Sáng thứ Bảy ngày 11/5/2024, tiếp khoảng 350 tham dự viên Cuộc Gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ, Đức Thánh Cha nhắc rằng “Chiến tranh là một sự lừa dối, cũng như ý tưởng về an ninh quốc tế dựa trên sự răn đe sợ hãi. Để bảo đảm hòa bình lâu dài, chúng ta cần quay trở lại với việc nhìn nhận mình trong nhân loại chung và đặt tình huynh đệ vào trung tâm đời sống của các dân tộc”.
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đề cao cuộc gặp gỡ: “Trên một hành tinh đang chìm trong biển lửa, anh chị em đã quy tụ với ý định nhắc lại tiếng “không” với chiến tranh và nói “có” với hòa bình, và làm chứng cho tình nhân loại liên kết chúng ta và giúp chúng ta nhận ra nhau như anh em, trong món quà chung là những khác biệt văn hóa tương ứng của chúng ta”.
Cần lòng trắc ẩn để phát triển nghệ thuật chung sống
Nhắc lại những lời của ông Martin Luther King: “Chúng ta đã học bay như chim, bơi như cá, nhưng chúng ta vẫn chưa học được nghệ thuật đơn giản để chung sống với nhau như anh em” (MARTIN LUTHER KING, Bài phát biểu nhân dịp trao giải Nobel Hòa bình, ngày 11/12/1964), Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tự hỏi: “làm cách nào chúng ta có thể quay trở lại phát triển nghệ thuật chung sống trở thành nghệ thuật thực sự mang tính nhân bản?”.
Và Đức Thánh Cha đề xuất lòng trắc ẩn, theo gương mẫu của người Samaria nhân hậu đối với người Do Thái trong Tin Mừng Thánh Luca (xem 10,25-37). Ngài nhận định: “Nền văn hóa của họ là kẻ thù của nhau, câu chuyện của họ khác biệt và xung đột, nhưng một người trở thành anh em của người kia ngay khi anh ta để mình được hướng dẫn bởi lòng trắc ẩn dành cho người kia – chúng ta có thể nói: anh ta để mình bị thu hút bởi Chúa Giêsu hiện diện nơi người xa lạ bị thương tích đó”.
“Hiến chương của nhân loại”
Đề cập đến sự kiện “Bàn Hòa bình” với các “bàn làm việc” đã được chuẩn bị để đưa ra cho xã hội dân sự một số đề xuất, tập trung vào phẩm giá con người, nhằm xây dựng những chính sách tốt, dựa trên nguyên tắc tình huynh đệ, Đức Thánh Cha đánh giá cao sự lựa chọn này và khuyến khích họ tiếp tục công việc gieo hạt thầm lặng của mình. Ngài hy vọng từ đó một “Hiến chương của nhân loại” có thể ra đời, trong đó, cùng với các quyền, còn có những hành vi và lý do thực tế khiến chúng ta có nhiều tình người hơn trong cuộc sống.
Đừng nản lòng
Đức Thánh Cha cũng mời gọi họ đừng nản lòng, bởi vì “cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không tạo ra những tin tức như đụng độ và xung đột, nhưng nó kín đáo giúp thế giới sống tốt hơn, nhiều hơn những gì chúng ta có thể nhận ra” (ibid., 198). Ngài cũng cám ơn sự dấn thân của những người được nhận giải Nobel cho tình huynh đệ và mời gọi họ phát triển tinh thần huynh đệ này và cổ vũ, bằng hành động ngoại giao, vai trò của các tổ chức đa phương. (CSR_2041_2024)
Nguồn : Hồng Thủy – Vatican News