CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A, VƯỜN NHO (Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43)

cn27aVới người dân Việt Nam, ruộng lúa, con trâu kéo cày, nương khoai, khóm trúc, cây đa đầu làng là những hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống và trở nên như là biểu tượng của nét văn hóa Việt, dù đi xa nhưng hình ảnh này vẫn ghi dấu sâu đậm trong ký ức của chúng ta. Vâng, mỗi một dân tộc, đất nước tùy theo phong thổ, tập quán, lịch sử… đều để lại trong người dân những hình ảnh tiêu biểu của đất nước. Với người Do Thái thì đàn chiên trên đồng cỏ xanh (x. Tv 22) và vườn nho là những hình ảnh thân thương với họ. Cho nên chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước. Nó thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).
Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5, 2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho – dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt. Nhưng dân Israel được chăm sóc ân cần vẫn bạc tình bạc nghĩa, như một vườn nho chỉ sinh trái dại…Ngôn sứ Isaia đã chỉ rõ ràng: “Vườn nho đó chính là nhà Israel; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7), Thiên Chúa thất vọng về vườn nho của mình…
Trong Tân ước, Chúa Giêsu tiếp tục phát triển hình ảnh vườn nho, cây nho, như là biểu tượng của Tình yêu Thiên Chúa, nho là hình ảnh sự liên kết thân mật, sức sống tình yêu với Ngài: “Thầy là cây nho, anh em là nhành, nhành nào liên kết với Thầy sẽ sinh hoa trái” (Ga 15,5) và vườn nho trở nên biểu tượng của Nước Thiên Chúa – nước tình yêu, nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào. “Hãy đi vào vườn nho của tôi… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” ( Mt 25,21-23).
Cách riêng trong Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” (Mt 21,33-46), Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá.
Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc, và từ nay Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi dân nước: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”(Mt 21,43). Vâng, trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt. 20,1-16a) Dân nước này sẽ được làm thành bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái của Nước Trời, nghĩa là những kẻ, khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người để làm nên Dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1 Pr 2,10). Cho nên M. Hubaut đã cảm nghiệm được mời gọi của con Thiên Chúa gọi mọi người đi vào làm vườn nho :
“…Đây vườn nho của Chúa,
Mảnh đất này Chúa đã trao cho con.
Đây vườn nho của Chúa,
Lòng, trí con và tự do này
Tất cả đều do Người ban tặng…” (*)
Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: nghĩa là một đàng diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những Ngôn sứ được Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa. Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri : nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa, và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo dân Do Thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Vâng, thế giới chúng ta đang sống chính là vườn nho trong dụ ngôn. Thiên Chúa là ông chủ vườn nho. Mỗi người chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.
Tự tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử:
Con lại chiếm cho mình mà không biết thẹn;
Và để chiếm trọn gia tài,
Con lại quyết không nhìn Người Con thừa tự,
Dồn Người vào ngục tối sử xanh (*)

Vâng, chuyện của hôm qua vẫn đang diễn lại từng ngày của hôm nay, khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong vườn Địa đàng: muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo hóa. Nhưng, sự “biết” không thấy, lại bị tước đoạt Vườn Địa đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà còn lại bị chủ vườn nho lấy quyền làm vườn giao phó cho các tá điền khác.
Hôm nay, tôi và bạn là người tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác:
Chúa ơi,
Lịch sử phải chăng chỉ là một sự tái diễn khôn ngoan
Là tấn thảm kịch được diễn tả lại mãi mãi muôn đời ?
Đây vườn nho của Chúa,
Mảnh đất này Chúa đã trao cho con (*)
Mong rằng chúng ta luôn ý thức trách nhiệm, mình là tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa… Tá điền cộng tác tạo dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa…
(*) M. Hubaut, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 313-315, sưu tầm từ các bài chia sẻ Tin mừng)
Lm. Vinh Sơn scj