“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 21, 25-28, 34-36).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tỉnh Thức Đi Vào Thế Giới Mới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đứng Thẳng Và Ngẩng Đầu Lên Lm. Hiền Lâm Trg 4
Lo Xa Tránh Hoạ Gần Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Tỉnh Táo Đề Phòng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Hy Vọng Hạt Nắng Trg 9
Vũ Trụ Sang Trang Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Khát Vọng Tình Chờ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Thế Giới Yêu Thương Nắng Sài Gòn Trg 12
Tình Chờ A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
————————-
Tỉnh Thức Đi Vào Thế Giới Mới
Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.
Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.
Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.
Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen.
Gợi ý chia sẻ:
1. Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ mong Chúa đến?
2. Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm nghiệm về điều này trong đời sống không?
3. Ta phải làm gì để được niềm vui trong ngày Chúa đến?
4. Tỉnh thức nghĩa là gì?
5. Tại sao phải cầu nguyện?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————-
Đứng Thẳng Và Ngẩng Đầu Lên
Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người chúng ta biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân.
1. Chúa đết bất ngờ.
Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Chúa Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.Để rồi, Chúa trở lại bất thình lình, hầu con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, “cứ để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” (Lc 21,34), chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.
Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống biển nhân gian”, nên đòi hỏi mọi người phải tỉnh thức “để có thể đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường – bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp – chết, cô dâu trên đường về nhà chồng – xe lật chết, nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết…
Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?
Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.
Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.
2. Biến cố cánh chung.
Cũng như trước biến cố xảy ra cho Giêrusalem, dân Do Thái đã bỏ Chúa, giết các chứng nhân, chiến tranh giữa các phe nhóm và với đế quốc Rôma. Thì thời cùng tận, tranh chấp giữa các nước trên địa cầu như là một sự tất yếu của sự phát triển, khẳng định của các đế chế xã hội loài người, những cuộc chạy đua vũ khí huỷ diệt, con người ỷ thế vào công nghệ kỹ thuật khoa học, sự xuống cấp của đạo đức, tội ác lan tràn… và con người chỉ còn tôn thờ vật chất, tôn thờ khoái lạc, hưởng thụ và “giết chết Thiên Chúa”… là những dấu hiệu thế giới đang đi đến chỗ bị huỷ diệt.
Nhưng trong mọi biến cố, những ai trung thành với Chúa thì không sợ gì cả, nhưng “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì chính mình được Chúa cứu độ. Thế gian rồi cũng qua đi, và Nước Chúa mới là vĩnh cửu.
Thành Giêrusalem bị xoá sổ thì Dân Mới được thành lập. Thế giới này qua đi thì Nước Trời sẽ xuất hiện. Đó là điều mà sách Khải Huyền nói tới: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới và thành Giêrusalem mới đến từ trời, từ nơi Thiên Chúa” (Kh 21,1-2).
Như vậy, tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong sự ngay thẳng, tỉnh thức đợi chờ, để rồi dù biến cố gì xảy đến, chúng con vẫn đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng con tin là Chúa sẽ đón chúng con vào Trời Mới, Đất Mới và Giêrusalem Mới trên trời. Amen.
Lm. Hiền Lâm
———————————-
Lo Xa Tránh Hoạ Gần
Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều biến cố, thử thách và cám dỗ, dẫn đến biết bao người đã lao vào vòng xoáy của tiền – tình – quyền. Sứ điệp lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng để lòng mình “ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Bởi vì, khi con người lao vào những niềm vui phù phiếm mau qua sẽ dễ lạc xa đời sống cầu nguyện và mối tương quan với Chúa.
Thực tế, nhiều người vẫn sống trong vòng xoáy của tiền – tình – quyền, vì họ nghĩ ngày “định mệnh” đời mình còn lâu mới tới nên vẫn lao vào những phù phiếm trần gian. Họ mong muốn giầu sang và danh tiếng. Họ không dành thời giờ cho gia đình, không chăm lo đời sống đức tin, đôi khi còn buông thả trong men rượu, trong thú vui trần thế mà lỗi đạo làm con cái Chúa. Họ có thể đạt được nhiều tài sản, quyền lực, hoặc địa vị, nhưng bên trong ngày càng trở nên trống rỗng và căng thẳng. Những thú vui tạm bợ mà họ tìm kiếm như tiệc tùng, rượu chè chỉ mang lại sự thỏa mãn tạm thời và không thể bù đắp sự cô đơn, mệt mỏi, hoặc những nỗi sợ sâu thẳm trong lòng. Nếu đến một ngày gặp biến cố lớn (như mất mát tài sản, bệnh tật, hoặc mất đi người thân), họ sẽ dễ rơi vào tuyệt vọng và chao đảo vì không có điểm tựa tinh thần.
Lời Chúa hôm nay còn nhắc nhở ta về một ngày ta phải rời xa trần thế để về với Chúa. Nếu ta không tỉnh thức thì ta sẽ không có cơ hội để ngẩng cao đầu khi ngày Chúa đến lần thứ hai viếng thăm gian trần.
Do đó, nếu biết tỉnh thức trong đức tin và cầu nguyện, chúng ta sẽ học được cách nhìn xa hơn những thứ phù phiếm, biết sống yêu thương và có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Đây là lối sống mà người Việt Nam có câu “biết lo xa ắt tránh hoạ gần”. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ “Sự tích con dế và con kiến”.
Sự tích con dế và con kiến kể rằng vào mùa hè, khi trời còn ấm áp, con kiến chăm chỉ làm việc mỗi ngày, thu gom thức ăn và chuẩn bị cho mùa đông. Con dế, trái lại, chỉ mải vui chơi, ca hát mà không hề lo nghĩ đến ngày mai. Nó cười nhạo kiến, cho rằng lo xa là thừa thãi. Nhưng khi mùa đông đến, thời tiết lạnh giá và khắc nghiệt, mọi nguồn thức ăn đều cạn kiệt, con dế không có gì để ăn và phải chịu đói rét. Cuối cùng, nó tìm đến con kiến để cầu xin sự giúp đỡ.
Giống như con kiến trong câu chuyện, chúng ta được mời gọi đừng để những thú vui hay lo lắng đời này làm mình xao lãng đời sống đức tin. Sự tỉnh thức trong tâm hồn là biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, như lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải sẵn sàng và canh thức, vì không ai biết ngày hay giờ Chúa đến.
Chúng ta hãy xin ơn Chúa giúp để biết tỉnh thức trước những lời mật ngọt của ma quỷ dẫn ta đi vào những đam mê truỵ lạc, những thú vui trần thế mà đi sai luật Chúa. Xin Chúa ban thêm ơn can đảm để dám tránh xa những môi trường tội lỗi để sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình của mình.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để vượt ra khỏi những cám dỗ của danh lợi thú, của những đam mê thấp hèn, hầu xứng đáng là người tôi trung luôn cầm đèn dẫn dắt anh em đi trong chân lý và hồng ân của Chúa. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
—————————-
Tỉnh Táo Đề Phòng
Sống cho ra người là điều rất khó.
Trong các sinh vật Thiên Chúa dựng nên trên mặt đất, con người là thụ tạo thượng đẳng, ưu tú, thông minh, tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, con người là loài thụ tạo phải đối mặt với nhiều cạm bẫy nhất.
Vô vàn cạm bẫy giương ra với nhiều mồi ngon cuốn hút và nhiều bả độc hấp dẫn như lạc thú, danh vọng, tiền tài, sắc dục, ham muốn xấu xa đê hèn… ngày đêm cám dỗ, lôi cuốn con người vào chỗ chết.
Tự thâm tâm, con người cảm thấy mình được mời gọi vươn lên, vượt lên thú tính để sống cho ra người, sống cao đẹp, tốt lành, thánh thiện, đạo đức… nhưng đồng thời có rất nhiều ma lực xô đẩy con người xuống vực, cố dìm con người xuống bùn đen.
Thân phận con người như chiếc thuyền nan bơi ngược dòng nước xiết, phải luôn kiên vững tay lái tay chèo, vượt qua bao nhiêu ghềnh đá để tiến lên đầu nguồn; bao giờ buông lái, buông chèo thì thuyền bị xô dạt và chìm đắm.
Vì thế, lắm người phải rơi vào vực sâu tội lỗi, không ít người đã chìm đắm trong bùn lầy xấu xa. Tránh xa cạm bẫy để sống cho ra người là điều rất khó.
Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư!
Một thực tế đau lòng là so với các đồ vật khác, con người dễ bị hư hỏng suy sụp hơn nhiều. Một ngôi nhà xây dựng sơ sài cũng có thể đứng vững trước giông tố và tồn tại đến cả chục năm. Con thuyền mong manh cũng thách thức được với sóng gió nhiều năm tháng dài. Cái bàn, cái tủ được sử dụng cả vài chục năm vẫn còn tốt… Trong khi con người, tuy là thụ tạo thượng đẳng nhưng rất mỏng giòn yếu đuối, dễ thối dễ hư!
Hằng ngày, các phương tiện truyền thông thuật lại vô số cảnh đời sa đoạ dưới nhiều hình thức: người thì suy sụp vì ma tuý, người thì sa đoạ vì gian dâm, vì men rượu, vì lợi, vì tiền, vì nhiều hình thức đồi truỵ khác…
Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số người có địa vị cao trong xã hội cũng như chức sắc trong các tôn giáo, vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị sa ngã, bị lún sâu xuống bùn.
Người ta thường nói: “Khôn ba năm, dại một giờ”, nhưng có khi khôn đến năm mươi, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!
Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư. Đáng sợ thay!
Tỉnh táo đề phòng
Chính vì thế, Chúa Giêsu thường nhắc bảo chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!… Hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em…” (Lc 21,34). Còn thánh Phaolô thì cảnh báo: “Những ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” trong nay mai (I Cr 10,12).
Vì cạm bẫy giăng đầy khắp nơi và lòng người yếu đuối, nên lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Hãy đề phòng… Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” là một tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn cần.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con thấy rõ thân phận giòn mỏng, yếu đuối của mình và nhận ra rất nhiều cạm bẫy nguy hại đang vây bủa khắp nơi, để luôn tỉnh táo, đề phòng; nhờ đó, chúng con sống xứng đáng là người con Chúa và không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————
Hy Vọng
CN I Mùa Vọng.C – (Lc 21, 25-28. 34-36)
Vạn vật muôn loài sẽ đổi thay
Ngày tàn tháng tận thế gian này
Mong manh tan vỡ đời gian khổ
Yếu đuối mỏng giòn kiếp đọa đày
Chè chén say sưa sa trụy lạc
Sự đời lo lắng ngụp đầm lầy
Nguyện cầu tỉnh thức hồn hy vọng
Thế giới vĩnh hằng Chúa dựng xây.
Hạt Nắng
——————————–
Vũ Trụ Sang Trang
CN I Mùa Vọng.C – (Lc 21, 25-28. 34-36)
Vũ trụ mong manh, mỏng dòn, tan vỡ,
sau những biến động bão tố kinh hoàng.
Thế giới điêu tàn, lịch sử mới sang trang,
thế giới mới, ánh hào quang rực sáng.
Niềm hy vọng cho những tâm hồn can đảm,
quyết định đời mình theo ánh sáng Phục Sinh.
Tôi tớ trung thành luôn một dạ kiên trinh,
dẫu Chủ vắng nhà vẫn trọn tình trong bổn phận.
Vũ trụ muôn loài đến ngày cùng tháng tận,
tỉnh thức, nguyện cầu lòng không vướng bận phu du.
Bởi chè chén say sưa tâm trí phủ mây mù,
vì lo lắng sự đời như ngục tù giam hãm.
Sau thời khắc hoang mang ánh bình minh ló dạng,
triều đại mới huy hoàng vạn vật được chỉnh trang.
Nhân loại vui mừng hưởng cuộc sống bình an,
định luật mới, vũ trụ được kiện toàn vĩnh cửu.
Niềm hy vọng khát mong giờ giải cứu,
những chiên ngoan đã gánh chịu đau thương.
Niềm cậy trông trước sóng gió dặm trường,
giờ khắc đến Mục Tử Tình Thương giải thoát.
Trật tự mới sau những ngày hỗn loạn,
trời đất mới khai sinh viên mãn Chúa kiện toàn.
Chiên đứng thẳng ngẩng đầu vui tấu nhạc hân hoan,
hồng ân cứu độ Thiên Chúa toàn năng vinh thắng.
Nguyện Chúa xót thương chiếu soi nguồn ánh sáng,
nâng đỡ bước đường trần còn trĩu nặng đời con.
Tỉnh thức, nguyện cầu trung kiên dẫu mỏi mòn,
chờ ngày Chúa đến tình sắt son dâng hiến.
Thẩm Phán gọi tên, con bước ra hiện diện,
đứng vững trong an bình trước Thánh Điện Tình Yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————-
Khát Vọng Tình Chờ
CN I Mùa Vọng.C – (Lc 21, 25-28. 34-36)
Xiêm y em đã gọn gàng,
dung nhan trang điểm đón Chàng giá lâm.
Bước chân Chàng đến âm thầm,
sau những biến động thăng trầm trần gian.
Vũ trụ dấu lạ kinh hoàng,
tầng trời rung chuyển hoang mang nhân tình.
Hồn xiêu phách lạc u minh,
biển gầm sóng vỗ thất kinh muôn loài.
Dáng Chàng ngự đến thanh oai,
tầng mây muôn sắc kết đài uy nghi.
Thế giới cũ sẽ qua đi,
ngày cùng tháng tận mất uy tà quyền.
Thế giới vĩnh cửu linh thiêng,
ngai vàng Chàng ngự vương quyền thần linh.
Thẩm Phán xét xử nhân sinh,
Chiên, dê tách biệt phân minh rõ ràng.
Tình Chàng phủ ánh hào quang,
tâm hồn trung tín hân hoan vui mừng.
Tiệc Cưới mở hội tưng bừng,
em cầm đèn sáng tương phùng hợp hoan.
Khấu đầu cảm tạ ơn Chàng,
cứu em thoát cảnh tù giam cuộc đời.
Máu Chàng cứu chuộc tuôn rơi,
giải thoát bóng tối, gọi mời tin yêu.
Nguyện cầu nối kết huyền siêu,
hồn luôn tỉnh thức trước điều phù vân.
Niềm tin vững bước đường trần,
vui ngày hạnh ngộ phúc ân cùng Chàng.
Vũ trụ đổi mới, sang trang …
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————–
Thế Giới Yêu Thương
CN I Mùa Vọng.C – (Lc 21, 25-28. 34-36)
Làm sao con đứng vững, Chúa ơi!
Khi đất trời rung chuyển.
Làm sao con đứng yên, Chúa ơi!
Khi biển gầm sóng vỗ.
Vũ trụ đầy bão tố, Chúa ơi!
Những điềm lạ kinh hoàng.
Một thế giới vỡ tan, Chúa ơi!
Hoang mang đầy hoang mang.
Ngày chuyển giao thế giới, Chúa ơi!
Như kẻ trộm, bất ngờ.
Đường trần bao ước mơ, Chúa ơi!
Tan biến thành mây khói.
Đấng uy quyền cứu rỗi, Chúa ơi!
Đến hiển trị huy hoàng.
Ngày thế giới sang trang, Chúa ơi!
Chiên ngoan lòng hân hoan.
Tỉnh thức và nguyện cầu,
đón chờ ngày hồng phúc.
Tỉnh thức và nguyện cầu,
nghinh đón Chúa trong bình an.
Tỉnh thức và nguyện cầu,
kiếm tìm Thánh ý Chúa.
Tỉnh thức và nguyện cầu,
thấy Chúa trong nhu cầu tha nhân.
Ngày hồng ân cứu rỗi, Chúa ơi!
Tươi sáng niềm hy vọng.
Lòng con đang ngóng trông, Chúa ơi!
Ngọn nến hồng cháy sáng.
Hiến dâng lòng bác ái, Chúa ơi!
Sống quảng đại với người.
Một thế giới xinh tươi, Chúa ơi!
Yêu thương đầy yêu thương.
Nắng Sài Gòn
———————————-
Tình Chờ
CN I Mùa Vọng.C –(Lc 21, 25-28. 34-36)
Sống tỉnh thức đón chờ ngày Chúa đến,
trong hân hoan ngọn nến sáng trên tay.
Hồn tin yêu rộn rã phút giây này,
ngày hạnh ngộ lòng tràn đầy hy vọng.
Ngày giải phóng, ngày chuyển giao sự sống,
quyền lực bóng đêm tan biến trong kinh hoàng.
Biển động, sóng gào muôn dân sẽ hoang mang,
hồn mê ngủ, rụng rời bước chân hoang lầm lạc.
Ngày bất ngờ cho bọn người gian ác,
chè chén say sưa, hoan lạc chuyện thế trần.
Sống nuông chiều theo nhục dục xác thân,
dầu đèn đã cạn, đời mất dần ánh sáng.
Hãy tỉnh thức để thoát vòng giam hãm,
vật chất đam mê gây ảm đạm cuộc đời.
Cầu nguyện chân thành hồn nhẹ nhõm thảnh thơi,
vươn lên cao, hướng về một khung trời bất diệt.
Sa mạc hoang vu hai tâm hồn chí thiết,
Chúa cùng con giao kết mối tình riêng.
Tình dệt tình chờ đợi mối lương duyên,
ngày Chúa đến trong uy quyền vinh thắng.
Tình đáp tình,
cảnh thần tiên… thinh lặng…
A.P Mặc Trầm Cung