Lời Chúa: Lc 10, 38-42
Một hôm, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Suy niệm:
Nếu chị Mác-ta cứ ở dưới bếp lo việc nấu nướng
thì chẳng có chuyện gì, chị được Thầy khen là khác.
Chị là người đảm đang, năng động, đã đón Thầy vào nhà.
Thầy và các môn đệ đến thăm nhà bất ngờ quá.
Chị vừa vui, vừa lo làm sao tiếp đãi cho đàng hoàng.
Trong đầu chị có bao việc phải làm.
Đúng là chị có bị căng thẳng và chịu nhiều áp lực.
Chị cần một người phụ giúp để dọn bữa cho kịp giờ.
Giá mà có cô em ở đây !
Nhưng chị thấy cô em Maria đang ngồi bên chân Chúa.
Cô ấy chăm chú lắng nghe Chúa nói với sự thích thú.
Tại sao lại có thể như thế được?
Tại sao một người bù đầu với công việc,
trong khi người khác lại nhàn nhã, thảnh thơi ?
Ngồi nghe Chúa nói đâu phải là việc của phụ nữ.
Chị đã tiến lại, đứng trước Thầy và có ý trách móc khi nói:
“Em con để con phục vụ một mình mà Thầy chẳng lưu tâm.”
Có vẻ chị không coi tiếp khách là một việc phục vụ.
Chỉ làm bếp mới là phục vụ thôi.
Mác-ta đã xin Thầy bảo cô em xuống phụ giúp mình,
như thế bữa ăn của chị sẽ nhanh hơn.
Mác-ta chẳng để tâm đến việc nếu Maria không tiếp chuyện,
Thầy sẽ phải ngồi một mình.
Thật ra, Thầy đến nhà này đâu phải vì một bữa ăn,
mà vì nơi đây Thầy gặp được những người bạn thân thiết.
Nơi đây Thầy được chia sẻ với họ những vui buồn của sứ vụ.
Hạnh phúc của Thầy là có người lắng nghe cách say mê.
Niềm vui của Thầy là có người trân trọng lời Thầy nói.
Cô Maria biết cách diễn tả lòng hiếu khách.
Cô làm điều mà một bữa ăn ngon không thể nào thay thế.
Có vẻ cô chẳng làm gì, nhưng lại đang làm điều cần làm.
Thầy Giêsu thông cảm với sự căng thẳng của chị Mác-ta.
Hẳn Thầy cũng mong sớm có bữa ăn nóng sốt.
Nhưng Thầy lại không thể chiều ý của chị được,
không thể bảo cô em Maria xuống phụ bếp với chị Mácta.
Lý do không phải vì câu chuyện với cô em còn dở dang,
mà vì Thầy tôn trọng chọn lựa của Maria.
Ngồi dưới chân Thầy để nghe là một chọn lựa nghiêm túc.
“Maria đã chọn phần tốt hơn, phần ấy không ai lấy đi được.”
Nấu nướng một bữa ăn ngon cho Thầy là điều tốt,
nhưng ngồi nghe Thầy nói là điều tốt hơn.
Dọn bữa cho Thầy là điều cần,
nhưng ngồi hầu chuyện Thầy lại cần thiết hơn.
Chị Mác-ta trách Thầy chứ Thầy không trách chị Mác-ta.
Thầy biết chị phải lo toan nhiều việc phục vụ (Lc 10,40),
nên lòng băn khoăn xao xuyến về nhiều chuyện (Lc 10,41).
Bởi đó Thầy gọi tên chị hai lần: “Mác-ta ! Mác-ta !”
Thầy muốn kéo chị ra khỏi cái nhiều làm chị bị rối,
để tập trung vào cái một (Lc 10,42).
Thầy mong chị phục vụ Thầy với tâm hồn vui tươi bình an,
và nhìn nhận giá trị trong cách phục vụ của cô em.
Câu chuyện của chị em Mác-ta và Maria còn kéo dài mãi.
Chúng ta vẫn thường giống Mác-ta tất bật, không yên,
bị đè bẹp bởi gánh nặng công việc, kể cả việc của Chúa.
Chúng ta cần có những giây phút thư giãn như Maria,
ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài (Lc 10,39).
Nhưng lắng nghe không hề là chuyện khoanh tay thụ động,
vì lắng nghe luôn đi với thực hành (Lc 6,47-48; 8,21; 11,28).
Chỉ ai gắn bó với Chúa qua gặp gỡ cầu nguyện,
người ấy mới có thể phục vụ tha nhân lâu bền và siêu thoát.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê su,
Có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề.
Có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy,
Có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con Tấm Bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
Con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, năm 2022