Chiều ngày 9/5/2024, trong giờ Kinh chiều II Lễ Chúa Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 có tựa đề “Spes non confundit” – Niềm Hy vọng không làm thất vọng. Trong Sắc chỉ, ngài đưa ra các lời kêu gọi cho các tù nhân, người di cư, người bệnh, người già và người trẻ là nạn nhân của ma túy và các tội phạm. Ngài tuyên bố ngài sẽ mở Cửa Thánh tại một nhà tù, kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo, kêu gọi tỷ lệ sinh cao hơn, chào đón người di cư và tôn trọng thụ tạo, vv.
Hy vọng là điều Đức Thánh Cha khẩn cầu như một ơn trong Năm Thánh 2025 cho một thế giới bị đánh dấu bởi sự ồn ào chát chúa của vũ khí, sự chết chóc, sự hủy diệt, sự hận thù đối với người khác, nạn đói kém, “nợ sinh thái”, tỷ lệ sinh thấp. Chính hy vọng là dầu xoa dịu mà Đức Thánh Cha muốn bôi trên những vết thương của một nhân loại “đã quên đi những bi kịch trong quá khứ”, đang phải chịu “một thử thách mới và khó khăn” khi chứng kiến “”nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực” hoặc trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói tăng theo cấp số nhân, mặc dù thực tế là các nguồn lực không thiếu và chúng chủ yếu được sử dụng cho chi phí quân sự.
Spes non confundit, hy vọng không làm thất vọng, trích từ Thư gửi tín hữu Roma (Rm 5,5), là tựa đề của Sắc chỉ công bố Năm Thánh, được Đức Thánh Cha trao cho các Giáo hội trên năm châu lục chiều ngày 9/5/2024, trong Kinh Chiều II lễ Chúa Lên Trời. Sắc chỉ, được chia thành 25 điểm, bao gồm các lời kêu gọi và đề xuất, những ước mơ của ngài trong Năm Thánh 2025.
Sau đây là một số điểm chính trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025.
Một ngày chung cho Lễ Phục Sinh
Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha nhắc lại hai ngày kỷ niệm quan trọng: kỷ niệm 2.000 năm Ơn Cứu Độ vào năm 2033 và 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên ở Nicea. Trong số các chủ đề khác, ngài cũng đề cập đến việc xác định thời gian của Lễ Phục sinh. Ngài ngài nhấn mạnh rằng ngay cả ngày nay, “các lập trường khác nhau” vẫn ngăn cản việc cử hành “sự kiện hình thành đức tin” trong cùng một ngày, và nhắc nhở rằng tuy nhiên “bởi một cơ hội được Chúa quan phòng, điều này sẽ xảy ra chính vào Năm 2025” (17).
Đức Thánh Cha viết: “Xin cho đây là lời kêu gọi tất cả các Kitô hữu Đông phương và Tây phương thực hiện một bước quyết định hướng tới sự hiệp nhất quanh một ngày chung cho lễ Phục sinh. Điều đáng ghi nhớ là nhiều người không còn hiểu biết về những lời chỉ trích trong quá khứ và không hiểu làm sao có thể tồn tại sự chia rẽ trong vấn đề này”.
Việc mở Cửa Thánh
Giữa những “giai đoạn quan trọng” này, Đức Thánh Cha quyết định rằng Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24/12/2024, từ đó bắt đầu Năm Thánh. Chúa Nhật tuần sau đó, ngày 29/12, Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, nơi sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9/11. Sau đó, vào ngày 1/1/2025, Lễ Trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Cửa Thánh sẽ được mở tại Đền thờ Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào ngày 5/1, Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành sẽ được mở. Ba Cửa Thánh này sẽ được đóng trước Chúa Nhật ngày 28/12 cùng năm 2025.
Vào ngày 29/12/2024, các Giám mục sẽ phải cử hành Thánh lễ tại tất cả các nhà thờ chính tòa và nhà thờ đồng chính tòa khai mạc trọng thể Năm Thánh. Năm Thánh sẽ kết thúc với việc đóng Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 6/1/2026, Lễ Hiển Linh. (6)
Hòa bình trên thế giới
Đức Thánh Cha mời gọi nhận ra niềm hy vọng nơi “những dấu chỉ của thời đại”, tuy nhiên hãy nhìn vào “những điều tốt đẹp đang hiện diện trên thế giới để không rơi vào cơn cám dỗ cho rằng mình bị sự ác và bạo lực đè bẹp”. Ngài hy vọng rằng dấu chỉ đầu tiên của hy vọng trong Năm Thánh “chuyển thành hòa bình cho thế giới, thế giới mà một lần nữa lại thấy mình chìm đắm trong bi kịch chiến tranh”.
“Quên đi những bi kịch trong quá khứ, nhân loại phải đối mặt với một thử thách mới và khó khăn khi chứng kiến nhiều dân tộc bị áp bức bởi sự tàn bạo của bạo lực. Những dân tộc này còn thiếu điều gì mà họ chưa phải chịu đựng? Làm sao tiếng kêu cứu tuyệt vọng của họ không thúc đẩy các nhà lãnh đạo các Quốc gia muốn chấm dứt quá nhiều xung đột khu vực, nhận thức được những hậu quả có thể nảy sinh ở cấp độ toàn cầu? Có quá đáng không khi mơ rằng vũ khí sẽ im tiếng và ngừng mang đến sự hủy diệt và chết chóc?”. (số 8)
Lời kêu gọi sinh con
Với sự quan tâm, Đức Thánh Cha nhìn vào “sự sụt giảm tỷ lệ sinh con” được ghi nhận ở nhiều quốc gia và vì nhiều lý do khác nhau: “Nhịp sống điên cuồng”, “những lo ngại về tương lai”, “thiếu đảm bảo việc làm và bảo trợ xã hội”, “các mô hình xã hội” trong đó việc tìm kiếm lợi nhuận, chứ không phải các tương quan, chiếm ưu thế. Do đó, cộng đồng Kitô hữu “không thể đứng sau bất kỳ ai” trong việc ủng hộ nhu cầu có “một liên minh xã hội vì niềm hy vọng, mang tính toàn diện và phi ý thức hệ, và hoạt động vì một tương lai được đánh dấu bằng nụ cười của nhiều bé trai và bé gái đến để lấp đầy quá nhiều cái nôi trống ở nhiều nơi trên thế giới”. (9)
Kêu gọi tôn trọng, điều kiện sống xứng đáng cho tù nhân, bãi bỏ án tử hình
Trong Năm Thánh, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta đưa ra “những dấu hiệu hy vọng hữu hình” cho các tù nhân “hàng ngày, bên cạnh sự khắc nghiệt của tù đày, còn phải mang cảm xúc trống rỗng, những hạn chế bị áp đặt và, trong một số trường hợp, thiếu tôn trọng”. Đức Thánh Cha đề xuất với các chính phủ là trong Năm Thánh “các hình thức ân xá hoặc xóa bỏ hình phạt” sẽ được thông qua, cũng như “các con đường tái hòa nhập cộng đồng tương ứng với cam kết cụ thể trong việc tuân thủ luật pháp”. Trên hết, Đức Thánh Cha hy vọng rằng “ở mọi nơi trên trái đất” “một tiếng nói” sẽ được hình thành để can đảm yêu cầu “những điều kiện xứng đáng cho các tù nhân, tôn trọng nhân quyền và trên hết là việc bãi bỏ án tử hình, một biện pháp trái ngược với đức tin Kitô giáo và điều này phá hủy mọi hy vọng về sự tha thứ và đổi mới”. (10)
Để trao cho các tù nhân một dấu hiệu cụ thể của sự gần gũi, chính Đức Thánh Cha, như ngài tuyên bố trong Sắc chỉ, sẽ mở Cửa Thánh trong một nhà tù.
Niềm hy vọng cho bệnh nhân và nhiệt huyết cho người trẻ
Đức Thánh Cha nói rằng những dấu hiệu hy vọng cũng nên được trao cho người bệnh, tại nhà hoặc tại bệnh viện: “Việc điều trị cho họ là một bài thánh ca ca ngợi phẩm giá con người”. (11) Những người trẻ thường thấy “ước mơ của mình sụp đổ” cũng cần có hy vọng. Ngài viết: “Ảo tưởng về ma túy, nguy cơ vi phạm và việc tìm kiếm sự phù du tạo ra trong họ nhiều hoang mang hơn những người khác và che giấu vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của cuộc sống, khiến họ rơi vào vực thẳm tối tăm và đẩy họ thực hiện những hành vi tự hủy hoại bản thân”. “Chúng ta không thể làm họ thất vọng”. (12)
Không có thành kiến và khép kín đối với người di cư
Đức Thánh Cha một lần nữa yêu cầu những mong đợi của người di cư “không bị thất vọng bởi những thành kiến và sự khép kín”. Ngài viết: “Nhiều người lưu vong, di dời và tị nạn, những người bị buộc phải chạy trốn do các sự kiện quốc tế gây tranh cãi để tránh chiến tranh, bạo lực và phân biệt đối xử, phải được đảm bảo an toàn và tiếp cận với công việc và giáo dục, những công cụ cần thiết để họ hòa nhập vào bối cảnh xã hội mới”. (13)
Con số người nghèo trên thế giới là một điều tai tiếng
Trong Sắc chỉ, Đức Thánh Cha không quên nhiều người già đang sống trong cô đơn và bị bỏ rơi. Ngài nói: đó là “một sự dấn thân” đối với cộng đồng Kitô hữu và xã hội dân sự để “cùng nhau làm việc vì sự liên minh giữa các thế hệ”. (14) Và ngài không quên “hàng tỷ” người nghèo không có những thứ thiết yếu để sống. Ngài nói: “Chúng ta gặp những người nghèo hoặc khó khăn mỗi ngày và đôi khi họ có thể là hàng xóm của chúng ta. Họ thường không có nhà ở hoặc thức ăn đầy đủ trong ngày. Họ phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người”. Theo Đức Thánh Cha, “thật là tai tiếng” khi người nghèo chiếm phần lớn dân số của một thế giới “được ban tặng những nguồn tài nguyên khổng lồ, phần lớn dành cho vũ khí”. (15)
Một quỹ toàn cầu để xóa đói
Do đó, điều cần thiết là “những người giàu có phải quảng đại” đối với những người thiếu nước và lương thực: “Đói kém là một tai họa gây tai tiếng trong cơ thể nhân loại chúng ta và mời gọi mọi người thức tỉnh lương tâm”. Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi, được đưa ra nhân dịp Cop28, để “với số tiền sử dụng cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta thành lập một quỹ toàn cầu để xóa bỏ nạn đói và vì sự phát triển của các nước nghèo nhất, để cư dân của họ không dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc lừa đảo và không bị buộc phải rời bỏ đất nước của mình để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn”. (16)
Xóa nợ cho các nước nghèo
Một lời mời chân thành khác dành cho các quốc gia giàu có nhất là “đồng ý xoá nợ cho những quốc gia không bao giờ có khả năng trả được”. Đức Thánh Cha viết: “Trước khi là một sự cao thượng, đó là vấn đề công lý, ngày nay trở nên trầm trọng hơn bởi một hình thức tội ác mới” chẳng hạn như “nợ sinh thái”, đặc biệt là giữa phía Bắc và phía Nam, liên quan đến “sự mất cân bằng thương mại với những hậu quả trong môi trường sinh thái”, chẳng hạn như việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không cân xứng trong lịch sử của một số quốc gia”. (16)
Chứng tá của các vị tử đạo
Trong Sắc chỉ Năm Thánh Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhìn vào chứng tá của các vị tử đạo, thuộc các truyền thống Kitô giáo khác nhau: “Những hạt giống hiệp nhất vì chúng diễn tả tính đại kết bằng máu”. Do đó, ngài bày tỏ “mong muốn sâu sắc” rằng trong Năm Thánh “sẽ không thiếu một buổi cử hành đại kết” nhằm làm nổi bật “sự phong phú” của chứng tá này. (20)
Tầm quan trọng của việc xưng tội
Sau đó, Đức Thánh Cha nói về Bí tích Sám hối “không chỉ là một cơ hội thiêng liêng tốt đẹp”, mà còn là “một bước quyết định, thiết yếu và không thể thiếu đối với hành trình đức tin của mỗi người”. (23) Do đó, ngài yêu cầu các Giáo hội địa phương phải đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị các linh mục và tín hữu xưng tội và lãnh nhận bí tích dưới hình thức cá nhân.
“Thực ra, không có cách nào tốt hơn để nhận biết Thiên Chúa hơn là để mình được Người hòa giải và nếm hưởng ơn tha thứ của Người”.
Công việc phục vụ của các Thừa Sai Lòng Thương Xót sẽ được tiếp tục
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha thông báo rằng các Thừa sai Lòng Thương Xót, được thành lập trong Năm Thánh ngoại thường, tiếp tục thực hiện “sứ vụ quan trọng” của họ, và mời gọi các Giám mục gửi họ đến những nơi mà “sự hy vọng bị thử thách mạnh mẽ”, chẳng hạn như nhà tù và bệnh viện, hoặc ở nơi “phẩm giá con người bị chà đạp”, “trong những hoàn cảnh thiệt thòi nhất và trong bối cảnh bị suy thoái nặng nề nhất”. (23)
“Đừng để ai bị tước đoạt cơ hội nhận được ơn tha thứ và sự an ủi của Thiên Chúa”.
Hành hương đến Roma
Những cuộc hành hương là “yếu tố cơ bản” của mọi sự kiện Năm Thánh. Đức Thánh Cha cho biết sẽ có một số hành trình đức tin được thực hiện vào năm tới tại Roma bên cạnh những hành trình truyền thống của các hang toại đạo và Bảy Nhà thờ.
“Các nhà thờ Năm Thánh, dọc theo các tuyến đường và trong thành phố, có thể sẽ là ốc đảo thiêng liêng, nơi chúng ta làm tươi mới hành trình đức tin và kín múc những nguồn suối hy vọng”. (5)
Lời mời các Giáo hội Đông phương và Chính Thống
Đức Thánh Cha ngỏ “lời mời đặc biệt” các tín hữu của các Giáo hội Đông phương đến Roma, đặc biệt là các Giáo hội đã hiệp thông với Người kế vị Thánh Phêrô, những người “đã phải chịu đau khổ rất nhiều, thường cho đến hy sinh mạng sống, vì lòng trung thành với Chúa Kitô và với Giáo hội”. Đức Thánh Cha viết: Những anh em này “phải cảm thấy được chào đón đặc biệt ở Roma này, nơi cũng là Mẹ của họ và lưu giữ nhiều kỷ ức về sự hiện diện của họ”. Đối với các anh chị em Chính Thống, những người đang trải qua “cuộc hành hương Đàng Thánh Giá”, bị buộc phải rời bỏ quê hương của mình vì bạo lực và bất ổn, Đức Thánh Cha nói: “Đối với họ, niềm hy vọng được Giáo hội yêu thương, rằng Giáo hội sẽ không bỏ rơi họ, nhưng sẽ theo họ bất cứ nơi nào họ đi, làm cho dấu chỉ Năm Thánh càng mạnh mẽ hơn”. (5)
Dừng lại cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ
Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hành hương đến cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ để tôn kính Đức Maria và cầu xin sự bảo vệ của Mẹ, để như thế, “đặc biệt những người đau khổ và gặp khó khăn, sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của những người mẹ trìu mến nhất, người không bao giờ bỏ rơi con mình”. (24)
Mong ước cuối cùng
Đức Thánh Cha hy vọng rằng Năm Thánh 2025 sẽ giúp mọi người “tái khám phá niềm tin tưởng cần thiết vào Giáo hội cũng như vào xã hội, vào các mối quan hệ giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng thụ tạo”. (25).
Nguồn : Vatican News