Danh họa Rembrandt là một họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan vào thế kỷ XVII, trong các tác phẩm hội họa của ông, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.
Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: “Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động”.
Người hướng dẫn đáp : “Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa”. Rồi ông ta kể : “Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nổi cái chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu: bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như môn đệ, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó “mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên” như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình”. Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt : “Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi” (Flor McCarthy).
Trước những biến cố vừa xảy ra: Thầy Giêsu bị bắt, bị vác và đóng đinh chết trên thập tự… niềm tin vào Thầy bị sụp đổ, mọi sự liên quan đến Thầy đã chấm dứt… Các môn sinh thất vọng ê chề, sống trong sự sợ hãi (x. Ga 20,19). Tinh thần đang hoang mang thì các phụ nữ trong nhóm khi viếng mộ về đã loan tin “giật gân”: họ thấy “mộ trống” (Ga 20,1-2) và thấy Thầy sống lại (x. Ga 20,18)… Sự sợ hãi càng tăng bội phần khi giữa dân Do thái đang lưu truyền nhau: “xác ông Giêsu bị các môn đệ ông ấy lấy cắp rồi phao tin Thầy của họ đã sống lại”, tin này do các người lính canh mồ Chúa bị các thầy tư tế mua chuộc tung ra (x. Mt 28, 11-15), vì thế các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và một số đã rời bỏ Giêrusalem về quê như hai môn đệ về Emmau (x. Lc 24,13-23). Emmau là một ngôi làng cách Giêrusalem về phía Tây bắc khoảng 60 dặm, dăm – đơn vị đo lường của Hy lạp cổ (stadious-một dặm= 192m), tức khoảng 11,5 km.
Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đên bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Theo thánh Augustinô, việc các môn đệ chậm nhận ra Chúa vì: “Họ quá băn khoăn lo lắng khi thấy Chúa bị treo trên thập tự đến độ họ đã quên đi lời Chúa hứa sẽ phục sinh” (Sermon 235.1). “Con mắt bị che khuất, họ không nhận ra Chúa cho đến khi Ngài bẻ bánh. Họ không còn nhìn ra sự thật là Chúa phải chết và sống lại. Không phải sự thật đã gạt gẫm họ. Nhưng chính họ không thể nhận ra sự thật” (The Harmony of the Gospels, 3.25.72). Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh Thánh: Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó theo lời nàn nỉ của hai môn đệ, Ngài cùng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra – dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở vê Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả điều đã xảy cho các môn đệ.
Toàn bộ diễn tiến của trình thuật lại đường Emmau, chúng ta nhận thấy phác hoạ cuộc sống hàng ngày của chúng ta với trung tâm điểm là Thánh Lễ. Trên đường đời với những kinh nghiệm về khủng hoảng đức ti của mỗi người chúng ta đôi diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Giữa những thủ thách khủng hoảng, Chúa Giêsu đến bên cạnh và giúp như Chúa làm cho hai môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu. Ngài dẫn đưa các ông và cho chúng ta vào thánh lễ – trung tâm điểm của cuộc đời mà Ngài luôn hiện diện: Tin mừng Luca nhấn mạnh các ông lắng nghe Lời Chúa: « Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người ». Sau đó Ngài cử hành Thánh Thể: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho hai ông (Lc 22,19-20. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm như trong Bữa Tối cuối cùng lập ra Bí Tích Thánh Thể và truyền cử hành cho đến ngày tận thế chính là Thánh Lễ hằng ngày. Chúng ta thông hiệp vào bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Trong thánh lễ giữa cuộc đời chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa chúng ta.
Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoàng hành: thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Vâng, Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con “biết chỗi dậy” và “hồi sinh” như Thánh Vịnh dạy chúng con luôn xác tín: “Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh” (Tv 15,11a). Ngài hiện diện giữa cuộc sống hằng ngày. Chúng ta nhận ra sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục sinh và đón nhận Ngài bằng lòng tin: nhận ra Chúa Phục Sinh khi cử hành Thánh Lễ : khi nghe Lời và cử hành Bí Tích Thánh Thể, trong bí tích huyền nhiệm này, Ngài vẫn tiếp tục cầm bánh, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho chúng ta…
Đường Emmau tâm hồn đổi mới,
Mở trí lòng thấy Đấng Phục Sinh.
Gian nan trong bước đời mình,
Chúa cho con nghiệm được tình yêu thương (*).
Dù đang sầu khổ, thất vọng vì những mất mát ê chề trong cuộc sống. Dù đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần. Dù đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi…. Bám vào Chúa đang hiện diện một cách huyền nhiệm
Thật thế, Chúa Giêsu trong hành trình Emmau – cuộc đời, Ngài đang nói với chúng ta trong trung tâm là Hiến lễ Thánh Thể: con đừng thất vọng. Và Ngài cùng đồng hành với chúng ta trên đường lữ hành. Với Ngài, chúng ta tiến bước về Giêrusalem khi mang tâm tình mới:
Phục hồi ánh sáng niềm tin,
Mầu nhiệm sự sống, hành trình đức tin (*).
Lm. Vinh Sơn scj
(*) Trich thơ Emmau – Con Đường Kỷ Niệm , Mặc Trầm Cung.