SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN NĂM B (2/6/2024) LỄ MÌNH MÁU CHÚA GIÊSU KITÔ

BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ GIAO ƯỚC VÀ LÀ CỦA ĂN
“Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta.
Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Thánh Thể là một Mầu Nhiệm trọng đại nhưng khó hiểu và khó tin của Kitô giáo. Rất may là trong lịch sử Giáo Hội, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ Thánh Thể để nâng đỡ và củng cố đức tin yếu kém của các Kitô hữu chúng ta. Để hiểu Bí Tích Thánh Thể chúng ta phải đi vào Cựu Uớc và nhất là đi vào câu chuyện Xuất Hành của dân Israel trong đó có Giao Ước Xinai giữa Thiên Chúa và dân riêng Israel và có vai trò của Chiên Vượt Qua là chiên đã cứu sống các gia đình Israel trong đất Ai-cập.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 14,12-16.22-26: Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 14,12-16.22-26:
3.1 Bối cảnh Vượt Qua của Bí Tích Thánh Thể: Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh dân Do-thái tổ chức Tiệc mừng Lễ Vượt Qua. Nhiều giáo dân lầm tưởng Lễ Vượt Qua là kỷ niệm biến cố dân Israel vượt qua Biển Đỏ, dưới sự lãnh đạo dũng cảm và tài tình của ông Môsê. Ý nghĩa chính của lễ Vượt Qua là dân Israel tưởng nhớ sự kiện các thiên thần đi qua trước cửa nhà của những người Do-thái sống trên đất Ai-cập, nếu thiên thần thấy có máu chiên bôi trên khung cửa thì thiên thần bước qua mà không giết hại con cái Israel vì máu chiên bôi trên khung cửa là dấu chỉ của một gia đình Do-thái. Để kỷ niệm biền cố trọng đại ấy dân Israel được lệnh mừng Lễ Vượt Qua hằng năm sau khi đã vào định cứ trên đất Canaan.
Việc con trẻ Do-thái được cứu sống nhờ máu chiên (Chiên Vựợt Qua) bôi trên khung cửa là biểu trưng cho ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu Kitô (Chiên Vượt Qua Mới, Chiên Vượt Qua Đích Thực) đem đến cho Dân Israel Mới là Hội Thánh Kitô giáo.
3.2 Thánh Thể là Giao Ước và của Ăn: Sau khi vượt qua cơn thịnh nộ và sự trừng phạt dân Ai-cập của Thiên Chúa, dân Israel còn vượt qua sự truy đuổi của quân Ai-cập và vượt qua Biển Đổ để vào trong hoang địa và sống trong đó 40 năm. Cao điềm của giai đọan dân Israel sống trong hoang địa là việc Thiên Chúa ban Mười Răn cho dân và ký kết với dân – qua ông Môsê – Giao Ước Xinai, để Thiên Chúa là Thiên Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Thiên Chúa. Cũng ở trong hoang địa, dân Israel được Thiên Chúa ban manna làm của ăn hằng ngày để họ không phải chết vì đói. Khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể Chúa Giêsu đã nhắc đến hai yếu tố quan trọng của thời Xuất Hành là Giao Ước và của ăn/của uống. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là Chúa Giêsu đã ám chỉ Người là Chiên Vượt Qua Đích Thực, Chiên đã hiến mạng sống mình vì dân. Chúa Giêsu đã chết vào đúng giờ mà người Do-thái giết chiên Vượt Qua và Máu Người đổ ra trên Núi Sọ chứng thực Giao Ước mới của Thiên Chúa với Dân Riêng Mới của Người (trong Giao Uớc cũ thi máu chiên bò chứng thực sự giao kết giữa Thiên Chúa và Israel dân riêng cũ).
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 14,12-16.22-26:
4.1 Các Kitô hữu chúng ta hãy đón nhận và cảm tạ ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô: Đó là điều mà các Kitô hữu có thể và nên làm. Chúa Giêsu Kitô đã chết trên thập giá để những ai tin vào Người được sống. Thái độ đúng đắn mà chúng ta phải có là tâm hồn rộng mở, để đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô ban tặng cho chúng ta. Lời kinh mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày mỗi giờ là lời tri ân cảm tạ Thiên Chúa TÌnh Yêu và Cứu Độ.
4.2 Các Kitô hữu chúng ta hãy thực thi Giao Ước: Sau khi Giao Ước được ký giữa Thiên Chúa và dân Israel thì dân Israel chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi và tuân giữ các mệnh lệnh của Người. Nhiệm vụ của dân Israel Mới cũng là nhiệm vụ của Isarel cũ nên các Kitô hữu chúng ta phải thục thi Giao Ước Xinai tức phải thờ phượng, kính mến Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi, không thần linh nào khác.
4.3 Các Kitô hữu chúng ta được Thánh Thể (là Mình Máu Chúa Kitô) nuôi sống trong hành trình trần thế: như dân Israel được Thiên Chúa nuôi sống bằng manna trong hành trình về Đất Hứa. Trong giai đoạn dịch bệnh này, chúng ta không được rước lễ hằng tuần hằng ngày thì hãy tăng cường lòng khao khát được rước Mình Máu Chúa cách thiêng liêng, vì Mình Chúa là của ăn, Máu Chùa là cửa uống!
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 14,12-16.22-26:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô là Đấng lập Bí Tích Thánh Thể để Người hiện tại hóa Giao Uớc Tình Yêu và hiến mình làm lương thực nuôi sống chúng con. Xin Cha lắng nghe lởim chúng con khẩn nguyện.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho ngày càng có nhiều người tìm hiểu lịch sử của Israel để nhận ra hành động cứu độ của Thiên và của Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu thấu hiểu tấm quan trọng của Thánh Thể là Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và dân riêng Người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính chúng ta và những người thân của chúng ta để mọi người được đón nhận trong Nước Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con rất yêu dầu của Cha cho chúng con để Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể, và ban Mình và Máu cho chúng con.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh để chúng con thực thi Giao Ước mà Cha đã ký kết với dân riêng của Cha khi xưa và với chúng con ngày nay. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chu toàn sứ mạng Cha giao phó.
Sàigòn ngày 04 tháng 06 năm 2021 – Biên tập lại ngày 29 tháng 5 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐỌC THÊM: HY TẾ CỦA ĐỨC KI TÔ CÒN TIẾP DIỄN
(Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa)

Có một số bạn trẻ tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với Thánh lễ. Họ cho rằng đi “xem” các cha “làm lễ” thật là chán; lễ nào cũng chừng đó chuyện chứ có gì mới mẻ hấp dẫn đâu! Và cũng chẳng được lợi ích gì.” Vì thế, họ không muốn đến nhà thờ, và nếu bị bó buộc dự lễ thì cũng muốn đứng bên ngoài nhà thờ, ngồi xem phim lướt web trên mạng cho qua thời giờ…
Sở dĩ họ thờ ơ lãnh đạm với Thánh lễ như thế là vì tưởng rằng các cha “làm lễ”, mà không hiểu rằng chính Chúa Giê-su mới là “Người làm lễ”, là Vị thượng tế chủ sự mọi Thánh lễ hằng ngày.

Nếu hôm nay rộ tin trên mạng cho rằng Chúa Giê-su hiện ra trên ngọn đồi hay đỉnh núi nào đó, thì thiên hạ rần rần tìm đến để chiêm bái Ngài không quản gian nan; và nếu biết Chúa Giê-su cử hành Thánh lễ bất cứ nơi đâu thì cả triệu người tuôn đến thờ lạy quên cả giờ về…
Thế mà, có một sự thật tuyệt vời là Chúa Giê-su đang cử hành Thánh lễ hằng ngày trong xứ đạo chúng ta, nhưng không được quan tâm cho lắm.
Hội thánh dạy rằng:
Thánh lễ hôm nay “hiện tại hoá hy tế Thập giá của Chúa Giê-su”, có nghĩa là hy tế thập giá của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê ngày xưa đang thực sự diễn ra mỗi khi Thánh lễ được cử hành.
Nói khác đi, “Hy tế của Chúa Giê-su năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một”. “Cách đây 2.000 năm, Ngài đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Ngài dâng mình làm lễ tế qua thừa tác vụ tư tế.” (xem GLHTCG số 1364 và 1367).
Thế là mỗi lần Thánh lễ được cử hành, Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ và thực sự dâng hiến chính Mình Ngài làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha, để đền tội cho muôn dân.
Vì thế, Thánh lễ là lễ tế cực kỳ thiêng liêng và cao trọng, chứ không chỉ là một nghi lễ tưởng niệm mà thôi; và đây không phải là một lễ do “ông cha làm” mà là do chính Chúa Giê-su chủ tế.

Hồng ân Thánh lễ
Có người chẳng muốn đi tham dự Thánh lễ vì nghĩ rằng có đi cũng chẳng được ích gì. Thực ra, Thánh lễ mang lại cho các tín hữu tham dự những lợi ích vô cùng cao quý.
– Hồng ân tuyệt vời nhất là Thánh lễ bảo đảm cho ta được sống đời đời, vì khi rước lấy Mình Máu Chúa Giê-su trong Thánh lễ, chúng ta được nên một với Ngài, Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa, và do đó, sự sống đời đời của Chúa được thông ban cho chúng ta. Chúa Giê-su xác nhận rằng: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54).
– Hồng ân thứ hai là Thánh lễ mang lại ơn tha tội.
Hy tế của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê hôm xưa mang lại ơn tha tội cho muôn dân thế nào, thì Thánh lễ hôm nay, vì là một với hy tế Can-vê, cũng mang lại ơn tha tội cho muôn người như thế (xem GLHTCG 1367,1393)).
Vậy thì khi chúng ta tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, chúng ta sẽ được ơn tha tội.

Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa tiếp tục dâng hiến Thân mình làm lễ tế trong mỗi Thánh lễ hằng ngày để trao ban Mình Máu thánh Chúa cho chúng con; nhờ đó, chúng con được hiệp thông nên một với Chúa, được tha tội và được sống đời đời.
Xin cho chúng con sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày, để tôn sùng Mình Máu thánh Chúa và đón nhận ân sủng cao quý Chúa ban qua Bí tích cực trọng nầy. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà