Đức Thánh Cha chỉ cho các vị đặc trách thường huấn linh mục ba con đường cần thực hiện cho quá trình đào tạo linh mục: niềm vui Tin Mừng, cảm thức thuộc về Dân Chúa, khả năng tạo sinh trong việc phục vụ.
Trong những ngày này, từ ngày 06 đến ngày 10/02, hàng ngàn linh mục năm châu đang tham dự Hội nghị quốc tế tại Roma, về thường huấn cho các linh mục, với chủ đề: “Con hãy khơi dậy hồng ân của Chúa trong con” (2 Tm 1,6): “Vẻ đẹp làm môn đệ ngày nay. Một sự huấn luyện duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo”.
Hội nghị do Bộ Giáo sĩ, Bộ Loan báo Tin Mừng và Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương cộng tác tổ chức, nhắm đến các vị đặc trách thường huấn linh mục trong các giáo phận, miền, quốc gia, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Mục đích của Hội nghị là khởi động một tiến trình chung với toàn thể các Giáo hội địa phương để củng cố việc thường huấn và đồng hành với các linh mục. Điểm khởi hành của tiến trình này là các kết quả thăm dò được gửi tới tất cả các Hội đồng Giám mục trong những tháng qua và những đóng góp của các tham dự viên trước và sau hội nghị, dựa trên Chương trình căn bản đào tạo linh mục, với tựa đề: “Hồng ân ơn gọi linh mục”, được công bố hồi năm 2016.
Trong năm ngày hội nghị, có các đề tài khác nhau, mỗi đề tài có hai, ba bài thuyết trình. Tiếp theo đó là các cuộc hội thảo nhóm, theo các ngôn ngữ, về những kinh nghiệm thực hành trong việc thường huấn cho các linh mục ngày nay.
Là một phần của chương trình, thứ Năm, các tham dự viên được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô VI. Dưới đây là bài nói chuyện của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ.
Anh chị em thân mến,
Tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì niềm vui được ở đây với anh chị em. Cám ơn anh chị em đã đến Roma nhân dịp Hội nghị quốc tế về thường huấn cho các linh mục được tổ chức bởi Bộ Giáo sĩ, cùng với sự cộng tác của Bộ Loan báo Tin Mừng và Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương. Cám ơn các vị Tổng trưởng các Bộ và tất cả những ai đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này. Đối với nhiều người trong anh chị em, việc đến Roma là điều không dễ. Nhưng trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi về những gì anh chị em đang làm trong các giáo phận và quốc gia của anh chị em, cũng như sự phục vụ mà anh chị em thực hiện, điều mà cuộc khảo sát được thực hiện theo quan điểm của Đại hội này đã nhấn mạnh.
Trong những ngày này, anh chị em có cơ hội chia sẻ những thực hành tốt, thảo luận về những thách đố và vấn đề, và suy tư về tương lai của việc đào tạo linh mục trong giai đoạn thay đổi mang tính thời đại này, không ngừng nhìn về phía trước và một lần nữa sẵn sàng thả lưới theo Lời Chúa (Lc 5, 4-5; Ga 21, 6). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục tìm kiếm các phương tiện và ngôn ngữ giúp đào tạo linh mục, không nghĩ rằng chúng ta có tất cả các câu trả lời- tôi lo ngại cho những ai có sẵn trong tay tất cả các câu trả lời-, nhưng tin tưởng chúng ta có thể tìm thấy các câu trả lời trên hành trình. Vì thế, trong những ngày này, anh chị em hãy lắng nghe nhau và để cho mình được truyền cảm hứng bởi lời khuyên của Thánh Phaolô Tông Đồ dành cho Timôthê, cũng là chủ đề của Hội nghị: “Con hãy khơi dậy hồng ân của Chúa trong con” (2 Tm 1,6). Anh chị em hãy làm sống lại hồng ân này, tái khám phá việc xức dầu, thắp lại ngọn lửa đó để lòng nhiệt thành đối với sứ vụ tông đồ không bị phai mờ.
Và làm thế nào chúng ta có thể thắp lại hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận? Tôi muốn chỉ cho anh chị em ba con đường cần thực hiện cho quá trình đào tạo linh mục, đó là: niềm vui Tin Mừng, cảm thức thuộc về Dân Chúa, khả năng tạo sinh trong việc phục vụ.
Niềm vui Tin Mừng
Niềm vui Tin Mừng. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là hồng ân tình bạn hữu với Chúa, một ân ban giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn của chủ nghĩa cá nhân và nguy cơ của một cuộc sống vô nghĩa, không có tình yêu và hy vọng. Niềm vui Tin Mừng,Tin Mừng đồng hành với chúng ta, chính là điều này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu dịu dàng và nhân hậu. Và chúng ta được mời gọi làm cho lời loan báo này vang vọng khắp thế giới bằng chứng tá cuộc sống chúng ta, để tất cả mọi người có thể khám phá ra vẻ đẹp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại (Evangelii Gaudium, số 36). Chúng ta hãy nhớ lời Thánh Phaolô VI: là chứng nhân trước khi là thầy dạy (Evangelii Nuntiandi, 41), chứng nhân cho tình yêu Chúa, điều duy nhất thực sự quan trọng. Và thật đáng buồn khi một người không có khả năng làm chứng.
Ở đây chúng ta tìm thấy điểm cốt yếu của việc đào tạo liên tục, không chỉ đối với các linh mục nhưng dành cho mọi Kitô hữu. Điều cũng được “Quy chế Nền tảng về Đào tạo Linh mục” (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis) nhấn mạnh: chỉ khi chúng ta là và vẫn là môn đệ, chúng ta mới có thể trở thành thừa tác viên của Chúa và là nhà truyền giáo của Vương quốc Người. Chỉ bằng cách chào đón và gìn giữ niềm vui Tin Mừng, chúng ta mới có thể mang niềm vui này đến cho người khác. Do đó, trong việc đào tạo liên tục, chúng ta đừng quên rằng chúng ta luôn là môn đệ trên một hành trình và nhờ ân sủng Chúa đây là điều đẹp nhất xảy đến với chúng ta. Và khi chúng ta thấy các linh mục không có khả năng phục vụ, có lẽ do ích kỷ, những linh mục đi theo con đường “kinh doanh”, những linh mục này đã mất khả năng cảm nhận mình là môn đệ, nhưng cảm nhận mình là ông chủ.
Ân sủng vẫn có tính tự nhiên, và vì điều này cần một sự huấn luyện nhân bản toàn diện. Thật vậy, là môn đệ Chúa không phải là một tôn giáo bề ngoài, nhưng là một lối sống, và điều này đòi hỏi sự trau dồi những phẩm chất con người chúng ta. Trái với điều này là linh mục “thế gian”. Khi tinh thần thế gian đi vào tâm hồn linh mục, nó phá huỷ mọi thứ. Tôi yêu cầu anh chị em dành tất cả năng lực và nguồn lực của mình cho khía cạnh này: chăm sóc việc huấn luyện nhân bản. Một lần kia, một linh mục lớn tuổi nói với tôi: Khi một linh mục không có khả năng chơi với trẻ em, thì không phải là linh mục. Chúng ta cần các linh mục nhân bản trọn vẹn, có khả năng có những mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành trong việc đối diện với những thách đố của thừa tác vụ, để niềm an ủi Tin Mừng có thể đến với Dân Chúa qua nhân tính của họ được Thần Khí của Chúa Giêsu biến đổi. Chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh nhân bản của Tin Mừng!
Thuộc về dân thánh Chúa
Con đường thứ hai: thuộc về dân Chúa. Chúng ta chỉ có thể là môn đệ truyền giáo cùng với nhau. Chúng ta chỉ có thể sống tốt thừa tác vụ linh mục nếu chúng ta hoàn toàn là một phần của dân tư tế, mà từ đó chúng ta xuất phát. Nhận thức thuộc về dân này – không bao giờ cảm thấy bị tách khỏi hành trình của dân thánh trung thành của Chúa – bảo vệ, nâng đỡ chúng ta trong những nỗ lực, đồng hành với chúng ta trong những bận tâm mục vụ và giữ chúng ta khỏi nguy cơ tách mình ra khỏi thực tại và cảm thấy toàn năng. Chúng ta hãy cẩn thận, vì đây cũng là căn nguyên của mọi hình thức lạm dụng.
Để luôn đắm mình trong lịch sử thực tế của dân, việc huấn luyện linh mục không được hiểu là “tách biệt”, nhưng có thể có sự đóng góp của Dân Chúa: các linh mục và tín hữu giáo dân, nam nữ, những người độc thân và các cặp vợ chồng, người già và người trẻ, không quên người nghèo và người đau khổ là những người có nhiều điều để truyền đạt. Thật tế, trong Giáo Hội, có một sự hỗ tương và trao đổi giữa các bậc sống, ơn gọi, thừa tác vụ và đặc sủng. Và điều này đòi hỏi chúng ta sự khôn ngoan khiêm tốn của việc học cách cùng nhau bước đi, làm cho tính hiệp hành trở thành một lối sống Kitô hữu và của chính đời sống linh mục. Các linh mục, đặc biệt là ngày nay, được yêu cầu phải cam kết “thực hành tính hiệp hành”. Hãy luôn nhớ điều này: cùng nhau bước đi. Linh mục luôn luôn ở cùng với dân mà mình thuộc về, nhưng cũng ở với giám mục và linh mục. Chúng ta đừng bỏ bê tình huynh đệ linh mục! Về khía cạnh này, hiệp nhất với dân Chúa, Thánh Phaolô cảnh báo Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con. Hãy nhớ đến cội nguồn, lịch sử của anh chị em, lịch sử gia đình, dân của anh chị em. Linh mục không sinh ra từ thế hệ tự phát.
Khả năng tạo sinh trong việc phục vụ
Cuối cùng, con đường thứ ba: có khả năng tạo sinh trong việc phục vụ. Phục vụ là dấu hiệu đặc trưng của các thừa tác vụ của Chúa Kitô. Thầy Giêsu đã cho chúng ta thấy điều này trong suốt cuộc đời của Người, và đặc biệt, trong Bữa Tiệc Ly khi Người rửa chân cho các môn đệ. Từ quan điểm phục vụ, huấn luyện không phải là một hoạt động bên ngoài, truyền tải một lời dạy, nhưng trở thành nghệ thuật đặt người khác vào trung tâm, làm nổi bật vẻ đẹp của họ, điều tốt đẹp mà họ mang trong mình, làm nổi bật những hồng ân và cả bóng tối, những vết thương và những ước muốn của họ. Và do đó, huấn luyện linh mục có nghĩa là phục vụ họ, phục vụ cuộc sống của họ, khuyến khích hành trình của họ, giúp phân định, đồng hành với linh mục trong những khó khăn và hỗ trợ họ trong những thách đố mục vụ.
Linh mục được đào tạo như thế, đến lượt mình, đặt mình vào việc phục vụ dân Chúa, gần gũi với dân chúng, và như Chúa Giêsu đã làm trên thập giá, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm cho mọi người. Anh chị em, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá. Từ đó Chúa yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13, 1), Chúa đã sinh ra một dân mới. Và chúng ta cũng vậy, khi chúng ta đặt mình phục vụ người khác, khi chúng ta trở thành những người cha và người mẹ của những người được ủy thác cho chúng ta, chúng ta tạo ra sự sống của Thiên Chúa. Đây là bí quyết của một mục vụ tạo sinh: chứ không phải là một mục vụ mà trong đó chúng ta là trung tâm, nhưng là một mục vụ tạo ra những người con cho cuộc sống mới, và đổ nước hằng sống của Tin Mừng trên mảnh đất tâm hồn con người và của thời đại hiện tại.
Anh chị em, xin đừng bao giờ mệt mỏi là những người có lòng nhân hậu. Luôn tha thứ. Khi mọi người đến xưng tội, đến xin sự tha thứ, họ không đến để nghe một bài học về thần học hoặc sám hối. Anh chị em hãy có lòng nhân từ. Hãy luôn tha thứ, bởi vì tha thứ có ân sủng của sự dịu dàng, đón nhận. Tha thứ luôn tạo sinh bên trong. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em mọi điều tốt đẹp nhất cho Hội nghị của anh chị em. Tôi để lại cho anh chị em ba điều quan trọng: niềm vui Tin Mừng vốn là nền tảng cuộc sống chúng ta, thuộc về một dân bảo vệ và nâng đỡ chúng ta, có khả năng tạo sinh trong việc phục vụ làm cho chúng ta trở thành những người cha và mục tử. Xin Đức Mẹ đồng hành với anh chị em trên hành trình này. Đức Mẹ trao cho các linh mục một ân ban là sự dịu dàng. Sự dịu dàng này được thể hiện nơi những người đang gặp khó khăn, người già, đau yếu, trẻ em…Chúng ta hãy xin ân ban này, và đừng sợ là những người dịu dàng. Sự dịu dàng là sức mạnh. Xin cám ơn.
Nguồn : Vatican News