Sự sợ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa

fx003 Sự sợ hãi kinh hoàng trước cái chết vén mở cho thấy nhu cầu hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống, khiến cho con người cầu nguyện, xin cứu giúp, và nhận biết Chúa đích thật và duy nhất của trời và đất. Dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa và của mầu nhiệm phục sinh cái chết có thể trở thành “chị chết” và dịp nhận biết niềm hy vọng gặp gỡ Chúa.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ ngài đã giới thiệu gương mặt của ông Giôna là vị ngôn sứ đã tìm cách tránh né lời mời gọi của Thiên Chúa và khước từ phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa như kể trong sách Giôna, là cuốn sách ngắn chỉ có 4 chương, nhưng giầu giáo huấn liên quan tới lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng tha thứ.
Giôna là một ngôn sứ “đi ra”, và cũng là một ngôn sứ chạy trốn! Đó là một ngôn sứ đi ra, mà Thiên Chúa gửi ra vùng ngoại biên, là Ninivê để hoán cải dân chúng thành phố lớn này. Nhưng đối với một tín hữu do thái như Giôna Ninivê diễn tả một thực tại đe dọa, là kẻ thù gây nguy hiểm cho Giêrusalem, và vì thế phải hủy diệt, chứ không được cứu thoát. Vì thế, khi Thiên Chúa gửi Giôna đi rao giảng trong thành phố ấy, thì ngôn sứ vốn biết lòng lành của Chúa và ước mong tha thứ, tìm cách trốn tránh nhiệm vụ của mình và chạy trốn. ĐTC tiếp tục bài huấn dụ như sau:
** Trong cuộc trốn chạy của ông ngôn sứ tiếp cận với các người ngoại giáo, là các thuỷ thủ của con tầu ông đã lên để tránh xa Thiên Chúa và sứ mệnh của mình. Và ông trốn xa, bởi vì Ninivê đã ở trong vùng Iraq, và ông trốn sang Tây Ban Nha, trốn thật. Và chính thái độ của các người ngoại giáo này, cũng như rồi sẽ là thái độ của dân thành Ninivê sau đó, cho phép chúng ta hôm nay suy tư một chút về niềm hy vọng được diễn tả ra bằng lời cầu nguyện truớc hiểm nguy và cái chết.
Thật thế, trong khi vượt biển đã xảy ra một trận bão khủng khiếp, và Giôna xuống hầm tầu để ngủ. Trái lại, các thủy thủ, các người ngoại giáo này, khi thấy mình sắp chết “mỗi người khẩn cầu thần linh của họ” (Gn 1,5).
Thuyền trưởng đánh thức Giona dậy và nói: “Sao làm gì mà ngủ thế này? Dậy, kêu cầu thần của ông đi chứ! May ra ngài sẽ nghĩ tới chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng” (Gn 1,6).
Phản ứng của các người ngoại giáo này là phản ứng đúng đắn truớc hiểm nguy, bởi vì chính đó là lúc con người sống trọn vẹn kinh nghiệm sự giòn mỏng và nhu cầu cứu rỗi của mình. Bản năng kinh sợ phải chết vén mở cho thấy sự cần thiết hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống. “May ra Thiên Chúa nghĩ tới chúng ta và chúng ta sẽ không chết”: đó là các lời nói của niềm hy vọng trở thành lời cầu nguyện, lời cầu nguyện tràn đầy âu lo, thốt lên từ miệng lưỡi con ngưòi trước nguy hiểm của cái chết gần kề.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: quá thường khi chúng ta dễ xem thường việc hướng tới Thiên Chúa trong nhu cầu, làm như thể nó chỉ là một lời cầu nguyện nhắm tới lợi lộc, và vì thế bất toàn. Nhưng Thiên Chúa biết sự yếu đuối của chúng ta, Ngài biết rằng chúng ta nhớ đến Ngài là để xin cứu giúp, và với nụ cucời khoan dung của môt ngưòi cha Ngài đáp trả một cách nhân hậu.
** Khi Giôna thừa nhận trách nhiệm của mình và để mình bị ném xuống biển, hầu cứu thoát các bạn đồng hành của ông, bão tố dịu xuống. ĐTC giải thích như sau:
Cái chết cận kề đã khiến cho các người ngoại giáo cầu nguyện, và làm cho ngôn sứ sống ơn gọi phục vụ tha nhân của ông, mặc dù tất cả, bằng cách hy sinh chính mình cho họ, và dẫn đưa những người sống sót tới chỗ nhận biết Chúa và chúc tụng Ngài. Các thuỷ thủ đã cầu nguyện vì sợ hãi hướng tới các thần linh của họ, giờ đây với lòng chân thành kính sợ Chúa, họ nhận biết Thiên Chúa thật, dâng lễ tế và lời khấn nguyền. Niềm hy vọng đã khiến cho họ cầu xin để khỏi chết, lại vén mở cho thấy nó quyền năng hơn nữa, và làm ra một thực tại đi xa hơn những gì họ hy vọng: họ không chỉ không thiệt mạng trong trận bão, mà còn rộng mở cho việc nhận biết Chúa thật và duy nhất của trời đất.
Tiếp đó cả dân chúng thành Ninivê trước viễn tượng bị huỷ diệt, họ cũng sẽ cầu nguyện, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng nói sự tha thứ của Thiên Chúa. Họ sẽ đền tội, khẩn nài Chúa và trở về với Ngài, bắt đầu từ nhà vua, cũng như vị thuyền trưởng, trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng khi nói rằng: “Biết dâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại… và chúng ta sẽ không phải chết” (Gn 3,9). Đối với họ cũng như đối với thủy thủ đoàn trong trận bão, đối diện với cái chết và được cứu thoát đã đưa họ tới sự thật. Và như thế dưới lòng thương xót của Chúa và còn hơn thế nữa dưới ánh sáng của mầu nhiệm phuc sinh, cái chết có thể trở thành “chị chết của chúng ta” cũng như đối với thánh Phanxicô thành Assisi, và diễn tả đối với từng người và mỗi người trong chúng ta, dịp kinh ngạc hiểu biết niềm hy vọng và gặp gỡ Chúa.
Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu mối dây nối kết giữa lời cầu nguyện và niềm hy vọng. Lời cầu nguyện đưa bạn tiến tới trong hy vọng, và khi các sự việc trở thành tăm tối, cần phải cầu nguyện nhiều hơn! Và sẽ có nhiều hy vọng hơn.
** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt là một đoàn hành hương đến từ Tân Caledonia. Ngài cũng chào các đoàn hành hương Niu Dilen, Philippines, Canada và Hoa Kỳ, cũng như các tín hữu nói tiếng Đức, đặc biệt là phái đoàn của Lộ trình đại kết âu châu, do bà chủ tịch Annette Kurschus hướng dẫn. Ngài nói cuộc dừng chân của họ tại Roma là một dấu chỉ đại kết rất ý nghĩa, đặc biệt trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu. Nó diễn tả sự hiệp thông đã đạt được qua con đường đối thoại trong các thập niên qua. Phúc Âm của Chúa Kitô là trung tâm điểm cuộc sống chúng ta và hiệp nhất những người nói các thứ tiếng khác nhau, sống trong các quốc gia khác nhau và trong các cộng đoàn khác nhau. Tôi cảm động nhớ tới lời cầu đại kết tại Lund bên Thụy Điển ngày 31 tháng 10 năm ngoái. Trong tinh thần kỷ niệm cuộc Cải Cách chúng ta nhìn vào những gì kết hiệp chúng ta hơn là nhìn vào những gì chia rẽ chúng ta, và chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường đào sâu sự hiệp thông và trao ban cho nó một hình thái ngày càng hữu hình hơn.
Tại Âu châu niềm tin chung này nơi Chúa Kitô như là một sợi chỉ xanh của niềm hy vọng chúng ta thuộc về nhau. Hiệp thông, hoà giải và hiệp nhất là các điều có thể. Như là kitô hữu chúng ta có trách nhiệm đối với sứ điệp này và chúng ta phải làm chứng cho nó bằng cuộc sống của mình. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ý chí hiệp nhất và giữ gìn tất cả mọi người bước đi trên con đường hiệp nhất.
ĐTC cũng chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt nhóm “Brasilien Tropical Violins”.
Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc tới tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu và nói: Tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta hoà giải. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để mọi cộng đoàn kitô hiểu biết hơn lịch sử thần học và giáo luật của mình, và luôn rộng mở hơn cho sự hoà giải. Xin Thần Khí thấm nhuần chúng ta với lòng nhân hậu, sự hiểu biết và ý chí cộng tác.
ĐTC cũng chào các tín hữu Croát, đặc biệt là các trẻ em Bosni Erzegovine cùng các gia đình tiếp đón các em trên đảo Sicilia. Ngài cầu chúc các em sống tình huynh đệ trong các gia đình tiếp đón các em, và có cơ may sống bầu khí hy vọng. Chỉ như thế các người trẻ công giáo, chính thống và hồi giáo mới có thể cứu vãn niềm hy vọng sống trong một thế giới huynh đệ, công bằng và hoà bình, chân thành hơn và phù hợp hơn với chiều kích của con người. Ngài xin các em sống vững vàng trong đức tin, cầu nguyện cho hoà bình và hiệp nhất của quê hương các em và toàn thế giới. ĐTC cũng cám ơn các gia đình tỏ tình liên đới kitô tiếp đón các em nêu gương yêu thương cho mọi người. Cần phải luôn luôn tiếp đón, che chở, bảo vệ và lắng nghe các trẻ em mồ côi với tình thương mến.
Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng thánh Agostino nữ tử của Chúa Giêsu và Mẹ Maria; và các nam tu sĩ Agostino, cũng như Hiệp hội các chưởng khế công giáo do ĐC Domenico Sorrentino, TGM Assisi tháp tùng. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc lại đề tài tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu năm nay về đề tài “Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy hoà giải”. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho sự hiệp nhất, các người đau yếu dâng các hy sinh khổ đau cho ý chỉ này, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm tình yêu hôn nhân như tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời.
Linh Tiến Khải
Radiovaticana.org