“Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Chúa Giêsu
và xin Người đặt tay trên kẻ ấy“
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Con người có hồn và xác. Nếu thân xác con người có nhiều bệnh tật thì linh hồn con người cũng có thể có nhiều bệnh tật. Lý tưởng là có một tâm hồn lành mạnh trong một thân xác khỏe mạnh như châm ngôn của người la-tinh: “anima sana in corpore sano”. Vì thế khi xuống thế làm người để cứu độ nhân loại tội lỗi Chúa Giêsu Kitô có sứ mạng chữa lành những con người đau ốm bệnh tật về thể xác và nhửng con người đau yếu về phần linh hồn. Câm và điềc là thứ bệnh về thể lý khá phổ biến trong xã hội Do-thái xưa cũng như trong xã hội ta ngày nay. Còn thứ bệnh câm và điềc về tâm linh thì càng ngày cáng phát triền trong xã hội ta ngày nay. Thế có nghĩa là loài người chúng ta rất cần đến bàn tay chữa lành của Chúa Giêsu Kitô.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 7,31-37: Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 7,31-37:
3.1 Chúa Giêsu Kitô chữa lành người câm điếc vế mặt thể xác: Thời Chúa Giêsu sinh sống và rao giảng Tin Mừng trên đất Palestin, xã hội người Do-thái có nhiều người ốm đau, bệnh tật, phong cùi, quỉ ám. Một số người có may mắn gặp Chúa hay được người thân hay bạn bè đem họ đến với Chúa để xin Người cứu chữa. Người câm điếc được kể lại trong Mc 7,31-37 là một người có được cái may mắn ấy: “Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy.” Và Chúa Giêsu đã chữa lành anh, một cách khá bất thường: “Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.”
Câu chuyện chữa lành kể trên của Chúa Giêsu là câu chuyện chữa lành về thể lý, vì người được chữa lành là người vừa bị câm vừa bị điếc, tức là người ấy không nói được mà cũng không nghe được. Sau khi được chữa lành thì người ấy nghe được và nói được rõ ràng.
3.2 Chúa Giêsu chữa lành những người câm điếc vế mặt tâm linh: Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa câm vừa điếc được kể trong Mc 7,31-37 gợi ý cho người đọc Phúc âm liên tưởng đến việc Chúa Giêsu chữa lành cho những người câm điếc về mặt tâm linh.
Những người câm tâm linh là những người không nói được những lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa về những ơn huệ mà Chúa đã ban cho họ. Những người câm tâm linh là những người không nói được những lời tử tế, yêu thương, ngọt ngào với những người sống xung quanh (gia đình, khu phố, hội đoàn, giáo xứ, xã hội). Những người câm tâm linh còn là những người không nói được những lời chống lại bất công và tội ác xã hội.
Những người điếc tâm linh là những người không nghe Lời hằng sống của Thiên Chúa và cũng không nghe được những lời khôn ngoan của ông bà cha mẹ thầy cô và phụ huynh, Những người điếc tâm linh là những người không nghe được những lời thở than, kêu cúu của nghững người nghèo khổ, bệnh tất, bị bỏ rơi và bị khinh khi trong xã hội.
Những người câm và điếc tâm linh này rất cần được bàn tay chữa lành cùa Chúa Giêsu đụng tới, rất cần được Chúa Giêsu Kitô phán lời “hãy mở ra” (mở miệng mở tai ra).
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 7,31-37:
4.1 Chúng ta hãy cám tạ Chúa vì chúng ta không bị câm điếc vế mặt thể lý: Được là một người bình thường và lành mạnh là một hồng phúc lớn mà mỗi Kitô hữu chúng ta phải biết ơn tạo hóa và cha mẹ. Chỉ một trục trặc nhỏ trong quá trình thành thai và lớn lên trong bụng mẹ là chúng ta có thể sinh ra là một đứa trẻ khuyết tật. Ít người nhận thức được phép lạ vĩ đại nơi mỗi đứa trẻ được thành thai và sinh ra lành mạnh!
4.2 Chúng ta đừng để mình bị câm điềc tâm linh: đó là trách nhiệm lớn lao mà mỗi Kitô hữu phải quan tâm thực hiện. Muốn không bị cân điếc tâm linh, mỗi Kitô hữu phải tập nói, tập nghe ngay từ nhỏ. Giáo dục gia đình giúp mọi đứa trẻ biềt nói biềt nghe: Nói lời cám ơn, nói lời tử tế dễ thương. Nghe Thiên Chúa, nghe ông bà cha mẹ phụ huynh, nghe những lời chân lý, những lời khôn ngoan, những lời lẽ phải.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 7,31-37:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, Người đã chữa lành cho người câm điềc về thể lý, Người cũng là Đấng chữa lành những người câm điếc về mặt tâm linh. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho ngày càng có nhiều người ốm đau bệnh tật chạy đến với Chúa Giêsu Kitô và được Người chữa lành.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị tích cực giúp những người ốm đau bệnh tật được Chúa Giêsu Kitô chữa lành phần hồn phấn xác.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa là Đấng chữa lành.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho những người thành tâm thiện chí nhận ra những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong xã hội ngày nay mà thán phục và ca ngợi Chúa.
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giệsu cho chúng con. Người đã chữa lành các bệnh nhân câm và điếc về thể lý và về tâm linh, trong thời Người sống dưới trần gian và trong mọi thời mọi nơi.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con lòng tin mạnh mẽ để chúng con được chữa lành tâm hồn. Chúng con cầu xin vì Danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 6 tháng 9 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐỌC THÊM: THỨ ĐIẾC TAI HẠI NHẤT ĐỜI
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (7, 31-37), Chúa Nhật 23 thường niên)
Sứ điệp Tin mừng: Mở tai ra trước những lời hay lẽ phải
và đóng tai lại trước những lời xấu xa.
Lúc còn thanh xuân, thánh Augustinô đã đóng tai lại trước lời Chúa phán dạy cũng như lời khuyên răn của thân mẫu thánh thiện là Mô-ni-ca; vì thế bao nhiêu lời vàng ngọc rót vào lòng ngài cũng như mưa đổ lá môn.
Mãi đến năm 32 tuổi, tai của Augustino mới được mở ra để đón nhận Lời Chúa, nhờ đó, ngài đã trở về với Chúa, lãnh các bí tích nhập đạo năm 387, hiến trọn đời mình phụng sự Chúa, trở thành linh mục, giám mục và là vị tiến sĩ lừng danh trong Hội thánh.
Thứ điếc tai hại nhất đời
Thật đau buồn khi bị điếc tai, không nghe được những gì người khác nói.
Tuy nhiên, bệnh điếc tai không đáng sợ vì người điếc có thể học hỏi, tiếp nhận kiến thức bằng mắt qua việc đọc sách báo, xem phim ảnh hoặc qua “ngôn ngữ ký hiệu” dành cho người khiếm thính… Nhờ đó, họ có thể thông biết nhiều điều, nắm bắt nhiều lời dạy hữu ích, quán triệt được những điều khôn ngoan…
Ngoài ra, có một thứ điếc đáng sợ và tai hại hơn nhiều, đó là “điếc-lời-khôn-ngoan”, đây là thứ điếc có chọn lọc: đóng tai lại trước lời hay lẽ phải nhưng mở tai ra để tiếp nhận những lời xấu xa. Thứ điếc nầy thường xô đẩy người ta vào tội lỗi.
Cụ thể là:
Có những học sinh điếc đặc trước những lời giáo huấn của thầy cô nhưng rất sáng tai trước những quyến rủ của bạn bè hư hỏng.
Có những người chồng rất sáng tai trước những lời rủ rê của bạn bè đàng điếm mà điếc đặc trước những lời can gián của vợ con.
Có người điếc lác đối với những Lời ban sự sống của Thiên Chúa mà sáng tai trước những lời đưa đến hư vong do Sa-tan mời gọi…
Thứ điếc nầy vô cùng tai hại vì làm cho con người suy thoái về đạo đức, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình và dễ chìm sâu vào tội lỗi.
Điếc tai là chứng rất khó chữa trị nhưng chứng “điếc-lời-khôn-ngoan” cũng rất khó chữa lành.
Tìm đâu ra vị lương y có thể cứu người ta khỏi thứ điếc tai hại nầy?
Chúa Giê-su cho người điếc được nghe
Khi Gioan tẩy giả sai các môn đệ đến gặp Chúa Giê-su để tìm hiểu sứ mạng của Ngài thì Chúa Giê-su cho biết Ngài là đấng được sai đến để làm cho “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe…” (Mt 11, 5).
Và cụ thể là khi Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su để xin Ngài cứu chữa… Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… Ngài ngước mắt lên trời, kêu một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mác-cô 7, 31-35).
Như thế, sứ mạng của Chúa Giê-su là mở tai cho người điếc được nghe. Chúng ta hãy đến với Ngài như thánh Augustinô để được chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết mở tai đón nhận lời Chúa phán dạy như thánh Augustinô hôm xưa. Nhờ đó, lời Chúa sẽ thấm nhập vào tâm hồn chúng con và cải thiện cuộc sống chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà