SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 910, CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – B, 21/07/2024

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 30-34).

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Nhịp Sống Kitô Hữu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sự Quân Bình Giữa Cầu Nguyện Và Rao Giảng Lm. Hiền Lâm Trg 4
Lòng Trắc Ẩn Nơi Người Lãnh Đạo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 5
Lương Thực Cho Tâm Hồn Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 6

Chạnh Lòng Thương Hạt Nắng Trg 8
Chạnh Lòng Thương Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Nguyện Cầu Bên Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Chạnh Lòng Thương Nắng Sài Gòn Trg 11
Lặng Thầm A.P Mặc Trầm Cung Trg 12

 

———————————–

 

Nhịp Sống Kitô Hữu

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém.

Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?
2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?
3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?
4- Gia đình bạn có cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

—————————————

 

 

Sự Quân Bình Giữa Cầu Nguyện Và Rao Giảng

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc các Tông Đồ đi rao giảng về hồ hởi báo cáo những thành quả tốt đẹp với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bảo các ông lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dân chúng khao khát được nghe rao giảng, Chúa Giê-su và các Tông Đồ đã không còn thời giờ nghỉ ngơi vì lòng thương dành cho họ.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng suy niệm hai điểm sau đây:

1. Hoàn cảnh của dân chúng.
Họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Đây là hình ảnh đáng thương của dân Israel thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lêvi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các Kinh sư, các tiến sĩ luật… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các Kinh sư chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là lo dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ lo tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa, như ngôn sứ Êzêkiel đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt” (Ed 34,2-6). Họ nói mà không làm, lời họ giảng chỉ là những gánh nặng hơn là giải thoát và niềm vui của Lời Chúa. Chính vì thế, sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đặt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giêsu và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.

2. Những giây phút tĩnh lặng.
Trước hết, Chúa Giêsu cảm thông với nỗi vất vả của các tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.
Kế đến, sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu thường rút lui vào yên lặng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người, họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ, chính vì thế mà Chúa Giê-su cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng, cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Lại nữa, Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa, và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…

Lạy Chúa Giêsu, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen.
Lm. Hiền Lâm
Lòng Trắc Ẩn Nơi Người Lãnh Đạo

Ngày nay người ta đua nhau đưa tin về những người nổi tiếng, về những tin tức thời sự nóng bỏng, nhất là về những tai tiếng, những scandal liền được chia sẻ trên khắp không gian mạng, ngược lại, họ lại ít đưa tin về lòng tốt, lòng trắc ẩn, và cho dù có người đưa lên cũng chẳng mấy ai bận tâm chia sẻ.

Đồng ý những điều xấu cần lên án, cần chia sẻ để bảo vệ công lý, để loại trừ cái xấu ra khỏi xã hội, nhưng cũng rất cần lan toả những nghĩa cử cao đẹp về sự hy sinh, về lòng trắc ẩn con người dành cho nhau.

Thực ra, con người còn tồn tại trong thế giới này là nhờ tình yêu, lòng tốt của người với người vẫn còn dành cho nhau. Cuộc sống sẽ tốt hơn, hạnh phúc hơn khi con người dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ và lòng trắc ẩn. Nếu một thế giới không có lòng trắc ẩn thì sẽ như thế nào? Khi đó, con người sẽ trở nên vô cảm và ganh đua lẫn nhau, không quan tâm đến cảm xúc của người khác mà chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân.

Chúng ta chỉ sống một lần trên đời! Vậy tại sao không yêu thương, không giúp đỡ và dành cho nhau những điều tử tế khi còn có thể?
Quý vị biết không, chính những điều tưởng chừng giản đơn như lòng trắc ẩn, lòng nhân ái hay sự đồng cảm sẽ giúp cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn, cuộc sống con người phát triển và ngày càng văn minh hơn?

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có con mắt rất tinh tế khi nhận ra nhu cầu của tha nhân. Ngài nhận ra nơi các môn đệ sự mệt mỏi sau những ngày truyền giáo nên Ngài nói với các ông cần tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi. Ngài nhìn vào đám đông dân chúng như “đàn chiên không người chăn”, Ngài động lòng thương và bắt đầu dạy dỗ họ.

Dù mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, Chúa Giêsu vẫn đặt nhu cầu của tha nhân lên trên hết, hy sinh thời gian và sức lực của mình để dạy dỗ họ. Điều này thể hiện tình yêu và sự hy sinh mà chúng ta cũng được mời gọi theo gương trong cuộc sống hàng ngày. Theo gương Ngài trong việc chăm sóc, dẫn dắt và phục vụ lẫn nhau.

Theo gương Chúa, những người vợ, người chồng hãy nhớ dành tình yêu và sự quan tâm cho nhau để chia sẻ gánh nặng cho nhau.
Theo gương Chúa, những bậc cha mẹ cần tạo cho con cái không gian yêu thương, an bình trong mái ấm gia đình khi cha mẹ lấy tình yêu chỉ bảo con cái, lấy lòng trắc ẩn để đồng hành và chia sẻ với những khủng hoảng trong cuộc sống.
Theo gương Chúa những người lãnh đạo biết sống vì mọi người mà phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, biết hạ mình để phục vụ chứ không đòi người khác phục vụ.

Xin Chúa giúp chúng con biết sống yêu thương chân thành như Chúa, biết quan tâm và nâng đỡ nhau hầu kiến tạo một thế giới an bình và hạnh phúc. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————

Lương Thực Cho Tâm Hồn

Chúng ta thử quan sát 2 nhóm người:
Nhóm thứ nhất gồm những người chỉ hấp thụ các loại thực phẩm vật chất như cơm bánh, rượu bia… mà không tiếp nhận lương thực tinh thần lành mạnh như sách báo tốt, những lời khuyên dạy khôn ngoan…

Nhóm thứ hai gồm những người thường xuyên hấp thụ lương thực tinh thần lành mạnh như là học hỏi điều hay điều tốt, trau dồi nhân đức và thực hành những giáo huấn của Chúa Giêsu và các bậc thánh hiền.

Kết quả là trong số những người thuộc nhóm người thứ nhất, vì chỉ hấp thụ lương thực vật chất mà không biết đến lương thực tinh thần lành mạnh, nên họ ứng xử như những người thiếu văn hóa, phẩm chất của họ xuống cấp, tư cách của họ sa sút… vì thế, họ thường bị người đời xem thường, khinh dể; còn nhóm thứ hai, nhờ hấp thụ lương thực tinh thần cao quý nên họ tạo cho mình tư cách đáng trọng, tác phong đáng nể và có nhiều phẩm chất cao đẹp được mọi người quý trọng và yêu thương.

Các loài thú chỉ cần thức ăn vật chất: trâu, bò, dê, cừu … chỉ cần ăn rơm, rạ, cỏ, lá; con heo cần cám; gà vịt chỉ cần bắp lúa là xong…

Trong khi đó, con người thì khác. Ngoài thực phẩm thông thường là cơm bánh, con người còn cần đến thức ăn thứ hai, rất cần thiết, rất quan trọng… Đó là những lời răn dạy khôn ngoan, những giáo huấn lành mạnh… có khả năng làm cho họ ngày càng văn minh, tiến bộ, tốt lành. Như thế, lương thực tinh thần lành mạnh là điều tối cần mà mỗi người phải tiếp nhận không thể bỏ qua.

Nếu con người chỉ dùng lương thực vật chất mà thôi thì con người không hơn gì thú vật và sẽ gây ra nhiều thảm họa cho thế giới.

Do đó, Chúa Giêsu dạy rằng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng Lời Chúa nữa. ”

Chính vì thế, khi “Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông tuôn đến với Ngài, thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” và Ngài tỏ lòng thương xót bằng cách “dạy dỗ họ nhiều điều. ”

Tiếc thay, nhiều người không màng đến lương thực tinh thần mà chỉ quan tâm đến lương thực vật chất. Nếu các nhà hảo tâm hoặc các tổ chức từ thiện phân phát cơm bánh, thực phẩm miễn phí mỗi ngày thì sẽ có rất đông người đến nhận, còn nếu chỉ trao tặng sách quý, báo chí lành mạnh, sách dạy làm người hay dạy sống đạo mà thôi… thì chỉ có ít người quan tâm.

Noi gương Chúa Giêsu, nếu chúng ta thực lòng yêu mến người khác, thì không chỉ giúp họ lương thực nuôi xác mà còn trao tặng cho họ lương thực nuôi hồn, đó là những lời khuyên dạy khôn ngoan, là những hướng dẫn đạo đức, là những gương lành việc tốt… vì đây là thứ làm cho họ trở nên những người có phẩm chất cao hơn, văn minh và tiến bộ hơn.

Cha mẹ thương con thì không chỉ lo cho con được no cơm, ấm áo… mà còn lo khuyên dạy con cái nên người trưởng thành, giúp cho con được học tập tốt và trau dồi nhân đức.
Bạn bè thương nhau thì không quên trao tặng cho nhau những lời khuyên mang lại lợi ích thiết thực, giúp nhau thăng tiến trên đường nhân đức.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con đừng mải mê kiếm tìm lương thực nuôi xác mà không dành thời giờ tìm kiếm lương thực nuôi hồn. Xin cho chúng con thường xuyên hấp thụ Lời Chúa là kho tàng lương thực tinh thần phong phú mang lại niềm vui, sự sống và hạnh phúc đời đời cho chúng con. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

———————————-

 

Chạnh Lòng Thương
CN XVI TN-B – (Mc 6, 30 – 34)

Nhìn chiên vất vưởng chạnh lòng thương

Lạc lõng bơ vơ dạ vấn vương

Đói khát chông chênh đường thánh thiện

Gian nan vất vả cảnh đời thường

Quan tâm chăm sóc lo bồi dưỡng

Xoa dịu ủi an nỗi đoạn trường

Dạy dỗ khai tâm đường ánh sáng

Hoa lòng Mục Tử tỏa thơm hương.

Hạt Nắng

————————————–

 

Chạnh Lòng Thương
CN XVI – TN-B (Mc 6, 30 – 34)

Sống vất vưởng lang thang đời vô định,
như chiên hoang thiếu mục tử quan tâm.
Bước phiêu du lạc lõng cảnh thăng trầm,
lòng khao khát, tìm kiếm đường chân lý.

Bước chông gai giữa dòng đời khổ lụy,
biết về đâu nỗi bất hạnh chất chồng.
Như đêm dài mong mỏi ánh hừng đông,
hồn khắc khoải trong nỗi niềm cay đắng.
***
Nhìn đoàn dân trong nỗi đau thầm lặng,
chạnh lòng thương Chúa dạy dỗ ủi an.
Xoa dịu cõi lòng nâng đỡ bước gian nan,
bình dị gần gũi tình ngọt ngào thân ái.

Chăm sóc yêu thương cảnh đoàn chiên hoang dại,
trái tim người Mục Tử quặn niềm đau.
Vượt mọi cách ngăn tình yêu hóa nhiệm mầu,
dấn thân phục vụ chiếu soi nguồn ánh sáng.
***
Học nơi Chúa một tình yêu nhân bản,
con vào đời sống trọn kiếp nhân sinh.
Trái tim yêu thầm lặng một khối tình,
nụ cười thương cảm đôi bàn tay nhân ái.

Sống hy sinh sẻ chia lòng quảng đại,
dù cuộc đời còn lắm cảnh bất công.
Đường thập hình xin cùng Chúa hiệp thông,
“Bài Ca Đức Ái” ngân vang tình dâng hiến.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

————————————–

 

 

Nguyện Cầu Bên Chúa
CN XVI TN-B – (Mc 6, 30 – 34)

“Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ
mà nghỉ ngơi một chút”.(Mc 6, 31)

Lặng thầm bên Chúa hồn vui sướng an bình,
thoát cảnh ồn ào bồi dưỡng sức sống tâm linh.
Sóng đời điêu linh thành công hay gục ngã,
lắng đọng hồn mình bên Chúa sức mạnh hồi sinh.

Nguyện cầu bên Chúa niềm vui mãi dâng đầy,
sắc mầu bụi trần hào nhoáng giăng lối bao vây.
Tĩnh lặng nơi đây không gian huyền nhiệm thánh
giác ngộ đường tình thanh thoát dẫu ngàn đắng cay.

Nguyên cầu giây phút thiêng liêng,
nguyện cầu giây phút ân tình.
Trầm mình bên Chúa Phục Sinh,
tương giao tình yêu lên tiếng.
Nguyện cầu soi sáng tâm linh,
nguyện cầu thấy rõ lòng mình.
Vào đời hiến lễ trung trinh,
kiên cường giữa ngàn điêu linh.

Đường trần con bước hy sinh sống khiêm nhường,
chan hòa tình người nhân ái giữa những đau thương.
Khí cụ tình yêu chạnh thương người lạc lối,
phục vụ ân cần thăp sáng lửa tình yêu thương.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

——————————-

 

Chạnh Lòng Thương
CN XVI TN-B – (Mc 6, 30 – 34)

Như cành hoa dại bên đường,
héo khô dưới trời nắng gắt.
Bóng người nằm vệ đường co quắp,
như dấu chấm hỏi ở giữa dòng đời.
Từng hạt mưa rơi nỗi buồn chơi vơi,
tương lai mờ tối cuộc đời buông trôi.

Như ngọn gai nhọn vô thường,
Chúa thương mảnh đời vất vưởng.
Thấy đoàn người lạc đường mất hướng,
bao nỗi thống khổ ray rứt ruột mềm.
Tình nồng ru êm nhẹ nhàng trong đêm,
con tim thổn thức chạnh lòng xót thương.

Chạnh lòng thương! Chúa chạnh lòng thương!
Trần gian lạc loài.
Chạnh lòng thương hiến trọn tình yêu,
thập giá u hoài.
Bánh thơm trời cao ngọt ngào ban phát,
Rượu ngon dào dạt ơn thánh tuôn tràn.
Tình yêu trao ban gọi mời nhân thế,
chạnh lòng thương, chạnh lòng thương,
những mảnh đời tha phương.

Hương tình yêu tỏa thơm nồng,
bước chân gieo mầm sự sống.
Vào đời tình mặn nồng hiến tế,
gian khó chia sẻ nâng đỡ nẻo về.
Quảng đại thi ân ấm lòng tha nhân,
đôi tay rộng mở nụ cười cảm thông.

Nắng Sài Gòn

 

———————————

 

 

Lặng Thầm
CN XVI TN-B – (Mc 6, 30 – 34)

Hồn khắc khoải tìm về bên Chúa,
gánh tình đời sầu úa tâm can.
Con về quỳ trước Thánh Nhan,
thì thầm lời nguyện nồng nàn thiết tha.

Phút thinh lặng mặn mà sâu lắng,
dâng tâm hồn ngay thẳng đơn sơ.
Dâng bao lầm lỗi dại khờ,
trước nhan Thánh Thể nương nhờ ơn thiêng.

Tình Mục Tử thiêng liêng chí ái,
chạnh lòng thương con dại bơ vơ.
Lầm than khốn khổ bơ phờ,
vòng tay ôm ấp mong chờ thi ân.

Đời bể khổ phi nhân bất nghĩa,
nghĩa tình đời mai mỉa lắm thay.
Nghèo nàn đói khát đắng cay,
mong người Mục Tử giang tay nhân lành.

Bảo vệ chiên thoát nanh bày sói,
bồi dưỡng chiên thoát đói tâm linh.
Cùng chiên trút gánh ân tình,
hy sinh mạng sống liều mình vì chiên.

Lặng thầm dâng mối tình riêng,
con say tình Chúa nỗi niềm khát khao,
Nghẹn ngào hồn nhỏ dâng trao…

AP. Mặc Trầm Cung