SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (7/7/2024) NHẬN RA SỨ GIẢ CỦA THIÊN CHÚA [Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Kinh nghiệm đời sống tâm linh cho thấy nhiều người hoặc vì cứng đầu cứng cổ, hoặc vì thành kiến mà không nhận ra sứ giả của Thiên Chúa. Con cái Israel thời ngôn sứ Êdêkien, vì cứng đầu cứng cổ, nên không nhận ra có một ngôn sứ đang ở giữa họ là Êdêkien. Vị ngôn sứ là tiếng nói của Thiên Chúa, là người nói thay Thiên Chúa, để chỉ dậy cho dân biết đường lối, ý định, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Còn dân làng Nazarét, vì thành kiến và không tin, nên không nhận ra Chúa Giêsu là vị đại ngôn sứ, là chính Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa dân Người. Kinh nghiệm của người xưa phải giúp mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta nhậy bén và tỉnh thức trong việc nhận ra các sứ giả của Thiên Chúa! Vậy xin mời các bạn đọc kỹ và tìm hiểu các bài Sách Thánh hôm nay.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 2,2-5): “Đây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri” Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 12,7-10): “Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi” Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 6,1-6): “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương” Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?):
1o) Bài đọc 1 (Ed 2,2-5) là một trích đoạn của Sách Ngôn Sứ Êdêkien trong đó vị ngôn sứ nói về sứ mạng mà Thiên Chúa đã ép ông phải nhận. Sứ mạng đó là nói Lời Thiên Chúa cho những người Israel nổi tiếng là ngỗ ngược và cứng đầu cứng cổ!
Trong đoạn Thánh Kinh này chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng chịu đựng sự ngỗ ngược và cứng đầu cứng cổ của dân Israel và tìm mọi cách để thay đổi họ, để biến họ thành những người dễ bảo và vâng phục.
2o) Bài đọc 2 (2 Cr 12,7-10) là một trích đoạn của thư 2 Côrintô trong đó Thánh Phaolô nói về sự yếu đuối hoặc khiếm khuyết hoặc cám dỗ thiêng liêng mà ngài phải chịu đựng suốt cuộc đời. Vì Thánh Phaolô nói một cách rất mơ hồ là “một cái dằm” nên chúng ta không rõ đó là cái gì, Cái dằm thì không đủ làm cho người ta chết, nhưng nó làm cho người ta khó chịu và đau đớn. Điều chúng ta cần ghi nhận là nhờ cái dằm ấy mà Thánh Phaolô sống cách khiêm tốn giữa bao ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho ngài.
Trong đoạn Thánh Thư này chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng ban mọi ơn cần thiết cho Phaolô (và chúng ta), để Phaolô (và chúng ta) sống đẹp lòng Thiên Chúa, làm chứng cho quyền năng của Người và phục vụ kế hoạch làm cho dân ngoại nhận biết Thiên Chúa.
3o) Bài Tin Mừng (Mc 6,1-6) là bài tường thuật của Phúc âm Mác-cô về cách suy nghĩ và hành động của những người đồng hương đối với Chúa Giêsu ở Nazarét. Khi thấy Chúa Giêsu bộc lộ sự khôn ngoan khác người, dân làng Nazarét cũng ngạc nhiên và thắc mắc; nhưng họ hoặc chỉ dựa vào những gì họ biết về Người (cha mẹ, họ hàng, nghề nghiệp, tài sản và giai cấp xã hội) hoặc ganh tỵ không muốn Người hơn họ, nên sinh ra nghi ngờ và không tin, thậm chí còn tìm cách xô đẩy Người xuống vực (xem Lc 4,29).
Trong đoạn Phúc âm này chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng rất đơn sơ chân chất và hiền hòa, dễ thương. Bằng chứng là Người tỏ ra ngạc nhiên về thái độ không tin của những người đồng hương và vui vẻ đi đến các làng chung quanh để giảng dạy.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?):
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là
mỗi người,
mỗi cộng đoàn (gia đình/giáo xứ/hội dòng) chúng ta
bỏ tính ngỗ ngược và thái độ cứng đầu cứng cổ,
bỏ thành kiến và thái độ không tin,
mà nhận ra sứ giả của Thiên Chúa trong cuộc đời (cá nhân và cộng đoàn) mình.
Sứ giả của Thiên Chúa trước hết là Chúa Giêsu Kitô. Người là Lời của Thiên Chúa, Người nói lời của Thiên Chúa cho loài người
Sứ giả của Thiên Chúa kế đến là các Giám mục, các linh mục có trách nhiệm giảng giải Lời Thiên Chúa cho tín hữu hiểu và thực hành. Sứ giả của Thiên Chúa còn là những ai (phụ huynh, bạn bè, người quen và người không quen) nói lời ngay thẳng khó nghe nhưng lời ấy là lời có ích cho đời sống tâm linh của chúng ta.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương chúng ta mà dùng các sứ gỉa để nhắc nhở chúng ta nhớ Lời của Người, để cảnh cáo chúng ta về thái độ cứng đầu cứng cổ hay thành kiến và không tin, mà sống theo Thánh Ý Người.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta được mời gọi chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa, và mở rộng tâm hồn và đời sống đón rước các sứ giả mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, rất nhiều khi là một cách hết sức bất ngờ!

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân tộc cứng lòng và mù quáng nên không nhận ra các sứ giả và không đón nhận các sứ ngôn của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu nguyện! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Bấy giờ, thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, luôn được Thần Khí Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn để các vị vững vàng trong sứ mạng bênh vực công lý và sự thật.
Xướng: Chúng ta cùng cầu nguyện! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Người lấy làm lạ vì họ không tin» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ chúng ta, cách riêng cho những người tham dự thánh lễ này, để ai nấy có lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu nguyện! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Chính Ta sai ngươi đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các chiến sĩ truyền giáo, cho các cá nhân và tổ chức bênh vực nhân quyền, bảo vệ sự sống và môi trường để họ trung kiên trong sứ mạng khó khăn trong các xã hội ngày nay.
Xướng: Chúng ta cùng cầu nguyện! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Sàigòn ngày 3 tháng 7 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.