Lương thực thực phẩm luôn là những vấn nạn của con người trong mọi thời đại. Thời đại nào người ta cũng cần phải ăn để mà tồn tại, để mà sống. Thế nhưng nếu đi ngược dòng thời gian trở về trước thì con người có thể sống thọ, sống lâu với những của ăn có sẵn trong thiên nhiên, rau cỏ, trái cây, quả rừng… Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, khoa học ngày càng đi đến đỉnh cao của tri thức, nhân loại đã biết chế biến ra nhiều loại thực phẩm có dinh dưỡng cao gấp vạn lần thời xa xưa, ấy vậy mà người ta lại không thể sống lâu, sống mãi như ngày trước được.
Không nói thì ai trong chúng ta cũng biết phong trào vì lợi nhuận dấy lên trong cuộc sống nhân loại gần hai, ba thập kỉ nay, giết chết hàng vạn con người vì những hóa chất, chất độc hại mà họ chế biến ra vì lợi nhuận. Cũng chỉ vì cần phải ăn để sống và muốn cho mình được ăn ngon, được sống sung sướng, sống hưởng thụ, ích kỉ mà con người tìm đủ mọi cách sao cho kiếm được nhiều tiền. Vì tiền mà con mắt tâm linh, con mắt lương tri bị lu mờ, họ đã gián tiếp giết chính bản thân và đồng loại của mình.
Ai cũng biết làm gì có thuốc nào, có thức ăn gì mà trường sinh bất tử, nhưng có biết bao con người đã cất công đi tìm. Đó là chuyện của ngày xưa. Ngày nay, nếu nói thuốc gì, thức ăn gì uống vào chết nhanh hơn thì dễ chứ trường sinh bất tử thì phạm trù ấy dường như quá xa vời với tâm thức nhân loại. Bởi ăn cái gì cũng chết: rau sạch, cá sạch, nước sạch, trái cây sạch… chả có gì sạch cả, vậy làm sao sống trường sinh bất tử được đây? Thay vì trước đây nhân loại tìm kiếm của ăn để mà sống thì ngày nay họ ăn để mà chết, chỉ vì lòng tham của những kẻ hám danh lợi mà thôi.
Xã hội nào cũng có sự phân hóa giai cấp, người giàu kẻ nghèo, ở đâu cũng vậy, khắp mọi nơi, mọi quốc gia trên trái đất này. Và ai cũng hiểu rằng nếu người giàu chịu khó chia sẻ cho người nghèo và mỗi người từng người san sẻ cho nhau, thì không có chuyện “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Ngặt một nỗi, chuyện gia đình tôi, quốc gia tôi lo chưa xuể, sao có thể lo cho người dưng?! Thế nên, muôn đời, ngàn đời nhiều người vẫn nghèo đói và thế giới vẫn thiếu vắng những nụ cười. Ai đây? Ai là người biết cho đi tình thương mà không tính toán, ngoại trừ Thiên Chúa.
Đức Giêsu khẳng định cho các tông đồ sứ mạng đầu tiên của việc loan báo Tin mừng chính là chứng tá của việc phục vụ và trao ban. Đứng trước hàng ngàn con người đói khát tình thương, công lý và sự thật., Ngài đã dạy các tông đồ: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” (Lc 9, 13) Thật ra, Đức Giêsu đến trần gian không phải để giải quyết cho nhân loại việc cơm ăn áo mặc, nhưng trên hết Ngài đồng hóa với con người để thấu hiểu những nhu cầu, những nỗi thống khổ trong đời sống thường nhật của họ. Đồng thời, dạy nhân loại biết sống sẻ chia, quan tâm lo lắng cho nhau, đồng liên đới với nhau. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn mặc khải một nguồn lương thực bất diệt là chính Mình và Máu Thịt Ngài. Ngài không giải quyết cơm ăn áo mặc cho từng người, nhưng Ngài vẫn đồng hành, ở bên và thấu hiểu mọi nhu cầu đời sống của họ. Ngài mặc khải một nguồn lương thực bất diệt mà nhân loại ăn vào có thể sống mãi, sống đời đời, sống bất diệt. Đó chính là nguồn lương thực thực phẩm sạch, hoàn toàn trong sạch, thánh thiện và vô tỳ vết.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi hàng ngàn người từ “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá.” (Lc 9, 13) dạy chúng ta bài học tin tưởng và phó thác nơi quyền năng và tình thương xót của Thiên Chúa. Không có gì là Thiên Chúa không thể làm được, cùng với sự cộng tác của con người. Thế nên, ai làm việc hãy cứ hăng say làm việc với tất cả khả năng của mình, còn mọi chuyện khác phải can đảm, mạnh mẽ đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa quan phòng. Ngài hằng chăm nuôi, săn sóc, bảo vệ, che chở mỗi người chúng ta. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta cùng chung tay cộng tác với công cuộc sáng tạo và cứu chuộc của Ngài.
“Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.” (Lc 9, 17) Con số mười hai chỉ là con số biểu tượng với năm ngàn người đàn ông. Thiên Chúa có thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hơn thế nữa và cho cả thế giới này hưởng dùng cũng không hết. Có phải Thiên Chúa đã chết đâu, có phải Ngài bất lực đâu trước những nhu cầu của con người, của thế giới. Ngài dư khả năng để chăm lo cho toàn thể trái đất, vụ trụ này, con người và mọi sinh vật trong đó. Thế nhưng, Ngài cũng không phải là một Thiên Chúa hoang phí, ngược lại Ngài vẫn dạy chúng ta biết tôn trọng của cải vật chất. Mỗi người phải có nghĩa vụ và bổn phận, trách nhiệm chăm lo, giữ gìn và bảo tồn nó.
Có lẽ tư tưởng này của Đức Giêsu không còn hợp với thời đại, vì chưng ngày nay người ta sống cuộc sống hưởng thụ lên đến tận đỉnh cao của nó. Người giàu vất tiền ra cửa sổ, họ thỏa thuê hưởng thụ trong những lối sống ăn chơi trác táng. Tiền mà họ coi như rác, lấy gì nói lương thực thực phẩm. Việc ăn uống, tiêu xài xa xỉ được người ta coi như một đảng cấp của xã hội. Chỉ kẻ giàu mới có thể làm được điều đó, mới hào phóng với nguồn thức ăn như vậy. Trong khi phần thừa của họ còn hơn cả thực phẩm chính của kẻ đói nghèo.
Lạy Chúa, phép lạ hóa bánh ra nhiều hôm nay dạy con biết đặt trọn niềm tín thác vào lòng thương xót của Chúa, cậy trông vào quyền năng và tình yêu thương quan phòng của Ngài. Đồng thời dạy con hiểu rằng cái việc bận rộn từng ngày lo cơm no áo ấm ấy, vẫn không thể cho con cuộc sống bất diệt được. Mình Máu Thánh Chúa, Lời Chúa, đó chính là kho tàng lương thực hằng ngày nuôi sống linh hồn con trường sinh bất tử. Vậy thì còn ngần ngại gì khi con không biết mở rộng đôi tay sẻ chia cho những anh chị em nghèo khó xung quanh. Xin giúp con biết khao khát lương thực nuôi hồn như thể con kháo khát kiếm tiền mưu kế sinh nhai. Bởi đó chính là nguồn lương thực con ăn vào không phải để chết nhưng là sống đời đời.
M. Hoàng Thị Thùy Trang