Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ hoàng gia Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông bị ruồng bỏ, cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước: vắt chanh bỏ vỏ.
Bốn năm trước ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại.
Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Ðường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu:
“ Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con”.
Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc ông đọc được câu Kinh Thánh về Đấng Cứu Thế được tiên báo trong thân phận Tôi Tớ Đau Khổ: “Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ”. Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: “Messiha- Ðấng Cứu Thế”: Người đã trở nên đau khổ như chiên Thiên Chúa bị sát tế để cứu chúng ta. Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt tác để đời.
“Thấy Đức Giêsu đi ngang qua” (Ga 1, 36). Gioan giới thiệu hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Gioan được linh hứng giới thiệu sứ vụ của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế, Đấng xóa tội trần gian mang thân phận của một Con Chiên – Con Chiên tinh tuyền, con chiên hiền lành và khiêm nhượng, con chiên chịu sát tế để làm của lễ đền thay tội lỗi nhân loại như các tiên báo trong Cựu ước đã nói về Ngài.
Trong sách Sáng Thế Ký chiên tế lễ của Abel thay cho lòng tin kính Thiên Chúa, được Thiên Chúa chấp nhận. “Abel dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” (St 4,4). Trong Sách Xuất hành chiên được sát tế trong cuộc vượt qua, máu Chiên bôi trên cửa, như dấu chỉ cuộc vượt qua để được cứu sống (x. Xh 12,2-7) Dân Chúa hằng ngày buổi sáng và buổi chiều, luôn luôn có một con chiên được dâng làm của lễ trong đền thờ để chuộc tội cho dân chúng (Xh 29,38-42). Ngôn Sứ Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế như Người Tôi Tớ Ðau Khổ của Giavê, cư xử hiền lành như con chiên bị đem đi giết mà không một lời oán trách thở than: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7.) Ngôn Sứ Giêrêmia tiên báo về hình ảnh Đấng Cứu Thế : “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).
Chiên là hình ảnh của lễ hiến tế để được ơn tha tội… Gioan giới thiệu với hai đồ đệ đang tìm Đấng Cứu Thế : Đây là Chiên Thiên Chúa, Ngài chính là Chiên Vượt Qua của lịch sử Cứu Độ : Hiến tế lên cho Chúa Cha. Cho nên sau này Phêrô dạy: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích là Đức Kitô” ( 1 Pr 1,19). Tác giả thư Do Thái nhấn mạnh “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống” ( Dt 9,14).
Gioan Tông Đồ trong sách Khải huyền đã dùng 29 lần thành ngữ Chiên Thiên Chúa, trở thành một trong những danh hiệu được tôn kính của Chúa Cứu Thế, tóm tắt được tình yêu thương, đức hy sinh chịu khổ và chiến thắng khải hoàn của Đức Giêsu.
Được thầy giới thiệu về Đấng Cứu Thế, hai môn đệ Gioan đã quyết định đi theo. Ơn gọi của họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một người khác – thầy cả Eli (x. 1 Sm 3, 3b-10. 19) – Eli cũng như Gioan không phải bởi “ánh sáng” nhưng là “chứng nhân của ánh sáng” (Ga 1,8; 3,3). Tin mừng Gioan nhấn mạnh hai môn đệ “bước theo” Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “bước theo” (akoloutheô) có nghĩa là “đi đàng sau một người”, hơn cả nghĩa thường “bước theo” với nghĩa ẩn dụ là “trở thành môn đệ”. Trước kia hai ông là môn đệ của Gioan, bây giờ được Gioan giới thiệu bước theo Đức Giêsu. Chính vì thế, họ gọi Người là “Rabbi – Thưa Ngài” là từ ngữ thường được dùng để bày tỏ lòng tôn kính mà các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng. Hai ông hỏi Thầy ở đâu.
Đức Giêsu trả lời “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức trang trọng nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Hai môn đệ đã đến và ở lại với Thầy đi vào hiệp thông với Người. “Ở [lại]” thường gợi lên một khoảnh khắc đặc biệt thân mật: Đức Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào Người (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Trong các bài diễn từ cáo biệt (Ga 13–17), Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh “ở lại” : Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu (Ga 15,9.10), và các lời Người ở lại trong họ (Ga 15,7). Sau này qua Bí Tích Thánh Thể Chua Giêsu ở trong nhân lọai và hiến mạng sống cho mọi người (Ga 6,56). Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn bị một chỗ cho các môn đệ để họ được ở với Người (Ga 14,2-3).
Sau khi ở lại với Chúa Giêsu – Chiên Thiên Chúa, Anre gặp em mình là Simon và giới thiệu em đến với Thầy, và cuộc gặp gỡ môn sinh ở lại với Thầy. Đức Giêsu đặt cho Simôn một tên mới là Kephan – Phêrô – Đá tảng. Đặt tên mới Phêrô, Đức Giêsu bày tỏ uy quyền nhưng cũng còn muốn xác định cho Simon một căn tính mới, một vai trò mới như xưa trong Cựu Ước Giave đặt tên Abraham cho Abram và Israel cho Giacóp (x. St 32,38; 35,10). Đặt tên Phêrô, gợi cho chúng ta nhớ đến sự vụ lãnh đạo Giáo Hội của Phêro mà Đức Giêsu trao gắn liền với tên mới (Mt 16,15-19 Ga 21, 15 – 19).
Chiên Thiên Chúa, trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, Ngài là Đấng Cứu Thế, Ngài là Đấng đang đi vào đời tôi và mời gọi tôi đi vào huyền nhiệm mối tương quan với Ngài: Ở lại và trong Ngài, vì thế chúng ta đến tham dự thánh lễ mỗi ngày, và rước Thánh Thể – sống trong sự ở lại và trong Chúa Kitô. Sống và ở lại trong Ngài chúng ta mang tâm tình mới, con người mới trong trách nhiệm được trao phó được gánh vác.
Con người được đổi mới theo tình yêu, mang sứ mạng gánh vác được khởi đi từ những giây phút thâm tình khi sống ở lại, trong và với Thầy.
Vâng, hãy đến mà xem…
Lm. Vinh Sơn, scj