này tiếp bước. Tin Mừng Marco nhấn mạnh: Ngài “thấy ông Simon với người anh là Anrê đang quăng chài xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá” (Mc 2,16b). Phía bắc hồ Tibêria nơi hai ông đang thả lưới là nơi nước ấm hơn và có rất nhiều cá. Ngài gọi các ông: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 2,17). Ngài dùng thứ ngôn ngữ của nghề đánh cá để thôi thúc họ dấn thân vào sứ vụ Tin Mừng của tương lai: “lưới người như lưới cá”. Khi gọi những ngư phủ này để họ trở nên “kẻ lưới bắt” trong Biển khơi thế trần, Chúa Giêsu mời họ theo Ngài đi ra khơi của sứ vụ tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài vừa loan báo, như chiên vào giữa bầy sói (Mt 10,16 ; Lc 10,3), nhưng các môn đê vẫn theo tiếng gọi, như em bé nhảy dù sợ nhưng tin và nhảy theo tiếng gọi của cha….
Trình thuật về ơn gọi vừa rồi cho thấy: Ơn gọi xuất phát từ nơi Đức Giêsu (x. Ga 15,16): Chính Ngài đã gọi các ông: “Các anh hãy theo Tôi” (x. Mc 1, 18a). Phần các ông, đã đáp trả với sự dứt khoát từ bỏ những gì cản trở sứ mệnh tông đồ bằng hình ảnh mạnh mẽ: Các môn đệ đã lập tức bỏ chài lưới và bỏ cha già mà đi theo Người (x. Mc 1,18.20). Gọi các ông nhận lãnh sứ mệnh làm tông đồ: Đức Giêsu đã thu nhận 72 môn đệ (x. Lc 10,1), chọn ra 12 tông đồ (x. Mt 10,1; Mc 3,14; Lc 6,13), rồi sai đi làm cho muôn dân thành môn đệ của Thầy (x. Mt 28,19) và nên “chứng nhân của Người” (x. Cv 1,8).
Chúa gọi và các ông đáp trả với tất cả tấm lòng, nhấn mạnh đến tất cả sự khác biệt mà giữa Người và các nhà thông thái lề luật giữa môn sinh của Ngài và môn sinh của các nhà thông luật. Các nhà thông thái này có nhiều môn đệ, song họ chỉ truyền lại môt giáo huấn và các môn sinh sẽ trở nên người cắt nghĩa Lề luật. Trong lúc Chúa Giêsu truyền cả con tim cho các đồ đệ, để các môn sinh cảm nghiệm được Tình yêu, tham dự vào Tình Yêu và loan báo Tin Mừng.
Thật thế, Chúa kêu gọi trở nên môn sinh, người được gọi bước theo Chúa. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh tiếng “theo” có nghĩa là gắn bó với con người mà mình theo, là “trở thành môn đệ”.
Chúa Kitô cũng gọi mỗi người chúng ta khi trở nên Kitô hữu qua Bí tích Thanh Tẩy, đi vào cuộc đời, dù tương lai mịt mờ như Abraham bước vào, dù phải bỏ lại công việc hiện tại êm ấm như Elisa, dù bỏ lại bên bờ trù phú với nghề đã định cư tại biển hồ Tibéria như Phêrô, Anrê, dù bỏ cả gia đình bao bọc như Gioan va Giacobê, nhưng trong tiếng gọi của Thầy, được đến và sống trong tình yêu của thầy, sức sống dồi dào trong tim thúc bách lại ra đi loan báo Tin Mừng cho anh chị em, sự thúc bách mãng liệt như kinh nghiệm của Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9,16).
Gọi theo Đức Kitô hôm nay, không buộc ta phải bỏ nghề nghiệp, bỏ mọi của cải vật chất, bỏ tình cảm đối với gia đình ruột thịt… Sự từ bỏ của các môn đệ năm xưa là hình ảnh nói nên sự từ bỏ bỏ ý riêng, theo chân Chúa đến cùng.
Cuộc sống của chúng ta – Kitô hữu, có những lúc khốc liệt như em bé bị kẹt giữa đám lửa, nghe tiếng Cha gọi, em nhảy vào lòng cha, với sự bảo bọc của đôi tay hiền phụ…
Chúa yêu thương con dù con bất xứng, Chúa vẫn gọi con. Con sung sướng hy vọng và vui mừng…
Chúa gọi con bước đi và Ngài là sức mạnh của con giữa cuộc đời đầy dang dở….
Lạy Thiên Chúa, con rất sung sướng và vui mừng, bởi vì trên đường đời Chúa là nguồn ủi an khi tâm hổn con phiền muộn, là ánh sáng chiếu soi nẻo đường tối tăm, là sự giàu có cho cảnh túng nghèo của con…
Thật thế, trong tiếng mời gọi ra khơi vào biển thế trần, đầy phong ba bão tố, con đáp trả xác tín:
“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”.
(Dt 10,9).
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn