I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong đời sống thường ngày chúng ta có nhiểu dịp nhận ra tác động của các thế lực đen tối và xấu xa hoành hành và tác hại con người. Đàng sau các cuộc chiến và các hoạt động chính trị hay lửa gạt là sự có mặt và ảnh hưởng của thế lực đen tối xấu xa là uy quyền và sức mạnh của ma quỉ. Nhưng bên cạnh và ở trên những sự kiện ấy là sự hiện diện và uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, của Thiên Chúa mà nhiều người chúng ta không nhận ra. Trong bài Phúc âm Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc câu chuyện Chúa Giêsu dẹp tan sóng gió trên biển hồ. Trong câu chuyện này các Kitô hữu có dịp nhận ra sức mạnh của thiên nhiên cũng là tác động của thế lực ma quỉ và uy quyền của Chúa Giêsu. Thật ra việc Chúa Giêsu dẹp tan sóng gió trên biển hồ không chỉ có nghĩa là Chúa Giêsu thị uy với sóng gió là những sự kiện của tự nhiên, nhưng còn có nghĩa là Chúa Giêsu thị uy với thế lực của ma quỉ, vi theo quan niệm phổ biến của người Do-thái thời Chúa Giêsu thì núi là ngai tòa Thiên Chúa ngự (Chúa Giêsu giảng trên núi, hiển dung trên núi Tabo, chịu chết trên núi Canvê, thăng thiên trên núi), còn sông biển là thế giới của ma quỉ thống trị.
Đọc và tìm hiểu Thánh Kinh và Phúc âm cặn kẽ, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc và đầy đủ hơn sứ điệp của các câu chuyện của Thánh Kinh nói chung và của Phúc âm nói riêng. Trong bối cảnh chiến tranh xung đột đang đe dọa cuộc sồng của nhân lọai, chúng ta hãy kêu cầu Chúa Giêsu Kitô như các Tông Đồ xưa để được Chúa cứu giúp.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (G 38,1.8-11): “Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây” Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,14-17): “Đây mọi cái mới đã được tạo dựng” Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ.
Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 4,35-40): “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người” Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung hay dung mạo Thiên Chúa:
1o) Trong bài đọc 1 (G 38,1.8-11): Trong mấy lới Thiên Chúa nói với ông Gióp chúng ta nhân ra thông điệp Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho ông và các tín hữu là Thiên Chúa có quyền năng và làm chủ (thông trị) thiên nhiên, khíen thiên nhiên phải tuân phục mọi chỉ thị của Thiên Chúa.
2o) Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,14-17): Thánh Phaolô xác định là nhờ Chúa Giêsu đã chết cho nhân loại nên một thế giới mới đã được thiết lập. Trong thế giới mới ấy mọi người không sống cho bản thân mình mà sống cho người khác theo gương của Đấng đã sống và đã chết cho người khác là Đức Kitô.
3o) Trong bài Tin Mừng (Mc 4,35-40): Phúc Âm Mc tường thuật câu chuỵện Chúa Giêsu thị uy với sóng biền khi Người ngồi trên thuyền với các Tông Đồ khiến các ông thán phục mà thốt lên: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” Đó là ý nghĩa ở tầng thứ nhất (first level) của câu chuyện Phúc âm.
Ý nghĩa ở tầng thứ hai (second level) của câu chuyện Phúc âm là dụng ý của Thánh Máccô khi ghi lại câu chuyện trên là muốn các Kitô hữu thời của Ngài hiểu rằng con thuyền Giáo Hội lúc bấy giờ dù có bị tấn công và bách hại bởi các thế lực của ma quỉ thì các tín hữu cũng không có gì phải âu lo khi họ có Chúa Giêsu ở cùng.
Ý nghĩa ở tầng thứ ba (third level) của câu chuyện Phúc âm là dù Giáo hội hay các tín hữu ở thế kỷ thứ XXI này có bị dịch bệnh hay ma qủi tấn công cũng không phải lo sợ gì, miễn là chúng ta có Chúa Giêsu ở cùng trong thuyền của chúng ta (là tâm hồn, gia đình, cộng đoàn) và chúng ta biết chạy đến với Người va cầu xin Người cứu giúp như các Tông Đồ xưa .
3.2 Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa làm chủ và thống trị thế giới, kể cả thiên nhiên và ma quỉ. Chỉ cần có Chúa ờ cùng và chúng ta cầu cứu sự giúp đỡ của Người thì mọi người sẽ được bình an vô sự.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha Yêu Thương và Quyền Năng sắn sàng chở che và cứu giúp loài người trong cơn hoạn nạn phần xác phần hồn
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là tin tưởng phó thác mà chạy đền Chúa Giêsu Kitô xin Người cứu giúp chúng ta trong mọi hoạn nạn của cuộc đời này cũng như trong những lúc bị thế lực thù nghịch bách hại.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban bình an và chữa lành cho các dân các nước khỏi cơn dịch bệnh Corona Virus.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y và Giám Mục, cho các Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để các vị ấy biết sống cho tha nhân theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta để mọi người biết chạy đến cầu cứu với Chúa Giêsu, xin Ngươi đến giúp trong mọi hoàn cảnh khó khăn thử thách của cá nhân và xã hội.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ… Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người đang bị dịch bệnh Corona Virus hành hạ để họ được Chúa Giêsu giơ tay chữa lành khỏi dịch bệnh.
Hát: Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
Sàigòn ngày 16 tháng 06 năm 2021- Biên tập lại ngày 19 tháng 6 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.