“Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn,
Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn,
và cá cũng được phân phát như thế,
ai muốn bao nhiêu tuỳ thích“
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Chắc hẳn có nhiều người khi đọc bài Phúc Âm Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B hôm nay sẽ có ý nghĩ này trong đầu: Uớc gì Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa chúng ta hôm nay để làm phép lạ biến cá và bánh ra nhiều cho những gia đình đang thiếu lương thực cách trầm trọng trong cuộc sống! Ước mong như thế cũng là bình thường thôi. Nhưng chúng ta đều biết rằng phép lạ bánh hóa nhiều sẽ không xẩy ra như cách nó đã xẩy ra trong Phức Âm mà nó có thể xẩy ra theo một cách khác. Chúng ta thử tìm xem phép lạ bánh hóa nhiều muốn đậy chúng ta điều gì.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 6,1-15: Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 6,1-15:
3.1 Chúa Giêsu ứng đáp nhu cầu của dân chúng đi theo Chúa: Dân chúng Do–thái đi theo Chúa Giêsu do nhiều lý do khác nhau mà lý do chính là họ muốn nghe Chúa Giêsu giảng và những người đau yều bệnh tật mong muốn được Chúa chữa lành. Việc những người ấy rơi vào cảnh đói chỉ là sự cố ngoài ý muốn vì dân chúng ở trong vùng hoang vắng xa làng mạc nên khó tìm được lương thực. Chúa Giêsu đã nhậy bén và chủ động giúp dân chúng thoát khỏi cảnh đói bất đắc dĩ. Phép lạ bánh và cá hóa nhiều thể hiện quyền năng và tinh thương của Chua Giêsu.
3.2 Phép lạ bánh cá hóa nhiều nhắc lại chuyện manna trong hoang địa và loan báo Bí Tích Thánh Thể: Những người Do-thái và các Tông Đồ chứng kiến phép lạ bánh và cá được Chúa Giêsu hóa ra nhiều không thể không nhớ đến việc dân Do-thái được Thiên Chúa ban manna trong hoang địa trong cuộc hành trình về đất Canaan xưa. Các Tông Đồ và các Kitô hữu của Giáo hội thời sơ khai khi nhớ/đọc lại câu chuyện phép lạ bánh và cá được Chúa Giêsu hóa ra nhiều không thể không liên tưởng đến Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong đêm Người bị nộp, ở đó Chúa Giêsu đã hiến mình thành của ăn của uống cho các môn đệ của Người.
3.3 Năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé: Chúa Giêsu có thể biến những viện sỏi, những cục đá thành bánh và cá để cho dân dược ăn no. Thậm chí Chúa Giêsu có thể phán một lời liền có bánh và cá cho đám dân kể trên. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé trong đám đông để mọi người thấy là Chúa Giêsu trân trọng sự đóng góp của những người nghe Lời Chúa. Từ sự đóng góp bé nhỏ của con người, quyền năng của Chúa sẽ làm nên những việc lớn lao!
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 6,1-15:
4.1 Nghe Lời và ăn Bánh: tức rước Lời và rước Mình là cách mà các Kitô hữu phải làm để có đời sống dồi dào, vì Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa đều là lương thực thiêng liêng của chúng ta.
4.2 Hiến tặng hay đóng góp phần nhỏ bé của mình cho hoạt đông của Chúa Kitô: Một ly nước, một miếng bánh, một nụ cười, một lời thân ái, một khoản tiền nhỏ… đều được Chúa trân trọng nếu chúng ta dâng tiến hay đóng góp một cách tự nguyện. Quyền năng Chúa sẽ làm những việc vĩ đại với sự góp sức khiêm tốn của chúng ta. Hãy nhìn lại những gì đã xẩy ra trên đất nước chúng ta trong cơn dịch bệnh Covid-19: bao người cống hiến thời gian, công sức, tài năng, của cải… cho anh chị em bệnh nhân nặng nhẹ ở khắp các bệnh viện và trung tâm y tế. Chúa đã làm phép lạ cho nhiều người được khỏi dịch bệnh!
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 6,1-15:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã giảng dậy dân chúng và làm phep lạ bánh cá hóa nhiều để cho dân khỏi đói. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa làm nhiều phép lạ chữa lành những người bị bệnh nan y trên toàn thế giới và riêng tại Việt Nam.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy dành nhiều thời gian ngồi với Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết quan tâm lo lắng đến nhu cầu của người xung quanh và giúp đỡ những người ấy.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho những người không biết quý trọng Bí Tích Thánh Thể để họ cảm nghiệm được sự kỳ diệu của tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô.
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con rất yêu dầu của Cha cho chúng con để Người yêu thương, dậy dỗ, chữa lành cho và nuôi dưỡng chúng con bằng Thịt Máu Châu Báu của Người.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con một lòng biết ơn đối với ân ban của Bí Tích Thánh Thể. Chúng con cũng xin Cha ban cho chúng con một lòng bác ái yêu thương biết san sẻ những ơn huê chúng con đã nhận từ Cha với những người xung quanh. Chúng con cầu xin vì Danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 26 tháng 7 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐỌC THÊM: XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG
(Suy niệm Tin mừng Gio-an (6, 1-15) Chúa nhật 17 thường niên B)
Quy luật của sự sống là mọi người phải nhờ cậy nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Không ai có thể sống biệt lập, không cần sự trợ giúp của người khác. Từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, các phương tiện đi lại… cho đến sách vở, kiến thức… đều do người khác cống hiến cho ta. Không nhờ cậy người khác, không ai có thể sống cho ra người. Vì thế, đến lượt mình chúng ta cũng có nghĩa vụ cống hiến công sức, tài năng, trí tuệ… của mình cho cho người khác.
Nói tóm lại, góp phần xây dựng phúc lợi cộng đồng là nghĩa vụ của mỗi cá nhân.
Chúa Giê-su hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng
Hiến thân phục vụ cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Ngài đã từ trời, hạ mình xuống thế làm người để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.
Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người:
Không một người đau khổ nào đến với Chúa Giê-su mà không được Ngài thương xót, không bệnh nhân nào đến với Ngài mà không được chữa lành.
Ngoài ra, Chúa Giê-su mong muốn các môn đệ trở thành bàn tay nối dài của Ngài để hy sinh, phục vụ mọi người chung quanh.
Cụ thể là qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài suốt ngày hôm ấy.
Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”
Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “
Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.
Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.
Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”
Thế rồi, điều tuyệt vời là đang khi mỗi người nhận miếng bánh nhỏ và vui lòng chia sẻ phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: Bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả 5.000 người ăn không hết còn dư lại cả 12 thúng đầy!
Sứ điệp Tin mừng:
Qua phép lạ nầy, Chúa Giê-su dạy chúng ta một bài học vô cùng quý báu, đó là khi mọi người trên thế giới nầy sẵn sàng chia phần bánh của mình cho những người đang túng thiếu chung quanh, thì sẽ không bao giờ có người đói khát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.
Xin dạy chúng con xa lánh thói vô cảm đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà