CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A, BA DỤ NGÔN – HÌNH ẢNH KIẾP NHÂN SINH (Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43)

23.07.2017bMột đêm kia, Piri Thomas đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô – một tên nghiện ma túy và giết người khiến anh ái ngại…. Nên anh phải đợi cho Chirô ngủ, anh mới qùi gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi… Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng… Tôi cảm thấy dường như có thể khóc đuợc… đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.
Sau khi Piri vừa cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen” làm cho Piri giật mình. Thì ra đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.
Sau này chính Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề: “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc cải tà qui chính Chicô bắt đầu bằng lời cầu nguyện này, đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.
Lời cầu nguyện của Piri đã giúp cho cả hai sửa chữa khuyết điểm lầm lỗi quay trở về với Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu, như ông chủ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng… Lời cầu nguyện đó có sức ảnh hường nơi Chicô như la men trong bột, như hạt cải phát triển thành cây mà Giêsu nói trong Tin mừng Matthêu 13,24-43, qua ba dụ ngôn: Dụ ngôn về lúa và cỏ lùng trong cùng một ruộng; Dụ ngôn về hạt cải lớn lên trong ruộng; Dụ ngôn về nắm bột dậy men…
Khi giáo huấn, thường lấy dụ ngôn mà giảng dạy về đạo lý nước trời, Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh: “Người lấy dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều” (Mt 13,3), Matthêu thường dùng động từ nói (lalein) khi Chúa Giêsu thốt ra các dụ ngôn, vì đây không còn là rao giảng (kêrussein) loan báo công bố Nước Trời, nhưng là giáo huấn về Nước Trời.
Trong dụ ngôn thứ nhất, cùng với lúa, có sự hiện hữu của cỏ lùng, “cỏ lùng” là một loại cỏ dại gọi là darnel. Loại cỏ dại này rất là giống cây lúa khi mới mọc lên, nên rất khó phân biệt với lúa. Chỉ khi trổ bông thì mới khác với lúa, lúc đó thì rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ một mình cỏ được. Hạt cỏ thì lại độc không ăn được.
Tâm hồn chúng ta được trình bày bằng hình ảnh thửa ruộng. Một thửa ruộng có lúa tốt xanh tươi nhưng cũng hiện hữu cỏ lùng phát triển không kém tựa lúa xanh và có khi nhìn thấy giống nhau. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng trong cùng thửa ruộng nói về thân phận con người luôn mang trong mình những cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, giữa chọn Thiên Chúa và chọn đối nghịch với Ngài. Một cuộc tranh đấu không ngừng, chỉ chấm dứt, phân thắng bại khi kết thúc đời người ở trần gian…
Trong cuộc sống nhân sinh, nếu Thiên Chúa nhổ cỏ lùng – tiêu diệt sự ác, thì chắc chắn không ai trong chúng ta có thể sống sót, bởi vì như lời Thánh Vịnh đã diễn tả: “Từ trong lòng mẹ, tôi đã là tội nhân, thoạt sinh ra, tôi đã mắc tội rồi” (Tv 51,7). Tình thương thì nhẫn nại, nên Thiên Chúa luôn chờ đợi thiện chí hoán cải của từng người, đồng thời Ngài còn ban ơn nâng đỡ họ trên mọi bước đường đời, để lúa thêm xanh tốt và lan toả, triệt hạ cỏ lùng để rồi cuối cùng, ngày thầm phán mới tới, ngày xét xử tuyệt đối công mình và không ai có thể trách cứ Ngài là đã không dủ lòng thương xót. Từ ý nghĩa của dụ ngôn, tôi, bạn nhìn vào cuộc đời mình, và thấy rõ ràng nơi chúng ta một cuộc đời luôn hiện hữu những tâm tình tốt lành, những việc làm thánh thiện nở hoa, nhưng cũng chính con người tôi cũng không ít những ích kỷ nhỏ nhen, những hành động mang sắc thái của cỏ lùng… Có những tật xấu khiếm khuyết làm ta rất khổ sở dù đã làm đủ cách như người thợ xin chủ vườn, “nhổ tận gốc cỏ lùng”, nhưng nó vẫn cứ hiện hữu trong cuộc đời ta, xin đừng thất vọng mà hãy kiên tâm nỗ lực sống, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi, Ngài đã sai Con của Ngài đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ tin vào Người Con ấy mà được cứu độ (Ga 3,17-18). Chính vì tin vào thiện chí và lòng hướng thượng của những kẻ gian ác mà vị chủ ruộng (tức Thiên Chúa) đã trì hoãn việc nhổ cỏ lùng ngay, vì Ngài chẳng muốn nhổ lầm những mầm lúa tốt trong tâm hồn những kẻ ác (x. Mt 13,29). Trong kinh nghiệm của Bí tích Hòa giải, tôi và bạn cảm nghiệm sự khoan dung của Thiên Chúa đối với bản thân, và sự hiện hữu cỏ lùng trong tâm, dù đã cố gắng. Kinh nghiệm này khiến chúng ta càng phó thác vào tình thương của Chúa mà tiến bước trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn nhẫn nại, chúng ta cũng hãy nhẫn nại với bản thân mình và cố gắng mỗi ngày sửa, vượt khó.
Dụ ngôn lúa và cỏ lùng trong cùng thửa ruộng, cũng cắt nghĩa được sự thiện và sự ác giữa cuộc sống hàng ngày, chấp nhận sống trong một thế giới mà nơi nào cũng có kẻ tốt người xấu tựa lúa và cỏ lùng như ánh sáng và bóng tối luôn xen kẽ nhau trong cuộc sống, Thánh Gioan đã chỉ sự đối lập giữa con cái ánh sáng và con cái bóng tối (x. Ga 1). Thật thế, nhìn vào thế giới, chúng ta sẽ thấy có những ánh sáng, lúa là lòng yêu thương, bác ái, nhân hậu, từ bi, quan tâm giúp người. Nhưng cũng hiện hữu của cỏ lùng – bóng tối là ích kỷ, hận thù. Thế giới có ánh sáng là khiêm nhường, hiền lành như Chúa Giêsu dạy, nhưng cũng xuất hiện bóng tối là kiêu căng, tự mãn, coi thường tất cả. Có ánh sáng là điều độ, siêu thoát, có bóng tối là tham sân si, chạy theo lạc thú, ham của cải, yêu chức quyền, địa vị. Có hiện hữu ánh sáng là công lý và hoà bình, có bóng tối là bất công, khủng bố và chiến tranh… Chúa Giêsu khẳng định nhiệm vụ của người tin và theo Chúa: “Chúng con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14), và “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5).
Dụ ngôn “cỏ lùng và lúa” không kết thúc bằng hình ảnh bi quan của “cỏ lùng hoành hành” hay của “lửa thiêu vào mùa gặt”. Cỏ lùng sẽ được tận diệt và cánh đồng lúa luôn được tăng trưởng trong thửa ruộng con người, nếu để niềm tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng và để đức ái được dậy men như hai dụ ngôn ngắn gọn về hạt cải (x. Mt 13, 31-32) và men trong bột (x. Mt 13, 33) kế tiếp. Hai dụ ngôn này mở ra một cái nhìn rất lạc quan về thực tại Nước Trời nơi tâm hồn của kiếp nhân sinh được Thiên Chúa cứu độ: Nếu có niềm tin dù nhỏ bé và ít ỏi, nhưng một khi vượt qua được những trở ngại để vươn lên, hạt cải Nước Trời sẽ trở thành một cây lớn, làm chỗ nương tựa cho cuộc sống, niềm tin này giúp con người luôn vươn lên phát triển tâm linh và cuộc sống dù bản thân mình đang bị cỏ lùng chiếm hữu; hạt giống đức tin có những khả năng không ngờ: Khi được gieo xuống đất, hạt giống bé tí xíu nó mọc lên thành một cây to.
Với sức mạnh của ân sủng đức tin như hạt cải và lòng mến lan tỏa như men trong bột, chúng ta tận diệt được cỏ hoang và biến cánh đồng nhân sinh thành đồng ruộng tốt tươi đầy bông lúa chín vàng như trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ánh sáng đẩy lùi bóng tối: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46).
Cỏ lùng dù còn hiện hữu trong tâm chúng ta, nhưng nếu luôn nuôi dưỡng niềm tin và lòng mến dậy men, tôi và bạn sẽ cảm nghiệm được tâm tình của Thánh Phaolô: “Tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ” (1Tm 2,4).
Thật thế, nếu con có đức tin lớn mạnh và đức mến dậy men, tâm hồn con sẽ diệt được cỏ lùng.

Lm. Vinh Sơn