Tại Úc Châu có dân tộc Chimbu thuộc đảo Tân Ghinê. Hàng ngàn năm qua họ sống khép kín trong những bộ tộc riêng tại vùng núi hiểm trở. Các bộ tộc này không quan hệ với nhau họ sống hoàn toàn biệt lập. Vì thế, chỉ có 3 triệu người mà họ nói tới 700 ngôn ngữ.
Khi các vị thừa sai đến loan báo Tin Mừng, các ngài cố học được một ngôn ngữ, và dựa vào đó mà đặt ra một thứ tiếng chung gọi là Esperanto, có nghĩa là Niềm Hy Vọng. Tiếng này được rút ta từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau để làm nên một thổ ngữ Melanesien.
Khi chị nữ tu Mary Claude đem Lời Chúa đến rao giảng thì được họ đón nhận rất dễ dàng. Dường như lịch sử truyền khẩu của họ qua các thế hệ đều nói tới một Vị nào đó sẽ đến.
Chị Mary Claude kể: “Có một bà góa trẻ làm công cho địa điểm truyền giáo để kiếm tiền nuôi ba đứa con. Xảy ra có những người thuộc bộ lạc của bà đến xin tiền. Tôi khuyên chị nên tiết kiệm tiền để lo cho các con. Nhưng chị ấy đã nói một câu làm tôi bất ngờ: Chúa Giêsu dạy rằng ai cho người thân cận đang túng thiếu là cho chính Chúa, nên con phải có bổn phận giúp đỡ họ”.
Cho đi đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Chimbu và chia sẻ đã đi vào bản sắc dân tộc của họ. Được như thế, chính là nhờ Lời Chúa đã thấm nhập vào máu thịt của họ, vào từng suy nghĩ, hành vi của họ, Lời Chúa đã đưa họ thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, và qui tụ họ lại thành một cộng đoàn yêu thương (Trích trong Như Thầy Đã Yêu).
Thật thế chính hại giống Lời Chúa đã gieo và đơm hạt cho dân tộc Chimbu.
Trong Tin mừng Mt 13,1-23, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để dạy chúng ta về giá trị của Lời Chúa như hạt giống, nếu chúng ta biết lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành, thì cuộc sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.
Để hiểu dụ ngôn người gieo giống này, chúng ta trở lại khung cảnh địa dư của đất Do thái, rất khác với những cánh đồng lúa tại nước ta, vốn là những đồng lúa phì nhiêu nhiều nước, trong lúc đất tại Do Thái khô cằn nhiều sỏi đá, dọc triền đồi núi.
Vào vụ mùa gieo, trước hết người nông dân phải dọn đất cho tương đối bằng phẳng; kế đến là làm đường tức là trên miếng đất đã dọn ấy người ta vạch một con đường nhỏ nên đất cho cứng để đi lại trên đó ; sau cùng là gieo giống. Nhưng có khác một điều quan trọng là: vì xứ Do thái nhiều đồi núi, đất canh tác không nhiều, vì thế nông dân phải tận dụng bất cứ chỗ đất nào có hy vọng trồng trọt được.
Hơn nữa ở Do Thái, đất đai ở đây rất nhiều đá, cho nên Người Do Thái nói khôi hài rằng khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, có ba túi đá thì Chúa làm rớt hết hai túi xuống đất Palestin… (theo Cha Nguyễn Công Đoan SJ).Trong nhà nông của Do Thái, việc lượm đá là một động tác quen thuộc cũng như làm cỏ, đến nỗi từ “đá” (xêla) khi dùng như một động từ ở thể hành động (xalêa) thì có nghĩa là lượm đá để dọn một mảnh đất. Ðá lượm ra xếp thành bờ ngăn các thửa ruộng, do đó mép bờ cũng là nơi gai mọc. Ở những vùng đất thiếu nước thì gai là loài cây dại phổ biến nhất, vì nó có sức chịu khô lâu nhất. Người nông dân ở Palestin xưa kia dọn đất xong thì gieo hạt rồi cày lấp đi (giống như xạ lúa ở miền Tây).
Khi biết và hiểu địa dư của đất nông nghiệp Do Thái, chúng ta dễ hiểu 4 vị trí mà hạt giống có thể rơi xuống khi người nông dân gieo lúa: đá, mặt lối đi, bụi gai và đất tốt như Đức Kitô đã nhấn mạnh đến các chi tiết trong dụ ngôn.
Muốn gieo cho kín ruộng mình thì người nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt vì khi vung tay gieo hạt, một số nào đó sẽ rơi vào 3 loại vị trí không kết quả: “xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. “Hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt…”. Hình ảnh người nông dân gieo giống tượng trưng Thiên Chúa luôn vững tay phân phát thật rộng rãi để hạt giống được phủ kín mảnh ruộng. Đó là thái độ quảng đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, Ngài làm tất cả, đôi lúc có phung phí ân sủng, vì Ngài mong ít ra có những hạt giống rơi trên đất tốt.
Mảnh đất được gieo trồng mang hình ảnh tâm hồn tôi và tâm hồn bạn. Để cho mảnh đất trở nên đất tốt hầu hạt giống của Thiên Chúa gieo vào sinh hoa, chúng ta cần phải chuẩn bị, như người nông dân luợm những hạt đá để trên bờ rào. Hình ảnh đó gợi nên cho chúng ta tâm tình biết sửa chữa mình không ngừng để cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập bình an, ân sủng, đó là giống đã được nảy mầm, kết hoa và đơm hạt.
Nếu cứ để tâm hồn chúng ta hoang sơ như những mảnh đất chưa được nhặt luợm những sỏi đá, cỏ lùng không bị tàn diệt, dù hạt giống ân sủng được nảy mầm, chắc chắn đời sống chúng ta như Chúa ví trong dụ ngôn: rễ không đủ sâu gặp nắng gắt chết khô, hay chết nghẹt vì bụi gai…
Thiên Chúa gieo giống, Ngài luôn mong đến viêc sinh hoa kết quả nơi các tâm hồn được tượng trưng bằng hình ảnh nhiều loại đất gieo trồng tiếp nhận hạt giống. Ngài luôn tưới gội, mưa nắng để cho đất vốn được nhặt sỏi kỹ lưỡng nảy thêm trù phú tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm như Thánh Vịnh có nói: “Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần” (Tv 64).
Ngài luôn tuôn trào hồng ân cho mảnh đất con người, nuôi dưỡng hạt giống do chính Ngài gieo, được nảy mầm sinh hoa như ngôn sứ Isaia đã cảm nhận: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm” (Is 55,10).
Thật thế, Thiên Chúa làm tất cả để giống nảy mầm cho trổ sinh hoa trái như Thánh Vịnh đã trải nghiệm hồng ân của Thiên Chúa: “Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất”(Tv 64). Điều mong ước mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện là con người sinh hoa trái, một đời sống tràn đầy, phong phú như Thánh Mattheu đã ghi nhận rải rác trong Tin Mừng (Mt 3,10; 12,33; 13,23-26; 12,43). Sự quảng đại của Chúa trong việc ban phát mọi ơn lành cho chúng ta làm cho tôi và bạn luôn an tâm và tin tưởng vào Tình Yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại Tình Yêu ấy, chỉ có chúng ta từ chối khi không chịu nhặt sỏi đá nên hạt giống hồng ân không bén rễ sâu vì chết khô hoặc bóp nghẹt không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta khi không tận lưc nhổ cỏ lùng.
Thiên Chúa qua hình ảnh người gieo hạt giống, đã làm tất cả để hạt – lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm. Hạt giống Lời Chúa sinh được hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt. Giống không sinh được hạt nếu không có sự cộng tác của con người. Mảnh đất- tâm hồn phải được dọn cỏ lùng, mảnh đất phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.
Hãy nhặt đi những sỏi đá trong mảnh đất hồn tôi, hãy nhổ đi những cụm cỏ lùng luôn đe dọa đến hạt giống như Đức Giêsu đã thường xuyên cảnh báo các môn đệ chống lại ảnh hưởng của thế gian (x.Lc 9,57-62; 14,28-33; 16,19-31; Ga 15,19; 12,6), hay những lo toan trần thế, làm quên niềm tin như lời nhận định của Thánh Têrêsa Avila :“…Những lo lắng thế gian và sự giàu có của vật chất làm cho giống chết nghẹt” (Thánh Têrêsa Avila).
Biết rằng đời mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng. Đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân.
Hạt rơi nơi đất tốt tươi
Hạt sinh sáu chục, hạt trổ một trăm…
Lm. Vinh Sơn