Khi cử hành trọng thể lễ kính Mình và Máu Đức Kitô, Giáo Hội mời gọi chúng ta đừng quên sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu trong Bí tích cực trọng này. Trong bảy bí tích Chúa Giêsu đã thiết lập, bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích rất thánh – Sancti – Saint Sacrement”.
Thịt và máu là hai yếu tố căn bản làm nên một thân xác con người. Thịt và máu cũng là biểu tượng của sự gắn bó liên kết. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, tức là làm cho bánh trở nên Thịt Người và rượu trở nên Máu Người. Qua bí tích này, Chúa muốn ở lại với nhân loại, để đồng cam cộng khổ với con người của mọi thời đại. Cũng qua bí tích này, Chúa cho phép con người được gắn bó với Chúa, nhờ ăn uống Thịt và Máu Người, là lương thực thần linh. Lương thực này vừa ban sức sống thiêng liêng cho con người khi còn tại thế, vừa là bảo đảm cho họ được sự sống đời đời.
Bí tích Thánh Thể là sự kết hợp thiêng liêng với Chúa Giêsu. Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”. Nhờ việc rước lễ, người tín hữu được ở trong Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, một cách nào đó, họ được trở nên chính Chúa, để rồi họ có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi ta ăn uống lương thực và thực phẩm, thì các loại lương thực và thực phẩm ấy được biến hóa trở nên máu thịt làm cho thân xác ta được khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Nhưng khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Đức Giêsu, chúng ta được biến đổi dần dần để nên giống như lương thực mà chúng ta đã ăn, để trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Đây là sự khác biệt giữa lương thực vật chất và lương thực thiêng liêng.
Manna trong Cựu ước và phép lạ nhân bánh trong Tân ước chỉ là hình bóng của Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong bữa tiệc ly. Nếu người Do Thái vẫn còn in đậm trong trí nhớ phép lạ Manna, thì Chúa Giêsu quả quyết với họ, chính là Chúa Cha ban cho họ lương thực huyền nhiệm đó, đồng thờ Chúa nêu sự khác biệt giữa Manna với Thánh Thể: Manna chỉ là lương thực vật chất để nuôi sống thân xác; Thánh Thể chính là lương thực thần thiêng để nuôi sống tâm hồn. Manna chỉ là lương thực đời này; Thánh Thể là bảo đảm cho con người được hưởng sự sống đời sau.
Khi cử hành trọng thể lễ kính Mình và Máu Đức Kitô, Giáo Hội mời gọi chúng ta đừng quên sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu trong Bí tích cực trọng này. Trong bảy bí tích Chúa Giêsu đã thiết lập, bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích rất thánh – Sancti – Saint Sacrement”. Bởi đây là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu. Trong bí tích Thánh Thể, “có trọn vẹn linh hồn và thể xác, thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể” như Công đồng Tridentinô đã xác quyết và định tín. Vì vậy, theo truyền thống của Giáo Hội Công giáo, sau thánh lễ này, thường có cuộc rước trọng thể để tôn vinh sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hình Bánh và Hình Rượu. Sự hiện diện này không chấm dứt khi thánh lễ kết thúc, như một số giáo phái Kitô khác chủ trương.
Bí tích Thánh Thể cũng là lời mời gọi sống yêu thương và hiệp thông với nhau như máu với thịt. Mối hiệp thông này có hai chiều kích: Hiệp thông chiều dọc và hiệp thông chiều ngang. Hiệp thông chiều dọc là gắn bó với Chúa Giêsu để nhờ Người mà chúng ta được gặp gỡ Chúa Cha. Hiệp thông chiều ngang là tình liên đới cảm thông với anh chị em mình. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự hiệp thông chiều ngang này khi Ngài viết cho giáo đoàn Côrinhtô: “Bởi vì chí có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (Bài đọc II). Qua hình ảnh một thân thể, vị Tông đồ dân ngoại muốn nhắc chúng ta sống liên kết và yêu thương nhau. Bởi lẽ tất cả đều được nuôi dưỡng bằng một lương thực thần thiêng là Mình và Máu Đức Giêsu. Lương thực ấy liên kết chúng ta thành một thân thể là Giáo Hội. Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Máu chảy ruột mềm”. Hình ảnh này muốn nói lên tình tương thân tương ái giữa mọi thành viên trong gia đình với nhau và còn vươn rộng hơn là tình đồng loại, để gia tay cứu giúp những ai hoạn nạn khổ đau và những người bất hạnh.
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Bài đọc I). Ông Môi-sen nhắc nhở dân Do Thái hồi tưởng lại những việc kỳ diệu Chúa đã làm, để tôn vinh quyền năng cao cả của Chúa, cũng là để cảm tạ tình thương bao la của Ngài. Tôn thờ Thánh Thể cũng là tôn thờ quyền năng cao cả của Chúa. Bởi lẽ như chúng ta đọc trong “Kinh Cám ơn thông dụng” của Mùa Chay: “Chúa trọng vô cùng cả và trời đất chứa chẳng đủ, mà rầy muốn ở trong một Hình Bánh nhỏ làm vậy…”. Thiên Chúa cao cả ẩn mình trong bí tích Thánh Thể vì yêu thương con người. Qua Bí tích này, Chúa cũng dạy chúng ta bài học khiêm nhường, sống và hy sinh vì tha nhân, như Chúa đã trở nên của ăn của uống cho con người.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên