Thiên Chúa viếng thăm
Lời Chúa: Lc 1, 67-79
Khi ấy, ông Dacaria, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:
“Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Ðavít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tối tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”
Suy niệm:
Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày,
lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.
Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel
vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng
được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm.
Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).
Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).
Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.
Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.
Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).
Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,
Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).
Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết
và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79).
Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),
là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).
Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị,
vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.
Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua.
Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).
Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain,
đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).
Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11).
Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,
và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).
Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,
vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).
Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch.
Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người,
và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.
Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,
là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.
Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:
một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;
một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự.
Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
–––––––––––
(Lễ đêm)
TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI
Lời Chúa: Lc 2, 1-14
Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Suy niệm:
Thiên Chúa vẫn cứ làm con người ngỡ ngàng.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sai Con Ngài sinh bởi một phụ nữ,
làm người Do Thái, sống dưới thời đế quốc Rôma đô hộ (cc. 1-2).
Như thế Đấng Tuyệt Đối đã từ trời xuống,
chấp nhận thân phận hữu hạn của con người.
Ngài không khoác lớp áo người, nhưng là người trọn vẹn.
Ngài được cưu mang trong dạ mẹ, được sinh ra như mọi trẻ thơ.
Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng.
Ngài không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nadarét.
Ngài cũng không được chào đời
nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem.
Đơn giản là vì không có chỗ (c. 7).
Nhưng tại sao lại không có, thì ta không rõ câu trả lời.
Ngài đã phải sinh ra nơi máng cỏ, nơi để đồ ăn cho súc vật.
Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm?
Hãy hình dung khung cảnh âm thầm của máng cỏ ngày xưa.
Có một ngọn đèn nào để chiếu sáng không?
Có ngọn lửa nào để xua đi giá lạnh không?
Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ.
Họ đang phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ.
Điều cần nhất là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa.
Khi tiếng khóc đầu tiên của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya,
ơn cứu độ đã mỉm cười với nhân loại.
Lạ lùng thay cách thức Con Thiên Chúa làm người!
Nhóm người chăn chiên, những kẻ sống bên lề xã hội,
chứ không phải là những nhà lãnh đạo tôn giáo hay trần thế,
mới là những người đầu tiên được sứ thần loan báo Tin Mừng.
Họ sống ngoài đồng, chia phiên nhau thức đêm để canh giữ đoàn vật.
Bất ngờ họ bị bao trùm bởi vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa (c. 9).
“Hôm nay, Đấng Cứu độ, Đấng Kitô, Đức Chúa được sinh ra cho anh em.”
Đấng dân tộc anh em chờ mong từ lâu, nay đã đến.
Đây là Tin Mừng! Đây là Niềm Vui cho mọi người!
Nhưng dấu hiệu để nhận ra vị Tân Vương thuộc nhà Đavít
thì vừa bình thường: “một trẻ sơ sinh được quấn tã”,
vừa lạ thường: “nằm trong máng cỏ” (c. 12).
Đấng Mêsia mới được sinh ra không ngự nơi cung vua.
Dấu hiệu sứ thần cho ông Dacaria là bị câm.
Dấu hiệu sứ thần cho Maria là bà chị Êlisabét mang thai lúc đã già.
Dấu hiệu sứ thần cho các anh chăn chiên là trẻ thơ quấn tã nơi máng cỏ.
Các anh chăn chiên cần có đức tin để dám tin vào dấu hiệu ấy.
Thiên Chúa vẫn đến với con người bằng những nẻo đường bất ngờ.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (c. 14).
Hoàng đế Augustô được ca ngợi là đấng cứu độ.
Ông được coi là người đem lại hòa bình,vì ông đã chấm dứt chiến tranh.
Hôm nay, Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta bình an thật qua Đức Kitô.
Ngài muốn ban cho chúng ta Đấng Cứu Độ thật là Đức Giêsu.
Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người.
Ước gì chúng ta biết được rằng mình là những người được Chúa thương.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ