Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Pascal là một nhà bác học nổi tiếng và cũng là một nhà triết gia lỗi lạc, ông đã có một câu nói thời danh để đời như sau: “Con người chỉ vĩ đại khi họ cầu nguyện”.
Thật vậy, con người là loài thụ tạo cao quý nhất mà Thiên Chúa dựng nên. Con người có giá trị trổi vượt trên các loài thụ tạo khác. Tuy nhiên, con người chỉ có thể trở nên vĩ đại nhờ có một mối tương quan mật thiết với Đấng là chủ tể của mình ngang qua đời sống cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện là chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện làm cho con người tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời. Cầu nguyện cũng giúp cho con người biết mình phải làm gì và khước từ điều gì.
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, người lánh sang một nơi thanh vắng để cầu nguyện sau một ngày làm việc mệt nhọc với sứ vụ và tiếp tục với hành trình rao giảng Tin Mừng mới. Điều này cho thấy: cầu nguyện là việc vô cùng cao quý và quan trọng trong hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cũng như người môn đệ.
1. Cầu nguyện không ngừng
Đã có lần, Đức Giêsu nghe các môn đệ của mình kể về thành tích mà các ông đạt được sau những ngày vất vả vì sứ vụ. Các ông trở về trong hân hoan và khoe với Ngài về thành tích đạt được, nào là: thành công trong việc chữa lành bệnh tật, nhiều người nghe lời các ông giảng và ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục (x. Mc 6, 30-31).
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khen ngợi các ông, Ngài cũng chẳng đề nghị các ông tiếp tục thi hành. Và hoàn toàn không mở tiệc linh đình để tuyên dương kết quả! Nhưng Ngài nói với các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Nghỉ ngơi ở đây có nghĩa là trở về với Thiên Chúa và với bản thân trong sự thinh lặng nội tâm sâu xa.
Còn khi dạy các Tông đồ cầu nguyện, Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); chỗ khác Ngài truyền lệnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38). Hơn nữa, khi nói về giới hạn của con người và tầm quan trọng của cầu nguyện, Ngài mặc khải: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5) Hay để khơi lên niềm tín thác vào Thiên Chúa là Đấng xót thương, Đức Giêsu khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).
Như vậy, đời sống cầu nguyện là nền tảng để xây dựng đời sống Tông đồ nơi người môn đệ. Cầu nguyện chính là hồn sống, là thước đo để biết được người Tông đồ thi hành sứ vụ vì ai, cho ai và mục đích gì! Cầu nguyện còn để xác định rõ: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Nói cách khác, đời sống cầu nguyện được ví cá cần nước, cây cần ánh sáng, con người cần hơi thở.
2. Mẫu gương cầu nguyện nơi Đức Giêsu
Khi thấy được tầm quan trọng không thể thiếu của đời sống cầu nguyện, nên Đức Giêsu không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng chính Ngài đã làm gương về đời sống cầu nguyện.
Thật vậy, Ngài luôn luôn cầu nguyện trước, trong và sau khi làm bất cứ việc gì. Ngài cầu nguyện trong sa mạc; nơi hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển….
Hôm nay, thánh Máccô một lần nữa cho ta thấy Đức Giêsu coi trọng và ưu tiên hàng đầu trong việc cầu nguyện, tác giả viết: “Sáng sớm lúc trời còn tối, Người đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc l,35).
Khung cảnh “sáng sớm” cho chúng ta thấy một đêm dài đã kết thúc và một ngày mới khởi đầu. Thái độ cầu nguyện ngay từ khi trời còn tối báo cho chúng ta biết, Đức Giêsu chắc chắn tạ ơn, chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa qua những việc Ngài đã làm trong ngày hôm trước như: thăm viếng, chữa bệnh, trừ quỷ…. Mặt khác, trải qua một đêm có lẽ nhiều thao thức, trăn trở và lựa chọn để làm trong ngày mới, nên ngay từ sáng sớm, Ngài đã xin ý của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, để mọi việc được diễn ra trong thánh ý của Người. Chính vì điều này mà mọi hoạt động của Đức Giêsu đều quy hướng về Thiên Chúa và mang lại vinh quang cho Người.
Như vậy, giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa có một sự gắn kết mật thiết đến độ không thể tách rời đến nỗi đã có lần Đức Giêsu tuyên bố: “Ta và Cha ta là một”; hay “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34 ).
3. Cầu nguyện là nền tảng cho mọi hoạt động
Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều sự rạn nứt qua các mối tương quan như: rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng không còn tin tưởng nhau, thiếu sự chung thủy. Nạn phá thai diễn ra như cơm bữa. Lương tâm, chân lý không còn được lưu tâm hay bị lệch lạc. Con cái vô cảm, bất hiếu và hỗn xược với đấng sinh thành. Anh chị em trong gia đình loại trừ nhau. Hàng xóm láng giềng không còn chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau”! Thầy cô giáo và học trò ít quan tâm đến chuyện: “Tiên học lễ, Hậu Học văn”; vì thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò! Bạn bè với nhau không còn tính trung thực, mà thay vào đó là lợi dụng nhau, thanh toán nhau bằng nắm đấm, song sắt, lưỡi lê….
Nguyên nhân lớn nhất đó là thiếu hay coi thường hoặc không có đời sống cầu nguyện. Bởi vì, không cầu nguyện, con người sẽ không nhận ra Thiên Chúa là ai cũng như không biết coi trọng nhân phẩm của mình và của nhau. Không có đời sống cầu nguyện, người ta cũng không tìm ra lý tưởng và không thể trả lời được về mục đích của sự hiện hữu nơi mình trên trần gian. Đàng khác, khi đời sống cầu nguyện bị sao nhãng, người ta cũng chẳng cần quan tâm đến sự thật và lòng trung thành, từ đó, họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ áy náy! Họ sẵn sàng “dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt”; hay cả phương tiện và mục đích đều xấu, nhưng lương tâm đã bị trai lỳ, vô cảm nên họ vẫn sẵn sàng làm cho kỳ được để thỏa mãn điều mong muốn một cách bất nhân.
Hơn nữa, nhiều người có cầu nguyện, nhưng sự hời hợt, qua lần chiếu lệ đã làm cho họ chẳng khác gì như hạt giống gieo nơi vệ đường, trên bụi gai và nơi đá sỏi. Hãy nhớ lại câu chuyện Tổ Tông sa ngã chỉ vì hiểu có một nửa sự thật!
Chính vì thiếu đời sống cầu nguyện sâu xa như thế, nên việc sống đạo của chúng ta bị nhàm chán, hờ hững và hình thức bên ngoài, khiến cho những công việc chúng ta làm bị phản tác dụng khi nó quy chiếu về bản thân mình chứ không hướng về Chúa.
Muốn khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần thật minh mẫn, sốt sắng, vui tươi như thể mình đang chuẩn bị đi gặp “người yêu”. Phải thực sự có kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta phải tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta đang ở bên Chúa, Chúa đang ở bên ta, vì thế, cần có thái độ của đức tin để phó thác, thái độ khiêm tốn để lắng nghe. Bởi vì: “Cầu nguyện là hô hấp của tâm hồn”.
Chỉ có thế, chúng ta mới có thể xóa đi cái “tôi” ích kỷ, hư ảo, kiêu ngạo, để thay vào đó là sự khiêm tốn, hiền lành và khiêm nhường như Chúa . Như vậy, nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta mới nhận ra: “Con người vĩ đại nhờ cầu nguyện”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt mình bên cạnh Chúa, được sống với Chúa, được nhìn ngắm Chúa, được lắng nghe tiếng Chúa, được gặp gỡ Chúa, và được chìm sâu trong Chúa, Đấng cứu độ chúng con ngang qua đời sống cầu nguyện. Amen.